Tối thứ Bảy, 12-4, một tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, đưa thêm một lô vệ tinh internet không dây lên quỹ đạo.
Falcon 9 rời bệ phóng Complex-39A lúc 8:53 tối theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (7:53 sáng Chủ nhật ngày 13-4 giờ Việt Nam), mang theo 21 vệ tinh Starlink hướng tới quỹ đạo Trái Đất thấp.
Tầng đẩy đầu tiên của Falcon 9, có ký hiệu B1083, tách khỏi tầng trên của tên lửa khoảng 2,5 phút sau khi phóng. Khoảng sáu phút sau đó, B1083 thực hiện cú đốt hãm để hạ cánh an toàn lên tàu không người lái A Shortfall of Gravitas của SpaceX neo ngoài Đại Tây Dương.
Trong khi đó, tầng trên của tên lửa tiếp tục hành trình vào quỹ đạo thấp cùng 21 vệ tinh. Trong số đó, 13 vệ tinh được trang bị công nghệ kết nối trực tiếp điện thoại (Direct to Cell) của SpaceX – nhằm loại bỏ các vùng chết tín hiệu di động trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, SpaceX đã hợp tác với T-Mobile để đưa công nghệ này đến tay người dùng.
Khoảng một giờ sau khi phóng, các vệ tinh Starlink bắt đầu được thả ra, từng chiếc một, để tự điều chỉnh vị trí vào các quỹ đạo cụ thể, gia nhập vào mạng lưới vệ tinh đang phát triển nhanh chóng của SpaceX.
Mạng lưới Starlink hiện tại đã có hơn 7.000 vệ tinh, hoạt động như một lưới phủ gần như toàn bộ Trái Đất, ngoại trừ các vùng cực. Starlink cung cấp internet tốc độ cao, độ trễ thấp từ bất cứ nơi nào người dùng có thể nhận tín hiệu vệ tinh – và mạng lưới này vẫn đang mở rộng mỗi tuần.
Vụ phóng tối thứ Bảy là sứ mệnh Falcon 9 thứ 42 trong năm 2025 của SpaceX, trong đó 28 vụ phóng là để đưa các lô vệ tinh Starlink vào quỹ đạo.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa 21 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX