Thay vì phải dùng thuốc để giảm bớt triệu chứng say tàu, xe (motion sickness), các nhà khoa học tại Đại học Nagoya, Nhật Bản đã tìm ra giải pháp khoa học: sử dụng âm thanh tần số 100 Hz kích thích tai trong.
Một nhóm nghiên cứu do Takumi Kagawa và Masashi Kato thuộc Trường Sau đại học Y học Đại học Nagoya dẫn đầu đã phát hiện “một công nghệ kích thích âm thanh độc đáo” – một thiết bị nhắm vào tai trong bằng sóng âm thanh đặc biệt – có thể làm giảm các triệu chứng say tàu xe. Chỉ một phút kích thích đã giúp giảm đáng kể cảm giác chóng mặt và khó chịu ở những người đọc sách khi đang di chuyển trên phương tiện.
Kết quả nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Environmental Health and Preventive Medicine, chỉ ra một phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả cho tình trạng phổ biến này.
“Chúng tôi chứng minh rằng việc kích thích ngắn hạn bằng một loại âm thanh đặc biệt có tên là ‘gia vị âm thanh’ (sound spice) giúp giảm các triệu chứng say tàu xe như buồn nôn và chóng mặt,” Kagawa cho biết. “Mức âm thanh hiệu quả nằm trong phạm vi tiếng ồn môi trường hàng ngày, cho thấy công nghệ này vừa hiệu quả lại vừa an toàn.”
Phát hiện này mở rộng từ những nghiên cứu gần đây về tác động của âm thanh lên tai trong. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc kích thích vùng tai trong liên quan đến khả năng giữ thăng bằng bằng một loại âm thanh đặc biệt có thể giúp cải thiện sự cân bằng. Thông qua nghiên cứu trên chuột và con người, nhóm nghiên cứu xác định rằng âm thanh có tần số 100 Hz là tần số tối ưu.
Âm thanh tác động đến tai trong như thế nào?
“Rung động từ loại âm thanh này kích thích cơ quan otolith trong tai trong – nơi phát hiện gia tốc tuyến tính và lực hấp dẫn,” Kato giải thích. “Điều này cho thấy rằng âm thanh đặc biệt có thể kích hoạt toàn diện hệ thống tiền đình (vestibular system) – cơ quan chịu trách nhiệm giữ thăng bằng và định hướng không gian.”
Để kiểm tra hiệu quả, nhóm nghiên cứu tuyển chọn những người tham gia tình nguyện và cho họ tiếp xúc với âm thanh đặc biệt. Sau đó, họ được đặt trong các tình huống gây say tàu xe như ngồi xích đu, mô phỏng lái xe, hoặc di chuyển bằng ô tô. Các nhà nghiên cứu sử dụng các chỉ số như kiểm soát tư thế, đo điện tim và bảng câu hỏi đánh giá say tàu xe để đánh giá hiệu quả.
Tiếp xúc với âm thanh đặc biệt trước khi trải nghiệm mô phỏng lái xe giúp tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Các triệu chứng như “choáng váng” và “buồn nôn” – vốn phổ biến khi bị say tàu xe – đã được giảm bớt.
“Kết quả này cho thấy rằng âm thanh độc đáo giúp cải thiện hoạt động của hệ thần kinh giao cảm – vốn thường bị rối loạn khi say tàu xe,” Kato nói thêm.
“Mức độ rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc ngắn hạn với loại âm thanh này là tối thiểu,” Kagawa cho biết. “Vì cường độ âm thanh thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn an toàn tiếng ồn tại nơi làm việc, nên việc sử dụng đúng cách sẽ rất an toàn.”
Kết quả nghiên cứu mở ra một phương pháp hiệu quả và an toàn để cải thiện chứng say tàu xe, có thể giúp hàng triệu người trên toàn thế giới. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiếp tục phát triển công nghệ này nhằm ứng dụng thực tiễn cho nhiều phương tiện di chuyển khác nhau như máy bay hay tàu thủy.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nagoya phát hiện rằng việc kích thích tai trong bằng âm thanh tần số 100 Hz – gọi là “gia vị âm thanh” – có thể giảm đáng kể các triệu chứng say tàu xe như buồn nôn và chóng mặt. Công nghệ đơn giản và an toàn này kích hoạt hệ thống tiền đình, giúp cải thiện thăng bằng và mang đến giải pháp đầy hứa hẹn cho chứng say tàu xe trong nhiều tình huống di chuyển khác nhau.