Nhà Trắng đang đề xuất cắt giảm sâu chương trình khoa học của NASA, điều mà nếu được thực thi, sẽ dẫn đến việc hủy bỏ một loạt sứ mệnh quan trọng, đi ngược lại với những phát biểu trước đó của ứng cử viên được chính quyền đề cử làm người đứng đầu cơ quan này.
Bản dự thảo ngân sách của Nhà Trắng, được Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) gửi tới NASA vào ngày 10 tháng 4, đề xuất cắt giảm khoảng 20% tổng mức chi tiêu của cơ quan này, nhưng riêng chương trình khoa học sẽ bị cắt gần 50% trong năm 2026.
Tài liệu này, được gọi là “passback”, tương tự bản trả lời ý kiến phản hồi, không được công bố rộng rãi mà chỉ được gửi tới các cơ quan như NASA để họ có thể đưa ra kiến nghị cuối cùng trước khi ngân sách chính thức được trình bày.
Theo các nguồn tin am hiểu chi tiết, ngân sách của NASA sẽ bị cắt giảm xuống còn khoảng 20 tỷ USD. Trước đó, NASA được phân bổ khoảng 25 tỷ USD cho năm tài khóa 2025 theo một nghị quyết tạm thời duy trì mức chi tiêu như năm 2024.
Nghị quyết này quy định mức tài trợ cho Ban Giám đốc các Sứ mệnh Khoa học của NASA khoảng 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, bản passback chỉ phân bổ 3,9 tỷ USD cho năm 2026 – giảm gần một nửa so với năm 2025.
Lĩnh vực thiên văn học của NASA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lĩnh vực này đã nhận được khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2024 (NASA chưa hoàn tất việc phân bổ ngân sách cho năm 2025), nhưng năm 2026 sẽ chỉ còn chưa đến 500 triệu USD. Đề xuất ngân sách còn đề cập đến việc hủy bỏ Kính viễn vọng Không gian Nancy Grace Roman – một dự án đang theo đúng tiến độ để phóng vào cuối năm 2026.
Lĩnh vực khoa học Trái Đất sẽ bị cắt hơn 50%, chỉ còn hơn 1 tỷ USD, trong khi ngành khoa học nghiên cứu về Mặt Trời (vật lý Heli) sẽ bị cắt gần 50%, xuống còn khoảng 450 triệu USD.
Ngân sách đề xuất sẽ cấp khoảng 1,9 tỷ USD cho lĩnh vực khoa học hành tinh – giảm khoảng một phần ba so với năm 2024. Tuy nhiên, nó sẽ dẫn đến việc hủy bỏ chương trình Trả Mẫu Vật từ Sao Hỏa, vốn đã gặp phải nhiều vấn đề về chi phí và tiến độ, khiến NASA phải xem xét các phương án thay thế từ tháng 1. Dự án DAVINCI – một sứ mệnh thăm dò sao Kim được chọn từ gần bốn năm trước – cũng sẽ bị hủy.
Bản passback dường như xác nhận các tin đồn đã lan truyền trong giới khoa học vũ trụ nhiều tuần nay rằng chính quyền Trump sẽ cắt giảm mạnh ngân sách khoa học của NASA. Tại một sự kiện ngày 6-4, Hạ nghị sĩ George Whitesides (Dân chủ – California), Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học Hạ viện, cho biết ông đã nhận được thông tin rằng các sứ mệnh khoa học Trái Đất của NASA, đặc biệt là những dự án mới hoặc đang trong giai đoạn hoạt động mở rộng, đã được chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch chấm dứt vào năm tài khóa 2026.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7-4 tại Hội nghị Không gian lần thứ 40, Quyền Giám đốc NASA Janet Petro nói bà không biết gì về chỉ đạo yêu cầu chuẩn bị kế hoạch kết thúc các sứ mệnh, và gọi các báo cáo về việc cắt giảm mạnh là “tin đồn từ những nguồn không đáng tin.” Tuy nhiên, một nguồn tin trong ngành sau đó đã chia sẻ tài liệu cho thấy những chỉ đạo này thực sự đã được gửi đến các nhóm dự án.
Bản passback mâu thuẫn với những phát biểu của Jared Isaacman – ứng viên do Nhà Trắng đề cử làm Giám đốc NASA – trong phiên điều trần phê chuẩn ngày 9-4. “Tôi là người ủng hộ khoa học,” ông nói, dẫn chứng việc từng công khai bảo vệ Đài quan sát Tia X Chandra của NASA, vốn bị đe dọa cắt giảm trong đề xuất ngân sách 2025.
“NASA sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho khoa học,” ông nói. “Chúng tôi sẽ tận dụng năng lực khoa học và chuyên môn của NASA để hỗ trợ các viện nghiên cứu và doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ khám phá mang tính đột phá. Chúng tôi sẽ phóng thêm kính viễn vọng, tàu thăm dò, xe tự hành và nỗ lực tìm hiểu hành tinh của chúng ta cũng như vũ trụ rộng lớn bên ngoài.”
Bản passback đã gây lo ngại sâu sắc trong giới khoa học và một số thành viên chủ chốt của Quốc hội.
“Đề xuất ngân sách từ Nhà Trắng – cắt giảm 47% ngân sách khoa học của NASA – sẽ đẩy cơ quan này vào thời kỳ đen tối,” Tổ chức Planetary Society tuyên bố, cho rằng điều đó sẽ “chấm dứt trước thời hạn hàng chục phương tiện vũ trụ đang hoạt động hiệu quả” và “ngừng phát triển hầu hết các dự án khoa học tương lai của NASA.”
“Những cắt giảm này không chỉ tàn phá cộng đồng khoa học thiên văn mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho cả quốc gia,” bà Dara Norman, Chủ tịch Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ phát biểu. Bà lưu ý việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến cả các sứ mệnh lẫn nguồn tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học. “Chắc chắn điều này sẽ khiến nước Mỹ mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học.”
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (Dân chủ – Maryland), thành viên cao cấp của Tiểu ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện về thương mại, tư pháp và khoa học – đơn vị cấp ngân sách cho NASA – bày tỏ lo ngại về tác động của các khoản cắt giảm đối với Trung tâm Bay Không gian Goddard của NASA tại Maryland.
“Cắt giảm mạnh ngân sách cho NASA Goddard và Ban Giám đốc Sứ mệnh Khoa học NASA không chỉ là thiển cận mà còn nguy hiểm,” ông nói. Ông gọi bản passback là một “đề xuất hoàn toàn không nghiêm túc” và tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng để bảo vệ công việc trọng yếu đang được thực hiện tại NASA Goddard.”
“Cuộc tấn công của Donald Trump nhằm vào NASA chẳng khác gì một hành động tự hủy hoại quốc gia, và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực khoa học, mục tiêu nghiên cứu và vị thế quốc tế của chúng ta,” Thượng nghị sĩ Adam Schiff (Dân chủ – California) tuyên bố vào tối 11-4.
Ông đặc biệt lo ngại về việc đề xuất hủy bỏ chương trình Trả Mẫu Vật từ Sao Hỏa do Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) tại California thực hiện. “Đó là món quà cho Trung Quốc và là cái tát vào mặt những người đã dành nhiều năm cống hiến để đưa chương trình không gian Hoa Kỳ trở thành số một thế giới.”
“Nếu thực hiện những cắt giảm phi lý này, NASA sẽ không thể hoàn thành các sứ mệnh cốt lõi, làm gián đoạn lợi ích xã hội mà cơ quan này mang lại, và hủy hoại toàn bộ nỗ lực khoa học không gian và Trái Đất của Hoa Kỳ – vứt bỏ hàng tỷ USD tiền thuế đã đầu tư,” Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren (Dân chủ – California), thành viên cấp cao của Ủy ban Khoa học Hạ viện, phát biểu.
Ngay cả Elon Musk – Giám đốc điều hành SpaceX và cố vấn thân cận của Tổng thống Trump – cũng tỏ ra lo ngại trước bản passback ngân sách của NASA. “Đáng lo ngại,” ông đăng trên mạng xã hội để phản hồi một bài viết về các khoản cắt giảm khoa học được đề xuất. “Tôi rất ủng hộ khoa học, nhưng đáng tiếc là không thể tham gia thảo luận ngân sách NASA vì SpaceX là nhà thầu lớn của cơ quan này.”
Kính viễn vọng không gian Roman của NASA, hiện đang được phát triển đúng tiến độ cho ngày phóng cuối năm 2026, sẽ bị hủy trong đề xuất ngân sách năm 2026 của Nhà Trắng. Ảnh: NASA