Phòng thí nghiệm CERN của châu Âu hôm thứ Hai cho biết một phân tích chi tiết đã không phát hiện trở ngại kỹ thuật nào đối với việc xây dựng máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới, cho dù một số nhà phê bình chỉ trích dự án “khổng lồ” trị giá 17 tỷ USD.
Dự án Máy Va chạm Hạt Tương lai (FCC) rất quan trọng để đảm bảo châu Âu duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực vật lý cơ bản, Tổng giám đốc CERN Fabiola Gianotti nói với AFP.
“Bây giờ có sự cạnh tranh thực sự,” đặc biệt là từ Trung Quốc, bà cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án FCC “đang đi đúng hướng” và kêu gọi các quốc gia thành viên cấp vốn để tiến hành.
Sau khi phân tích khoảng 100 kịch bản khác nhau, CERN hôm thứ Hai đã công bố kết quả của một nghiên cứu khả thi kéo dài nhiều năm về phương án được ưu tiên: một đường hầm tròn dài gần 91 km vắt qua biên giới Pháp – Thụy Sĩ.
Với độ sâu trung bình 200 mét, đường hầm này sẽ chứa một máy gia tốc hạt có chiều dài hơn ba lần so với Máy Va chạm Hadron Lớn (LHC) hiện tại của CERN, hiện là máy gia tốc lớn nhất thế giới.
LHC — một đường tròn dài 27 km cho va chạm proton, được xây dựng ở độ sâu khoảng 100 mét dưới lòng đất — đã được sử dụng để chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs boson, hay còn gọi là “hạt của Chúa”, một phát hiện đoạt giải Nobel giúp mở rộng hiểu biết khoa học về cách các hạt có được khối lượng.
Với việc LHC dự kiến sẽ kết thúc sứ mệnh vào năm 2041, CERN đã phân tích các lựa chọn để giúp các nhà khoa học tiếp tục khám phá, và đó là lý do ra đời dự án FCC.
Gianotti hoan nghênh thành công của nghiên cứu khả thi, nhấn mạnh rằng “chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ trở ngại kỹ thuật nào”.
Nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ sự lạc quan về FCC.
“Để có những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ và vai trò của hạt Higgs boson… cộng đồng khoa học toàn cầu cần một cỗ máy mạnh mẽ và nhiều tiềm năng như FCC,” Catherine Biscarat, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm L2IT thuộc Đại học Toulouse, nói với AFP.
Những tranh cãi xung quanh dự án
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ dự án khổng lồ này, vốn được ước tính tiêu tốn 15 tỷ franc Thụy Sĩ (16,9 tỷ USD).
Các quốc gia thành viên của CERN — gồm 23 nước châu Âu và Israel — sẽ phải quyết định trước năm 2028 có cấp vốn cho dự án hay không. Nhưng Đức, nước đóng góp lớn nhất cho CERN, đã bày tỏ quan ngại về số tiền khổng lồ cần chi.
Người phát ngôn của CERN, Arnaud Marsollier, cố gắng trấn an những lo ngại này, khẳng định rằng có tới 80% chi phí của FCC “có thể được trang trải bằng ngân sách của tổ chức”.
Trong khi đó, một số người dân địa phương phản đối dự án vì lo ngại ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của họ.
Thierry Perrillat, một nông dân nuôi bò sữa ở Roche-sur-Foron, Pháp, cho rằng máy gia tốc dự kiến sẽ chiếm “5 hecta trang trại của chúng tôi”.
“Đây giống như cuộc chiến giữa David và Goliath,” ông than thở.
Dự án cũng vấp phải sự phản đối từ các nhà khoa học khác.
“Chi phí tài chính, sinh thái và vận hành của nó quá lớn,” nhà vật lý Olivier Cepas thuộc Viện Neel tại Đại học Grenoble nói với AFP.
“Sẽ tốt hơn nếu đầu tư vào các dự án khoa học nhỏ hơn,” ông nhấn mạnh.
Kỹ sư dự án FCC, Jean-Paul Burnet, khẳng định rằng kế hoạch đã được “điều chỉnh để giảm tác động môi trường”, chẳng hạn như giảm số lượng giếng và các cơ sở trên mặt đất.
Nhưng các nhóm môi trường trong khu vực vẫn không bị thuyết phục.
Trong một báo cáo, tổ chức bảo vệ môi trường Noe21 chỉ trích dự án FCC là “quá mức”, viện dẫn lượng điện tiêu thụ khổng lồ, tác động đến khí hậu, chi phí và quy mô.
Liên minh môi trường Pháp – Thụy Sĩ CO-CERNes, bao gồm WWF và Greenpeace, đã tổ chức các buổi cung cấp thông tin cho cộng đồng địa phương.
Tại một buổi họp gần Marcellaz, gần một trong tám địa điểm bề mặt của FCC, nhà tổ chức Thierry Lemmel nói với AFP rằng nhóm đang cung cấp thông tin về dự án “vĩ đại này”.
“Tiến bộ là cần thiết,” ông nói.
Nhưng ông đặt câu hỏi: “Với tình trạng của hành tinh hiện nay, liệu chúng ta có nên huy động nhiều nguồn lực và tài sản như vậy cho một dự án với kết quả chưa chắc chắn không?”
Ở Ferney-Voltaire, một trong bảy địa điểm bề mặt được lên kế hoạch ở phía Pháp, thị trưởng Daniel Raphoz lại ủng hộ dự án “đôi bên cùng có lợi”, ông cho rằng nó sẽ tạo việc làm và cung cấp năng lượng.
“Năng lượng dư thừa từ CERN sẽ được sử dụng để sưởi ấm thị trấn,” ông nói.
Nếu FCC không được xây dựng ở đây, công nghệ sẽ phát triển ở nơi khác, ông cảnh báo.
“Điều này sẽ diễn ra ở Trung Quốc, và đó sẽ là sự suy thoái của châu Âu.”
CERN tin rằng Máy Va chạm Hạt Tương lai là yếu tố thiết yếu để duy trì vị thế dẫn đầu của châu Âu trong lĩnh vực vật lý. Ảnh: AFP