
Trung Quốc sẽ dẫn đầu việc thành lập một tổ chức quốc tế nhằm cùng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Thủ tướng Lý Cường cho biết hôm thứ Bảy, với mục tiêu đảm bảo công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu này không rơi vào tay một số ít quốc gia hoặc doanh nghiệp.
AI tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ tình trạng mất việc làm diện rộng đến biến động kinh tế, đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác để ứng phó, ông Lý phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới tổ chức ở Thượng Hải – sự kiện công nghệ thường niên quan trọng nhất của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi quốc tế trong lĩnh vực này.
Dù không nêu đích danh quốc gia nào trong bài phát biểu ngắn khai mạc hội nghị, nhưng các lãnh đạo và doanh nghiệp Trung Quốc thời gian qua liên tục chỉ trích nỗ lực của Washington nhằm kìm hãm ngành công nghệ của Trung Quốc – trong đó có việc siết xuất khẩu chip Nvidia vốn đóng vai trò then chốt trong phát triển AI.
Ông Lý thừa nhận tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn là một nút thắt lớn, song tái khẳng định lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc ban hành các chính sách hỗ trợ để hiện thực hóa tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ thành lập một tổ chức có tên tạm dịch là Tổ chức Hợp tác AI Thế giới – nơi các quốc gia có thể cùng chia sẻ kiến thức và nhân tài.
“Hiện nay, các nguồn lực và năng lực then chốt đang tập trung vào một số ít quốc gia và doanh nghiệp. Nếu để xảy ra tình trạng độc quyền công nghệ, kiểm soát và hạn chế, AI sẽ trở thành cuộc chơi độc quyền của một nhóm nhỏ quốc gia và tập đoàn,” ông Lý phát biểu trước hàng trăm đại biểu tại địa điểm hội nghị bên bờ sông Hoàng Phố mang tính biểu tượng của Thượng Hải.
Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua phát triển công nghệ được đánh giá là có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và – về lâu dài – định hình lại cán cân quyền lực địa chính trị. Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm nới lỏng quy định và mở rộng nguồn năng lượng cho các trung tâm dữ liệu – động thái nhằm củng cố vị thế dẫn đầu của các công ty như OpenAI và Google trong kỷ nguyên hậu ChatGPT.
Cùng lúc đó, thành công vang dội của DeepSeek đã tạo động lực để các công ty công nghệ Trung Quốc tăng tốc nghiên cứu và tung ra hàng loạt sản phẩm như mô hình mã nguồn mở, robot và các tác nhân AI.
Dòng sản phẩm công nghệ mới này thể hiện nỗ lực của giới phát triển Trung Quốc nhằm thiết lập tiêu chuẩn và vị thế toàn cầu, đồng thời mở rộng thị phần quốc tế. Đây cũng là một phần trong chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh nhằm đảm bảo khả năng tự chủ về công nghệ trước căng thẳng kéo dài với Mỹ.
Hội nghị cuối tuần tại Thượng Hải – quy tụ hàng nghìn nhà sáng lập nổi bật, quan chức cấp cao và các nhà đầu tư – được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào này. Sự kiện ra đời từ năm 2018 nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, từng chào đón những tên tuổi lớn như Elon Musk và Jack Ma.
Năm nay, hội nghị có thể lập kỷ lục về lượng khách tham dự khi diễn ra vào thời điểm then chốt trong cuộc đua phát triển AI tạo sinh toàn cầu. Nhiều nhân vật nổi bật như nhà khoa học đoạt giải Nobel Geoffrey Hinton và cựu CEO Google Eric Schmidt đã gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chen Jining hôm thứ Năm, trước khi tham gia phát biểu tại hội nghị.
Về tương lai, ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ đặc biệt thúc đẩy phát triển AI tại khu vực Nam bán cầu – nhóm quốc gia đang phát triển bao gồm Brazil và các nước châu Phi.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển và sản phẩm công nghệ của mình để giúp các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là các nước Nam bán cầu – tăng cường năng lực và mang lại lợi ích từ AI cho toàn cầu,” ông Lý nói.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải hôm thứ Bảy. Ảnh: Bloomberg