
Điều gì sẽ xảy ra nếu tâm trạng của một thành phố có thể được theo dõi giống như thời tiết? Các nhà nghiên cứu tại Đại học Missouri (Mizzou) đang dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm điều đó: bằng cách phân tích các bài đăng Instagram có gắn định vị địa lý và kết hợp chúng với hình ảnh từ Google Street View, họ đang tạo ra bản đồ cảm xúc cho không gian đô thị.
Những “bản đồ cảm xúc” này cho thấy con người cảm thấy như thế nào tại từng địa điểm cụ thể, từ đó hỗ trợ các nhà quy hoạch thiết kế không gian không chỉ hiệu quả mà còn dễ chịu hơn. Với tiềm năng ứng dụng vào các lĩnh vực như an toàn đô thị hay ứng phó thiên tai, công nghệ này có thể sớm trở thành một phần trong bảng điều khiển đô thị theo thời gian thực.
Thành phố hướng đến con người
Với Jayedi Aman, giảng viên ngành kiến trúc tại Mizzou, thành phố không chỉ là những con đường và tòa nhà. Anh quan tâm đến cách con người di chuyển, tương tác và trải nghiệm không gian quanh họ. Aman tin rằng cảm xúc của người dân nên là yếu tố thiết yếu trong thiết kế đô thị tương lai – bên cạnh bê tông và thép.
Trong một nghiên cứu mới, Aman đã hợp tác với GS Tim Matisziw – chuyên ngành địa lý và kỹ thuật – để khám phá cách AI có thể giúp “nhìn thấy” cảm xúc con người trong đời sống đô thị.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu với các bài đăng công khai trên Instagram có gắn định vị. Nhờ AI, họ phân tích cảm xúc trong hình ảnh và chú thích – như vui vẻ, bình tĩnh hay căng thẳng.
Tiếp đó, họ sử dụng hình ảnh Google Street View kết hợp một công cụ AI khác để quan sát khung cảnh thực tế ở các địa điểm đó. Bằng cách so sánh những gì con người nhìn thấy với cảm xúc của họ, nhóm đã tìm ra mối liên hệ rõ rệt giữa thiết kế không gian và tâm trạng.
Từ dữ liệu này, họ xây dựng bản đồ số về cảm xúc đô thị, phản ánh trạng thái cảm xúc của cư dân ở từng khu vực. Bước tiếp theo là phát triển bản sao kỹ thuật số của thành phố – một mô hình thời gian thực cho thấy tâm trạng con người thay đổi theo không gian và thời gian.
Thiết kế thành phố… dễ chịu hơn
Khác với các khảo sát truyền thống thường chậm và thiếu toàn diện, bản đồ cảm xúc sử dụng dữ liệu mạng xã hội được người dùng chia sẻ đã có sẵn – nhanh hơn, rộng hơn và chính xác hơn.
“Chẳng hạn, nếu một công viên mới có nhiều bài đăng vui vẻ, chúng ta có thể hiểu lý do,” Aman – người đứng đầu Phòng thí nghiệm Trí tuệ Không gian mới tại Mizzou – cho biết. “Có thể là do không gian xanh, sự yên tĩnh, hay cảm giác cộng đồng. Giờ đây chúng tôi có thể liên kết những cảm xúc đó với trải nghiệm thực tế.”
Không chỉ trong thiết kế công viên, công cụ này có thể giúp chính quyền cải thiện dịch vụ công, xác định khu vực cư dân cảm thấy bất an, lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp, hoặc đánh giá sức khỏe tinh thần cộng đồng sau thiên tai.
“AI không thay thế con người,” GS Matisziw nói. “Nhưng nó mang đến một cách nhìn khác, giúp phát hiện các mô hình và xu hướng mà con người có thể bỏ sót – từ đó đưa ra quyết định thông minh hơn.”
Họ kỳ vọng rằng trong tương lai, dữ liệu cảm xúc con người sẽ xuất hiện cùng bản đồ giao thông hay thời tiết trong bảng điều khiển thành phố.
“Chúng tôi hình dung một tương lai nơi cảm xúc con người trở thành thành phần cốt lõi của dữ liệu đô thị,” Aman nói. “Đây là cơ hội để thiết kế những thành phố không chỉ vận hành hiệu quả – mà còn khiến con người cảm thấy tốt hơn khi sống trong đó.”
Một ví dụ về bản đồ điểm nóng cảm xúc trong đô thị, do AI phân tích. Ảnh: Jayedi Aman
Các nhà nghiên cứu huấn luyện AI trên ảnh mạng xã hội để theo dõi mức độ hạnh phúc, căng thẳng hay bình tĩnh tại các khu vực trong thành phố – từ đó tạo ra bảng điều khiển cảm xúc đô thị, phục vụ quy hoạch nhân văn hơn. Ảnh: Shutterstock