Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư đã công bố loạt thuế quan mới, đánh dấu một sự leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại của ông, gọi động thái lịch sử này là “tuyên ngôn độc lập kinh tế.” Theo hầu hết các nhà kinh tế, canh bạc đầy rủi ro của Trump nhằm đối phó với các hành vi thương mại không công bằng có thể đẩy giá cả tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Sử dụng quyền hạn khẩn cấp quốc gia, Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với hàng hóa từ khoảng 60 quốc gia hoặc khối thương mại có thâm hụt thương mại cao với Mỹ. Trong đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ lần lượt chịu mức thuế mới là 34% và 20%.
Khoảng 60 quốc gia sẽ phải chịu mức thuế cao hơn 10%. Mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy, một phút sau nửa đêm, và các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 9 tháng 4, tức là sau một tuần từ khi công bố.
Các động thái mới nhất của Trump đánh dấu sự leo thang thuế quan lớn nhất của Mỹ trong gần một thế kỷ, kể từ Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930. Nhưng cuộc đối đầu thương mại không dừng lại ở đó.
Các quốc gia, bao gồm cả những đồng minh lâu năm của Mỹ, tuyên bố rằng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước chính sách thuế của Trump, mở ra nguy cơ một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng trên toàn cầu có thể nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Kịch bản này có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa và gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ, nhiều người trong số họ vốn đã gặp khó khăn.
Thông báo về “Ngày Giải Phóng” của Trump không giúp làm sáng tỏ màn sương mù bất ổn dày đặc. Thậm chí, theo các quan chức cấp cao Nhà Trắng, sẽ có thêm các mức thuế theo từng ngành được công bố trong thời gian tới.
Những điểm chính từ đợt tăng thuế quy mô lớn của Trump
Các mức thuế gọi là “có đi có lại” của Trump sẽ không hoàn toàn tương đương với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ, trừ khi quốc gia đó đã chịu mức thuế 10% của Mỹ. Ngoài ra, các mức thuế này cũng sẽ không chồng lên các thuế suất hiện hành đối với từng ngành.
“Tôi sẽ áp mức thuế chỉ bằng khoảng một nửa so với những gì họ đang áp lên chúng ta, vì vậy mức thuế này sẽ không hoàn toàn mang tính đối xứng,” Trump phát biểu từ Vườn Hồng của Nhà Trắng vào chiều thứ Tư. “Tôi có thể làm vậy, nhưng điều đó sẽ rất khó khăn đối với nhiều quốc gia, và chúng tôi không muốn làm vậy.”
Ví dụ, thay vì áp mức thuế 39% tương đương với thuế suất của EU đối với hàng hóa Mỹ, mức thuế mới đối với EU chỉ là 20%. Trung Quốc, vốn đã bị đánh thuế 20% vì vai trò của họ trong buôn bán fentanyl, sẽ phải chịu thêm 34% nữa – bằng một nửa mức thuế 67% mà Bắc Kinh áp lên Mỹ – nâng tổng mức thuế mới lên 54%.
Các mức thuế mới sẽ không cộng thêm vào các mức thuế trước đây đã áp dụng đối với thép, nhôm và ô tô.
Mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada không tuân theo Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) vẫn sẽ được duy trì cho đến khi Trump xác định rằng các vấn đề liên quan đến fentanyl và nhập cư bất hợp pháp đã được giải quyết. Khi đó, Mexico và Canada sẽ được áp dụng chính sách thương mại chung hiện tại của Mỹ đối với các quốc gia khác.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cũng cho biết Trump muốn áp thuế riêng đối với chất bán dẫn, dược phẩm và khoáng sản quan trọng, và các mức thuế này sẽ được công bố sau.
Các nước tuyên bố sẽ đáp trả
Nhiều quốc gia đã báo hiệu rằng họ sẽ phản ứng trước các mức thuế của Trump, và Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) hôm thứ Tư cảnh báo rằng có một “nguy cơ diện rộng rõ ràng đối với hệ thống thương mại toàn cầu” nếu căng thẳng thương mại leo thang đến mức đỉnh điểm.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố hôm Chủ Nhật rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả đồng bộ đối với các mức thuế mới. Cả ba quốc gia này đều bị áp thuế trên 20%.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết bà sẽ công bố một kế hoạch kinh tế toàn diện vào thứ Năm nhằm đối phó với thuế quan của Trump, bao gồm các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của đất nước.
Nhiều lãnh đạo châu Âu cũng lên tiếng sau tuyên bố của Trump, cam kết sẽ có biện pháp đáp trả sau khi đánh giá tác động của các mức thuế mới đối với nền kinh tế của họ. Karin Keller-Sutter, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, đăng trên X rằng các quan chức nước này “sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo.”
Sau thông báo của Trump, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết các mức thuế mới sẽ “làm thay đổi căn bản hệ thống thương mại quốc tế” và tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ chống lại những mức thuế này bằng các biện pháp trả đũa.”
“Ngồi xuống, hít một hơi thật sâu, đừng ngay lập tức trả đũa,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói trong một cuộc phỏng vấn với Kaitlan Collins của CNN. “Hãy xem mọi chuyện diễn biến thế nào, vì nếu các nước trả đũa ngay lập tức, đó chính là cách khiến căng thẳng leo thang.”
Ông cảnh báo các quốc gia khác rằng “bất kỳ hành động vội vã nào cũng sẽ là một quyết định không khôn ngoan.”
Phố Wall và Quốc hội Mỹ bất an
Phản ứng từ thị trường và chính trường Mỹ diễn ra nhanh chóng: Chứng khoán Mỹ lao dốc trong các phiên giao dịch ngoài giờ, trong khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về một biện pháp do đảng Dân chủ đề xuất nhằm phản đối chính sách thương mại của Trump.
Chỉ số Dow tương lai giảm hơn 900 điểm vào đầu buổi tối, tương đương 2,19%; chỉ số S&P 500 giảm 3,38% và chỉ số Nasdaq 100 giảm 4,28%. Đợt bán tháo lan rộng trên thị trường, với cổ phiếu của Apple, Nike và Walmart — các công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu — đều giảm mạnh.
“Tổng thống Trump vừa kết thúc bài phát biểu về thuế quan tại Nhà Trắng, và chúng tôi cho rằng loạt thuế này còn tệ hơn cả kịch bản tồi tệ nhất mà Phố Wall lo ngại,” Dan Ives, chuyên gia phân tích cấp cao tại Wedbush Securities, nhận định trong một báo cáo.
Như dự đoán, đảng Dân chủ đã phản ứng mạnh mẽ trước các mức thuế của Trump trong suốt ngày thứ Tư.
“Đảng Cộng hòa đang đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực sụp đổ theo thời gian thực và kéo chúng ta vào suy thoái,” Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries tuyên bố trong một cuộc họp báo. “Đây không phải là Ngày Giải Phóng, mà là Ngày Suy Thoái.”
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Greg Meeks của New York, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết hôm thứ Tư rằng ông dự định thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về thuế quan trong những ngày tới bằng một thủ tục đặc biệt cho phép bỏ qua sự kiểm soát của lãnh đạo Quốc hội và đưa vấn đề ra sàn Hạ viện. Trước đó, các nỗ lực tương tự của ông đều bị lãnh đạo đảng Cộng hòa ngăn chặn.
Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị đối phó với hậu quả
Nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết hôm thứ Tư rằng họ đang chuẩn bị cho những tác động tiêu cực từ các chính sách mới của Trump.
“Điều này đáng lo ngại, nó sẽ rất tốn kém và buộc tất cả chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn,” Benjamin Colvin, chủ tịch kiêm đồng sáng lập hãng Devil’s Foot Brewing ở Asheville, Bắc Carolina, phát biểu trong một cuộc họp báo cùng với các chủ doanh nghiệp khác trong tiểu bang.
Colvin cho biết công ty của ông, chuyên sản xuất soda thủ công và cocktail không cồn, đã chứng kiến chi phí sản xuất tăng cao kể từ khi Trump áp thuế lên nhôm và thép.
Các mức thuế của Trump sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn doanh nghiệp, bao gồm cả các siêu thị, vốn nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước ngoài.
“Hệ thống thực phẩm của chúng ta có mối liên kết chặt chẽ với thị trường toàn cầu — bao gồm cả những sản phẩm không được trồng tại Mỹ như chuối hoặc các mặt hàng theo mùa — giúp giữ giá cả ổn định và mang lại cho người tiêu dùng Mỹ nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng quanh năm,” Leslie Sarasin, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành Công nghiệp Thực phẩm Mỹ, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Richard Nixon phá vỡ hệ thống Bretton Woods vào năm 1971 bằng cách đơn phương chấm dứt khả năng quy đổi đồng đô la Mỹ thành vàng, một hành động thường được gọi là “cú sốc Nixon” (Nixon Shock). Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử tài chính quốc tế, chấm dứt hệ thống tỷ giá cố định mà thế giới đã vận hành từ sau Thế chiến thứ hai.
Hệ thống Bretton Woods được thiết lập năm 1944, trong đó đồng USD theo chế độ “kim bản vị” được gắn cố định với vàng ở mức 35 USD/ounce, còn các đồng tiền khác thì neo theo USD. Mỹ cam kết cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đổi USD lấy vàng theo tỷ lệ cố định này, với mục tiêu là tạo ra sự ổn định tiền tệ và thúc đẩy thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, do lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh trong những năm 1960 do chi tiêu quốc phòng (Chiến tranh Việt Nam) và các chương trình xã hội, khiến niềm tin vào đồng USD suy giảm: nhiều quốc gia bắt đầu hoán đổi USD lấy vàng, đặc biệt là Pháp. Do vậy, dự trữ vàng của Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, và Mỹ không còn đủ vàng để đảm bảo cho số lượng USD lưu hành. Trước tình hình này, vào ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng thống Nixon công bố trên truyền hình quyết định tạm thời đình chỉ việc quy đổi USD ra vàng (thực tế là vĩnh viễn), áp dụng kiểm soát giá cả và tiền lương, để chống lạm phát, và đánh thuế nhập khẩu 10% tạm thời, nhằm bảo vệ hàng hóa Mỹ. Hệ quả là việc ra đời chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt, trong đó các đồng tiền thả nổi theo thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, bước đi này đã dẫn đến mất ổn định tiền tệ toàn cầu, khi tỷ giá hối đoái trở nên biến động mạnh, đầu cơ tiền tệ gia tăng, và lạm phát toàn cầu bùng nổ. Ngoài ra, chính sách này cũng được cho là kích hoạt cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973, và làm gia tăng nợ công và bong bóng tài sản.
|
Tổng thống Trump công bố các mức thuế đối ứng. Ảnh CNN