Tổng thống Donald Trump cho biết trong một bức thư rằng ông sẽ tăng thuế đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Canada lên 35%, làm trầm trọng thêm sự rạn nứt giữa hai quốc gia Bắc Mỹ.
Bức thư gửi Thủ tướng Canada Mark Carney vào thứ Năm đánh dấu mức tăng mạnh so với mức thuế 25% mà Trump áp đặt hồi tháng Ba sau nhiều tháng đe dọa. Theo Trump, động thái này nhằm gây áp lực buộc Canada trấn áp hoạt động buôn lậu fentanyl, dù thực tế loại ma túy này không được buôn lậu với quy mô lớn từ Canada. Ông cũng thể hiện sự bức xúc về thâm hụt thương mại với Canada — chủ yếu do Mỹ nhập khẩu dầu từ nước láng giềng.
“Tôi phải nói rằng fentanyl không phải là thách thức duy nhất mà chúng ta có với Canada. Họ còn có nhiều chính sách thuế và phi thuế, cũng như rào cản thương mại,” Trump viết trong thư. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Dù nhiều nước đã nhận thư áp thuế trong tuần này, Canada — đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ sau Mexico — dường như trở thành “đối tượng phản công” của Trump. Canada đã áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ và bác bỏ lời khiêu khích của Trump khi ông đùa rằng Canada có thể trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Mexico cũng bị đánh thuế 25% vì lý do liên quan đến fentanyl, nhưng không phải chịu áp lực công khai gay gắt từ Trump.
Ông Carney đắc cử thủ tướng vào tháng Tư với thông điệp rằng người Canada nên giữ lập trường cứng rắn. Ông đã chủ trương tách rời hơn với Mỹ, đồng thời thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu và Anh.
Chỉ vài giờ trước bức thư của Trump, Carney đăng ảnh ông chụp cùng Thủ tướng Anh Keir Starmer lên mạng X, kèm chú thích: “Trước những thách thức về thương mại toàn cầu, thế giới đang tìm đến những đối tác kinh tế đáng tin cậy như Canada.” Ngụ ý trong phát ngôn này là Mỹ đang trở nên thiếu tin cậy do chính sách thuế quan thất thường của Trump.
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng Năm, phần công khai của buổi họp giữa Trump và Carney diễn ra ôn hòa. Tuy nhiên, Trump khẳng định không có gì mà Thủ tướng Canada có thể nói khiến ông dỡ bỏ thuế quan, và nói thêm: “Chuyện là vậy đấy.”
Giáo sư khoa học chính trị Daniel Béland tại Đại học McGill (Montreal) nhận định động thái mới của Trump sẽ khiến việc đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Canada trở nên khó khăn hơn. “Không có nghĩa là một thỏa thuận mới là điều bất khả thi, nhưng nó cho thấy việc đàm phán với một tổng thống Mỹ thường xuyên đe dọa và thiếu ổn định, thiếu trung thực là rất khó khăn,” ông nói.
Trump đã gửi thư áp thuế đến 23 quốc gia. Những bức thư vốn mang tính hình thức dần trở nên mang động cơ cá nhân hơn, như trong bức thư gửi Canada hay bức thư hôm thứ Tư áp thuế 50% với Brazil, do cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đang bị xét xử vì nỗ lực bám ghế sau thất bại bầu cử năm 2022. Trump cũng bị truy tố vì tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 sau khi thua Joe Biden.
Chính quyền Trump cho biết các biện pháp thuế này nhằm cô lập đối thủ địa chính trị Trung Quốc, nhưng loạt thuế mới khiến thông điệp ấy bị suy yếu. Đối tác thương mại lớn nhất của Brazil là Trung Quốc chứ không phải Mỹ, và Bắc Kinh đã lên án chính sách thuế của Trump là một hình thức bắt nạt.
“Bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ là những nguyên tắc quan trọng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và là chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói. “Thuế quan không nên được sử dụng như công cụ cưỡng ép, bắt nạt hay can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.”
Các bức thư thuế phản ánh sự bất lực của Trump trong việc hoàn tất hàng loạt khuôn khổ thương mại mà ông từng tuyên bố là “rất dễ đàm phán.” Ngay sau khi công bố chính sách thuế “Ngày Giải phóng” hôm 2/4, thị trường tài chính lao dốc, buộc Trump phải thông báo giai đoạn đàm phán kéo dài 90 ngày, trong đó áp mức thuế 10% với hầu hết hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Trump gần đây cho biết mức thuế 10% này đang bị thay thế dần bởi các mức thuế cao hơn được ông đặt qua từng bức thư.
“Chúng tôi sẽ nói thẳng là các quốc gia còn lại đều phải trả — dù là 20% hay 15%,” Trump nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với NBC News.
Vào tháng Sáu, Trump cho biết ông tạm dừng đàm phán thương mại với Canada vì kế hoạch của nước này tiếp tục đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, vốn sẽ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Mỹ. Vài ngày sau, đàm phán nối lại khi Carney rút lại kế hoạch áp thuế.
Thủ tướng Canada Mark Carney đi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc họp các nước G7 ở Canada ngày 16/6/2025. Ảnh: AP