Honda sẽ hợp tác với các công ty Mỹ để thử nghiệm trong quỹ đạo một công nghệ năng lượng tái tạo mà họ hy vọng một ngày nào đó có thể triển khai trên bề mặt Mặt Trăng, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thông báo hôm thứ Sáu.
Gã khổng lồ ô tô đang phát triển một cơ chế có khả năng tạo ra điện và oxy liên tục — giúp các phi hành gia có thể hô hấp — nhờ vào năng lượng mặt trời và nước, vốn được cho là có trong một số loại đất trên Mặt trăng.
Hiện Honda dự định thử nghiệm công nghệ này trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể, theo thông cáo báo chí của Honda.
Honda đã sử dụng hệ thống này trong các dòng xe điện của mình, và giờ muốn mở rộng ứng dụng ra không gian để “hỗ trợ sự sống trong không gian và trên Trái đất”.
“Trong thời gian ban ngày trên Mặt trăng, hệ thống sẽ sử dụng điện được tạo ra từ ánh sáng mặt trời để vận hành quá trình điện phân. Hệ thống điện phân nước áp suất chênh lệch cao của Honda sẽ tách nước thành hydro và oxy,” công ty giải thích.
“Trong thời gian ban đêm trên Mặt trăng, khi Mặt trăng không nhận được ánh sáng mặt trời, một phần oxy sẽ được dùng để các phi hành gia hô hấp. Hệ thống pin nhiên liệu của Honda sẽ sử dụng lượng oxy còn lại cùng với hydro được sản xuất vào ban ngày để tạo ra điện.”
Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đang nỗ lực xây dựng sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng.
Honda đã hợp tác trong nhiều năm với Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong chương trình Mặt trăng Artemis của Mỹ, mà Nhật Bản là một trong các đối tác.
Thử nghiệm trên ISS – được Honda thực hiện với sự phối hợp của các công ty vũ trụ Mỹ Sierra Space và Tec-Masters – sẽ giúp đảm bảo hệ thống của Honda hoạt động ổn định trong môi trường không gian.
Trong những năm gần đây, một số hãng sản xuất ô tô, bao gồm Honda và Toyota, đã công bố các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp không gian đang bùng nổ.
Vào đầu tháng 1, Toyota – nhà sản xuất ô tô số một thế giới – thông báo đã đầu tư 44 triệu USD vào công ty khởi nghiệp tên lửa Nhật Bản Interstellar Technologies.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) xuất hiện như một vật thể nhỏ ở góc trên bên trái Mặt trăng. Ảnh: NASA