
Tỷ phú Elon Musk – người từng nâng cao vị thế chính trị của mình bằng cách ủng hộ Tổng thống Donald Trump một cách nhiệt thành và góp phần thúc đẩy chính sách cắt giảm chi tiêu chính phủ – nay lại có nguy cơ phải đối mặt với các đợt cắt giảm nghiêm trọng nhắm vào chính bản thân mình, sau khi ông khơi lại mâu thuẫn với Trump — vốn từng dẫn đến cuộc chia tay đầy cay đắng và công khai hồi tháng trước.
Việc Musk tiếp tục chỉ trích dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu của Trump – vốn vừa được Thượng viện thông qua hôm thứ Ba – có thể khiến hàng tỉ USD giá trị hợp đồng chính phủ của ông gặp rủi ro nếu Trump quyết định trả đũa. Sự rạn nứt trong mối quan hệ hòa hoãn giữa họ đã khiến cổ phiếu một công ty có ảnh hưởng lớn đến thị trường chao đảo, và dẫn đến việc tổng thống úp mở khả năng trục xuất Musk về Nam Phi.
Khi Musk liên tục công kích chi phí của đạo luật mang dấu ấn của Trump, vị tổng thống đã lấp lửng chuyện sẽ để DOGE — Bộ Hiệu suất Chính phủ mà chính Musk lập ra, quay lại chống lại chính ông.
“DOGE là con quái vật có thể sẽ phải quay lại nuốt chửng Elon,” Trump nói với phóng viên khi rời Nhà Trắng để đến thăm một trung tâm giam giữ nhập cư mới tại Florida.
Trump cũng đăng trên mạng xã hội vào sáng sớm rằng nếu Musk mất các hợp đồng chính phủ, ông ta “có lẽ sẽ phải đóng cửa tất cả và quay về Nam Phi.”
Khi được hỏi sau đó rằng liệu ông có định trục xuất Musk hay không, Trump dừng lại một lúc rồi nói: “Tôi chưa biết. Chúng tôi sẽ phải xem xét.”
Đáp lại, Musk viết trên X: “Thật sự rất muốn đẩy căng chuyện này. Rất, rất muốn. Nhưng tôi sẽ kìm lại… lúc này.”
Cả Tesla và SpaceX đều không phản hồi yêu cầu bình luận về CEO của họ.
Mâu thuẫn quanh dự luật cắt giảm thuế
Musk gọi dự luật mới của Trump là một thảm họa tài chính đối với nước Mỹ, cho rằng nó sẽ làm mất việc làm và làm chậm lại các ngành công nghiệp đang phát triển. Ông không chỉ giới hạn mình trong các lời lẽ gay gắt trên mạng xã hội — vào thứ Hai, Musk còn dọa sẽ tái tham gia chính trị để tìm cách loại bỏ tất cả các nghị sĩ ủng hộ dự luật.
“Họ sẽ thua trong bầu cử sơ bộ năm sau, dù đó là điều cuối cùng tôi làm trên đời,” Musk tuyên bố.
Trong các bài đăng khác, ông gọi Đảng Cộng hòa là “Đảng HEO MẬP!!” (PORKY PIG PARTY) và dọa sẽ thành lập một đảng chính trị mới.
Trump cho rằng nguyên nhân thực sự khiến Musk tức giận là việc dự luật cắt bỏ mạnh các ưu đãi thuế cho xe điện và công nghệ liên quan — di sản từ thời Tổng thống Biden. Musk phủ nhận điều này, nhưng việc cắt giảm đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Tesla.
“Elon có thể đã nhận được trợ cấp nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử, và nếu không có trợ cấp, có lẽ Elon sẽ phải đóng cửa và quay về Nam Phi,” Trump viết trên mạng Truth Social.
Musk đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 2002. Hiện chưa rõ Trump có thực sự cân nhắc bước đi cực đoan là tước tư cách công dân hay không — một quá trình hiếm hoi được gọi là hủy quốc tịch (denaturalization).
Mâu thuẫn đe dọa đến các công ty của Musk
Công ty tên lửa và vệ tinh của Musk – SpaceX – cũng bị Trump nhắm tới.
“Không còn phóng tên lửa, không vệ tinh, không sản xuất xe điện nữa, và đất nước ta sẽ tiết kiệm ĐƯỢC MỘT KHOẢN KẾCH XÙ,” Trump viết. “TIẾT KIỆM LỚN!!!”
SpaceX đã nhận hàng tỉ USD từ chính phủ liên bang để đưa phi hành gia lên không gian và thực hiện các nhiệm vụ cho NASA, bao gồm hợp đồng đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm tới.
Tuy nhiên, hậu quả rõ rệt nhất ngay lập tức là cổ phiếu Tesla giảm 5% vào chiều thứ Ba.
Diễn biến cổ phiếu Tesla có thể gây ảnh hưởng lớn đến các quỹ đầu tư chỉ số (index funds), nơi hàng triệu người Mỹ đang gửi tiền tiết kiệm hưu trí. Tesla là một phần của “Bộ bảy vĩ đại (Magnificent Seven)” cùng với Apple và Alphabet – công ty mẹ của Google – nhóm chiếm khoảng 1/3 giá trị của chỉ số S&P 500.
Những phát ngôn bộc phát trên mạng xã hội của Musk lại diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với công ty xe điện của ông. Tesla vừa bước vào tuần đầu tiên thử nghiệm dịch vụ “robotaxi” tự lái tại Austin, Texas. Musk rất cần thử nghiệm này thành công để có thể triển khai dịch vụ đến các thành phố khác trong vài tháng tới.
Một trở ngại tiềm tàng: cơ quan quản lý an toàn giao thông liên bang (NHTSA).
Tuần trước, NHTSA đã yêu cầu Tesla cung cấp thông tin sau khi xuất hiện các video cho thấy một số xe tự lái tại Austin chạy ẩu, thậm chí đi ngược chiều.
Trước đó, NHTSA đã yêu cầu dữ liệu về hiệu suất robotaxi trong điều kiện tầm nhìn kém và từng mở cuộc điều tra vào năm ngoái đối với 2,4 triệu xe Tesla có cài đặt phần mềm tự lái, sau hàng loạt vụ tai nạn – bao gồm một vụ khiến một người đi bộ thiệt mạng. Musk cần dịch vụ robotaxi thành công vì hoạt động kinh doanh chính – bán xe – đang gặp khó khăn.
Diễn biến mới từ cuộc khẩu chiến
Musk thừa nhận việc người tiêu dùng tẩy chay do quan điểm chính trị của ông đã khiến doanh số giảm. Tuy nhiên, ông phần lớn đổ lỗi cho một yếu tố “bớt đáng sợ” hơn: người ta nôn nóng chờ phiên bản mới của mẫu SUV Model Y nên hoãn mua.
Tuy nhiên, khi mẫu mới đã có mặt, doanh số vẫn tiếp tục tụt dốc. Dữ liệu tuần trước cho thấy doanh số Tesla tại châu Âu giảm 28% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước — tháng sụt giảm thứ năm liên tiếp. Một loạt dữ liệu bán hàng từ các khu vực khác, bao gồm Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Tư.
Trớ trêu thay, trận khẩu chiến giữa Musk và Trump lại đe dọa doanh nghiệp của ông từ cả hai phía. Người tiêu dùng không mua xe vì vẫn nhớ tình bạn cũ giữa ông và Trump, và giờ đây các hợp đồng chính phủ của ông lại có nguy cơ bị hủy vì tình bạn ấy đã tan vỡ.
“Trong một thế giới đảo ngược, ông ấy đã khiến cả hai bên đều xa lánh,” chuyên gia phân tích Dan Ives từ Wedbush Securities bình luận. “Nghe có vẻ bất khả thi, nhưng ông ấy đã thực sự làm được.”
Musk và Trump tại Nhà Trắng vào tháng 2-2025. Ảnh: Bloomberg