
Các trang web từng đăng tải các báo cáo khí hậu quốc gia theo quy định pháp luật ở Mỹ đã biến mất, gây khó khăn cho chính quyền bang, địa phương và người dân trong việc tìm hiểu những gì có thể diễn ra tại địa phương của họ trước tình trạng Trái đất nóng lên.
Các nhà khoa học cho biết những báo cáo có đánh giá chuyên gia này giúp tiết kiệm tiền bạc và cứu mạng người. Các trang web chuyên đăng tải các báo cáo khí hậu quốc gia và Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu của Mỹ đã ngừng hoạt động vào thứ Hai và thứ Ba mà không để lại liên kết, chú thích hay hướng dẫn chuyển sang trang khác. Nhà Trắng — đơn vị chịu trách nhiệm về các báo cáo này — cho biết thông tin sẽ được lưu trữ trong NASA để tuân thủ pháp luật, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Tìm kiếm trên các trang web của NASA cũng không cho ra kết quả. NASA đã không phản hồi các yêu cầu cung cấp thông tin. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), đơn vị điều phối các thông tin trong báo cáo, cũng không phản hồi dù được liên hệ nhiều lần.
“Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách trên toàn quốc phải nắm được những gì mà khoa học thể hiện trong Báo cáo Khí hậu Quốc gia. Đó là nguồn thông tin đáng tin cậy và được thẩm định tốt nhất về khí hậu cho nước Mỹ,” nhà khí hậu học Kathy Jacobs thuộc Đại học Arizona — người từng điều phối bản báo cáo năm 2014 — cho biết.
“Thật là một ngày buồn cho nước Mỹ nếu đúng là Báo cáo Khí hậu Quốc gia không còn có sẵn có nữa,” Jacobs nói. “Đây là dấu hiệu của việc can thiệp nghiêm trọng vào sự thật và quyền tiếp cận thông tin của người dân, và điều đó thực sự có thể làm tăng nguy cơ người dân bị tổn hại bởi các tác động của biến đổi khí hậu.”
Nhà khoa học khí hậu John Holdren tại Đại học Harvard — cố vấn khoa học của Tổng thống Obama và từng chỉ đạo các báo cáo khí hậu — cho biết sau khi bản báo cáo năm 2014 được công bố, ông đã đến gặp các thống đốc, thị trưởng và quan chức địa phương, và họ nói rằng bản báo cáo dài 841 trang này rất hữu ích. Nó giúp họ quyết định liệu có nên nâng đường lên, xây tường chắn sóng, hay chuyển máy phát điện của bệnh viện từ tầng hầm lên mái nhà.
“Đây là nguồn tài nguyên của chính phủ do người dân đóng thuế chi trả, để cung cấp thông tin nền tảng cho bất kỳ thành phố, bang hay cơ quan liên bang nào đang cố gắng chuẩn bị đối phó với các tác động của khí hậu biến đổi,” nhà khí hậu học Katharine Hayhoe từ Đại học Texas Tech, người từng là tác giả tình nguyện cho nhiều bản báo cáo, cho biết.
Các bản báo cáo cũ vẫn còn được lưu trữ ở thư viện của NOAA. Kho dữ liệu khoa học mở của NASA vẫn hiển thị các liên kết chết (không còn hoạt động) dẫn đến trang web báo cáo.
Báo cáo mới nhất được công bố vào năm 2023, bao gồm một bản đồ tương tác có thể phóng to đến cấp quận. Báo cáo này cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến an ninh, sức khỏe và sinh kế của người dân ở mọi miền nước Mỹ theo những cách khác nhau, trong đó các cộng đồng thiểu số và người bản địa thường là những nhóm chịu rủi ro lớn nhất.
Đạo luật Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu năm 1990 yêu cầu phải có báo cáo khí hậu quốc gia cứ mỗi bốn năm một lần, đồng thời chỉ đạo Tổng thống thành lập một chương trình liên ngành gọi là Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu Hoa Kỳ. Vào mùa xuân, chính quyền Trump đã thông báo cho các tác giả tình nguyện của báo cáo khí hậu tiếp theo rằng họ không còn cần thiết nữa, đồng thời chấm dứt hợp đồng với công ty tư nhân hỗ trợ xây dựng trang web và báo cáo.
Ngoài ra, trang web chính climate.gov của NOAA gần đây đã được chuyển hướng sang một trang khác của NOAA. Các trang mạng xã hội và blog của NOAA và NASA về tác động khí hậu dành cho công chúng cũng đã bị cắt giảm hoặc xóa bỏ.
“Đây là một phần trong bức tranh lớn đầy đáng sợ,” Holdren nói. “Thật kinh hoàng khi chứng kiến toàn bộ cơ sở hạ tầng khoa học bị phá hủy như vậy.”
Theo Hayhoe và Jacobs, các báo cáo quốc gia còn hữu ích hơn cả các báo cáo quốc tế do Liên Hợp Quốc công bố khoảng 7 năm một lần, bởi tính địa phương hóa và mức độ chi tiết cao hơn.
Các báo cáo quốc gia không chỉ được giới khoa học thẩm định, mà còn được xem xét độ chính xác bởi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, các cơ quan liên bang, đội ngũ nhân viên và cả công chúng. Việc che giấu các báo cáo này chẳng khác gì kiểm duyệt khoa học, Jacobs nói.
Và điều đó cực kỳ nguy hiểm với quốc gia, Hayhoe nhấn mạnh, so sánh nó với việc lái xe trên đường cong mà chỉ nhìn vào gương chiếu hậu: “Và giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn về phía trước để làm mọi cách đi qua khúc cua đó một cách an toàn. Nhưng bây giờ thì chẳng khác nào kính chắn gió đang bị sơn kín.”
Người dân ngắm hoàng hôn từ khuôn viên Đài tưởng niệm Tự do ở thành phố Kansas, bang Missouri. Ảnh: AP