Kỷ nguyên của thương mại quốc tế ngày càng tự do và rộng mở, được xây dựng trên một hệ thống dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ góp phần tạo dựng, đã chấm dứt một cách đột ngột. Vào ngày 2 tháng 4, trong một sự kiện mang tính trình diễn tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố loạt thuế quan khổng lồ sẽ ảnh hưởng đến hầu như mọi quốc gia trên thế giới.
Ở một khía cạnh nào đó, thông báo này không gây quá nhiều bất ngờ: ngay từ khi nhậm chức, các doanh nghiệp và nhà phân tích tài chính đã biết rằng Trump sẽ gia tăng rào cản thương mại. Nhưng quy mô và phạm vi của các mức thuế lần này đã xác nhận những lo ngại ở mức tồi tệ nhất của họ. Chỉ bằng một động thái duy nhất, Washington đã hạn chế nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế.
Khi biện minh cho kỷ nguyên thuế quan mới, Trump lập luận rằng Hoa Kỳ là nạn nhân của các hành vi thương mại không công bằng. Cũng như nhiều ý tưởng khác của Trump, trong lập luận này có phần nào là sự thật. Trung Quốc, chẳng hạn, đã tận dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tiếp cận thị trường các nước cho hàng xuất khẩu của mình, trong khi lại hạn chế quyền tiếp cận của các quốc gia khác vào thị trường nội địa. Bắc Kinh cũng sử dụng các khoản trợ cấp lớn và nhiều biện pháp khác để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, thay vì cải tổ những quy định đang bị một số đối tác thương mại lợi dụng, Trump đã chọn cách phá bỏ toàn bộ hệ thống. Ông đã tung đòn mạnh vào hoạt động thương mại với hầu như mọi đối tác lớn của Mỹ, bất kể đó là đồng minh hay đối thủ. Trung Quốc giờ đây phải chịu mức thuế cao, đúng vậy, nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng không thoát khỏi số phận tương tự. Những mối quan hệ kinh tế lâu dài, đôi bên cùng có lợi và cả các liên minh địa chính trị giờ đây trở nên vô nghĩa.
Nhiều người hy vọng rằng các mức thuế của Trump chỉ mang tính tạm thời – rằng khi chứng kiến thị trường chứng khoán lao dốc và giá cả leo thang, Washington sẽ phải giảm bớt các rào cản. Có khả năng Nhà Trắng sẽ hạ một số mức thuế, đặc biệt khi các quốc gia vận động để được miễn trừ. Nhưng thực tế là thời kỳ thương mại tự do khó có thể quay trở lại. Thay vào đó, những cuộc mặc cả giữa Trump và các nước khác sẽ hình thành một hệ thống kinh tế mới mang tính bảo hộ, đầy căng thẳng và mang nặng tính giao dịch. Kết quả sẽ không phải là nhiều việc làm hơn như Trump cam kết, mà là sự bất ổn cho tất cả mọi bên – và kéo dài nhiều năm tới.
DỐT TOÁN
Theo Trump, Hoa Kỳ cần những mức thuế khổng lồ để điều chỉnh cán cân thương mại. Tuy nhiên, lý luận này thiếu cơ sở. Đúng là Mỹ có thâm hụt thương mại với hầu hết các quốc gia, nhưng điều đó không có gì sai trái. Thực chất, điều đó chỉ phản ánh việc các nước khác sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn mà người tiêu dùng Mỹ mong muốn, vì vậy người Mỹ mua nhiều hàng từ họ hơn là họ mua từ Mỹ. Thế nhưng Trump cho rằng bất kỳ quốc gia nào có thặng dư thương mại song phương với Mỹ đều đang gian lận, và cần áp thuế đối ứng để “cân bằng”.
Để quyết định mức thuế cần áp đặt, Trump cho rằng ông đã tính toán tất cả các cách mà các quốc gia “gian lận” – bao gồm thuế quan, rào cản phi thuế và thao túng tiền tệ – nhằm ước lượng tổng mức “thuế quan” mà từng quốc gia áp lên Mỹ. Trên thực tế, cách tính ở đây là chia thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia cho tổng giá trị hàng hóa mà quốc gia đó xuất khẩu sang Mỹ. (Các phép tính này tiện thể bỏ qua thương mại dịch vụ – như du lịch, giáo dục và dịch vụ doanh nghiệp – mà trong đó Mỹ thường có thặng dư với hầu hết đối tác). Trump sau đó “rộng lượng” cho mỗi nước một khoản chiết khấu 50%, và áp mức thuế đối ứng tương đương một nửa con số đó.
Để hình dung cụ thể, hãy nhìn vào Trung Quốc. Năm 2024, Mỹ có mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 295,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 438,9 tỷ USD. Trump tính rằng Trung Quốc đang áp một “mức thuế thật sự” là 67% đối với hàng nhập từ Mỹ – tức lấy 295,4 chia cho 438,9. Do đó, ông đặt mức thuế đối ứng lên hàng nhập từ Trung Quốc là 34% (một nửa của 67%). Con số này được cộng thêm vào mức thuế 20% đã có sẵn, nâng tổng mức thuế lên 54% đối với hàng Trung Quốc – nhưng với mức này thì ai còn thèm tính toán nữa?
Mỹ và Hàn Quốc có một hiệp định thương mại tự do, nhưng Hàn Quốc lại có thặng dư thương mại với Mỹ. Vì vậy, theo logic của Trump, họ cũng đang gian lận. Theo tính toán của Nhà Trắng, Hàn Quốc đang áp thuế khoảng 50% lên hàng xuất khẩu từ Mỹ. Kết quả là Trump áp thuế 26% lên hàng nhập từ Hàn Quốc.
Bằng cách đó, Trump đã phá vỡ toàn bộ hệ thống thương mại.
Vậy còn những quốc gia mà Mỹ có thặng dư thương mại thì sao? Mỹ xuất khẩu nhiều hàng sang Úc và Vương quốc Anh hơn là nhập khẩu từ hai nước này. Rõ ràng điều đó khiến Mỹ trở thành kẻ “gian lận” trong hai mối quan hệ này. Nhưng theo quan điểm của Nhà Trắng, chỉ các nước khác mới gian lận. Thực tế, hai quốc gia này vẫn bị áp mức thuế 10%. Có thể đặt câu hỏi: sao lại áp thuế trong những trường hợp như vậy? Câu trả lời dường như là: tại sao không?
Thuế quan không thể tự nó giúp xóa bỏ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ – trừ khi đất nước này hoàn toàn đóng cửa với thương mại quốc tế. Lý do là thâm hụt thương mại trên thực tế phản ánh chênh lệch giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư. Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, nhưng tỷ lệ tiết kiệm tư nhân thấp, trong khi chính phủ lại duy trì thâm hụt ngân sách khổng lồ. Nếu thật sự muốn cân bằng cán cân thương mại, Trump nên thúc đẩy các biện pháp nhằm gia tăng tiết kiệm quốc gia. Và ngay cả khi Hoa Kỳ không còn thâm hụt thương mại tổng thể, nước này vẫn sẽ có khả năng thâm hụt với một số quốc gia và thặng dư với những quốc gia khác. Mất cân đối thương mại song phương vốn là điều hết sức tự nhiên trong thương mại quốc tế.
Trump cũng xem thuế quan là công cụ để hồi sinh ngành sản xuất Hoa Kỳ. Nhưng lợi ích này chỉ là suy đoán, nếu có thì cũng sẽ xảy ra trong tương lai xa, và không thể bù đắp cho những chi phí rõ ràng mà thuế quan gây ra. Thuế quan của Trump bao trùm một loạt sản phẩm và đối tác thương mại rộng lớn đến mức chắc chắn sẽ gây ra tác động tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ — với chi phí gián đoạn do chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ gánh chịu ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Những ngành công nghiệp có chuỗi cung ứng phức tạp trải qua nhiều quốc gia, như ngành sản xuất ô tô, sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhưng bất kỳ doanh nghiệp nào đã từng hưởng lợi từ chuỗi cung ứng hiệu quả (tức là hầu hết các doanh nghiệp) giờ đây sẽ buộc phải thu hẹp hoạt động để giảm thiểu rủi ro từ chính sách thương mại và địa chính trị. Điều này tất yếu sẽ làm giá cả tiêu dùng tăng lên, vì các doanh nghiệp buộc phải ưu tiên tính ổn định thay vì hiệu quả. Ngay cả các mặt hàng nông sản, máy móc thiết bị, và hàng công nghệ cao do Hoa Kỳ xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, do các đối tác thương mại của Washington áp đặt thuế trả đũa.
KHÔNG THỂ QUAY ĐẦU
Thế giới vẫn đang phản ứng với tuyên bố của Trump. Nhưng các quốc gia có khả năng sẽ áp dụng kết hợp ba cách tiếp cận: trả đũa, xoa dịu, và đa dạng hóa thị trường. Mỗi chiến lược đều có những thách thức riêng.
Trước hết, hãy xét đến việc trả đũa Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất để đáp trả những động thái khiêu khích của Trump. Người dân các nước này cũng đang tức giận. Người tiêu dùng Canada đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ, và du khách quốc tế cũng có xu hướng tránh du lịch tới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trả đũa cũng có cái giá của nó, vì nó làm gia tăng bất ổn trong thương mại toàn cầu, từ đó cản trở đầu tư kinh doanh.
Xoa dịu là chiến lược ít rủi ro hơn và rõ ràng là có lợi cho từng quốc gia bị áp thuế nếu đàm phán với Trump. Cán cân thương mại song phương không thể được điều chỉnh chỉ sau một đêm, nhưng các quốc gia có thể cam kết mua thêm hàng hóa từ Hoa Kỳ và giảm bớt các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trump từng biện minh cho các vòng áp thuế trước đây vì lý do an ninh quốc gia rộng lớn hơn, dùng thuế như công cụ để buộc các nước kiểm soát nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy của ma túy vào Hoa Kỳ; do đó các đối tác thương mại có thể đề nghị thực hiện những biện pháp mạnh để ngăn chặn các vấn đề này. Trump vốn yêu thích những “thương vụ,” nên mỗi quốc gia sẽ phải tìm cách để ông có thể tuyên bố thắng lợi. Tuy nhiên, ngay cả khi các nước hứa mua thêm hàng hóa Mỹ, khả năng họ làm giảm thặng dư thương mại với Mỹ đủ nhanh để làm hài lòng Tổng thống là rất thấp, khiến họ dễ bị áp thêm các biện pháp trừng phạt. Và nếu nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy yếu do chính sách thuế, Trump chắc chắn sẽ đổ thêm trách nhiệm lên phần còn lại của thế giới.
Một số quốc gia, đặc biệt là những nước đã có quan hệ thương mại chặt chẽ, có thể cố gắng phớt lờ Hoa Kỳ hoàn toàn. Ví dụ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể cố gắng tăng cường liên kết thương mại lẫn nhau để giảm thiểu ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ. Nhưng mỗi quốc gia này đều phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu để duy trì nền kinh tế, trong khi nhu cầu nội địa lại yếu. Đặc biệt, công suất dư thừa khổng lồ và nhu cầu nhập khẩu thấp của Trung Quốc là mối đe dọa với hai nền kinh tế còn lại. Do đó, các nước này có thể sẽ dè dặt trong việc mở cửa hoàn toàn thị trường cho nhau. Về phần mình, châu Âu đã phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác về thương mại, nhưng họ không muốn trở thành nơi “xả hàng” của các nước.
Tuy nhiên, trước viễn cảnh mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ và nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ suy yếu, phần còn lại của thế giới sẽ buộc phải tìm đến các thị trường xuất khẩu mới, các thỏa thuận thương mại không có Mỹ, và những phương án khác để tự bảo vệ trước nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Nhưng thực tế là họ chỉ có thể làm được đến một mức độ nhất định. Ngay cả khi Hoa Kỳ có rút lại phần nào các mức thuế toàn diện mà Trump đã công bố, thiệt hại đối với niềm tin của giới kinh doanh và nhà đầu tư đã xảy ra. Washington đã phủ bóng đen lên đầu tư kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, điều này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vốn đã chậm lại rơi vào suy thoái — và kéo theo phần còn lại của thế giới.
Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò là thành trì của tự do thương mại và thay vào đó, đang dẫn đầu sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, thứ sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Nếu các mức thuế quan này tiếp tục được duy trì, chúng sẽ trở thành dấu ấn trong di sản của Trump — không phải như một doanh nhân lão luyện, mà là như một lực cản thất thường và phá hoại đối với sự phát triển kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan mới tại Washington, D.C., tháng 4 năm 2025. Ảnh: Reuters