LeoLabs, một công ty có trụ sở tại California chuyên theo dõi các vật thể trong không gian, đã giới thiệu một hệ thống radar giám sát di động nhằm phục vụ các khách hàng quân sự đang tìm kiếm khả năng theo dõi tốt hơn quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), đặc biệt trong bối cảnh Lầu Năm Góc tăng cường giám sát các hoạt động không gian của Trung Quốc.
Hệ thống mới được ra mắt vào ngày 7-4, có tên gọi “Scout”, là phiên bản di động của hạ tầng radar cố định. Theo CEO Tony Frazier của LeoLabs, Scout có thể được vận chuyển bằng một xe tải cỡ container, cho phép nhanh chóng triển khai đến các điểm nóng mới phát sinh.
Hệ thống này được phát triển với nguồn vốn từ hợp đồng Nghiên cứu Đổi mới Doanh nghiệp Nhỏ (Small Business Innovation Research – SBIR), nhằm lấp đầy những khoảng trống trong mạng lưới giám sát không gian hiện có của quân đội Mỹ, ông Frazier cho biết. “Chúng tôi cũng đang xem xét khả năng triển khai trên các nền tảng hàng hải,” ông nói thêm. “Scout có thể được đặt ở bất kỳ đâu để ứng phó với các tình huống khẩn cấp hoặc theo dõi các khu vực cụ thể trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp cần giám sát tăng cường.”
Việc giới thiệu radar di động đánh dấu một bước đi chiến lược của LeoLabs nhằm mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực quốc phòng vào thời điểm Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực theo dõi các hoạt động không gian của Trung Quốc và Nga.
Vào tháng 12 năm ngoái, công ty đã ra mắt một trạm radar băng tần siêu cao (UHF) tại Arizona để theo dõi các vật thể trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và rất thấp, bao gồm các mối đe dọa tên lửa tiên tiến và phương tiện lướt siêu vượt âm. Gần đây hơn, LeoLabs đã ký một thỏa thuận công-tư trị giá 60 triệu USD, được hỗ trợ bởi chương trình SBIR và Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ, để triển khai một trạm radar UHF tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2026.
Mạng lưới toàn cầu tích hợp
LeoLabs đang tích hợp các cảm biến mới này vào mạng lưới radar mảng pha hiện có của mình, được đặt tại các vị trí trên toàn cầu như Úc, Azores, Costa Rica, New Zealand và Texas.
Ông Frazier cho biết việc mở rộng của công ty nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lực giám sát, khi các siêu chòm sao vệ tinh ngày càng dày đặc trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và khách hàng quân sự cần công nghệ để theo dõi các thiết bị vũ trụ ngày càng tinh vi hơn.
“Chúng tôi đang chứng kiến các thiết bị vũ trụ có khả năng cơ động rất tích cực, vì vậy để phát hiện những hoạt động đó và duy trì khả năng theo dõi, chúng tôi đang gia tăng các cảm biến của mình,” ông Frazier nói.
Hệ thống radar di động của LeoLabs cũng hỗ trợ các hoạt động phòng thủ tên lửa, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với các khách hàng quân sự, ông cho biết. Hiện tại, công ty đang thử nghiệm khả năng của các cảm biến trong việc theo dõi các phương tiện lướt siêu vượt âm — một trong những mối đe dọa tên lửa khó phát hiện và đánh chặn nhất do khả năng cơ động và tốc độ cao.
Rada di động Scout của LeoLabs đặt trên một xe tải. Ảnh: LeoLabs