Những thay đổi lớn trong nghiên cứu khoa học tại Mỹ dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đang khiến nhiều nhà khoa học ở nước này phải suy nghĩ lại về cuộc sống và sự nghiệp của họ (rethink their lives and careers). Hơn 1.200 nhà khoa học tham gia khảo sát của Nature — chiếm ba phần tư số người trả lời — cho biết họ đang cân nhắc rời khỏi Mỹ sau những xáo trộn do Trump gây ra. Châu Âu và Canada là những điểm đến hàng đầu được lựa chọn.
Xu hướng này đặc biệt rõ rệt trong nhóm các nhà nghiên cứu giai đoạn đầu sự nghiệp (early-career researchers). Trong số 690 nhà nghiên cứu sau đại học trả lời khảo sát, 548 người cân nhắc rời đi; 255 trên tổng số 340 nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng có suy nghĩ tương tự.
Chính quyền Trump đã cắt giảm mạnh ngân sách nghiên cứu và ngừng tài trợ nhiều chương trình khoa học liên bang trong khuôn khổ một chiến dịch cắt giảm chi phí do tỷ phú Elon Musk đứng đầu. Hàng chục nghìn nhân viên liên bang, bao gồm nhiều nhà khoa học, đã bị sa thải và sau đó được tuyển lại theo lệnh của tòa án, với nguy cơ tiếp tục có các đợt sa thải hàng loạt. Các cuộc trấn áp nhập cư và những tranh cãi về quyền tự do học thuật đã khiến giới nghiên cứu hoang mang khi sự bất ổn và gián đoạn lan rộng khắp lĩnh vực khoa học tại Mỹ.
Quyết định rời đi
Nature đã hỏi độc giả liệu những thay đổi này có khiến họ cân nhắc rời khỏi Mỹ hay không. Khảo sát được thực hiện đầu tháng này trên trang web của tạp chí, mạng xã hội và bản tin email Nature Briefing. Khoảng 1.650 người đã hoàn thành khảo sát.
Nhiều người tham gia khảo sát muốn chuyển đến các quốc gia nơi họ đã có cộng tác viên, bạn bè, gia đình hoặc thông thạo ngôn ngữ. “[Sẽ rời đi tới] bất cứ nơi nào hỗ trợ khoa học,” một người trả lời. Một số người từng đến Mỹ làm việc đang có kế hoạch trở về quê hương.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác trước đây chưa từng có ý định rời đi, cho đến khi Trump bắt đầu cắt giảm ngân sách và sa thải nhân sự nghiên cứu. “Đây là nhà của tôi — tôi thực sự yêu đất nước này,” một nghiên cứu sinh tại một trường đại học hàng đầu của Mỹ chuyên về gen thực vật và nông nghiệp chia sẻ. “Nhưng nhiều người cố vấn của tôi bảo tôi hãy rời đi ngay lập tức.”
Nghiên cứu sinh này đã mất nguồn tài trợ nghiên cứu và trợ cấp khi chính quyền Trump ngừng cấp ngân sách cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Người hướng dẫn của cô đã tìm được nguồn hỗ trợ khẩn cấp cho cô trong ngắn hạn, nhưng cô vẫn đang cố gắng xin các vị trí trợ giảng — vốn đang cạnh tranh rất gay gắt — để có thể hoàn thành chương trình học.
Trước đó, cô đã cân nhắc thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài vì quan tâm đến nông nghiệp quốc tế. Việc mất nguồn tài trợ và chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị sa thải đã củng cố quyết định đó. “Thật đau lòng khi thấy mọi công trình nghiên cứu bị dừng lại,” cô nói. “Tôi đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở châu Âu, Úc và Mexico.”
Cô hy vọng có thể trở lại Mỹ trong tương lai nếu tình hình nghiên cứu ổn định hơn. Nhưng hiện tại, chính quyền Trump “đã cho thấy rất rõ ràng” rằng lĩnh vực cô quan tâm, hệ thống thực phẩm toàn cầu, “sẽ không phải là ưu tiên hay trọng tâm,” cô chia sẻ. “Nếu tôi muốn làm việc trong lĩnh vực này, tôi phải tìm một nơi nào khác coi đó là ưu tiên.” Nguồn tài trợ tư nhân tại Mỹ, chẳng hạn từ các tổ chức từ thiện, có thể là một lựa chọn, nhưng cô dự đoán sẽ phải cạnh tranh với vô số dự án từng được tài trợ bởi ngân sách liên bang.
Cơ hội ở nước ngoài
Một người tham gia khảo sát khác cho biết những gián đoạn này “đặc biệt tồi tệ” đối với các nhà khoa học giai đoạn đầu sự nghiệp như anh. “Những trưởng nhóm nghiên cứu mà tôi đã nói chuyện cảm thấy họ có thể vượt qua giai đoạn này,” anh nói. “Nhưng với các nhà nghiên cứu trẻ, chúng tôi không có đặc quyền đó — đây là thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của chúng tôi, và mọi thứ đã bị đảo lộn chỉ trong vài tuần.”
Nhà khoa học này, người lớn lên ở Mỹ và hiện là bác sĩ-nhà nghiên cứu tại một trường đại học lớn, đang tìm cơ hội ở Canada. Ngay khi khoản tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) của anh bị cắt, anh đã gửi email đến trưởng khoa của một trường đại học Canada, nơi trước đây từng mời anh làm việc. Anh và vợ, cũng là một nhà khoa học, hiện đang phỏng vấn xin việc tại Canada và hy vọng có thể chuyển đến đó trước cuối năm nay.
Các tổ chức bên ngoài Mỹ đang tận dụng tình hình hỗn loạn dưới thời Trump, anh nhận xét. “Từ những gì tôi nghe được từ các trường đại học mà chúng tôi đang trao đổi, cũng như những người khác đang tìm kiếm công việc ở nước ngoài, nhiều trường ở các nước này xem đây là cơ hội hiếm có trong một thế hệ,” anh nói. “Tôi nghĩ ban đầu họ chỉ muốn tuyển một số người, nhưng giờ lại chuyển sang ‘Chúng ta có thể nhận bao nhiêu người?’ — vì nhu cầu quá lớn.”
Một số người tham gia khảo sát không có kế hoạch rời Mỹ. “Hệ thống nghiên cứu của Mỹ vẫn có cơ sở vật chất tốt nhất,” một người viết. “Tôi sẽ không đi đâu cả, điều này thật lố bịch,” một người khác bình luận.
Tuy nhiên, nhiều người trong số hơn 1.200 cá nhân nói rằng họ dự định rời đi đã nhấn mạnh những thách thức phía trước. “Tôi là giảng viên và muốn ở lại càng lâu càng tốt để hỗ trợ phòng thí nghiệm và sinh viên của mình, nhưng nếu NIH bị cắt giảm nghiêm trọng, chúng tôi có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Mỹ,” một người viết.
Một người khác đang nộp đơn xin việc ở châu Âu nói: “Tôi là người chuyển giới, và sự kết hợp giữa hai yếu tố này khiến cuộc sống tôi mong muốn trở nên gần như không thể thực hiện được ở đất nước này.” (Chính quyền Trump đang tấn công quyền của người chuyển giới thông qua nhiều chính sách khác nhau.)
Một nghiên cứu sinh sau đại học trong lĩnh vực y sinh học đã tóm tắt suy nghĩ chung của nhiều người hiện nay: “Không muốn rời đi, nhưng có lựa chọn nào khác không?”
Có tới 75,3% số người trả lời thăm dò của Nature đang cân nhắc rời đi. Ảnh: Nature
Một phòng nghiên cứu gần như trống rỗng mang tính chất minh họa về việc các nhà khoa học muốn rời bỏ Mỹ. Việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu tại Mỹ đã buộc nhiều nhà khoa học phải suy nghĩ lại về sự nghiệp của họ. Ảnh: Bloomberg