
Tiếp xúc lâu dài với bụi mịn gây ra sẹo cho cơ tim, như hình ảnh chụp cộng hưởng từ tiết lộ. Các nhà nghiên cứu Canada phát hiện rằng bụi mịn ngay cả mức PM2.5 được cho là “an toàn” cũng làm gia tăng tình trạng xơ hoá cơ tim ở cả tình nguyện viên khỏe mạnh lẫn bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn, đặc biệt ở phụ nữ, người hút thuốc và người bị cao huyết áp.
Hít thở không khí ô nhiễm có thể đang gây hại cho trái tim bạn nhiều hơn bạn tưởng – ngay cả khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Một nghiên cứu mới sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) tim tiên tiến đã phát hiện rằng tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có liên quan đến các dấu hiệu sớm của tổn thương tim, cụ thể là tình trạng xơ hóa cơ tim – những vết sẹo hình thành âm thầm trong cơ tim và có thể dẫn đến suy tim sau này.
Bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, và chất lượng không khí kém từ lâu đã được biết đến là làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, những gì thực sự xảy ra trong tim khi chúng ta hít phải không khí ô nhiễm thì đến nay mới được làm sáng tỏ.
“Chúng tôi biết rằng nếu bạn tiếp xúc với ô nhiễm không khí, nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm cả nguy cơ đau tim, sẽ cao hơn,” bác sĩ Kate Hanneman, tác giả chính của nghiên cứu từ Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Y học, Trường Y Temerty thuộc Đại học Toronto và Hệ thống Y tế Đại học Toronto cho biết. “Chúng tôi muốn hiểu điều gì đang thúc đẩy nguy cơ đó ở cấp độ mô.”
MRI tiết lộ xơ hoá do PM2.5 gây ra
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng MRI tim – một công cụ hình ảnh không xâm lấn mạnh mẽ – để tìm các dấu hiệu tổn thương mô tim. Họ tập trung vào PM2.5, một loại bụi mịn siêu nhỏ có trong khí thải phương tiện giao thông, công nghiệp và khói cháy rừng. Các hạt này rất nhỏ – chỉ bằng 1/30 sợi tóc – và có thể đi sâu vào phổi, xâm nhập vào máu.
Nghiên cứu khảo sát 694 người, gồm 201 người khỏe mạnh và 493 bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn – một tình trạng làm suy giảm khả năng bơm máu của tim. Kết quả gây chú ý: tiếp xúc lâu dài với PM2.5 có liên quan rõ rệt đến mức xơ hóa cơ tim cao hơn ở cả hai nhóm. Điều này cho thấy ngay cả người không mắc bệnh tim cũng có thể gặp rủi ro.
Đáng chú ý, tác động mạnh nhất được quan sát ở phụ nữ, người hút thuốc và người cao huyết áp – những nhóm có thể dễ tổn thương hơn trước tác động của ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu này bổ sung vào bằng chứng ngày càng rõ ràng rằng ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ tim mạch, góp phần vào rủi ro còn lại mà các yếu tố lâm sàng truyền thống như hút thuốc hay tăng huyết áp chưa giải thích hết.
“Ngay cả sự gia tăng ô nhiễm ở mức độ vừa phải cũng dường như gây ra ảnh hưởng có thể đo lường được với tim,” bác sĩ Hanneman nhận định. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chất lượng không khí có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cấu trúc tim, và từ đó tạo điều kiện cho bệnh tim phát triển.”
Hình ảnh MRI cho thấy sương mù nhẹ ở đô thị cũng làm mô tim cứng lại – biến ô nhiễm không khí thành một “kẻ phá hoại tim” âm thầm, vượt ngoài các nguy cơ truyền thống như hút thuốc. Ảnh: Shutterstock.