
Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm đã ra lệnh tạm thời chặn toàn quốc đối với sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt quyền quốc tịch theo nơi sinh (birthright citizenship).
Phán quyết của Thẩm phán Joseph Laplante tại Tòa án quận Mỹ có ý nghĩa quan trọng, vì Tòa án Tối cao hồi tháng trước đã hạn chế quyền của các tòa cấp dưới trong việc ban hành các lệnh cấm toàn quốc, nhưng vẫn cho phép nguyên đơn theo đuổi cách ngăn chặn diện rộng thông qua các vụ kiện tập thể (class action). Đây chính là điều đã xảy ra hôm thứ Năm tại New Hampshire.
Tại phiên điều trần, thẩm phán Laplante đồng ý công nhận một nhóm kiện tập thể trên toàn quốc gồm “những người bị tước quyền quốc tịch”, và ban hành lệnh cấm sơ bộ vô thời hạn ngăn sắc lệnh của Trump có hiệu lực đối với bất kỳ trẻ em nào sinh sau ngày 20/2, tức ngày Trump nhậm chức.
“Với tòa án, việc ra lệnh cấm tạm thời này là điều hiển nhiên,” Laplante nói. “Tước quyền công dân Mỹ và thay đổi chính sách đột ngột… là một tổn hại không thể khắc phục.”
Thẩm phán, do cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, cho biết ông sẽ trì hoãn hiệu lực của lệnh trong vài ngày để chính quyền Trump có thời gian kháng cáo.
Lệnh này có thể trở thành một rào chắn pháp lý quan trọng đối với sắc lệnh của ông Trump, khi các tòa án khác đang xem xét lại phán quyết của mình sau phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao.
Trước đó vào tháng 2, cũng chính Laplante đã chặn sắc lệnh của Trump áp dụng cho một số nhóm phi lợi nhuận bị ảnh hưởng, khi ông khẳng định sắc lệnh của ông Trump “mâu thuẫn với nội dung Tu chính án thứ 14 và tiền lệ hơn 100 năm chưa từng bị bác bỏ.”
Phiên điều trần hôm thứ Năm chủ yếu xoay quanh đề xuất của các luật sư nhân quyền về di trú, yêu cầu tòa án công nhận nhóm tập thể bao gồm “tất cả trẻ em hiện tại và trong tương lai” bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của Trump, cùng với cha mẹ của họ. Tuy nhiên, phán quyết hôm đó không bao gồm các bậc cha mẹ.
Thẩm phán tỏ ra đồng tình với lập luận của Bộ Tư pháp rằng nếu bao gồm cha mẹ có thể vi phạm quy định liên bang về kiện tập thể, vì tình trạng nhập cư của mỗi người lớn có thể rất khác nhau.
Bộ Tư pháp muốn được thực hiện quá trình thu thập thêm thông tin về người lớn, nhưng thẩm phán nói điều đó là không khả thi do vụ kiện đang diễn ra gấp rút.
Phạm vi kiện tập thể hẹp hơn cho phép vụ kiện tiếp tục mà không cần quy trình điều tra kéo dài.
Vụ kiện do Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) khởi xướng, với đại diện bao gồm một người phụ nữ Honduras xin tị nạn – “Barbara” – đang sống tại New Hampshire và sắp sinh vào tháng 10, cùng một người đàn ông Brazil – “Mark” – đang xin thẻ xanh. Vợ Mark đã sinh con tại Mỹ vào tháng 3 nhưng cư trú bất hợp pháp.
ACLU lập luận: nếu sắc lệnh của Trump có hiệu lực, những đứa trẻ này sẽ bị kỳ thị, đối mặt nguy cơ không quốc tịch, mất quyền bầu cử, quyền làm việc trong các cơ quan liên bang, và thậm chí có thể bị trục xuất tới những đất nước mà các em chưa từng đặt chân đến.
Được ký ngày 20 tháng 1, sắc lệnh có tên “Bảo vệ ý nghĩa và giá trị của quốc tịch Mỹ,” tuyên bố chính phủ liên bang sẽ không cấp giấy tờ công nhận quốc tịch Mỹ cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nếu cha mẹ các em cư trú bất hợp pháp hoặc chỉ tạm thời.
Tòa án Tối cao ngày 27 tháng 6 quy định chính quyền không được thực thi sắc lệnh trong vòng 30 ngày, nhưng có thể bắt đầu xây dựng hướng dẫn thực hiện chính sách.
Luật sư Cody Wofsy của ACLU gọi quyết định của tòa là “một chiến thắng lớn, giúp bảo vệ quyền quốc tịch cho tất cả trẻ em sinh ra tại Mỹ, đúng như Hiến pháp quy định.”
Phán quyết của Laplante phù hợp với lập trường của Tòa Tối cao rằng kiện tập thể là một phương tiện hợp pháp để ngăn chặn các chính sách vi phạm Hiến pháp.
Một số thẩm phán bảo thủ như Samuel Alito và Clarence Thomas cảnh báo các tòa cần thận trọng, vì kiện tập thể có thể bị lạm dụng. Liệu phán quyết của Laplante là đúng tinh thần Tòa Tối cao hay vượt giới hạn – khả năng cao là vấn đề này sẽ sớm quay trở lại bàn cân của các thẩm phán tối cao.
Các lá cờ Mỹ xuất hiện trong một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phản đối động thái của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt quyền quốc tịch theo nơi sinh, khi tòa án tiến hành phiên điều trần về sắc lệnh này tại Washington vào ngày 15/5. Ảnh: AFP