Khi Arianespace kết thúc buổi phát sóng trực tiếp vụ phóng vệ tinh trinh sát CSO-3 của Pháp bằng tên lửa Ariane 6 vào ngày 6 tháng 3, chương trình đã phát một đoạn thông điệp ghi hình từ Philippe Baptiste, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu của Pháp.
“Hoan hô, Arianespace! Hoan hô, ArianeGroup!” ông nói.
Mặc dù lĩnh vực không gian quân sự không nằm trong phạm vi công việc hiện tại của ông, Baptiste từng là chủ tịch của cơ quan không gian Pháp CNES và là nhân vật then chốt trong những nỗ lực cuối cùng đưa Ariane 6 lên bệ phóng.
Lời phát biểu ban đầu của ông mang tính chúc mừng thông thường và ông đã cảm ơn những người tham gia vào vụ phóng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông chuyển sang một giọng điệu nghiêm trọng hơn.
“Chúng ta đang đối mặt với một thực tế toàn cầu mới trong lĩnh vực không gian,” ông tuyên bố. “Sự trở lại của Donald Trump tại Nhà Trắng, với Elon Musk bên cạnh, đã gây ra những hệ quả đáng kể.”
Những hệ quả đó bao gồm tương lai hợp tác không chắc chắn với NASA và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cùng việc Musk “đơn phương đặt dấu hỏi” về việc vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế đến cuối thập kỷ.
“Nếu chúng ta muốn duy trì độc lập, đảm bảo an ninh và bảo vệ chủ quyền, chúng ta phải tự trang bị các phương tiện để đạt được tự chủ chiến lược – và không gian là một thành phần thiết yếu,” ông nói. “Ariane 6 là sợi chỉ xuyên suốt cho tự chủ chiến lược của chúng ta.”
Những phát biểu của Baptiste có lẽ là bình luận công khai mạnh mẽ nhất cho đến nay về bối cảnh địa chính trị đang thay đổi trong không gian kể từ khi chính quyền Trump bắt đầu vài tháng trước đó. Khi chính quyền mới làm căng thẳng mối quan hệ lâu dài với các đồng minh trong các vấn đề như quốc phòng và không gian, châu Âu đang đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo rằng họ không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hay tên lửa của Mỹ trong tương lai.
Cơ hội hoàn thiện thể chế
Sự thay đổi địa chính trị này xuất hiện đúng vào thời điểm châu Âu vừa thoát khỏi điều mà Josef Aschbacher, tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), gọi là “khủng hoảng phóng tên lửa” – giai đoạn tạm thời khiến châu Âu mất quyền tiếp cận không gian một cách độc lập.
Tuy nhiên, vụ phóng đầu tiên của Ariane 6 vào tháng 7 năm 2024, tiếp theo là sự trở lại của Vega C vào tháng 12, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ đó. Hiện tại, các nhà cung cấp phóng tên lửa châu Âu cho biết họ đang chứng kiến động lực mới từ các chính phủ nhằm tăng tốc độ phóng.
“Thách thức của chúng tôi là tăng tốc một cách thành công càng sớm càng tốt,” David Cavaillolès, giám đốc điều hành của Arianespace, phát biểu tại một phiên thảo luận trong hội nghị vệ tinh 2025 vào ngày 10 tháng 3.
“Tiếp cận không gian một cách tự chủ là một trong những sứ mệnh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, nên điều này không phải là mới,” ông nói. Nhưng ông bổ sung rằng tầm quan trọng của khả năng tự chủ này chỉ mới thực sự được nhìn nhận gần đây. “Điều mới mẻ là trước đây, nó có vẻ hơi lý thuyết. Còn bây giờ, tôi nghĩ mọi người thực sự hiểu được việc có năng lực nội địa có chủ quyền để thực hiện các sứ mệnh trọn gói có ý nghĩa như thế nào.”
Trọng tâm trước mắt của Arianespace là tăng tốc tần suất phóng Ariane 6. Công ty có kế hoạch thực hiện thêm bốn vụ phóng Ariane 6 trong năm 2025, tất cả đều vào nửa cuối năm. Mục tiêu là đạt được tần suất phóng đã lên kế hoạch từ 9 đến 10 lần mỗi năm càng sớm càng tốt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thương mại lớn nhất – chòm sao vệ tinh Project Kuiper của Amazon với 3.236 vệ tinh được lên kế hoạch.
Tuy nhiên, Cavaillolès cho biết ông kỳ vọng sẽ thấy nhu cầu lớn hơn từ các khách hàng chính phủ châu Âu. “Rõ ràng, hiện nay chúng tôi thấy thị trường, đặc biệt là thị trường chính phủ, đang phát triển nhanh hơn khả năng đáp ứng,” ông nói. “Chúng tôi thấy còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong thị trường này.”
Một trong những nguồn nhu cầu đó sẽ là chòm sao băng thông rộng IRIS² của châu Âu. Kế hoạch cho IRIS², được công bố vào tháng 12, dự kiến sử dụng 13 vụ phóng Ariane 6 để triển khai phần lớn chòm sao này vào cuối thập kỷ.
Một nguồn nhu cầu khác có thể đến từ các chính phủ châu Âu như Đức và Ý, có điều là những nước đã sẵn sàng lựa chọn SpaceX để phóng. ESA và Ủy ban châu Âu chỉ chuyển sang tên lửa Falcon 9 của SpaceX khi cuộc khủng hoảng phóng tên lửa ở châu Âu lên đến đỉnh điểm, không còn phương tiện thay thế nào trong khi các nhiệm vụ không thể trì hoãn.
Chính phủ Pháp, với mức đầu tư lớn vào lĩnh vực phóng, từ lâu đã kín đáo chỉ trích các đồng minh châu Âu chọn phương án ngoài châu lục. Nhưng Baptiste lần này đã thể hiện sự chỉ trích một cách công khai hơn.
Ông nói rằng Pháp đã hành động đúng đắn với CSO-3, vốn ban đầu dự kiến được phóng bằng tên lửa Soyuz từ Guiana thuộc Pháp, nhưng đã mất phương tiện phóng khi Nga ngừng các vụ phóng Soyuz tại đó sau khi tấn công Ukraine. Pháp đã chờ đợi cho đến khi Ariane 6 sẵn sàng để phóng CSO-3 thay vì tìm đến Falcon 9 hay phương tiện khác. “Chúng ta đã không nhượng bộ với CSO-3,” ông nói, “và chúng ta sẽ không nhượng bộ trong tương lai.”
Nhu cầu gia tăng đó có thể khiến Arianespace phải xem xét lại tần suất phóng tối đa của Ariane 6. Mùa thu năm ngoái, Arianespace gần như đã loại trừ khả năng Ariane 6 bay hơn 9 đến 10 lần mỗi năm, do các khó khăn trong sản xuất các động cơ đẩy nhiên liệu rắn dùng cho tên lửa. “Nếu chúng tôi muốn tăng tốc độ phóng, chúng tôi sẽ phải đầu tư rất nhiều,” ông nói. “Chúng tôi chỉ có thể làm điều đó nếu có một bài toán kinh doanh bền vững.”
“Chúng tôi thấy thị trường đang phát triển. Chúng tôi thấy nó có thể còn phát triển nhanh hơn nữa với tất cả những biến động hiện nay trên thế giới,” Cavaillolès nói về việc tăng tần suất phóng Ariane 6. “Chắc chắn sẽ cần đầu tư. Tôi hoàn toàn tin rằng chúng tôi có thể mang lại lợi nhuận đầu tư cao hơn.”
‘Châu Âu thiếu tham vọng’
Arianespace không còn là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực phóng vệ tinh của châu Âu. Avio, đơn vị sản xuất tên lửa Vega C, đã tiếp quản hoạt động bán hàng và tiếp thị của loại tên lửa này từ Arianespace và sẽ tiếp quản toàn bộ trách nhiệm phóng vào cuối năm nay.
Một số công ty khởi nghiệp châu Âu cũng đang đạt tiến bộ trong việc phát triển các phương tiện phóng nhỏ. Các công ty này cũng đang cảm nhận rõ ảnh hưởng của địa chính trị toàn cầu lên hoạt động kinh doanh của họ.
“Do tình hình địa chính trị trên thế giới, đặc biệt với Mỹ, chúng ta phải bắt đầu xỏ giày vào chạy,” Marino Fragnito, giám đốc thương mại và giám đốc dịch vụ phóng của Avio, nói tại một phiên thảo luận của hội nghị Satellite 2025.
“Tình hình địa chính trị và sự khó lường của quan hệ quốc tế sẽ làm thay đổi cục diện” trong thị trường phóng, Stella Guillen, giám đốc thương mại của công ty phóng Isar, phát biểu tại cùng phiên thảo luận.
Các công ty này hy vọng phương tiện phóng của họ có thể thu hút trở lại các khách hàng châu Âu từng chuyển sang sử dụng dịch vụ của SpaceX, đặc biệt là các sứ mệnh chia sẻ chuyến bay Transporter và Bandwagon dùng để phóng vệ tinh nhỏ. “Khách hàng muốn có một phương án dự phòng,” Pablo Gallego, phó chủ tịch cấp cao của PLD Space, một công ty khởi nghiệp phóng vệ tinh của Tây Ban Nha, cho biết.
Tuy nhiên, Fragnito cho rằng châu Âu đang phải đuổi theo trong lĩnh vực phóng do thiếu đầu tư suốt nhiều năm qua. “Châu Âu thiếu tham vọng. Chúng ta đã thiếu tham vọng trong suốt 20 đến 30 năm qua,” ông nói. Vega, theo ông, ban đầu được thiết kế để chỉ phóng từ một đến hai lần mỗi năm, do nhu cầu được cho là không lớn.
Mục tiêu tự chủ chiến lược của ESA
Ngày 20 tháng 3, ESA công bố Chiến lược 2040, một tài liệu đưa ra các mục tiêu và định hướng của cơ quan trong 15 năm tới.
Một trong năm mục tiêu là “tăng cường quyền tự chủ và khả năng ổn định của châu Âu,” với trọng tâm đặc biệt vào vận tải không gian. “Trụ cột chính đầu tiên là có khả năng tiếp cận và vận chuyển trong không gian một cách tự chủ và cạnh tranh, không phụ thuộc bên ngoài,” tài liệu nêu rõ.
Tại một buổi họp báo sau cuộc họp của Hội đồng ESA – nơi các quốc gia thành viên chính thức thông qua Chiến lược 2040 – Tổng giám đốc Josef Aschbacher cho biết cuộc họp đã bao gồm một cuộc thảo luận về “các khía cạnh địa chính trị buộc châu Âu phải mạnh mẽ hơn và cũng độc lập hơn.”
Nội dung cuộc thảo luận đó sẽ được đưa vào công tác chuẩn bị cho hội nghị cấp bộ trưởng tiếp theo của ESA vào cuối tháng 11, nơi các quốc gia thành viên sẽ phê duyệt và tài trợ cho các chương trình. Ông cho biết gói chương trình mà ESA sẽ đề xuất cho các nước thành viên đang được điều chỉnh dựa trên bối cảnh địa chính trị và các yêu cầu mới.
Tại buổi họp báo, ông và các quan chức ESA khác nhấn mạnh đến Thử thách Phóng Vệ tinh châu Âu – một sáng kiến hỗ trợ phát triển các phương tiện phóng nhỏ mới. ESA đã công bố lời mời đưa ra đề xuất vào tháng 3 cho cuộc thi này và sẽ xác định những đề xuất nào đủ điều kiện để nhận tài trợ.
“Sau đó, chúng tôi sẽ có một danh sách các công ty đủ điều kiện,” Toni Tolker-Nielsen, giám đốc vận tải không gian của ESA, cho biết. Tuy nhiên, việc tài trợ cho công ty nào sẽ phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia thành viên vào tháng 11.
Aschbacher nói tại họp báo rằng, bất chấp bối cảnh địa chính trị thay đổi, mối quan hệ giữa ESA và NASA vẫn bền chặt, đặc biệt trong chiến dịch khám phá Mặt Trăng Artemis.
Tuy nhiên, yêu cầu tự chủ chiến lược trong lĩnh vực phóng không gian vẫn sẽ là hướng đi chính trong giai đoạn sắp tới của châu Âu.
Nói như Philippe Baptiste, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu của Pháp, sau vụ phóng CSO-3: “Chúng ta không được phép sa vào sự cám dỗ chọn SpaceX hoặc một đối thủ nào khác có vẻ thời thượng hơn, đáng tin cậy hơn hoặc rẻ hơn.” Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được sa ngã, vì điều đó sẽ đồng nghĩa với việc khép lại cánh cửa bước ra không gian mãi mãi (closing the door to space for good).”
Hình ảnh mô phỏng chùm vệ tinh IRIS² – hạ tầng băng thông rộng đa quỹ đạo được châu Âu đề xuất vì khả năng phục hồi, kết nối và an ninh. Ảnh: SES
Tên lửa Ariane 6 phóng vệ tinh quan sát quân sự CSO-3 của Pháp vào quỹ đạo hôm 6 tháng 3. Ảnh: SpaceNews