
Alibaba Cloud của Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại khu vực Đông Nam Á với việc xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tại Malaysia và Philippines nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực.
Công ty vừa ra mắt trung tâm dữ liệu thứ ba tại Malaysia và dự kiến khai trương trung tâm thứ hai tại Philippines vào tháng 10. Trước đó, Alibaba cũng đã có các khoản đầu tư tương tự tại Thái Lan, Mexico và Hàn Quốc hồi đầu năm nay.
Alibaba đã cam kết chi 53 tỷ USD cho hạ tầng AI trong vòng 3 năm tới, đồng thời xác định Đông Nam Á là thị trường trọng điểm, ngay cả sau khi đóng cửa các trung tâm dữ liệu tại Sydney và Mumbai vào năm ngoái, theo báo South China Morning Post.
Trung tâm AI và phát triển nhân lực tại Singapore
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Singapore, Alibaba Cloud đã công bố việc thành lập Trung tâm Năng lực AI Toàn cầu (AI Global Competency Center – AIGCC) tại quốc gia này. Trung tâm dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 5.000 doanh nghiệp và 100.000 lập trình viên, cung cấp công cụ để xây dựng và triển khai hệ thống AI.
Trung tâm còn bao gồm một phòng thí nghiệm đổi mới AI cung cấp tập dữ liệu chọn lọc, tín dụng sử dụng dịch vụ và các hỗ trợ kỹ thuật. AIGCC kỳ vọng sẽ hợp tác với hơn 1.000 công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp, với mục tiêu giới thiệu trên 10 tác nhân AI (AI agents) cho các ngành như y tế, logistics và tài chính.
Nhằm phát triển lực lượng nhân sự, Alibaba Cloud cho biết sẽ hợp tác với hơn 120 tổ chức đào tạo để huấn luyện 100.000 chuyên gia AI mỗi năm.
Công cụ AI mới và nâng cấp hệ thống
Alibaba Cloud cũng giới thiệu các nâng cấp cho hạ tầng và phần mềm AI của mình.
Dịch vụ dữ liệu thời gian thực Data Transmission Service (DTS) hỗ trợ tính năng mới “One Channel for AI”, cho phép chuyển đổi các loại dữ liệu khác nhau – văn bản, hình ảnh, âm thanh, video – thành định dạng phục vụ huấn luyện AI và các ứng dụng tạo sinh tăng cường truy xuất (RAG). Mục tiêu là giảm độ phức tạp kỹ thuật và tăng tốc độ triển khai.
Về phía xử lý suy luận AI, nền tảng Platform for AI của Alibaba đã được cập nhật để hỗ trợ các mô hình lớn và kiến trúc phức tạp như mô hình phân tán Mixture of Experts. Thế hệ máy chủ điện toán thứ 9 Elastic Compute Service (ECS) của Alibaba sử dụng chip Intel cũng đang được triển khai tại Nhật Bản, UAE và Anh Quốc. Kể từ khi ra mắt vào tháng 4, gần 10.000 doanh nghiệp đã áp dụng dòng ECS mới, vốn mang lại hiệu suất điện toán cao hơn và kết nối mạng nhanh hơn cho các tác vụ AI, tính toán hiệu năng cao, và cơ sở dữ liệu.
Các dịch vụ AI của Alibaba Cloud đang được ngày càng nhiều khách hàng tại châu Á và các khu vực khác sử dụng.
Tại Indonesia, tập đoàn GoTo Group đã chuyển nền tảng phân tích dữ liệu lõi của mình sang MaxCompute của Alibaba Cloud. Việc di chuyển hàng chục ngàn terabyte dữ liệu trong 6 tháng đã giúp tối ưu chi phí và hiệu năng hệ thống mà không gây gián đoạn dịch vụ. Đơn vị GoTo Financial cũng đã chuyển hệ thống cho vay sang sử dụng PolarDB và Tair của Alibaba, hỗ trợ trên 500 dịch vụ vi mô với độ trễ thấp.
Startup AI tạo sinh VisionTech tại Singapore sử dụng hạ tầng của Alibaba Cloud để mở rộng các chatbot đa ngôn ngữ tại Đông Nam Á. Công ty cho biết đã giảm chi phí hạ tầng hơn 25% và hiện đang dùng mô hình Qwen của Alibaba để xử lý dịch thuật thời gian thực giữa các ngôn ngữ: Anh, Trung, Mã Lai và Nhật.
Tại Nhật Bản, công ty công nghệ FLUX cũng đang hợp tác với Alibaba Cloud để đưa mô hình Qwen đến các doanh nghiệp địa phương. FLUX có kế hoạch phát triển sản phẩm LLM (mô hình ngôn ngữ lớn) riêng, sử dụng công cụ của Alibaba cho các hoạt động cốt lõi trong nhiều ngành nghề.
Ngoài ra, tại Trung Đông, Alibaba Cloud đã ký kết thỏa thuận với tập đoàn đa ngành Al-Futtaim có trụ sở tại Dubai nhằm hỗ trợ phát triển AI trong toàn bộ các đơn vị kinh doanh của tập đoàn. Thỏa thuận bao gồm truy cập hạ tầng đám mây và AI của Alibaba, cũng như các khung mã nguồn mở và hỗ trợ đào tạo.
Một trụ sở của Tập đoàn Alibaba. Ảnh: Techwire Asia