Thung lũng Silicon trong vài năm qua đã vướng vào các yếu tố địa chính trị thay vì giữ một khoảng cách an toàn, và “giọt nước đã tràn ly” khi các ông lớn công nghệ Mỹ đã “thần phục” chính quyền Trump 2.0, một chính quyền ngày càng tỏ ra thù nghịch với các đối tác và đồng minh. Châu Âu ngày càng thức tỉnh về điều này, và vì sự an toàn của chính mình, họ đang vạch ra một lộ trình mới nhằm phát triển công nghệ và giảm thiểu sự lệ thuộc vào Mỹ. Điều đó báo trước khó khăn và thất bại cho Big Tech Hoa Kỳ tại một thị trường lâu nay mang về cho họ hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Các công ty công nghệ như Alphabet, Meta và OpenAI cần tỉnh ngộ trước một thực tế khó chịu. Khi xích lại gần Tổng thống Mỹ Donald Trump, họ có nguy cơ mất quyền tiếp cận một trong những thị trường lớn nhất của mình: châu Âu.
Chỉ một thập kỷ trước, các công ty này tin rằng công nghệ thông tin sẽ hạn chế quyền lực của các chính phủ và thúc đẩy tự do hóa toàn cầu. Nhưng rồi, khi toàn cầu hóa suy yếu và đối đầu Mỹ-Trung gia tăng, họ tìm cách khai thác những chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc, đứng về phía Washington trong “cuộc chiến tranh lạnh công nghệ” mới.
Giờ đây, chính quyền Trump 2.0 dường như ít hào hứng với việc đối đầu Trung Quốc mà thay vào đó lại muốn khuất phục các đồng minh của Mỹ ở Liên minh châu Âu và những nơi khác. Các công ty công nghệ Mỹ thu về hàng trăm tỷ USD từ thị trường châu Âu. Dù nhiều công ty trong số này thường than phiền về hệ thống quản lý chặt chẽ của EU, họ cũng không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu toàn diện giữa EU và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.
Đáng tiếc cho các đại gia công nghệ, một cuộc chiến như vậy lại có thể sắp nổ ra. Sự coi thường không giấu diếm của chính quyền Trump đối với châu Âu không chỉ đe dọa lợi ích kinh doanh của các công ty châu Âu, mà còn có thể đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ Internet mở như hiện nay, khi châu Âu tìm cách xây dựng các nền tảng thay thế cho những gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Nỗ lực của Thung lũng Silicon nhằm chiều lòng chính quyền Trump có nguy cơ làm suy yếu mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu. Họ ngày càng bị cuốn sâu vào cuộc xung đột đang hình thành giữa các cơ quan quản lý châu Âu ở Brussels và một chính quyền Washington hành động đơn phương.
Châu Âu bắt đầu cân nhắc lại sự phụ thuộc của mình vào các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, nền tảng công nghệ và vệ tinh Mỹ. Họ ngày càng coi sự phụ thuộc này không chỉ là vấn đề cạnh tranh mà còn là một lỗ hổng chiến lược nghiêm trọng có thể bị lợi dụng để chống lại họ.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và châu Âu bất đồng về công nghệ. Một thập kỷ trước, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ rằng Mỹ đã do thám các lãnh đạo châu Âu, khiến EU đe dọa hạn chế dòng chảy dữ liệu cá nhân sang Mỹ. Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, viết trong cuốn sách xuất bản năm 2019 rằng những tiết lộ của Snowden đã tạo ra một “hố sâu ngăn cách giữa chính phủ và ngành công nghệ.”
Khi Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết vào năm 2015 bác bỏ thỏa thuận cho phép chuyển dữ liệu công dân EU sang Mỹ, Eric Schmidt, khi đó là Chủ tịch điều hành của Alphabet, than phiền rằng EU có thể phá vỡ Internet toàn cầu, “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại.”
Internet toàn cầu có thể vẫn tồn tại dưới dạng hạ tầng kỹ thuật chung. Nhưng nếu các công ty Mỹ tiếp tục đồng nhất với một chính quyền Mỹ đầy thù địch với châu Âu, rất có thể châu Âu sẽ muốn có các công ty và nền tảng riêng của mình như một bức tường công nghệ để chống lại cựu đồng minh và là người bảo hộ cũ. Các công ty Trung Quốc cũng sẽ tìm cách mở rộng tại châu Âu như một đối thủ của công nghệ Mỹ, dù có thể vấp phải sự nghi ngờ từ công chúng. Dù thế nào, kết cục vẫn sẽ là lợi nhuận của Big Tech Mỹ suy giảm, đổi mới công nghệ Mỹ suy yếu, và một nước Mỹ ngày càng bị cô lập, kém an toàn hơn.
SỨC MẠNH CÔNG NGHỆ
Không lâu trước đây, mọi chuyện không quá phức tạp. Chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ Mỹ đều tin rằng tương lai nằm ở việc xây dựng một thế giới an toàn cho chính trị và kinh tế tự do. Sự lan rộng của Internet và mạng xã hội sẽ làm suy yếu quyền lực của các chính phủ chuyên chế.
Khi mạng xã hội dường như khuếch đại các cuộc biểu tình ở Iran vào năm 2009, Jared Cohen, một giám đốc của Goldman Sachs khi đó đang làm việc tại Bộ Ngoại giao của Tổng thống Barack Obama, đã yêu cầu Twitter hoãn một đợt bảo trì kỹ thuật để nền tảng này vẫn có thể truy cập được đối với những người biểu tình. Dĩ nhiên, các cuộc biểu tình không hoàn toàn phụ thuộc vào mạng xã hội. Tuy vậy, Cohen sau đó vẫn cùng Eric Schmidt viết một cuốn sách ca ngợi sức mạnh của công nghệ trong việc lan tỏa tự do và củng cố thịnh vượng chung.
Nhiều công ty công nghệ khác cũng ủng hộ nhiệt thành sứ mệnh cải tạo thế giới này. Trong một bản thuyết trình nội bộ gây tranh cãi vào năm 2016, Andrew Bosworth, một trong những “trợ lý đáng tin cậy nhất” của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, nói với nhân viên rằng có thể sẽ có người chết vì bị bắt nạt trên Facebook hoặc trong một vụ tấn công khủng bố được điều phối qua các công cụ của Facebook. Tuy nhiên, Bosworth lập luận rằng Facebook vẫn sẽ tiếp tục tiến lên. Nhiệm vụ kết nối thế giới của Facebook, bao gồm cả Trung Quốc trong tương lai, là một điều “tự thân đã tốt,” ngay cả khi có một số người phải chịu tổn thất trên con đường đó.
Tuy nhiên, việc kết nối thế giới trong thực tế không khiến các xã hội phi tự do trở nên tự do hơn. Sau khi Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016, nhiều người bắt đầu lo ngại rằng Internet thay vì giải phóng các xã hội tự do trước đây, lại khiến chúng trở nên phi tự do hơn, khi công chúng bị nhấn chìm trong thông tin sai lệch.
TỪ BỎ VỊ THẾ RIÊNG
Một sự chuyển đổi quan trọng khác cũng diễn ra vào thời điểm này. Trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, hầu hết các chính trị gia Mỹ đều trở thành những người có tư tưởng diều hâu với Trung Quốc. Họ bắt đầu coi công nghệ không còn là một công cụ để giải phóng Trung Quốc khỏi chế độ độc tài, mà là một phương tiện để kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh.
Khi “Dự án Dragonfly” của Google—một công cụ tìm kiếm thân thiện với kiểm duyệt dành cho thị trường Trung Quốc—bị rò rỉ vào năm 2018, cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều lên án nó, trong khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận xét rằng thật “khó hiểu” khi Google vẫn tiếp tục đầu tư vào một quốc gia chuyên chế có giá trị đi ngược lại với Mỹ. Google đã từ bỏ tham vọng quay trở lại Trung Quốc.
Các đại gia công nghệ đã từ bỏ vị thế riêng tương đối độc lập của mình và tự điều chỉnh theo hướng gió chính trị, chấp nhận cuộc đối đầu công nghệ mới Mỹ-Trung. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ lại về vai trò của công nghệ trong một thế giới đầy cạnh tranh địa chính trị.
Schmidt, sau khi từ chức lãnh đạo công ty mẹ của Google, đã chủ trì một ủy ban lưỡng đảng có ảnh hưởng lớn, với báo cáo cuối cùng năm 2021 lập luận rằng Mỹ cần đánh bại Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Để làm được điều đó, Mỹ phải vừa củng cố thế mạnh công nghệ trong nước, vừa ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn chuyên dụng để đào tạo các mô hình AI tiên tiến nhất.
Một loạt công ty Thung lũng Silicon trước đây luôn giữ khoảng cách với bộ máy an ninh quốc gia Mỹ giờ đây nhận ra rằng đó là một thị trường kinh doanh khổng lồ và bắt đầu đi theo con đường bán dịch vụ và nền tảng của mình cho chính phủ.
Ngành công nghệ Mỹ dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại của Trump, ngay cả trước khi tỷ phú công nghệ Elon Musk trở thành “đặc sứ toàn quyền” của ông. Trước cuộc bầu cử năm ngoái, những nhân vật có ảnh hưởng như Zuckerberg và Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đã bắt đầu xích lại gần chính quyền mới; Zuckerberg đã có những cuộc gọi riêng với Trump và vào mùa hè năm 2024, ông đã gỡ bỏ các hạn chế đối với tài khoản Facebook và Instagram của Trump. Trong khi đó, Bezos đã hủy bỏ kế hoạch để tờ The Washington Post—tờ báo thuộc sở hữu của ông—ủng hộ đối thủ của Trump, Kamala Harris.
Sau khi Trump giành chiến thắng, cả Zuckerberg và Bezos đều “hành hương” đến Mar-a-Lago để gặp tổng thống đắc cử. Trump tỏ ra thích thú trước sự quy phục này. Nhiều lãnh đạo công nghệ hy vọng chiến thắng của Trump sẽ mang lại lợi ích cho họ; Trump có vẻ cứng rắn với Trung Quốc và sẵn sàng nới lỏng quy định với ngành công nghệ. Các công ty như Facebook và Google vốn đã từ bỏ tham vọng mở rộng tại Trung Quốc, giờ đây chỉ hy vọng rằng chính quyền Trump sẽ giúp họ chống lại các đối thủ Trung Quốc cũng như đẩy lùi các quy định của châu Âu mà Zuckerberg gọi là một chế độ “kiểm duyệt.”
TÁCH RỜI MỸ-CHÂU ÂU
Các lãnh đạo Big Tech chắc chắn không muốn trở thành kẻ thù của Trump và có lý do để tin rằng ông có thể giúp họ. Các CEO và chủ sở hữu công nghệ, bao gồm Bezos, người kế nhiệm Schmidt là Sundar Pichai, và Zuckerberg, sẵn sàng xuất hiện tại lễ nhậm chức lần hai của Trump, giống như biến mình thành những chiến lợi phẩm săn bắn được treo trên tường.
Tuy nhiên, không ai trong số họ thực sự đạt được điều họ mong muốn. Chính quyền Trump 2.0 không thích các quy định trong nước cũng như các quy tắc của EU. Tuy nhiên, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, chính phủ vẫn tiếp tục vụ kiện chống độc quyền đối với Google bắt nguồn từ các cuộc điều tra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và đang chuẩn bị hành động chống lại Amazon, Apple và Meta.
Chính quyền Trump cũng thể hiện sự thù địch công khai với EU, thể hiện qua thái độ coi thường châu Âu của Phó Tổng thống JD Vance trong các tin nhắn rò rỉ trên Signal. Thay vì đàm phán lại mối quan hệ công nghệ Hoa Kỳ – châu Âu theo các điều khoản tốt hơn, yêu cầu của Trump rằng châu Âu không được can thiệp vào việc quản lý các công ty công nghệ Mỹ có thể khiến châu Âu đặt ra câu hỏi mà các công ty công nghệ Mỹ không muốn họ nêu ra: Phải chăng sự phụ thuộc của châu Âu vào công nghệ Mỹ không chỉ là vấn đề cạnh tranh mà còn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia?
Ngay cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhiều người châu Âu cũng không nghĩ đến câu hỏi này. Hoa Kỳ đã hỗ trợ châu Âu trong nhiều thập kỷ. Mặc dù họ bất mãn với sự thống trị của Big Tech Mỹ, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ đến một giải pháp thay thế, hoặc thậm chí không thực sự muốn một giải pháp nào khác. Casper Bowden, một nhà hoạt động về quyền riêng tư người Anh và cựu nhân viên Microsoft, từng kể rằng nhiều người châu Âu đã cười nhạo ông khi ông cảnh báo về rủi ro giám sát từ các dịch vụ điện toán đám mây của Hoa Kỳ, trước khi vụ rò rỉ của Snowden phơi bày sự thật.
Giờ đây, ai ở châu Âu cũng có thể thấy những rủi ro khi phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Ví dụ rõ ràng nhất là Starlink, công ty truyền thông vệ tinh thuộc sở hữu của Musk. Khi Hoa Kỳ muốn gây áp lực buộc Ukraine đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Nga, Nhà Trắng đã gợi ý rằng họ có thể cắt quyền truy cập Starlink, vốn cung cấp nguồn lực quan trọng cho quân đội Ukraine. Các quốc gia châu Âu khác, lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể bỏ rơi họ vì lợi ích ngắn hạn, đã chú ý đến điều này. Họ cũng phụ thuộc vào Starlink cùng với nhiều phần mềm, phần cứng và công nghệ khác trong các hoạt động hàng ngày. Do đó, châu Âu đang dần tách khỏi Starlink, và Ủy ban châu Âu đang điều tra cách thức hỗ trợ các lựa chọn thay thế nội địa.
Không chỉ là nguy cơ công nghệ Mỹ cung cấp cho châu Âu bị ngắt như Starlink cho Ukraine, mà còn là khả năng nó bị sử dụng chống lại lợi ích của châu Âu. Việc Musk can thiệp vào các nhóm cực hữu ở Đức và Anh, công kích các đảng phái chính thống, đã khiến nhiều thủ đô châu Âu lo lắng. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thậm chí còn cảnh báo rằng “các tỷ phú công nghệ đang muốn lật đổ nền dân chủ.”
PHÁ VỠ INTERNET
Có một mối đe dọa còn lớn hơn đối với các công ty công nghệ Mỹ mà ít người chú ý đến. Trái ngược với Hoa Kỳ hiện nay, Liên minh châu Âu có cam kết mạnh mẽ với pháp quyền, buộc các chính trị gia phải tuân theo phán quyết của tòa án. Xu hướng coi thường luật pháp của chính quyền Trump và thái độ ngày càng thù địch của các công ty công nghệ Mỹ đối với các giá trị châu Âu có thể khiến các thỏa thuận EU – Mỹ sụp đổ, đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty như Alphabet, Meta và Microsoft.
Schmidt từng lo ngại một thập kỷ trước rằng một tranh chấp dữ liệu giữa EU và Mỹ có thể khiến Internet sụp đổ. Vụ rò rỉ của Snowden tiết lộ cách các cơ quan tình báo Mỹ truy cập trái phép vào dữ liệu truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm của châu Âu, vi phạm các quy định bảo mật của châu Âu. Tranh chấp này sau đó được tạm thời giải quyết bằng một thỏa thuận chắp vá giữa Ủy ban châu Âu và chính phủ Hoa Kỳ. Theo đó, EU đồng ý cho phép luồng dữ liệu tiếp tục, miễn là Hoa Kỳ cam kết bảo vệ quyền riêng tư của công dân châu Âu và cung cấp cơ chế xử lý khi quyền này bị vi phạm bởi các cơ quan giám sát của Mỹ. Yếu tố trung tâm của thỏa thuận này là cam kết của Mỹ vào năm 2016 rằng các cơ quan tình báo nước này sẽ tôn trọng quyền riêng tư của người dân châu Âu, được giám sát bởi một cơ quan ít được biết đến – Ủy ban Giám sát Quyền riêng tư và Tự do Dân sự (PCLOB).
Thỏa thuận này chẳng làm hài lòng được ai nhưng vẫn cung cấp một cơ sở pháp lý và chính trị để duy trì dòng chảy dữ liệu xuyên Đại Tây Dương. Nhờ đó, Meta vẫn có thể tiếp tục vận hành Facebook tại châu Âu, trong khi Amazon, Google và Microsoft vẫn được lưu trữ dữ liệu cá nhân của người châu Âu trên nền tảng điện toán đám mây của họ. Riêng Google đã kiếm được hơn 100 tỷ USD từ thị trường châu Âu.
Nhưng thỏa thuận này hiện đang trên bờ vực sụp đổ, đe dọa nghiêm trọng đến sự hiện diện của các công ty công nghệ Mỹ tại châu Âu. Chính quyền Trump không chỉ sa thải hầu hết thành viên của PCLOB mà còn nhiều lần cho thấy họ không có ý định tuân thủ các quy định pháp lý gây bất tiện. Sắc lệnh hành pháp thành lập PCLOB đang được xem xét lại – nhưng ngay cả khi nó vẫn tồn tại trên giấy tờ, không ai tin rằng chính quyền Trump sẽ tuân thủ nó.
Điều này có thể mở ra cơ hội để các nhà hoạt động như Max Schrems – một nhà vận động quyền riêng tư người Áo sắc sảo – thách thức thỏa thuận. Các đơn kiện pháp lý của ông đã dẫn đến sự sụp đổ của hai thỏa thuận khác trước đó. Như tổ chức của Schrems đã cảnh báo, có thể sắp tới đây, bất kỳ tổ chức nào ở châu Âu cũng sẽ không còn hợp pháp khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ để lưu trữ dữ liệu cá nhân, hoặc các công ty như Meta sẽ không được phép chuyển dữ liệu của công dân châu Âu qua lại giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Điều đó có thể phá hủy mô hình kinh doanh của Meta và khiến các công ty như Google và Microsoft gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ đám mây an toàn ở châu Âu.
Lần này, sẽ không có một thỏa thuận khả thi nào giữa hai hệ thống. Các thẩm phán châu Âu và cơ quan quản lý quyền riêng tư quốc gia sẽ cực kỳ hoài nghi trước những cam kết từ chính quyền Trump – và họ có lý do chính đáng để làm như vậy. Khác với các chính trị gia châu Âu hoặc các quan chức Ủy ban châu Âu, các thẩm phán châu Âu không chịu áp lực chính trị. Họ coi mình là người bảo vệ luật pháp quốc gia và trật tự hiến pháp châu Âu – điều mà Trump và chính quyền của ông đang tìm cách làm suy yếu. Các thẩm phán cũng sẽ không có thiện cảm với các công ty công nghệ Mỹ. Một thập kỷ trước, những công ty này vẫn có thể tách mình khỏi những hành vi thái quá của chính phủ Hoa Kỳ, lên án các chương trình giám sát của Mỹ. Nhưng giờ đây, các chủ sở hữu và CEO của họ công khai ủng hộ Trump, làm suy yếu mọi lời bào chữa về tính độc lập của họ.
Hiện tại, Google và Microsoft kiểm soát hai phần ba thị trường điện toán đám mây của châu Âu. Nhưng các chính trị gia, học giả, viện nghiên cứu và doanh nhân châu Âu đang dần thống nhất quan điểm rằng châu Âu cần xây dựng các tài nguyên điện toán đám mây của riêng mình để đạt được quyền tự chủ chiến lược và giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Một phán quyết của tòa án châu Âu chống lại dòng chảy dữ liệu EU-Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh đáng kể các kế hoạch này. Ngoài ra, các biện pháp áp thuế thương mại mạnh tay từ Mỹ cũng có thể kích thích châu Âu hạn chế các dịch vụ công nghệ của Mỹ để đáp trả.
Nếu điều đó xảy ra, Big Tech sẽ chỉ có thể tự trách mình. Trước những thay đổi địa chính trị, họ đã chọn xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với chính phủ Hoa Kỳ, tin rằng họ có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung. Sau khi Trump tái đắc cử, các lãnh đạo công nghệ đã sẵn sàng chào đón ông, trong khi họ hoàn toàn có thể giữ khoảng cách. Giờ đây, các công ty công nghệ lớn có thể sẽ nhận ra rằng họ không chỉ không bao giờ có cửa tiếp cận thị trường Trung Quốc mà còn ngày càng trở thành đối tượng không được chào đón tại châu Âu.
Những mối quan hệ rạn nứt này có thể đánh dấu sự kết thúc của giấc mơ về một Internet toàn cầu, nơi mọi người cùng sử dụng chung các dịch vụ. Cũng giống như ở Trung Quốc, các nền tảng châu Âu vẫn có thể sử dụng Internet làm nền tảng công nghệ cho dịch vụ của họ. Nhưng họ sẽ bắt đầu xây dựng các nền tảng thay thế của riêng mình, tách biệt khỏi sự can thiệp của Mỹ bằng các mô hình kinh doanh chỉ dành riêng cho châu Âu và hệ thống mã hóa mạnh mẽ. Và chính các công ty công nghệ Mỹ đã góp phần tạo ra viễn cảnh đó.
Khuôn viên trụ sở Meta ở Menlo Park, California. Ảnh: Reuters
(*) Henry Farrell là Giáo sư tại về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins; Abraham Newman là Chủ tịch John Powers về Ngoại giao Kinh doanh Quốc tế tại Trường Dịch vụ Đối ngoại Walsh và là Giáo sư tại Khoa Chính phủ của Đại học Georgetown.