
Ngày 3/7 là ngày Trái đất ở cách xa Mặt Trời nhất. Tại thời điểm này – gọi là điểm viễn nhật (aphelion) – khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời là 152.087.738 km, tức xa hơn 4.984.051 km so với khi gần nhất vào ngày 4/1 vừa qua. Nói cách khác, hiện tại Trái Đất cách xa Mặt Trời hơn 16,62 giây ánh sáng so với hồi tháng Một.
Cụ thể, vào lúc 3:55 chiều giờ miền Đông nước Mỹ ngày thứ Năm, 3/7 (tức 19:55 GMT), Trái Đất đạt điểm xa Mặt Trời nhất trên quỹ đạo của nó.
Sự khác biệt về khoảng cách này là 3,277%, làm cho ánh sáng từ Mặt Trời trông mờ đi khoảng 6,55% so với thời điểm gần nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là thay đổi rất nhỏ.
Theo định luật chuyển động của Kepler, các thiên thể sẽ quay chậm hơn khi ở xa Mặt Trời, nên hiện tại Trái Đất đang di chuyển với tốc độ chậm nhất trong năm, khoảng 29 km/giây, so với hơn 30 km/giây khi gần Mặt Trời nhất (điểm cận nhật – perihelion).
Nhưng thời tiết vẫn nóng
Dự báo thời tiết quốc gia của Mỹ cho thứ Năm, 3/7, cho thấy nhiệt độ cao sẽ đạt ít nhất 32°C trên một nửa phía nam của nước Mỹ, từ vùng duyên hải Trung Đại Tây Dương, kéo dài về phía tây qua Thung lũng Ohio, Trung nguyên Hoa Kỳ, Texas, Oklahoma, và xuống khu vực sa mạc Tây Nam.
Nhiệt độ trên 32°C cũng sẽ xuất hiện ở California (ngoại trừ vùng ven Thái Bình Dương), cùng với Nevada, các khu vực trung tâm và phía đông của Oregon và Washington, và hầu hết Idaho. Riêng tại các khu vực như tây nam Texas, nam và tây Arizona, nam Nevada và đông nam California, nhiệt độ có thể đạt hoặc vượt 38°C, và thậm chí một số khu vực sa mạc nhiệt độ có thể chạm ngưỡng 43°C.
Với mức nhiệt cao như vậy, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thời tiết vẫn nóng cho dù Trái Đất đạt điểm xa Mặt Trời nhất trên quỹ đạo của nó.
Nghiêng trục, không phải khoảng cách, mới là yếu tố quyết định
Nhiều người nghĩ Trái Đất gần Mặt Trời nhất vào mùa hè (tháng 6–8) khi thời tiết nóng nhất. Nhưng thực tế, khoảng cách không phải là lý do khiến thời tiết ấm lên.
Nguyên nhân thực sự là do trục nghiêng 23,5 độ của Trái Đất. Góc nghiêng này khiến Mặt Trời hiện diện trên bầu trời lâu hơn vào mùa hè, và các tia nắng chiếu thẳng góc hơn, mang lại nhiều nhiệt hơn.
Ví dụ, ở vĩ độ của thành phố New York, vào ngày hạ chí (20/6), lượng nhiệt nhận được từ các tia Mặt Trời gần như vuông góc cao gấp 3 lần so với tia nắng xiên vào ngày đông chí (21/12). Nhiệt lượng mà một khu vực nhận được phụ thuộc vào thời gian ban ngày và góc chiếu của Mặt Trời, dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về nhiệt độ ở các nơi trên thế giới.
Thật thú vị là thời điểm Trái Đất gần và xa Mặt Trời nhất thường trùng với các ngày lễ lớn của Mỹ: gần Mặt Trời nhất vào gần Tết Dương lịch, và xa Mặt Trời nhất vào gần Quốc khánh (4/7).
Tuy nhiên, tùy từng năm, ngày Trái Đất gần Mặt Trời nhất có thể rơi vào khoảng 1–5/1, và ngày xa nhất rơi vào khoảng 2–6/7.
Mặt trời lặn sau đường chân trời của thành phố Chicago, nhìn từ Công viên Tiểu bang Indiana Dunes ở Chesterton, Indiana. Ảnh: Space.com