
Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ đã phát tín hiệu cho thấy họ sẽ bác bỏ đề xuất cắt giảm ngân sách mạnh tay mà Tổng thống Donald Trump đưa ra đối với một số cơ quan khoa học, bao gồm Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) và NASA.
Ủy ban này hôm 10/7 dự kiến bỏ phiếu để thông qua dự luật xác định ngân sách cho khoa học trong năm tài khóa 2026. Tuy nhiên, cuộc họp đã rơi vào bế tắc do bất đồng về vị trí trụ sở mới của Cục Điều tra Liên bang (FBI) — một vấn đề không liên quan — và ủy ban đã tạm hoãn trong thời gian chưa xác định.
Tuy vậy, phiên điều trần hôm nay là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Quốc hội Mỹ, cơ quan nắm quyền kiểm soát chi tiêu công, có thể bác bỏ mong muốn của ông Trump.
Trong nhiều tuần qua, các nhà khoa học, tổ chức vận động và giới vận động hành lang đã liên tục kêu gọi Quốc hội bảo vệ ngân sách cho các cơ quan nghiên cứu. Có vẻ như chiến dịch đã có tác dụng: theo dự luật của Thượng viện, ngân sách của NSF chỉ bị giảm 0,67%, thay vì mức 57% như ông Trump đề xuất, và nhiều nhiệm vụ khoa học về không gian và Trái đất của NASA sẽ tiếp tục triển khai thay vì bị hủy bỏ.
“Dự luật này bảo vệ các sứ mệnh khoa học then chốt,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jerry Moran (bang Kansas) phát biểu tại cuộc họp.
Để trở thành luật, dự luật phải được toàn thể Thượng viện thông qua, sau đó là Hạ viện, và cuối cùng là Tổng thống ký ban hành. Dự luật này tách biệt với các đạo luật ngân sách khác, chẳng hạn như ngân sách cho Viện Y tế Quốc gia (NIH), hoặc “Dự luật To Đẹp” về thuế và chi tiêu đã được ký thành luật vào tuần trước.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump (2017–2021), Quốc hội hầu như vẫn giữ nguyên ngân sách cho nghiên cứu dù tổng thống đề xuất cắt giảm. Tuy nhiên, năm nay, ngay cả khi Quốc hội thông qua ngân sách hỗ trợ cho các cơ quan khoa học, nhiều chuyên gia chính sách lo ngại rằng chính quyền Trump có thể phớt lờ.
Cho đến nay, Nhà Trắng đã giảm chi tiêu chính phủ bằng cách sa thải hàng nghìn công chức liên bang, trong đó có nhà khoa học; thu hồi tiền đã được Quốc hội phê duyệt cho năm tài khóa hiện tại; và chỉ đạo một số cơ quan liên bang lên kế hoạch cho năm tới như thể đề xuất cắt giảm của Trump đã là luật.
Mặc dù dự luật của Thượng viện còn xa mới được thông qua, nhưng theo chuyên gia chính sách khoa học Kenny Evans tại Đại học Rice (Houston, Texas), vẫn có một chút lạc quan. “So với ba tháng qua u ám, giờ là lạc quan dè dặt. Nếu thực sự có cam kết lưỡng đảng cho ngân sách khoa học, thì đó là một chiến thắng lớn,” chuyên gia này nói.
Những khoản cắt giảm bị từ chối?
Một trong những đề xuất cắt giảm mạnh nhất của Tổng thống Trump nhắm vào Quỹ Khoa học Quốc gia NSF, cơ quan tài trợ cho 25% nghiên cứu cơ bản do liên bang hỗ trợ tại các trường đại học Mỹ. Theo đề xuất của Trump, ngân sách NSF sẽ bị giảm từ 9 tỷ USD xuống còn 3,9 tỷ USD. Nếu điều đó xảy ra, NSF sẽ chỉ có thể cấp khoảng 1/4 số khoản tài trợ nghiên cứu như hiện nay. Gần như mọi lĩnh vực của NSF sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ, một trong những thành tựu lớn nhất của NSF — Đài quan sát G-wave LIGO, nơi phát hiện sóng hấp dẫn từ các vụ va chạm vũ trụ — sẽ phải đóng cửa một trong hai trạm.
Tại NASA, ông Trump đề xuất cắt một nửa ngân sách khoa học, đồng nghĩa với việc hơn 40 dự án — từ việc phóng vệ tinh quan sát Trái đất đến kính viễn vọng không gian tương lai — sẽ bị dừng.
Tất cả các cựu giám đốc khoa học của NASA còn sống đều chỉ trích đề xuất này trong một bức thư gửi Quốc hội ngày 1/7.
“Nếu cắt giảm khoa học tại NASA, nước Mỹ sẽ đánh mất vị trí dẫn đầu vào tay các quốc gia khác,” ông John Grunsfeld, cựu phi hành gia và lãnh đạo bộ phận khoa học của NASA từ 2012–2016, cảnh báo.
“Tôi hơi lạc quan rằng Thượng viện sẽ tài trợ đầy đủ cho khoa học tại NASA, nhưng nhìn chung vẫn lo lắng cho vai trò dẫn dắt của Mỹ và nguy cơ cắt giảm những nghiên cứu thiết yếu.”
Tại cuộc họp ủy ban ngày hôm thứ Năm, cả thượng nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đều thể hiện mong muốn giữ ngân sách NASA ở mức 24,9 tỷ USD, tương đương với năm nay.
Ngoài ra, dấu hiệu rõ ràng cho thấy Quốc hội không đồng tình với cách ông Trump muốn tái cấu trúc NASA là việc trong dự luật thuế–chi tiêu mới được thông qua, các nhà lập pháp đã bơm hàng tỷ USD trở lại cho những chương trình mà ông Trump định cắt, bao gồm hệ thống tên lửa hạng nặng Space Launch System (SLS) dành cho sứ mệnh Mặt Trăng Artemis.
Đối mặt giông bão ngân sách
Các thượng nghị sĩ cũng bàn đến Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) — nơi ông Trump muốn cắt 2,2 tỷ USD, tức khoảng 1/3 ngân sách nghiên cứu. Đề xuất cắt giảm bị chỉ trích dữ dội, nhất là với Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia — đơn vị thuộc NOAA.
Năm nay, hàng trăm trong số hơn 4.000 nhân viên của cơ quan này đã rời đi; chính quyền liên bang và địa phương đang loay hoay trước câu hỏi liệu các đợt nghỉ việc này có ảnh hưởng đến việc ứng phó thiên tai, như trận lũ ở Texas vào ngày 4/7 khiến hơn 120 người thiệt mạng.
Theo thượng nghị sĩ Moran, trong dự luật Thượng viện, “NOAA được tài trợ theo cách sẽ tránh việc cắt giảm nhân sự tại Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia.”
Hiện chưa rõ khi nào ủy ban sẽ nhóm họp lại, nhưng nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng vị trí đặt trụ sở mới của FBI — ưu tiên của chính quyền Trump — là yếu tố quyết định để họ bỏ phiếu thuận.
Nếu dự luật vượt qua Thượng viện, nó còn phải được xem xét tại Hạ viện — nơi phiên điều trần vẫn chưa được lên lịch.
“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước,” thượng nghị sĩ Susan Collins (bang Maine), Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, phát biểu.
Thượng nghị sĩ Susan Collins (phải), đảng Cộng hòa bang Maine, trò chuyện với Thượng nghị sĩ Patty Murray (trái), đảng Dân chủ bang Washington, tại cuộc họp Ủy ban Phân bổ Ngân sách ngày 10/7. Ảnh: Getty