Microsoft thông báo hôm thứ Ba rằng họ đã ký hợp đồng cho một dự án tại bang Louisiana nhằm loại bỏ 6,75 triệu tấn dioxit các-bon (CO₂) trong vòng 15 năm mà theo công ty là dự án loại bỏ carbon vĩnh viễn lớn nhất thế giới cho đến nay.
Gã khổng lồ công nghệ này cho biết lượng khí nhà kính mà họ thải ra vào cuối năm 2023 là 17,2 triệu tấn, tăng 29,1% so với mức năm 2020, chủ yếu do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng phục vụ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Dự án được phát triển bởi công ty công nghệ thu giữ carbon AtmosClear, có trụ sở tại cảng Greater Baton Rouge, sẽ sử dụng các nguyên liệu như bã mía và phế phẩm từ lâm nghiệp để tạo ra năng lượng, đồng thời thu giữ lượng khí CO₂ đồng hành và lưu trữ dưới lòng đất.
Thỏa thuận này là một phần trong mục tiêu của Microsoft trở thành doanh nghiệp có lượng phát thải carbon âm vào năm 2030.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tương lai của các dự án thu giữ và lưu trữ carbon tại Mỹ đang bị đặt dấu hỏi, khi các chương trình ưu đãi như khoản tín dụng thuế liên bang 85 USD/tấn theo quy định 45Q đang có nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Trump xem xét cắt giảm trong các cuộc đàm phán ngân sách sắp tới. Chính quyền Trump đang nỗ lực đảo ngược nhiều chính sách giảm phát thải được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.
Các bên không bình luận liệu dự án có tiếp tục được triển khai nếu chính quyền Trump cắt giảm hoặc bãi bỏ khoản tín dụng thuế nói trên hay không.
Công ty Fidelis có trụ sở tại Texas – đơn vị sở hữu AtmosClear – cho biết họ dự kiến sử dụng tín dụng thuế 45Q cho phần lưu trữ carbon của dự án.
Fidelis ước tính dự án sẽ thu hút hơn 800 triệu USD đầu tư, tạo ra khoảng 75 việc làm lâu dài và 600 việc làm xây dựng, đồng thời có thể hồi sinh các công việc quản lý lâm nghiệp trong khu vực – vốn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các nhà máy gần đây.
Brian Marrs, Giám đốc cấp cao phụ trách năng lượng và carbon của Microsoft, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty đánh giá cao việc dự án chú trọng tạo việc làm cho cộng đồng nông nghiệp địa phương. Ông cũng cho rằng điều này sẽ khẳng định vai trò dẫn đầu của bang Louisiana trong việc trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ quản lý carbon.
Các quan chức bang Louisiana hiện đang tích cực vận động Bộ Năng lượng Mỹ và các thành viên Quốc hội để giữ lại nguồn tài trợ liên bang cho kế hoạch xây dựng trung tâm Direct Air Capture (thu giữ khí CO₂ trực tiếp từ không khí) tại quận Calcasieu, đồng thời bảo vệ khoản tín dụng thuế 45Q.
Việc xây dựng nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026, và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2029.
Logo Microsoft tại triển lãm Hannover Messe. Ảnh: Reuters