
Space-Comm Expo tại ExCeL London, hay còn gọi là Space-Comm Expo London, đã kết thúc vào tuần qua với nhiều cột mốc được thiết lập, là nơi hội tụ những công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực không gian, nơi những thành tựu kinh tế không gian đang mở rộng được thể hiện, nơi những cam kết và ý định hợp tác châu lục được đưa ra, và là nơi trình bày định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Đây là sự kiện công nghiệp không gian lớn nhất của Vương quốc Anh, với hơn 5.000 đại biểu và khách mời chuyên ngành, 200 gian hàng triển lãm và 150 diễn giả đến từ hơn 50 quốc gia, bao gồm các nhà lãnh đạo và nhân vật có tầm ảnh hưởng toàn cầu từ NASA, ESA, NATO cho đến Liên Hợp Quốc và Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh.
Những chủ đề nóng
Tại Space-Comm Expo London, đơn vị tổ chức đã công bố kết quả khảo sát thường niên, tiết lộ những xu hướng và thách thức lớn nhất cho ngành không gian trong năm 2025. Khảo sát của Space-Comm Expo London có sự tham gia của các nhân vật có ảnh hưởng từ chính phủ, hàng không vũ trụ, quốc phòng, kinh doanh và giới học thuật.
Theo kết quả khảo sát, ba xu hướng hàng đầu cho ngành công nghiệp không gian toàn cầu năm 2025 tập trung vào hai lĩnh vực phức tạp và đa chiều; 68% lựa chọn tính bền vững không gian và quản lý rác thải quỹ đạo, và 65% lựa chọn trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu, và 45% nhấn mạnh internet vệ tinh và kết nối.
Trong khi đó, những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của khu vực không gian tư nhân năm 2025 được xếp hạng như sau: chi phí cao và hạn chế về vốn, thiếu hụt nhân tài và khoảng cách kỹ năng, sự phức tạp kỹ thuật và rủi ro, rào cản pháp lý và chính sách, nhu cầu và mức độ chấp nhận của thị trường còn hạn chế, và cạnh tranh từ các đối thủ đã có chỗ đứng.
Xét về các khu vực quốc tế với tiềm năng tăng trưởng cao, Châu Âu đứng đầu, tiếp theo là Bắc Mỹ, Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.
Với tính chất toàn cầu của ngành không gian, khi được hỏi đâu là lĩnh vực hợp tác quốc tế quan trọng nhất; 60% chọn rác thải không gian và tính bền vững, 44% chọn quy định pháp lý và luật không gian, 33% chọn quốc phòng và an ninh, 26% chọn quản lý giao thông không gian, 23% chọn quan sát Trái đất và kiểm soát khí hậu, 23% chọn khám phá không gian đến Mặt Trăng và Sao Hỏa, và 18% chọn internet vệ tinh và kết nối.
Khi xem xét những động lực lớn nhất cho ngành trong 5 năm tới đối với các sứ mệnh không gian; 48% cho rằng cần sự cân bằng giữa chính phủ và khu vực tư nhân, 36% cho rằng lĩnh vực này sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi các tham vọng khu vực tư, và 16% cho rằng chủ yếu là chính phủ với một phần hỗ trợ từ khu vực tư nhân.
Năm kỹ năng quan trọng nhất cho sự phát triển của ngành không gian bao gồm AI và robot, thiết kế và kỹ thuật hàng không vũ trụ, kỹ thuật hệ thống và quản lý dự án, an ninh mạng và phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu và học máy.
Bình luận về những xu hướng và thách thức này trong tương quan với nội dung triển lãm, Tiến sĩ Manjit Pope, Chủ tịch SFA International, cho rằng triển lãm đã tập trung vào các vấn đề then chốt như phát triển bền vững trong không gian, AI trong vận hành vũ trụ, an ninh mạng và hợp tác giữa chính phủ và khối tư nhân – tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành.
Phát triển bền vững trong không gian là chủ đề nổi bật tại Triển lãm, khi 68% người tham dự cho rằng rác thải quỹ đạo là mối quan ngại hàng đầu. Khi ngày càng nhiều vệ tinh và mảnh vỡ lấp đầy quỹ đạo Trái đất, nguy cơ va chạm ngày càng gia tăng. Các cuộc thảo luận nhấn mạnh sự cần thiết của công nghệ loại bỏ rác thải và các hệ thống quản lý giao thông không gian nhằm ngăn chặn sự tích tụ nguy hiểm của rác vũ trụ.
Bên cạnh đó, AI đang sẵn sàng thay đổi cách thức vận hành vũ trụ khi 65% người tham gia khảo sát tại Triển lãm cho biết AI và phân tích dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt cho sự phát triển của ngành trong 5 năm tới. Vai trò của AI trong việc bảo vệ an ninh cho vệ tinh cũng ngày càng được quan tâm, khi các chuyên gia thảo luận về cách các hệ thống tự động có thể phát hiện và phòng vệ trước các mối đe dọa. Việc tích hợp AI vào vận hành vũ trụ được xem là yếu tố thiết yếu cho cả mục đích thương mại lẫn quốc phòng, theo Tiến sĩ Manjit Pope.
Ngoài ra, cũng theo Tiến sĩ Manjit Pope , thám hiểm Mặt trăng và Sao Hỏa cũng là chủ đề nóng tại Triển lãm, khi 23% người tham gia khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của các sứ mệnh Mặt trăng và thám hiểm Sao Hỏa như là các động lực tăng trưởng chính cho ngành vũ trụ.
Nền kinh tế Mặt trăng, bao gồm khai thác tài nguyên và xây dựng các khu định cư bền vững, dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị cho các sứ mệnh đưa con người đến Sao Hỏa. Sự hợp tác quốc tế sẽ là yếu tố thiết yếu cho những sứ mệnh này, cùng với luật pháp vũ trụ và các thỏa thuận đa phương nhằm đảm bảo thăm dò và chia sẻ tài nguyên trên Mặt trăng và Sao Hỏa diễn ra hòa bình.
Sáng kiến ngoại giao không gian toàn cầu
Bước vào năm triển lãm thứ 5, Space-Comm Expo London lần đầu tiên tổ chức Sáng kiến ngoại giao không gian toàn cầu, là cuộc gặp gỡ lớn nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan vũ trụ quốc tế, đại sứ và lãnh đạo quốc phòng nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao cho việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình, an toàn và bền vững.
Sáng kiến ngoại giao không gian toàn cầu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, khi tương lai của không gian vũ trụ phụ thuộc vào quản trị và mức độ hợp tác quốc tế. Đây là một cuộc họp kín, chỉ dành cho khách mời, dưới hình thức một bàn tròn thảo luận, và là một phần trong Chương trình Đại sứ do PA Consulting tài trợ.
Các chủ đề thảo luận bao gồm: tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết thách thức về điều phối giao thông vũ trụ và giảm thiểu mảnh vỡ không gian; thúc đẩy hành vi có trách nhiệm và minh bạch trong khu vực công và tư nhân; giải quyết các lo ngại về an ninh và nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn việc quân sự hóa không gian; đồng thời thu hút các bên liên quan từ chính phủ, khu vực tư, giới khoa học và học thuật nhằm thúc đẩy các hoạt động không gian hòa bình và bền vững.
“Bàn tròn ngoại giao không gian và Chương trình Đại sứ là cuộc gặp đầu tiên thuộc loại này tại Space-Comm Expo, với sự tham dự của các lãnh đạo từ các cơ quan vũ trụ quốc tế, đại sứ, cao ủy, lãnh đạo quốc phòng, các tùy viên không quân và không gian, nhằm bàn luận về vai trò quan trọng của việc sử dụng không gian ngoài Trái Đất theo cách hòa bình và bền vững,” bà Genevieve Richards, Trưởng bộ phận Quan hệ Chính phủ tại Space-Comm Expo cho biết.
Những thành tựu nổi bật
Là một triển lãm không gian vũ trụ, vai trò của các đơn vị tham gia triển lãm chắc chắn là trọng tâm của sự kiện, nơi họ trình bày các sản phẩm và dịch vụ đặc thù, với mục tiêu mở rộng liên kết, hợp tác và tìm kiếm khách hàng. Rất nhiều gã khổng lồ trong lĩnh vực kinh tế không gian đã góp mặt tại sự kiện, có thể kể đến BAE Systems, Lockheed Martin, SaxaVord Spaceport, Skyrora, Telespazio, Siemens, Relm Insurance, Satellite Applications Catapult và UKspace. Và những thành tựu được các nhà triển lãm giới thiệu tại sự kiện năm nay quả thật hết sức ấn tượng.
Khách tham dự triển lãm không thể không quan tâm đến tên lửa năng lượng hạt nhân mang tên Sunbird của Pulsar Fusion được giới thiệu tại triển lãm.
Pulsar Fusion, công ty phát triển các hệ thống và dịch vụ đẩy không gian thân thiện với môi trường dựa trên công nghệ nhiệt hạch, công bố việc ra mắt Sunbird – mẫu tên lửa nhiệt hạch được nghiên cứu và phát triển trong suốt thập kỷ qua. Được phát triển hoàn toàn trong bí mật bởi đội ngũ nội bộ của Pulsar, Sunbird chính thức ra mắt tại Space-Comm Expo London vào ngày 11 tháng 3.
Theo giới thiệu của Pulsar Fusion, Sunbird đại diện cho một bước tiến vượt bậc trong công nghệ đẩy không gian, với tiềm năng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các hành tinh và tiếp tục khẳng định vị thế của Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu về đổi mới không gian và xuất sắc khoa học.
Sunbird được thiết kế để giảm một nửa thời gian thực hiện các sứ mệnh lên sao Hỏa. Một video mới được công bố tại triển lãm đã cung cấp những hình ảnh đầu tiên về Sunbird hoạt động, minh họa cách những phương tiện chạy bằng năng lượng nhiệt hạch này có thể kết nối với các tàu không gian lớn và kéo chúng vượt qua những khoảng cách khổng lồ (tow them vast distances), một điều có ý nghĩa hết sức thiết thực khi một số quốc gia đang thúc đầy kế hoạch chinh phụ Sao Hỏa và thậm chí là các thiên thể xa hơn.
“Tôi tin rằng, kể từ hôm nay, Sunbird đã và đang được các đối thủ toàn cầu của chúng tôi phân tích kỹ lưỡng,” Richard Dinan, Giám đốc điều hành của Pulsar Fusion cho biết. Ông cũng cho biết Pulsar Fusion hiện đang tiến gần hơn đến các thử nghiệm trên quỹ đạo, với các thành phần trong hệ thống năng lượng của Sunbird dự kiến được trình diễn vào cuối năm nay.
Theo Richard Dinan, công ty đặt mục tiêu đạt được phản ứng nhiệt hạch trong không gian sớm nhất vào năm 2027 – một cột mốc đầy tham vọng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu đối với công nghệ đẩy dựa trên nhiệt hạch. Với việc duy trì một đội tàu không gian chạy bằng nhiệt hạch được che chắn cẩn thận trên quỹ đạo, Sunbird mang lại giải pháp có thể mở rộng để hỗ trợ các sứ mệnh liên hành tinh cho các đối tác quốc tế.
Mẫu tên lửa nhiệt hạch Sunbird được nghiên cứu và phát triển bí mật bởi Pulsar Fusion
Trong khi đó, Celestia-STS trình bày tại triển lãm các giải pháp mặt đất trong các lĩnh vực mô phỏng, thử nghiệm, truyền thông và xử lý dữ liệu cho vệ tinh.
Trong hơn ba thập kỷ qua, Celestia-STS đã cung cấp cho ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu và quốc tế các thiết bị modem và thiết bị hỗ trợ mặt đất điện tử. Các hệ thống của công ty hiện diện từ các trạm mặt đất Galileo đến các cơ sở thử nghiệm cho nhiều vệ tinh Copernicus của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Đã tham gia vào hơn 80% các sứ mệnh của ESA, Celestia-STS đã xây dựng được danh tiếng xuất sắc trong ngành vũ trụ, mang đến các sản phẩm và kỹ thuật linh hoạt, chất lượng cao. Chẳng hạn, EGSE của công ty là các công cụ được các nhà sản xuất và tích hợp vệ tinh cũng như các hệ thống phụ sử dụng để thử nghiệm và xác nhận các chức năng điện tử của vệ tinh trên mặt đất trước khi phóng. Thiết bị thử nghiệm của Celestia-STS có sẵn với chức năng tiêu chuẩn hoặc được cấu hình theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.
Một đơn vị khác thu hút sự quan tâm lớn tại triển lãm là Space4Climate, một tổ chức hợp tác của Vương quốc Anh quy tụ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức học thuật liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ không gian để hỗ trợ các hành động và chính sách về khí hậu.
Krupa Nanda Kumar, Quản lý Phát triển Dịch vụ Khí hậu tại Space4Climate, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Space4Climate tham gia triển lãm tại Space-Comm và chúng tôi rất hào hứng được giới thiệu năng lực hàng đầu của Vương quốc Anh trong các công nghệ không gian phục vụ các ứng dụng hành động khí hậu.
“Chúng tôi sẽ đại diện cho các năng lực trên cả chuỗi giá trị thượng nguồn và hạ nguồn của ngành không gian, và mong muốn thiết lập những kết nối mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vệ tinh phục vụ khí hậu.”
Space4Climate tại triển lãm đã thông tin chi tiết về kế hoạch phóng hai vệ tinh khí hậu sắp tới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng đang là một chủ đề nóng. Theo Space4Climate, hai vệ tinh khí hậu đang chuẩn bị lên bệ phóng là câu chuyện thành công lớn của ngành không gian Vương quốc Anh.
Cụ thể, vệ tinh khí hậu Biomass sẽ được phóng vào cuối tháng 4, và đây là sứ mệnh khí hậu đầu tiên được hình thành và chế tạo tại Vương quốc Anh, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế do ESA chủ trì. Đây cũng sẽ là vệ tinh đầu tiên nghiên cứu các khu rừng nhiệt đới trên thế giới ở dạng 3D bằng radar cắt lớp P-band.
Biomass được lên ý tưởng bởi Giáo sư Shaun Quegan thuộc Trung tâm Quan sát Trái Đất Quốc gia (NCEO) có trụ sở tại Đại học Sheffield, nhằm giải quyết những bất định lớn trong việc xác định lượng carbon lưu trữ trong rừng và sự thay đổi của chúng theo thời gian. Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh là đối tác cùng ESA trong sứ mệnh này; và nhà thầu chính là Airbus Defence and Space.
Dù Biomass là sứ mệnh dẫn dắt bởi khoa học, dữ liệu của nó đang được các doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực dịch vụ liên quan đến thị trường carbon và các lĩnh vực khác mong đợi. Các quan sát từ sứ mệnh này sẽ giúp hiểu rõ hơn về tốc độ mất môi trường sống và tác động đến đa dạng sinh học trong rừng, cung cấp thông tin quan trọng hỗ trợ cho các quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu, thích ứng và giảm thiểu.
Vệ tinh này sẽ được phóng từ sân bay vũ trụ Kourou của ESA tại Guiana thuộc Pháp.
Vệ tinh Biomass sẽ đo lường các khu rừng nhiệt đới trên thế giới dưới dạng 3D, cung cấp những thông tin chưa từng có. Ảnh: ESA
Bên cạnh Biomass, một sứ mệnh khác do Vương quốc Anh khởi xướng dự kiến cũng sẽ được phóng trong năm nay, đó là vệ tinh khí hậu MicroCarb, một sứ mệnh vũ trụ song phương giữa Vương quốc Anh và Pháp. Đây sẽ là vệ tinh đầu tiên của châu Âu chuyên đo nồng độ dioxide carbon (CO2) – loại khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Máy quang phổ hồng ngoại của MicroCarb, dùng để đo nồng độ oxy và CO2 tại bốn dải phổ khác nhau trong ánh sáng Mặt Trời phản xạ từ Trái Đất, do Airbus Pháp chế tạo. Các thành viên Space4Climate tại Viện Đo lường Vật lý Quốc gia (NPL) đã cung cấp cơ sở hiệu chuẩn mặt đất truy xuất chuẩn SI để thử nghiệm hiệu suất của thiết bị trước khi phóng.
MicroCarb sẽ theo dõi CO2 trong khí quyển Trái Đất từ không gian với độ chính xác cực cao và phát hiện sự thay đổi liên quan đến phát thải và hấp thụ từ bề mặt toàn cầu – từ các thành phố, khu rừng đến các đại dương. Vệ tinh sẽ đo nồng độ CO2 với độ chính xác lên tới 1 phần triệu. Nó cũng có chế độ quan sát quét thành phố đặc biệt, cho phép lần đầu tiên lập bản đồ phát thải CO2 trên các đô thị – những khu vực đóng góp lớn vào lượng phát thải toàn cầu. MicroCarb dự kiến phóng không sớm hơn tháng 7.
Vệ tinh MicroCarb sẽ lập bản đồ các nguồn phát thải và hấp thụ khí CO2 trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: CNES
Ngoài ra, tại triển lãm, Bright Ascension Ltd công bố ra mắt Dịch vụ Kỹ thuật HELIX® mới, được thiết kế để bổ sung cho bộ sản phẩm phần mềm không gian tiên tiến, giúp các công ty không gian phát triển nhanh chóng và tích hợp liền mạch phần mềm thiết yếu cho sứ mệnh của họ.
Các sản phẩm HELIX được thiết kế để cách mạng hóa công nghệ phần mềm không gian bằng cách tích hợp các hệ thống xuyên suốt toàn bộ vòng đời vệ tinh – từ giai đoạn chế tạo và thử nghiệm đến kiểm soát quỹ đạo và cung cấp dịch vụ.
“Không có sứ mệnh nào giống nhau, nhưng mọi hệ thống phần mềm đều cần thích ứng với các yêu cầu ngày càng thay đổi. Với Dịch vụ Kỹ thuật HELIX, chúng tôi bảo đảm rằng khách hàng sẽ nhận được chính xác những gì họ cần cho hôm nay và có đủ linh hoạt cho ngày mai – dù đó là mở rộng quy mô hoạt động, bổ sung năng lực mới hay xử lý những thách thức bất ngờ,” ông Richard Adams, Giám đốc Kinh doanh của Bright Ascension cho biết.
Hợp đồng kỷ lục của Anh thông qua ESA
Cũng tại Triển lãm, một thông báo ngày 11 tháng 3 cho biết dòng tiền từ các chương trình của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đổ vào Vương quốc Anh đã tăng đột biến, với khoản hợp đồng trị giá 112 triệu bảng Anh (134 triệu euro) được bổ sung cho ngành công nghiệp vũ trụ Anh trong giai đoạn từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 12 năm 2024.
Một phân tích độc lập ước tính mỗi 1 bảng Anh đầu tư sẽ mang lại 9,80 bảng Anh lợi nhuận, chưa tính chi phí vận hành. Do đó, Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh kỳ vọng khoản hợp đồng bổ sung 112 triệu bảng Anh sẽ tạo ra giá trị lan tỏa hơn 1 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh.
Tính tổng cộng, từ tháng 6 năm 2022 đến cuối năm 2024, Vương quốc Anh đã chốt được 844 triệu bảng Anh (1,01 tỷ euro) từ các hợp đồng của ESA, cao hơn đáng kể so với mức kỳ vọng là 732 triệu bảng Anh.
Bộ trưởng Khoa học Vương quốc Anh Peter Kyle cho biết: “Những con số này không chỉ cho thấy kết quả tuyệt vời của việc chính phủ phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp để tối đa hóa hiệu quả đầu tư, mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng tới khu vực tư nhân trên toàn cầu: khi nói đến không gian, khoa học và công nghệ, Vương quốc Anh là cường quốc về đổi mới và đầu tư.
“Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, và thật tuyệt vời khi chứng kiến một ngành công nghiệp quan trọng như vậy đang góp phần tăng tốc Kế hoạch Đổi mới của chúng tôi, nhằm nâng cao mức sống cho tất cả mọi người.”
Ông Josef Aschbacher, Tổng Giám đốc ESA, cho biết: “Những con số mới công bố hôm nay phản ánh cam kết lâu dài của ESA trong việc giúp Anh xây dựng một trong những nền kinh tế vũ trụ hấp dẫn và đổi mới nhất thế giới, đồng thời phát triển năng lực khoa học và công nghiệp mới với các đối tác trên khắp châu Âu.”
Ngành công nghiệp vũ trụ là một trong những lĩnh vực năng động và tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Vương quốc Anh, được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp, khoa học và công nghệ.
Doanh thu của ngành công nghiệp vũ trụ Vương quốc Anh hiện đạt 18,9 tỷ bảng mỗi năm, đóng góp vào doanh số 364 tỷ bảng của các ngành công nghiệp có liên quan của quốc gia, với hơn 1.800 công ty vũ trụ sử dụng 130.000 lao động và tham vọng trở thành bệ phóng cho châu Âu với năng lực phóng tên lửa chở vệ tinh nhỏ từ các cảng vũ trụ ở Scotland.
Vương quốc Anh đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần ngành vũ trụ toàn cầu vào năm 2030, với mục tiêu doanh thu hàng năm đạt 40 tỷ bảng, khi mà ngành công nghiệp không gian toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với số lượng vệ tinh dự đoán sẽ tăng gấp ba lần từ 10.000 lên 30.000 chiếc.
Như đã đề cập ở trên, Space-Comm Expo là chuỗi sự kiện quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh và Châu Âu, nơi chính phủ, doanh nghiệp, giới khoa học và học thuật cùng nhau khám phá những xu hướng và thách thức lớn nhất định hình tương lai của một cuộc cách mạng không gian mới.
Chuỗi sự kiện này cũng sẽ tổ chức các sự kiện tại Trung tâm Thương mại Thế giới Dubai ngày 6-7 tháng 10 và SEC Glasgow ngày 3-4 tháng 12 năm 2025. Space-Comm Expo do Hub Exhibitions tổ chức và sở hữu.