
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ gửi thông báo cho các đối tác thương mại bắt đầu vào thứ Sáu (5/7) về mức thuế mới của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của họ, có hiệu lực từ ngày 1/8, đồng thời nhấn mạnh ông ưu tiên sự đơn giản thay vì những cuộc đàm phán phức tạp, khi chỉ còn năm ngày trước thời hạn chót để đạt các thỏa thuận.
Trump nói với báo giới rằng khoảng “10 đến 12 lá thư” sẽ được gửi vào thứ Sáu, và những lá thư khác sẽ tiếp tục được gửi “trong vài ngày tới”.
“Tới ngày 9 thì tất cả sẽ được thông báo đầy đủ,” ông nói, nhắc đến thời hạn 9/7 mà ông đặt ra để các quốc gia đạt thỏa thuận với Mỹ nếu muốn tránh bị áp thuế nhập khẩu cao hơn. “Mức thuế có thể dao động từ 10% đến 70%, tuỳ từng trường hợp,” Trump cho biết.
Các cuộc đàm phán đang đến hồi gay cấn
Mỹ đang trong quá trình đàm phán với nhiều nền kinh tế từ Indonesia, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu đến Thụy Sĩ – nơi các vấn đề gai góc nhất đang được giải quyết. Lời đe dọa mới nhất của Trump, đúng với phong cách tối hậu thư thường thấy của ông, phản ánh quan điểm rằng một số nước sẽ không được lựa chọn mức thuế, mà phải chấp nhận mức Mỹ đưa ra.
Nếu thông tin mới nhất mà Trump vừa đề cập trở thành hiện thực, mức thuế cao nhất mới của Trump sẽ vượt mức 50% được công bố trước đó trong bài phát biểu “Ngày Giải phóng” hồi tháng 4. Khi đó, Trump đề xuất thuế phổ thông là 10%, tối đa 50%. Lần này, ông không nêu cụ thể nước nào sẽ bị áp thuế cao hơn, hay mặt hàng nào bị đánh thuế nặng nhất.
“Các nước sẽ bắt đầu phải trả thuế vào ngày 1/8. Tiền sẽ bắt đầu chảy vào nước Mỹ từ ngày đó,” Trump nói.
Trump lâu nay cảnh báo nếu các nước không đạt thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn tuần tới, ông sẽ đơn phương áp thuế cao hơn – điều đã khiến nhiều đối tác chạy đua ký kết.
Ngày 2/4, Trump công bố kế hoạch áp thuế gọi là “thuế đối ứng”, nhưng cho hoãn 90 ngày để đàm phán, áp dụng thuế tạm thời 10% trong thời gian đó.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, nếu Mỹ nâng toàn bộ thuế đối ứng đúng như đe dọa vào ngày 9/7, mức thuế nhập khẩu trung bình sẽ tăng từ gần 3% lên khoảng 20%, gây rủi ro cho tăng trưởng và lạm phát tại Mỹ.
Các thỏa thuận
Tính đến nay, chính quyền Trump đã công bố các thỏa thuận thương mại với Anh và Việt Nam, và đình chiến thuế quan với Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm hạ nhiệt căng thẳng và nới lỏng kiểm soát xuất khẩu.
Khi được hỏi liệu còn thỏa thuận nào sắp công bố không, Trump trả lời: “Chúng tôi có vài thỏa thuận nữa, nhưng thành thật mà nói tôi muốn gửi thư luôn và thông báo mức thuế họ phải trả. Như vậy dễ hơn. Tôi thích các thỏa thuận đơn giản, dễ kiểm soát.”
Trump công bố thỏa thuận với Việt Nam vào thứ Tư, theo đó Mỹ áp thuế 20% lên hàng xuất khẩu của Việt Nam và 40% lên hàng hóa chuyển tải qua Việt Nam (tức hàng từ Trung Quốc hoặc nước khác “đội lốt” Việt Nam để vào Mỹ).
Dù thấp hơn mức thuế 46% từng tuyên bố ban đầu, mức thuế mới vẫn cao hơn mức phổ thông 10%, và chi tiết thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng vì Nhà Trắng chưa công bố văn bản chính thức. Trong khi đó, Việt Nam cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.
Indonesia cho biết sắp đạt thỏa thuận toàn diện với Mỹ, liên quan đến khoáng sản, năng lượng, quốc phòng và tiếp cận thị trường, trong khi Campuchia tuyên bố đã thống nhất một khung thỏa thuận đối ứng, sắp công bố, với cam kết hợp tác chặt chẽ. Campuchia đang đối mặt với mức thuế đe dọa lên đến 49%.
Các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU vẫn đang gấp rút hoàn tất các thỏa thuận.
Quan chức thương mại hàng đầu của Hàn Quốc sẽ tới Mỹ cuối tuần này với các đề xuất mới, nhằm tránh bị đánh thuế cao.
Trump nói ông lạc quan về thỏa thuận với Ấn Độ, nhưng lại chỉ trích mạnh Nhật Bản, cho rằng Tokyo “khó đàm phán” và có thể bị đánh thuế 30%, 35% hoặc mức nào Mỹ quyết định.
Trump cũng xác nhận không có ý định lùi thời hạn chót tuần tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Tổng thống sẽ là người quyết định có gia hạn đàm phán hay không, tuỳ vào việc “các nước có thiện chí đàm phán hay không.”
Một bãi chứa container tại Cảng Los Angeles ở San Pedro, California. Hàng hóa vào Mỹ có thể sẽ chịu thuế ngất ngưởng từ 1/8 nếu các thỏa thuận thương mại không được ký kết. Ảnh: The Washington Post