
Hết tháng này đến tháng khác, một kỹ sư AI liên tục nhận được lời mời từ các nhà tuyển dụng của Meta. Họ ráo riết mời anh rời công ty hiện tại để đầu quân cho đội ngũ AI của Meta, kèm theo gói đãi ngộ hậu hĩnh. Nhưng anh vẫn do dự.
Vị kỹ sư giấu tên — hiện làm việc tại một startup đã được một công ty AI lớn mua lại — cho biết anh được bạn bè cảnh báo rằng mức lương cao tại Meta thường đi kèm với nhiều đánh đổi: từ hệ giá trị cá nhân liên quan đến AI cho đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Anh nghe rằng các kỹ sư tại đây phải làm việc gần như không ngừng nghỉ để bắt kịp những gã khổng lồ như OpenAI, Anthropic, Google hay Microsoft.
Trong cuộc đua giành giật nhân tài AI ngày càng khốc liệt, Meta đưa ra mức tổng đãi ngộ từ 1 đến 1,4 triệu USD/năm cho nhiều vị trí — bao gồm lương, thưởng và cổ phiếu phân bổ theo thời gian. Tuy vậy, kỹ sư nói trên nghi ngờ rằng những khoản đãi ngộ đó phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí đánh giá hiệu suất mang tính chủ quan — có thể bị lợi dụng để gây áp lực lên nhân viên. Anh cũng không sẵn sàng đánh đổi môi trường làm việc lành mạnh chỉ để có thêm vài trăm ngàn USD mỗi năm, nên đã từ chối.
Cuộc “săn trộm” nhân tài và canh bạc lớn của Zuckerberg
Gần đây, Meta khởi động chiến dịch tuyển dụng AI rầm rộ sau thương vụ đầu tư lớn nhất lịch sử công ty: 14,3 tỷ USD để mua 49% cổ phần tại Scale AI — một công ty cung cấp dữ liệu huấn luyện AI cho nhiều ông lớn trong ngành. Thương vụ này mở đường cho việc thành lập phòng thí nghiệm “siêu trí tuệ” mới do CEO Scale AI — Alexandr Wang — lãnh đạo, và Meta bắt đầu “săn trộm” nhân tài từ các đối thủ.
Meta đã chiêu mộ được tới 10 nhà nghiên cứu và kỹ sư hàng đầu từ OpenAI, một số với các gói đãi ngộ lên tới 300 triệu USD trong 4 năm (bao gồm cổ phần). Ngoài ra, Meta còn lôi kéo được các nhân tài từ Apple, Anthropic và DeepMind.
Mục tiêu rõ ràng: giành lợi thế trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) — một hệ thống có khả năng tư duy như con người, thậm chí vượt trội hơn. Vũ khí mà Meta sử dụng là tiền, rất nhiều tiền. Nhưng nhiều chuyên gia trong ngành vẫn đặt câu hỏi: chỉ tiền thôi có đủ?
Meta không phải là điểm đến lý tưởng cho kỹ sư AI
Dù đầu tư khổng lồ, Meta vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ với giới kỹ sư AI. CEO Mark Zuckerberg đang cố gắng bù đắp thời gian đã mất khi trước đây từng dành nhiều năm theo đuổi metaverse, trong khi các đối thủ lại sớm đổ hàng tỷ USD vào AI. Các mô hình như Llama của Meta thường bị xếp hạng thấp, và sản phẩm mới cũng bị trì hoãn do chưa đạt hiệu suất kỳ vọng.
Thương vụ với Scale AI được xem là canh bạc lớn, một “nước đi phút chót” nhằm cứu vãn vị thế của Meta trong cuộc đua. Nhưng trong một ngành mà hầu hết các công ty đều trả lương cao và đảm bảo ổn định, tiền bạc không phải là yếu tố duy nhất.
Theo các nguồn tin trong ngành, nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm từ chối lời mời của Meta vì không phù hợp với giá trị cá nhân. Họ ưu tiên môi trường làm việc lành mạnh, sự minh bạch trong sứ mệnh AI, và trên hết là cảm giác mình đang đóng góp cho một tương lai tích cực.
Một nguồn tin trong ngành nói: “Rất nhiều người đã đạt đến mức gọi là ‘post-money’ — họ đã có đủ tiền để có thể nghỉ hưu bất cứ lúc nào. Lúc này, thứ giữ chân họ không phải là tiền, mà là tầm nhìn và giá trị của tổ chức.”
OpenAI lung lay vì bất ổn nội bộ
OpenAI là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chiến dịch chiêu mộ nhân tài của Meta. Dù có quy mô lớn và đội ngũ hùng hậu, OpenAI lại trải qua nhiều biến động: từ việc chuyển đổi mô hình phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận, đến các lãnh đạo cấp cao ra đi để lập công ty đối thủ, và đặc biệt là vụ sa thải — tái bổ nhiệm CEO Sam Altman vào cuối năm 2023.
Những biến động này đã làm suy giảm lòng tin trong nội bộ. Một số nhân viên lo ngại về các điều khoản không được nói xấu công ty và chính sách cổ phần. Một nguồn tin chia sẻ: “Nhiều người tại OpenAI thực sự tin rằng họ đang xây dựng công nghệ có thể thay đổi thế giới. Nhưng khi tổ chức gặp quá nhiều bất ổn, họ dễ dàng rời đi hơn.”
Dẫu vậy, OpenAI vẫn có lợi thế riêng. Những người gia nhập sớm đã hưởng lợi lớn từ cổ phần tăng giá — từ 67 USD/cổ phần vào giữa 2023 lên đến 210 USD vào cuối 2024. Điều này khiến công ty có thêm công cụ giữ chân nhân tài.
Sứ mệnh rõ ràng – Yếu tố quyết định?
Tỷ lệ giữ chân nhân sự cũng phần nào nói lên vấn đề. Theo báo cáo SignalFire năm 2025, 80% nhân viên Anthropic sau 2 năm vẫn ở lại, DeepMind đạt 78%, trong khi OpenAI chỉ là 67% — gần tương đương Meta (64%).
Anthropic được thành lập bởi cựu lãnh đạo OpenAI với định hướng phát triển AI một cách cẩn trọng, chú trọng yếu tố an toàn và minh bạch. Đây chính là điểm thu hút với nhiều kỹ sư có lý tưởng.
“Tôi thấy nhiều người đã làm lâu năm trong ngành… họ chứng kiến ngành công nghệ thay đổi, con người trong ngành cũng thay đổi, và các ưu tiên của công ty giờ đây khác hoàn toàn, điều đó khiến họ cảm thấy không vui,” theo chia sẻ của Rumman Chowdhury, một lãnh đạo kỳ cựu trong lĩnh vực AI có trách nhiệm từng làm việc tại Accenture và Twitter, hiện đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận AI Humane Intelligence.
Bà chia sẻ thêm: “Tôi thấy nhiều kỹ sư không còn quá coi trọng lương thưởng nữa. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc mình có đang góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn hay không.”
Ngay cả trong nội bộ Meta, cũng có nhiều lo ngại rằng công ty đang đặt trọng tâm vào sản phẩm hơn là nghiên cứu. Việc tái cơ cấu FAIR — nhóm nghiên cứu AI cơ bản từng được ca ngợi là “một trong những nhóm xuất sắc nhất thế giới” — đã làm dấy lên nghi ngờ.
Thêm vào đó, nhiều người trong ngành đặt dấu hỏi về năng lực lãnh đạo AI của Alexandr Wang — người đứng đầu phòng thí nghiệm mới của Meta — vì ông không có nền tảng nghiên cứu AI chuyên sâu.
Zuckerberg thừa nhận đây là một cuộc đua không dễ dàng. Trong cuộc họp cổ đông gần nhất, ông nói: “Tốc độ phát triển của ngành và những cơ hội phía trước thật sự đáng kinh ngạc. Chúng tôi cần xây dựng đội ngũ và hạ tầng tốt nhất để đạt được mục tiêu.”
Hai tháng sau phát biểu đó, đội ngũ “siêu trí tuệ” của Meta ra đời. Tuy nhiên, kỹ sư AI giấu tên từ chối lời mời của Meta được đề cập ở đầu bài viết không hối tiếc.
“Bạn được kỳ vọng là phải dâng hiến toàn bộ bản thân cho Meta AI,” anh nói. “Mức lương không đủ hấp dẫn để đánh đổi như vậy.”
Meta lôi kéo chuyên gia của Apple với gói lương thưởng hơn 200 triệu USDMeta đã đưa ra mức lương thưởng bất thường cao cho các thành viên mới trong nhóm “siêu trí tuệ” của mình — bao gồm gói thù lao hơn 200 triệu USD dành cho một kỹ sư cấp cao từng làm việc tại Apple. Meta đã chiêu mộ Ruoming Pang, người từng dẫn dắt nhóm phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tại Apple, với gói đãi ngộ hàng trăm triệu USD kéo dài trong nhiều năm, theo tiết lộ từ những người am hiểu vấn đề nhưng từ chối nêu tên do thông tin chưa được công bố chính thức. Apple không cố gắng giữ chân Pang vì mức đãi ngộ này vượt xa tiêu chuẩn lương thưởng tại công ty, trừ vị trí Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook. Mức thù lao đó tương đương với các thương vụ tuyển dụng lớn khác trong nhóm siêu trí tuệ của Meta, các nguồn tin cho biết. Nhóm hiện bao gồm cựu giám đốc điều hành GitHub Nat Friedman và nhà sáng lập startup AI Daniel Gross. Meta cũng đã chỉ định đồng sáng lập Scale AI Alexandr Wang làm Giám đốc AI bằng cách mua lại 49% cổ phần của công ty ông, trị giá 14,3 tỷ USD. Meta từ chối bình luận về vụ việc. Apple cũng không phản hồi yêu cầu bình luận từ Bloomberg. Xét về con số thuần túy, nhóm “siêu trí tuệ” đang nhận được mức đãi ngộ cao nhất trong giới doanh nghiệp, thậm chí vượt cả nhiều vị trí CEO tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này phụ thuộc vào hiệu suất làm việc và gắn bó lâu dài, đồng nghĩa với việc nhân viên có thể không nhận được toàn bộ nếu rời công ty sớm hoặc cổ phiếu Meta không đạt kỳ vọng. Gói lương thưởng của Meta Superintelligence Labs (MSL) thường bao gồm: lương cơ bản, tiền thưởng lót tay khi ký hợp đồng và cổ phiếu Meta, trong đó cổ phiếu là phần có giá trị lớn nhất, trong khi lương và tiền thưởng ký hợp đồng thường là khoản tiền mặt đáng kể. Về phần cổ phiếu, Meta thường quy định trong hợp đồng rằng cổ phiếu chỉ được chi trả nếu đạt được các chỉ số cụ thể, ví dụ như cổ phiếu Meta phải tăng ít nhất một tỷ lệ phần trăm nhất định trong năm đó, theo các nguồn tin. Nhiều nhân sự mới cũng chấp nhận các hợp đồng có thời gian nhận cổ phiếu dài hơn lịch trình chuẩn là 4 năm. Những chi tiết mới này được tiết lộ sau khi CEO OpenAI Sam Altman gây sốc cho giới công nghệ Thung lũng Silicon khi lên podcast cùng em trai và nói về “cuộc chiến giành nhân tài AI” với Meta. Altman cho biết hồi tháng 6 rằng Meta đã chào mời nhân viên OpenAI với khoản thưởng ký hợp đồng lên đến 100 triệu USD, cùng với các gói thù lao tổng thể còn lớn hơn để gia nhập nhóm siêu trí tuệ của Meta. |
Cuộc đua dùng tiền săn nhân tài trong lĩnh vực AI. Ảnh: The Verge
Meta trong cuộc đua săn nhân tài để phát triển siêu trí tuệ. Ảnh: Indianexpress.com