
Tổng thống Donald Trump vừa châm ngòi cho một cuộc đối đầu trực tiếp với quốc gia duy nhất có thể đánh bại Mỹ trong một cuộc chiến thương mại.
Việc Trump leo thang với Trung Quốc — nơi sắp phải đối mặt với mức thuế ít nhất 104% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ — là bước ngoặt nghiêm trọng nhất trong chiến dịch áp thuế toàn cầu của ông, và cũng có tiềm năng lớn nhất gây phản tác dụng nghiêm trọng đối với người dân Mỹ qua việc giá cả leo thang.
Cuộc đối đầu này là hệ quả của nhiều năm Mỹ nỗ lực giải quyết những lạm dụng thương mại bị cho là đến từ Trung Quốc. Đây cũng là đỉnh điểm của hơn một thập kỷ căng thẳng gia tăng do sự chuyển mình mang tính dân tộc chủ nghĩa và quyết đoán từ một đối thủ Thái Bình Dương đang ngày càng thù địch và có vẻ như sẵn sàng thách thức sức mạnh của Mỹ.
Đây là một cột mốc đen tối (a dark landmark) trong quan hệ ngoại giao sẽ định hình thế kỷ 21, đồng thời đánh dấu sự thất bại trong nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm ngăn căng thẳng bùng phát thành một cuộc chiến thương mại toàn diện — hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn — giữa hai cường quốc.
Mỹ đã cố gắng điều tiết sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn 50 năm qua — kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon đến gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông nhằm “mở cửa” một quốc gia bị cô lập và nghèo nàn, đồng thời chia rẽ (drive a wedge) các nhà lãnh đạo Trung Quốc với đồng minh Liên Xô cũ. Gần 25 năm đã trôi qua kể từ cột mốc khác: khi Mỹ đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với hy vọng thúc đẩy sự thay đổi dân chủ và ràng buộc Bắc Kinh vào một hệ thống kinh tế theo luật lệ phương Tây.
Cơ hội đạt được thỏa thuận với Trung Quốc ngày càng mờ mịt
Trump tuyên bố có hàng chục quốc gia sẵn sàng ký các thỏa thuận thương mại nhằm giảm bớt gánh nặng thuế quan Mỹ. Nhưng Trung Quốc không nằm trong số đó.
Bắc Kinh đã bác bỏ cảnh báo của Trump không được trả đũa trước mức thuế 34% trước đó, khẳng định rằng họ sẵn sàng “chiến đấu đến cùng.” Lãnh đạo Mỹ, trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Chủ tịch Tập Cận Bình, buộc phải giữ uy tín bằng cách thực hiện lời đe dọa (making good on his threat) áp một mức thuế khổng lồ đối với hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào ngày thứ Tư, 9-4.
“Những quốc gia như Trung Quốc chọn cách trả đũa và tiếp tục hành xử bất công với người lao động Mỹ đang phạm sai lầm,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phát biểu hôm thứ Ba. “Tổng thống Trump có một ý chí thép (a spine of steel), ông sẽ không khuất phục, và nước Mỹ cũng sẽ không gục ngã dưới sự lãnh đạo của ông.”
Việc dùng vốn chính trị và uy tín cá nhân to lớn mà Trump đang đặt cược trong cuộc đối đầu với Tập Cận Bình khiến đây trở thành bước đi nghiêm trọng nhất trong một tuần đầy biến động kể từ khi ông công bố mức thuế “Ngày Giải phóng” tại Vườn Hồng Nhà Trắng.
Trung Quốc đang thể hiện mọi dấu hiệu cho thấy họ tin rằng mình có thể vượt qua Trump trong cuộc đối đầu mà họ đã chuẩn bị từ nhiều năm nay. Và không rõ liệu Trump cùng các cố vấn hàng đầu có thực sự sẵn sàng đối mặt với sự kiên cường của Trung Quốc cũng như những tổn thương mà họ có thể gây ra cho người tiêu dùng Mỹ hay không.
Nếu tổng thống Mỹ cho rằng mối “quan hệ tuyệt vời” với Tập mà ông liên tục ca ngợi sẽ giúp Trung Quốc sớm nhượng bộ (Chinese climbdown) thì ông đã sai. Triển vọng về một thỏa thuận thương mại giống như nhiệm kỳ đầu của Trump — thỏa thuận vốn đã gần như sụp đổ vì đại dịch — giờ đây dường như rất xa vời.
Căng thẳng lên cao vì cả hai bên đều tự tin
Những tuyên bố của Trump rằng Mỹ đã bị các đối tác thương mại “cưỡng đoạt” và “tàn phá” là phóng đại. Nhưng các tuyên bố của ông về hành vi của Bắc Kinh được nhiều đời tổng thống khác chia sẻ. Căng thẳng thường bùng phát xung quanh vấn đề bán phá giá, quyền tiếp cận thị trường đối với các công ty Mỹ, ăn cắp sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ và gián điệp công nghiệp. Các chính quyền trước đây áp dụng biện pháp thực thi có mục tiêu và các hình phạt khác nhằm điều chỉnh hành vi của Trung Quốc. Nhiều năm bất đồng đã góp phần tạo nên một học thuyết lưỡng đảng tại Washington rằng Bắc Kinh là mối đe dọa quân sự và kinh tế lớn nhất đối với quyền lực Mỹ.
Tuy nhiên, sự quyết liệt của Trump là chưa từng có. Ông tin rằng mình có cơ hội duy nhất — và có thể là cuối cùng — để thay đổi cục diện giữa Mỹ và quốc gia mà Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ gọi là nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. “Chúng ta chỉ có một cơ hội,” Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm thứ Hai.
Nhưng phương pháp của ông thiếu chọn lọc và không có chiến lược rõ ràng.
Trong khi đó Phó Tổng thống JD Vance tuần trước đã chế nhạo Trung Quốc khi chỉ trích chính sách thương mại trước đây của Mỹ. “Chúng ta vay tiền từ những người nông dân Trung Quốc để mua những thứ do chính họ sản xuất,” ông nói. “Đó không phải là công thức cho sự thịnh vượng kinh tế. Không phải công thức cho giá rẻ, cũng không phải công thức cho công việc tốt ở Mỹ,” Vance phát biểu trên chương trình “Fox & Friends.”
Những lời lẽ coi thường của phó tổng thống rõ rang là đã bỏ qua sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc. Quốc gia này hiện là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu về đổi mới trong trí tuệ nhân tạo, xe điện, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác. Bắc Kinh hôm thứ Ba đã lên án phát biểu của Vance là “gây kinh ngạc,” “đáng tiếc,” “thiếu hiểu biết” và “xúc phạm.”
Có những lý do chính trị, toàn cầu và kinh tế mang tính sống còn khiến Tập Cận Bình không thể nhượng bộ.
Nhà lãnh đạo cứng rắn của Trung Quốc tự cho mình là chất xúc tác lịch sử cho sự trở lại chính đáng của nền văn minh Trung Hoa với quyền lực và uy thế. Do đó, việc nhượng bộ trước một tổng thống Mỹ ăn nói cứng rắn là điều không thể tưởng tượng được. Thể hiện sự yếu đuối trước Hoa Kỳ cũng sẽ làm suy giảm sức mạnh của Trung Quốc và bị coi là mất thể diện — đặc biệt là trong khu vực châu Á.
Trong khi đó, các phát biểu của Trung Quốc lại đầy rẫy giả định rằng Hoa Kỳ đang cố gắng hủy hoại nền kinh tế và hệ thống chính trị của nước này. Ví dụ, phát ngôn viên Liu Pengyu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hôm thứ Ba đã lên án các mức thuế của Hoa Kỳ là “lạm dụng” và là sự xâm phạm đến “quyền lợi hợp pháp” của Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tràn ngập những khẳng định chắc nịch rằng nước Mỹ là một đế chế đang suy tàn (an empire in decline). Thay vì được xem là biểu hiện của sức mạnh, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump và tình trạng hỗn loạn chính trị mà ông khơi mào lại bị nhìn nhận như dấu hiệu của sự yếu kém.
Sự tự tin của Trung Quốc trước một cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ còn bắt nguồn từ việc Tập Cận Bình đã tái định hướng và hiện đại hóa nền kinh tế nước này.
“Tôi nghĩ nếu bạn là Tập Cận Bình lúc này, bạn sẽ nghĩ rằng, ‘Về những thước đo mà tôi quan tâm — khả năng phục hồi công nghệ và tự lực tự cường — thì chúng tôi đang ổn, những mức thuế này có thể sẽ không tác động ngay lập tức đến chúng tôi,’” Lily McElwee, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định. Tập cũng có thể tin rằng ngoài sức mạnh cốt lõi, Trung Quốc còn có “các công cụ trả đũa mà họ có thể áp dụng, và chúng sẽ gây tổn hại không nhỏ cho Hoa Kỳ,” McElwee — hiện cũng là Chủ tịch kiêm CEO của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Phoenix — nói.
Nếu lạm phát ở Mỹ tăng vọt và dẫn đến suy thoái, có thể chính người Mỹ sẽ là bên yêu cầu hòa hoãn thương mại với những điều kiện có lợi cho Bắc Kinh.
Người Mỹ sắp cảm nhận nỗi đau kinh tế thực sự
Nỗi đau đang đến với người tiêu dùng Mỹ.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Trung Quốc lâu nay là nước cung cấp hàng hóa nước ngoài lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 16% tổng lượng hàng nhập khẩu trong những năm gần đây. Trung Quốc thống trị thị trường điện thoại thông minh, máy tính và đồ chơi — những mặt hàng có khả năng sẽ chịu mức tăng giá khổng lồ khiến nhiều người Mỹ không thể mua nổi khi mức thuế mới có hiệu lực. Kết hợp với các mức thuế của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, vốn mở rộng từ các mức thuế của Trump trong nhiệm kỳ đầu, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức thuế trung bình trong thực tế là 125%.
Bắc Kinh cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt khác đối với Hoa Kỳ, chẳng hạn như ngừng cấp phép xuất khẩu các khoáng sản đất hiếm vốn cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghệ Mỹ — đây cũng là một trong những lý do khiến Trump từng bị ám ảnh với việc tìm kiếm nguồn cung thay thế ở những nơi như Ukraine và Greenland.
Sau khi chứng kiến tác động lạm phát nghiêm trọng ở Mỹ do đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể chọn áp đặt các hạn chế nhân tạo mới đối với dòng hàng hóa vào Mỹ. Các công ty luật và doanh nghiệp thương mại Mỹ có thể bị hạn chế hoạt động tại Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng có thể khiến ngành nông nghiệp Mỹ lao đao bằng cách hạn chế nhập khẩu nông sản. Mỗi bước đi này đều sẽ gây tổn hại cho cả người Trung Quốc lẫn người Mỹ — nhưng chúng sẽ thể hiện khả năng trả đũa của Tập.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng đang rất dễ tổn thương. Trong khi các tập đoàn khổng lồ như Apple có thể tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế — chẳng hạn ở Ấn Độ — thì các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa và linh kiện từ Trung Quốc sẽ bị phơi bày trước rủi ro lớn.
“Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là ở khâu nhập khẩu hoặc đầu vào sản xuất, thì chắc chắn bạn sẽ bị ảnh hưởng,” Alex Jacquez, cựu trợ lý đặc biệt về Phát triển Kinh tế và Chiến lược Công nghiệp cho Tổng thống Joe Biden, cho biết. Hệ quả kinh tế rộng lớn hơn sẽ đến ngay sau đó. “Bạn sẽ thấy GDP bị kìm hãm, kéo theo đó là thị trường lao động chịu ảnh hưởng. Bạn sẽ thấy áp lực lạm phát tăng cao,” Jacquez nói.
“Một trong những lo ngại ở đây là chiến lược hiện tại không có suy nghĩ thấu đáo hay định hướng rõ ràng.”
Tổng thống Donald Trump tại Phòng Nội các của Nhà Trắng vào ngày 24 tháng 3, tại Washington, DC. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, đón tiếp Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại tư dinh của ông ở Bắc Kinh vào năm 1972. AFP/Getty Images
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự phiên họp toàn thể thứ hai của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 8 tháng 3 năm 2025, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images