Tổng thống Donald Trump đang phá vỡ các quy tắc đã điều chỉnh thương mại toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Các mức thuế “đối ứng” mà ông dự kiến công bố vào thứ Tư, 2-4-2025, có thể tạo ra hỗn loạn cho doanh nghiệp toàn cầu và gây xung đột với cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ.
Từ những năm 1960, thuế nhập khẩu được hình thành qua các cuộc đàm phán giữa hàng chục quốc gia. Trump giờ đây muốn nắm quyền kiểm soát quá trình này.
“Rõ ràng, điều này làm gián đoạn cách mọi thứ đã vận hành từ rất lâu,” Richard Mojica, luật sư thương mại tại Miller & Chevalier, cho biết. “Trump đang vứt bỏ tất cả… Rõ ràng là ông ấy đang xé bỏ hệ thống thương mại. Sẽ có những điều chỉnh ở khắp mọi nơi.”
Dẫn chứng thâm hụt thương mại lớn và kéo dài của Mỹ — kể từ năm 1975, Mỹ chưa từng bán ra thế giới nhiều hơn số hàng nhập vào — Trump cho rằng các điều kiện thương mại đang bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ. Ông và các cố vấn tin rằng lý do lớn là các nước khác thường đánh thuế xuất khẩu của Mỹ cao hơn mức Mỹ đánh thuế hàng hóa của họ.
Trump đưa ra giải pháp: tăng thuế nhập khẩu của Mỹ để phù hợp với mức thuế mà các nước khác áp đặt lên hàng hóa Mỹ.
Ông dự kiến công bố các mức thuế đối ứng vào thứ Tư, ngày 2 tháng 4, cùng với một số chi tiết khác về thuế nhập khẩu. Ông gọi ngày này là “Ngày Giải Phóng” vì các chính sách bảo hộ của ông nhằm giải phóng nền kinh tế Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.
Tổng thống Mỹ là một người ủng hộ thuế quan không hề che giấu. Ông đã áp dụng biện pháp này rộng rãi trong nhiệm kỳ đầu tiên và đang triển khai mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ thứ hai. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông đã áp thuế 20% đối với Trung Quốc, công bố mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhập khẩu, có hiệu lực vào thứ Năm, đồng thời tăng thuế đối với thép và nhôm nước ngoài và đánh thuế một số hàng hóa từ Canada và Mexico, với khả năng mở rộng danh mục trong tuần này.
Các nhà kinh tế không cùng quan điểm với Trump về thuế quan. Đây thực chất là khoản thuế đánh vào nhà nhập khẩu, thường được chuyển sang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mối đe dọa thuế đối ứng của Trump có thể buộc các nước khác phải ngồi vào bàn đàm phán và giảm thuế nhập khẩu của họ.
“Nó có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên,” Christine McDaniel, cựu quan chức thương mại Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm Mercatus của Đại học George Mason, nhận định. “Các nước khác có lợi ích trong việc giảm thuế.”
Bà chỉ ra rằng Ấn Độ đã cắt giảm thuế đối với nhiều mặt hàng, từ xe máy đến xe hơi hạng sang, và cam kết tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Mỹ.
Thuế đối ứng là gì và hoạt động như thế nào?
Về lý thuyết, nó khá đơn giản: Mỹ sẽ nâng thuế nhập khẩu lên mức tương đương với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ.
“Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta cũng đánh thuế họ,” Trump tuyên bố hồi tháng 2. “Nếu họ ở mức 25%, chúng ta cũng 25%. Nếu họ ở mức 10%, chúng ta cũng 10%. Và nếu họ cao hơn 25%, chúng ta cũng sẽ tương đương.”
Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa tiết lộ nhiều chi tiết. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã được giao nhiệm vụ trình báo cáo trong tuần này về cách thuế đối ứng sẽ thực hiện trên thực tế.
Antonio Rivera, đối tác tại ArentFox Schiff và cựu luật sư của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ xem xét từng mặt hàng trong biểu thuế — từ xe máy đến xoài — để điều chỉnh thuế từng sản phẩm theo từng quốc gia, hay sẽ áp dụng mức thuế trung bình theo từng nước, hoặc có thể có một phương án khác.
“Đây thực sự là một môi trường cực kỳ hỗn loạn,” Stephen Lamar, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ, nhận xét. “Rất khó để lập kế hoạch dài hạn một cách bền vững.”
Tại sao thuế quan lại chênh lệch như vậy?
Mức thuế của Mỹ nhìn chung thấp hơn so với các đối tác thương mại. Sau Thế chiến II, Mỹ thúc đẩy các nước giảm rào cản thương mại và thuế quan, coi thương mại tự do là cách để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và xuất khẩu của Mỹ ra thế giới. Và Mỹ chủ yếu thực hiện điều đó, giữ mức thuế thấp và cho phép người tiêu dùng tiếp cận hàng nhập khẩu giá rẻ.
Trump đã phá vỡ quan điểm truyền thống này, cho rằng cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài đã làm tổn hại ngành sản xuất Mỹ và tàn phá các thị trấn công nghiệp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã áp thuế đối với thép, nhôm, máy giặt, pin năng lượng mặt trời và gần như tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Tổng thống Dân chủ Joe Biden phần lớn duy trì chính sách bảo hộ của Trump.
Nhà Trắng đã nêu một số ví dụ về chênh lệch thuế đáng kể: Brazil đánh thuế ethanol nhập khẩu, bao gồm cả ethanol của Mỹ, ở mức 18%, trong khi thuế của Mỹ chỉ là 2,5%. Tương tự, Ấn Độ đánh thuế xe máy nhập khẩu ở mức 100%, trong khi Mỹ chỉ 2,4%.
Mỹ có bị các nước khác lợi dụng không?
Mức thuế cao mà Trump phàn nàn không phải do các nước khác tự ý áp đặt. Mỹ đã đồng ý với chúng sau nhiều năm đàm phán phức tạp trong Vòng đàm phán Uruguay, kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại giữa 123 quốc gia.
Theo thỏa thuận này, mỗi nước có thể đặt mức thuế riêng cho từng sản phẩm — nhưng theo nguyên tắc “đối xử tối huệ quốc,” họ không thể đánh thuế một quốc gia cao hơn các quốc gia khác. Vì vậy, các mức thuế cao mà Trump chỉ trích không chỉ nhắm vào Mỹ mà áp dụng cho tất cả các nước.
Những bất bình của Trump đối với các đối tác thương mại của Mỹ cũng xuất hiện vào một thời điểm kỳ lạ. Nền kinh tế Mỹ, nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và những cải thiện đáng kể về năng suất, đang vượt trội so với các nền kinh tế tiên tiến khác trên thế giới. Từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến giữa năm ngoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng gần 9% — so với chỉ 5,5% của Canada và 1,9% của Liên minh châu Âu. Trong cùng khoảng thời gian đó, nền kinh tế Đức suy giảm 2%.
Kế hoạch của Trump không chỉ dừng lại ở thuế quan
Không dừng lại ở việc điều chỉnh biểu thuế, Trump còn nhắm đến các chính sách khác của nước ngoài mà ông cho là rào cản không công bằng đối với hàng hóa Mỹ. Những biện pháp này bao gồm trợ cấp trong nước, các quy định về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu, và các quy định lỏng lẻo khiến việc đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ trở nên dễ dàng hơn.
Việc xác định một loại thuế nhập khẩu để bù đắp thiệt hại từ những thực tiễn đó sẽ thêm một cấp độ phức tạp nữa cho kế hoạch thuế quan đối ứng của Trump.
Ngoài ra, đội ngũ của Trump còn tranh cãi với Liên minh châu Âu và các đối tác thương mại khác về thuế giá trị gia tăng (VAT). Trump coi VAT là một loại thuế quan vì nó áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế không đồng tình, vì VAT áp dụng cho cả sản phẩm nội địa và nhập khẩu, không chỉ nhắm vào hàng hóa Mỹ, nên khl6ng được xem là rào cản thương mại.
Và có một vấn đề lớn hơn: Thuế giá trị gia tăng (VAT) là nguồn thu lớn cho các chính phủ châu Âu. “Hầu hết các quốc gia không thể thương lượng về VAT của họ… vì nó là một phần quan trọng trong nguồn thu nhập của họ,” Brad Setser, nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đăng trên X.
Paul Ashworth, kinh tế gia trưởng về Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho biết 15 quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ có mức VAT trung bình trên 14%, cùng với thuế nhập khẩu 6%. Điều này có nghĩa là thuế quan trả đũa của Mỹ có thể lên tới 20% — cao hơn nhiều so với đề xuất 10% thuế quan toàn cầu của Trump trong chiến dịch.
Thuế quan và thâm hụt thương mại
Trump và một số cố vấn của ông cho rằng thuế quan cao hơn sẽ giúp đảo ngược thâm hụt thương mại lâu dài của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thuế quan đã không chứng minh được hiệu quả trong việc thu hẹp khoảng cách thương mại: Mặc dù có thuế nhập khẩu từ Trump và Biden, thâm hụt đã tăng lên 918 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt này là kết quả của những đặc điểm độc đáo của nền kinh tế Mỹ. Vì chính phủ liên bang đang gặp thâm hụt ngân sách rất lớn và người tiêu dùng Mỹ thích chi tiêu, nên tiêu dùng và đầu tư của Mỹ vượt xa tiết kiệm. Kết quả là, một phần trong nhu cầu đó đã chuyển sang hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.
Hoa Kỳ bù đắp chi phí thâm hụt thương mại chủ yếu bằng cách vay mượn từ nước ngoài, một phần bằng cách bán chứng khoán kho bạc và các tài sản khác.
“Thâm hụt thương mại thực sự là một sự mất cân bằng vĩ mô,” bà Kimberly Clausing, nhà kinh tế học của UCLA và cựu quan chức Bộ Tài chính cho biết.
Cố vấn Nhà Trắng nói tăng thuế thực chất là giảm thuế Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho biết vào Chủ nhật rằng ông kỳ vọng các mức thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ mang lại 6 nghìn tỷ USD doanh thu trong vòng 10 năm tới, trở thành mức tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Navarro, cố vấn cấp cao của Trump về thương mại và sản xuất, khẳng định đây không phải là một sự tăng thuế mà là cắt giảm thuế cho người Mỹ — phản ánh niềm tin lặp đi lặp lại của chính quyền Trump rằng các mức thuế này sẽ không được người tiêu dùng Mỹ trả mà sẽ do các doanh nghiệp ở các quốc gia khác hoặc chính các quốc gia đó chi trả. “Thông điệp là tăng thuế quan đồng nghĩa cắt giảm thuế, thuế quan là tạo việc làm, thuế quan là an ninh quốc gia,” Navarro nói trong chương trình Fox News Sunday. “Thuế quan rất tốt cho nước Mỹ. Chúng sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Navarro cho biết các mức thuế nhập khẩu này sẽ tạo ra nền tảng cho việc cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các con số doanh thu thuế mà Navarro trích dẫn sẽ là một mức tăng thuế lớn đối với người Mỹ trong ngắn hạn. Các mức thuế không liên quan đến ô tô “sẽ thu về khoảng 600 tỷ USD (một năm), khoảng 6 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm,” Navarro cho biết. Ô tô, theo ông, sẽ thu thêm 100 tỷ USD mỗi năm. Chưa rõ Navarro tính toán con số 700 tỷ USD hàng năm này như thế nào, vì các chi tiết về các mức thuế này vẫn chưa được công bố đầy đủ. Cũng không rõ, và có thể là không có khả năng, người Mỹ sẽ tiếp tục mua nhiều hàng hóa nhập khẩu như vậy nếu giá cả tăng do chi phí thuế quan. Để đạt được ước tính của Navarro, sẽ cần một mức thuế 25% đối với hầu hết 3,3 nghìn tỷ USD hàng hóa được nhập khẩu bởi các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vào năm 2024. Và điều này sẽ không thể xảy ra. Trump đã nói rằng không phải tất cả các hàng hóa sẽ bị đánh thuế — chỉ những hàng hóa từ các quốc gia có chính sách thương mại mà chính quyền này cho là “bất công” đối với Mỹ. Thêm vào đó, con số 6 nghìn tỷ USD này hàm ý rằng người Mỹ sẽ không thay đổi hành vi mua sắm của họ. Đó chính xác là mục dích của các mức thuế này: Thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng Mỹ (và buộc các doanh nghiệp nước ngoài và đa quốc gia chuyển sản xuất sang các nhà máy mới ở Mỹ). Các nhà chỉ trích kế hoạch thuế quan của chính quyền Trump cho rằng chúng sẽ tạo ra những đợt tăng chi phí lớn cho người tiêu dùng Mỹ và sẽ kéo nền kinh tế đi xuống. “Đó là thuế,” Thượng nghị sĩ Mark Warner nói trong một cuộc phỏng vấn trên Fox ngay sau khi Navarro xuất hiện. “Số tiền đó không tự nhiên rơi xuống từ trên trời. Số tiền đó đến vì (giá của) những sản phẩm này sẽ tăng lên, người Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn. Chúng ta đang nói về một khoản thuế 700 tỷ USD,” ông nói, đề cập thêm khoản 100 tỷ USD mà Navarro nói sẽ thu được từ ô tô trong năm đầu tiên. “Điều này xúc phạm trí tuệ của người dân Mỹ khi ông ấy nói chính phủ sẽ thu về 700 tỷ USD mỗi năm,” ông nói. Một loạt nhà kinh tế, nhà phân tích ngay lập tức phê phán lập luận của Navarro là “cực kỳ ngu xuẩn (‘exceptionally stupid’ claim)” “Thuế quan là thuế. Việc nói thuế quan là cắt giảm thuế là vô lý. Thuế của ai được cắt giảm bởi thuế quan? Các nhà báo, xin hãy yêu cầu ông ấy giải thích những tuyên bố như vậy,” cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul tuyên bố về cuộc xuất hiện của Navarro trên Fox News. (Theo CNN) |