
Nhật Bản sẽ bắt đầu từ tháng 1-2026 thử nghiệm khai thác khoáng sản đất hiếm từ đáy đại dương và đây là một cuộc thử nghiệm sâu nhất từ trước đến nay, ông Shoichi Ishii, giám đốc Chương trình Thúc đẩy Đổi mới Chiến lược Liên bộ của Nhật Bản, cho biết vào thứ Năm, 3/7.
Đầu tuần này, Nhật Bản đã cam kết hợp tác với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc để đảm bảo nguồn cung ổn định các khoáng sản quan trọng, trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về việc Trung Quốc thống trị các nguồn tài nguyên thiết yếu cho công nghệ mới.
Đất hiếm – gồm 17 kim loại khó khai thác từ vỏ Trái Đất – được sử dụng trong mọi thứ, từ xe điện, ổ cứng, tua-bin gió đến tên lửa.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế toàn cầu.
Một con tàu khoan biển sâu của Nhật Bản có tên Chikyu sẽ thực hiện một chuyến “thử nghiệm khai thác” từ tháng 1 để thu thập trầm tích đáy biển chứa các nguyên tố đất hiếm, ông Shoichi Ishii cho biết.
“Thử nghiệm trích xuất trầm tích từ độ sâu 5.500 mét là lần đầu tiên trên thế giới,” ông nói với AFP.
“Mục tiêu của chuyến khai thác này là kiểm tra toàn bộ chức năng của thiết bị khai thác, nên khối lượng trầm tích thu được không quan trọng,” ông Ishii nói thêm.
Con tàu Chikyu sẽ khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản quanh hòn đảo hẻo lánh Minami Torishima ở Thái Bình Dương – điểm cực đông của lãnh thổ Nhật Bản, đồng thời cũng là nơi đặt căn cứ quân sự.
Theo tờ Nikkei, chuyến khai thác dự kiến thu thập 35 tấn bùn từ đáy biển trong khoảng ba tuần. Mỗi tấn bùn này ước tính chứa khoảng 2 kg khoáng sản đất hiếm.
Việc khai thác biển sâu đã trở thành một điểm nóng địa chính trị, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thúc đẩy quá trình cấp phép nhanh cho hoạt động này ở vùng biển quốc tế.
Kể từ tháng 4, Trung Quốc đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu đất hiếm, một động thái được xem là đáp trả các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ.
Các tổ chức môi trường cảnh báo rằng khai thác biển sâu có thể đe dọa hệ sinh thái đại dương và làm xáo trộn đáy biển.
Cơ quan Đáy biển Quốc tế (ISA) – cơ quan có thẩm quyền đối với đáy biển ngoài lãnh hải quốc gia – sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để thảo luận bộ quy tắc toàn cầu nhằm quản lý hoạt động khai thác ở vùng biển sâu.
Tàu Chikyu, trong ảnh chụp năm 2013, sẽ thực hiện khoan quanh đảo hẻo lánh Minami Torishima. Ảnh: AFP