Khi Phố Wall kết thúc quý 1-2025 và bước vào quý mới, hàng loạt chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump sắp có hiệu lực. Điều này khiến các nhà giao dịch lo lắng và góp phần đẩy chứng khoán Mỹ vào đợt suy giảm quý 1 tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Chứng khoán Mỹ năm nay biến động mạnh do các đề xuất thuế quan của Trump tạo ra sự bất ổn cho giới đầu tư. Chỉ số S&P 500 đã giảm gần 6% từ đầu năm đến nay, đánh dấu khởi đầu tệ nhất kể từ năm 2020.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 50 điểm (0,1%), sau khi mở cửa mất khoảng 300 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, trong khi Nasdaq Composite mất 1,8%. S&P 500 thậm chí rơi trở lại vào vùng điều chỉnh, giảm 10% so với mức đỉnh vào tháng Hai và chạm mức thấp nhất kể từ tháng Chín năm ngoái.
Trên toàn cầu, chứng khoán cũng suy giảm trong bối cảnh ngày thứ Tư sắp tới, được Trump gọi là “Ngày Giải Phóng”, khi các biện pháp thuế quan đối ứng và nhiều loại thuế khác sẽ có hiệu lực. Các nhà kinh tế lo ngại rằng các mức thuế này có thể làm gia tăng lạm phát và cản trở tăng trưởng kinh tế.
Lo ngại về tác động của thuế quan
Phạm vi đầy đủ của chính sách thuế quan của Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự thiếu minh bạch này đã gây áp lực lên Phố Wall. Hôm Chủ nhật, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã hạ dự báo cuối năm cho S&P 500 xuống 5.900 điểm từ mức 6.200 trước đó. Trước đó, ngân hàng này cũng đã điều chỉnh dự báo từ 6.500 xuống 6.200.
Các nhà phân tích tại Barclays cũng vừa hạ dự báo cuối năm của S&P 500 xuống 5.900 điểm từ mức 6.600, phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ.
Theo Goldman Sachs, nguy cơ suy thoái đang gia tăng khi thuế quan có thể chặn đà tăng trưởng, tăng tỷ lệ thất nghiệp và đẩy lạm phát lên cao. Ngân hàng này hiện đánh giá khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 35%, tăng từ mức 20% trước đó.
Thuế quan kéo chứng khoán đi xuống
Trước khi bước vào năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Một số nhà đầu tư kỳ vọng Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có lợi cho doanh nghiệp, giúp chứng khoán duy trì đà tăng lịch sử.
Tuy nhiên, việc Trump kiên trì theo đuổi chính sách thuế quan đã khiến nhiều nhà đầu tư bối rối. Không giống nhiệm kỳ đầu, lần này Trump dường như không dành nhiều sự chú ý cho thị trường chứng khoán, trong khi giới đầu tư còn phải đối mặt với các yếu tố khác ngoài thuế quan, như sự hoài nghi về giá trị thực sự của cơn sốt trí tuệ nhân tạo.
Nasdaq Composite, chỉ số tập trung nhiều vào các công ty công nghệ, đã giảm 12% từ đầu năm và đang hướng tới quý tồi tệ nhất kể từ tháng 6-2022, cũng như khởi đầu năm kém nhất kể từ 2020.
Trong khi đó, giá vàng lại tăng vọt. Hợp đồng vàng tương lai được giao dịch nhiều nhất tại New York hôm thứ Hai đã vượt mốc 3.150 USD một ounce, mức cao kỷ lục. Vàng thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn và là công cụ phòng ngừa lạm phát.
Khi ngày thứ Tư đến gần, các nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn về quy mô chính xác của thuế quan, còn doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chuẩn bị tinh thần đối phó. Hôm thứ Bảy, Trump tuyên bố với NBC News rằng ông “không quan tâm” nếu các hãng ô tô tăng giá vì thuế quan.
Giới phân tích tại Morgan Stanley nhận định: “Chính quyền Mỹ tuyên bố mục tiêu là thiết lập các mối quan hệ thương mại công bằng hơn, với nguyên tắc đối ứng làm nền tảng để áp thuế. Nhưng ngoài điều đó ra, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về chính sách này.”
Họ cũng cho biết: “Điều này không hề trấn an các nhà đầu tư mà chúng tôi trao đổi, những người đang bối rối trước sự thay đổi liên tục trong các thông báo về thuế, các cuộc đàm phán, trì hoãn và mức thuế khác nhau đối với Mexico, Canada, Trung Quốc và một số sản phẩm quan trọng.”
Thị trường toàn cầu chao đảo
Trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá hôm thứ Hai khi nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,21% khi dòng tiền đổ vào thị trường trái phiếu.
Thomas Martin, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, nhận định: “Những phát ngôn gần đây vẫn rất mơ hồ, khiến mức độ bất ổn cao, và không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra.”
Ông nói thêm: “Chúng ta sắp có một thông báo mới, nhưng vẫn sẽ không có sự rõ ràng. Và tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta sẽ phải chấp nhận trong một thời gian tới.”
Thị trường toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Trump. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 4% trong phiên giao dịch thứ Hai và chính thức rơi vào vùng điều chỉnh khi mất 10% trong quý đầu tiên. Tại Đài Loan, chỉ số chứng khoán chính cũng giảm hơn 4% và đóng cửa thấp hơn 10% so với đầu năm.
Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm 1,4%, trong khi chỉ số DAX của Đức cũng mất 1,4%.
Chỉ số VIX, thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng 9% vào thứ Hai. Theo Chỉ số Sợ hãi và Tham lam của CNN, tâm lý chi phối thị trường hôm qua là “nỗi sợ hãi tột độ”.
Mohit Kumar, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, cho biết: “Tất cả đều xoay quanh sự không chắc chắn về thuế quan và mức thuế cũng như các biện pháp đáp trả sẽ được công bố.”
Nhà đầu tư cảm thấy mất phương hướng vì chính sách thuế của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty Images
ưq