Nền móng của hệ thống tài chính đã rung chuyển vào thứ Sáu, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt (lợi suất đi ngược chiều với giá trái phiếu) do việc triển khai các mức thuế quan một cách hỗn loạn khiến giới đầu tư lung lay niềm tin vào vai trò trung tâm của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trái phiếu chính phủ Mỹ – gọi là Treasuries vì do Bộ Tài chính Hoa Kỳ phát hành – được bảo đảm bằng uy tín hoàn toàn của chính phủ Mỹ, và từ lâu thị trường trái phiếu này được xem là một trong những nơi an toàn và ổn định nhất thế giới.
Nhưng hành vi bất thường của thị trường trái phiếu trong suốt tuần qua đã làm dấy lên lo ngại rằng các nhà đầu tư đang quay lưng với tài sản Mỹ khi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào ngày càng leo thang.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm – vốn là cơ sở cho lãi suất vay tiêu dùng và doanh nghiệp, và được xem là lãi suất quan trọng nhất thế giới – đã tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm vào thứ Sáu. Mức tăng này cộng dồn với các biến động mạnh trong tuần, khiến lợi suất trái phiếu 10 năm tăng từ dưới 4% vào cuối tuần trước lên khoảng 4,5% trong tuần này.
Mặc dù các con số có vẻ nhỏ, nhưng đây là những biến động lớn đối với thị trường trái phiếu, khiến giới đầu tư cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump đang gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng. Điều này cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng – nếu bạn có khoản vay thế chấp mua nhà hoặc mua xe, lãi suất bạn phải trả sẽ liên quan đến lợi suất trái phiếu 10 năm.
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm thường được xem là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư mỗi khi thị trường chứng khoán biến động, nhưng sự gia tăng lợi suất mạnh mẽ trong tuần này đã khiến thị trường trái phiếu trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Lợi suất của một trái phiếu tăng khi giá của nó giảm. Vì vậy, khi lợi suất tăng một cách bất ngờ, những nhà đầu tư trên khắp thế giới đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ đang chứng kiến giá trị tài sản của họ giảm mạnh.
Theo các nhà phân tích, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng đang tăng với tốc độ mang tính lịch sử. Trái phiếu này đặc biệt được các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm ưa chuộng vì họ có các khoản chi trả trong tương lai nên cần những tài sản có thời hạn dài để cân đối.
“Chuyện này không bình thường,” Ajay Rajadhyaksha – Chủ tịch toàn cầu phụ trách nghiên cứu tại Barclays – viết trong một báo cáo ngày thứ Sáu. Ông cho rằng nguyên nhân có thể đến từ làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư châu Á do lo ngại về thuế quan, cũng như việc thu hồi những khoản đầu tư có đòn bẩy cao trong thị trường trái phiếu. “Dù là nguyên nhân gì đi nữa, thị trường trái phiếu đang gặp rắc rối,” ông nói.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng 0,44 điểm phần trăm trong tuần này, và gần như đi ngang trong phiên thứ Sáu. Biến động này cho thấy nhu cầu với trái phiếu dài hạn đã thay đổi mạnh.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ kiểm soát một vài mức lãi suất ngắn hạn, và các mức lãi suất khác trên thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp. Nhưng lãi suất kỳ hạn dài thì ít chịu ảnh hưởng từ Fed hơn.
“Một khi đã đi đến phía xa của đường cong lợi suất, Fed không còn nhiều ảnh hưởng,” Matt Eagan – quản lý danh mục tại Loomis, Sayles & Company – nói. “Số lượng người mua tự nhiên trên thị trường đó không nhiều, nên chỉ cần thay đổi nhỏ về cung cầu cũng khiến biến động lớn.”
Thông thường, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có quy mô gần 30 nghìn tỷ USD là quá lớn để bị ảnh hưởng bởi các thay đổi nhỏ trong nhu cầu mua – điều này càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của những biến động hiện tại.
Chỉ số đo mức độ biến động của thị trường trái phiếu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2023.
“Chúng tôi đã chứng kiến một lượng lớn trái phiếu bị bán tháo,” Vishal Khanduja – quản lý danh mục quỹ trái phiếu tại Morgan Stanley Investment Management – cho biết.
Một dấu hiệu đáng lo ngại khác trong tuần này là sự sụt giảm của đồng USD, vốn đã mất 0,8% giá trị so với một rổ tiền tệ đại diện cho các đối tác thương mại lớn vào thứ Sáu. Tất cả các đồng tiền thuộc nhóm G10 đều tăng giá so với đồng đô la – cho thấy xu hướng tránh xa tài sản Mỹ.
Việc đồng đô la yếu đi trong khi cả trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Mỹ cùng bị bán tháo là một điều hiếm thấy, vì đồng đô la vốn thường được xem là nơi trú ẩn an toàn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Bất chấp đà suy giảm kéo dài nhiều tháng của thị trường chứng khoán, vốn đang tiến gần đến thị trường giá xuống (bear market), chính thị trường trái phiếu mới là nguyên nhân khiến ông Trump phải tạm hoãn phần lớn các mức thuế với nhiều quốc gia vào hôm thứ Tư.
“Rủi ro lớn nhất hiện nay chính là thị trường trái phiếu chính phủ,” ông Eagan nói.
Đối với các nhà đầu tư, những biến động hiện tại gợi lại các cú sốc mạnh từ đợt bán tháo do đại dịch COVID-19 vào tháng 3-2020, và trước đó là đợt biến động vào tháng 9-2019. Cả hai sự kiện đều khiến Fed phải can thiệp nhanh chóng để ổn định thị trường.
Lần này, Fed đang ở thế khó hơn. Các mức thuế mới làm tăng lạm phát – điều khiến Fed cần giữ lãi suất ở mức cao. Nhưng nếu muốn hỗ trợ thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế, Fed nên hạ lãi suất – điều mà đến nay họ vẫn từ chối thực hiện.
Vào thứ Sáu, một chỉ số tiêu dùng quan trọng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm. Kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới tăng vọt, cho thấy Fed đang đối mặt với thách thức lớn.
Trong khi đó, việc thực thi thuế quan một cách hỗn loạn trong tuần này – rồi lại tạm hoãn một phần – cộng với việc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, khiến giới đầu tư toàn cầu không còn chắc chắn liệu có thể tiếp tục tin tưởng vào thị trường trái phiếu Mỹ hay thậm chí đồng đô la Mỹ như là những tài sản an toàn.
Các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chủ sở hữu lớn nhất của nợ chính phủ Mỹ. Theo dữ liệu chính thức, Nhật Bản là quốc gia nắm giữ nhiều nhất, với hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ. Đứng sau là Trung Quốc, với 760 tỷ USD, nhưng con số này của Trung Quốc đã giảm hơn 250 tỷ USD kể từ năm 2021.
“MỌI NGƯỜI HÃY TỈNH TÁO,” Andrew Brenner – nhà giao dịch trái phiếu kỳ cựu và trưởng bộ phận thu nhập cố định quốc tế tại National Alliance Securities – viết trong một email ngắn. “ĐÂY LÀ DÒNG TIỀN NƯỚC NGOÀI ĐANG RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU VÌ CHÍNH SÁCH THUẾ QUAN.”
Một số nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng nếu các nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhanh hơn nữa, lợi suất trái phiếu Mỹ – và theo đó là lãi suất toàn hệ thống tài chính Mỹ – sẽ tiếp tục tăng.
“Gây sự với các đối tác thương mại lớn – vốn cũng là những người mua trái phiếu tài trợ cho nợ công của bạn – là điều đặc biệt rủi ro trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn mà lại không có kế hoạch đáng tin cậy để kiểm soát,” ông Eagan cảnh báo.
Trong khi đó, các lựa chọn tài sản thay thế trên thế giới đang được hưởng lợi. Đức mới đây đã công bố kế hoạch tăng đầu tư quốc phòng, tài trợ bằng cách phát hành nợ mới. Thị trường trái phiếu của Đức được xem là chuẩn mực của châu Âu và thường được so sánh với thị trường trái phiếu Mỹ.
Khi lo ngại về thuế quan bắt đầu gia tăng vào tuần trước, khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm và trái phiếu Mỹ cùng kỳ hạn đã thu hẹp – vì nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn là Mỹ.
Nhưng điều đó đã nhanh chóng đảo chiều.
Thông tin chứng khoán Mỹ tại Nasdaq MarketSite ở New York ngày 9-4-2025. Ảnh: Bloomberg
Trái phiếu Đức “hút hàng”Từ lâu, Đức đã bị chỉ trích bởi Phố Wall và các trung tâm tài chính khắp châu Âu vì chính sách tài khóa cực kỳ thận trọng, giúp duy trì mức nợ công của nước này ở mức thấp. Nhưng khi thị trường toàn cầu chao đảo trong tuần qua, các nhà đầu tư lại đánh giá cao sự cẩn trọng này của Đức bằng cách đổ xô mua trái phiếu chính phủ của nước này. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức — vốn biến động ngược chiều với giá — đã giảm xuống còn 2,56%, gần mức thấp nhất trong hơn một tháng. Điều này càng đáng chú ý khi so sánh với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm — được xem là lãi suất quan trọng nhất thế giới — đã tăng vọt. Vào thứ Sáu, lợi suất 10 năm của Mỹ ở mức khoảng 4,5%, tăng gần nửa điểm phần trăm chỉ trong một tuần — một biến động lớn đối với thị trường này. Các giới hạn nghiêm ngặt về vay nợ của chính phủ đã giúp Đức duy trì xếp hạng tín nhiệm cao nhất (AAA). Tuy nhiên, tháng trước, các nhà lập pháp nước này đã quyết định cho phép chính phủ tiếp theo được gỡ bỏ giới hạn vay nợ và vay thêm hàng nghìn tỷ euro để tăng cường quốc phòng và khắc phục cơ sở hạ tầng công đang xuống cấp. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Đức cũng đang chịu tác động mạnh từ các mức thuế quan, do ngành công nghiệp ô tô và các doanh nghiệp công nghiệp khác có lượng giao thương lớn với Hoa Kỳ. Viễn cảnh vay nợ thêm và nền kinh tế chậm lại bắt đầu gây áp lực lên thị trường trái phiếu Đức. Tuy nhiên, sự hỗn loạn ở các nơi khác trong vài tuần qua đã khiến nhà đầu tư quay lại với trái phiếu Đức như một nơi trú ẩn an toàn. Trong tuần này, ông Friedrich Merz — người sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức — cũng đã công bố kế hoạch của chính phủ mới, bao gồm một chương trình kinh tế nhằm khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Và trước khi tiến hành kế hoạch vay nợ lớn, Đức vẫn đang hưởng lợi từ tỷ lệ nợ thấp so với quy mô nền kinh tế — khoảng 60% GDP. “Rất đáng chú ý” khi trong thời điểm căng thẳng, trái phiếu Đức lại trở thành “nơi trú ẩn được ưu tiên” thay vì trái phiếu chính phủ Mỹ, theo ông Sander Tordoir, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu — một viện nghiên cứu. “Dường như giờ đây đã có một mức phí an toàn thực sự được áp vào nợ công của Đức,” ông nói. |