
Thượng viện Mỹ – chính xác hơn là các nghị sĩ Đảng Cộng hòa – vừa thông qua dự luật “hoành tráng, đẹp đẽ” mang dấu ấn của Tổng thống Donald Trump, mở đường cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Hạ viện về một đạo luật sẽ cắt giảm hàng nghìn tỷ USD tiền thuế, đồng thời cắt giảm chi tiêu cho chương trình Medicaid, trợ cấp thực phẩm và các chương trình năng lượng sạch.
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng kết thúc với tỷ lệ 51-50, trong đó Phó Tổng thống JD Vance bỏ phiếu quyết định để phá vỡ thế cân bằng. Ba Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật gồm Susan Collins, Thom Tillis và Rand Paul. Dự luật sẽ được chuyển đến Hạ viện, nơi một số nghị sĩ Cộng hòa đã bắt đầu bày tỏ phản đối mạnh mẽ.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba khép lại nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa những người muốn cắt giảm chi tiêu sâu hơn nữa và một nhóm nhỏ các Thượng nghị sĩ Cộng hòa lo ngại rằng các khoản cắt giảm trong dự luật có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn quốc.
Dự luật này sẽ gia hạn các khoản cắt giảm thuế được Đảng Cộng hòa thông qua từ năm 2017, ngăn chặn khả năng tăng thuế vào cuối năm nay khi các điều khoản hiện tại hết hiệu lực. Để bù đắp một phần chi phí đó, Đảng Cộng hòa đề xuất cắt giảm chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), đồng thời thay đổi lớn đối với Medicaid — chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang và tiểu bang dành cho khoảng 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp, người già và người khuyết tật. Các ước tính ban đầu cho thấy khoảng 11 triệu người có thể mất quyền được bảo hiểm y tế nếu dự luật này được thông qua.
Dưới áp lực ngày càng tăng từ Nhà Trắng, Đảng Cộng hòa đã đạt được sự cân bằng mong manh để thông qua dự luật chỉ vài ngày trước thời hạn tự đặt ra vào ngày 4 tháng 7. Cuộc bỏ phiếu một lần nữa cho thấy khả năng đoàn kết các phe phái trong nội bộ Cộng hòa của Tổng thống Trump.
“Với dự luật này, chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh mà người dân đã giao phó vào tháng 11 vừa qua, và đặt nước Mỹ cùng người dân Mỹ trên con đường an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune phát biểu sau cuộc bỏ phiếu.
Dù các Thượng nghị sĩ Cộng hòa vui mừng với kết quả này, dự luật quy mô lớn của GOP vẫn còn phải vượt qua nhiều chướng ngại trước khi đến được bàn làm việc của Tổng thống.
Để đưa dự luật này thông qua, Đảng Cộng hòa đã sử dụng một công cụ đặc biệt gọi là “hòa giải ngân sách” (reconciliation). Bằng cách này, họ chỉ cần đa số đơn giản để thông qua. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dự luật phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Thượng viện, yêu cầu tất cả các nội dung phải chủ yếu liên quan đến ngân sách và chi tiêu. Kết quả là nhiều ưu tiên của đảng Cộng hòa đã bị loại bỏ khỏi dự luật trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng.
Để trở thành luật, cả Hạ viện và Thượng viện phải thông qua các phiên bản giống hệt nhau của dự luật trước khi trình Tổng thống Trump ký ban hành. Tuy nhiên, phiên bản từ Thượng viện có thể không làm hài lòng các phe phái khác nhau trong Hạ viện, nơi Đảng Cộng hòa nắm đa số rất mong manh.
Việc Hạ viện thông qua dự luật của Thượng viện mà không có thêm sửa đổi sẽ là một thử thách lớn đối với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. Trong nhiều tuần qua, ông Johnson đã kêu gọi Thượng viện hạn chế tối đa các thay đổi trong dự thảo mà Hạ viện đã thông qua và chuyển lên.
Trong lần bỏ phiếu đầu tiên với dự luật, Mike Johnson đã phải dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ từ Trump để thuyết phục các nghị sĩ còn lưỡng lự và giành chiến thắng với đúng một phiếu cách biệt. Sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, ông Johnson tuyên bố rằng Hạ viện sẽ nhanh chóng làm việc để thông qua dự luật trước ngày Quốc khánh 4-7.
“Người dân Mỹ đã trao cho chúng tôi một sứ mệnh rõ ràng, và sau bốn năm thất bại dưới thời Dân chủ, chúng tôi sẽ hành động không chậm trễ,” ông Johnson nhấn mạnh.
Giảm thuế đi kèm với cắt giảm an sinh xã hội
Những nét chính của dự luật Thượng viện về cơ bản phản ánh phiên bản đã được Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua vào tháng 5. Cả hai phiên bản đều chi hàng nghìn tỷ USD để gia hạn các khoản cắt giảm thuế năm 2017, đồng thời tăng ngân sách cho quân sự và thực thi biện pháp kiểm soát nhập cư.
Tuy nhiên, hai viện lại bất đồng về cách tài trợ cho các khoản chi tiêu đó, khi một số nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện thẳng thừng tuyên bố những thay đổi mà Thượng viện đưa ra là “không thể chấp nhận”.
Một trong những lĩnh vực bị cắt giảm nhiều nhất là Medicaid.
Sau cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Susan Collins cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc gia hạn giảm thuế cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, tôi bỏ phiếu chống dự luật này chủ yếu vì những ảnh hưởng tiêu cực đến Medicaid, gây hại cho các gia đình thu nhập thấp và các cơ sở y tế nông thôn như bệnh viện và viện dưỡng lão.”
Thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết ông có thể đã ủng hộ dự luật nếu nó không bao gồm điều khoản nâng trần nợ quốc gia thêm 5 nghìn tỷ USD.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói với báo giới rằng cuộc bỏ phiếu là “đầy dằn vặt”, cho biết bà “đã rất vật lộn với những tác động lên nhóm người dễ tổn thương nhất đất nước”.
“Tôi phải cân nhắc tổng thể, vì người dân trong bang tôi là ưu tiên hàng đầu. Dự luật này không hoàn hảo chút nào,” bà nói. “Tôi hy vọng Hạ viện sẽ nhìn nhận điều này và nhận ra rằng chúng ta vẫn chưa đi đến đích.”
Căng thẳng về thâm hụt
Một điểm gây tranh cãi khác là mức nâng trần nợ quốc gia. Hạ viện thông qua mức 4 nghìn tỷ USD, vốn đã là một “viên thuốc đắng” đối với các nghị sĩ theo đường lối tiết kiệm ngân sách. Thượng viện nâng mức này lên 5 nghìn tỷ USD.
Nâng trần nợ không có nghĩa là chi thêm tiền, mà chỉ cho phép chính phủ thanh toán các chương trình đã được Quốc hội phê duyệt. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảnh báo rằng nếu không hành động, Mỹ có nguy cơ vỡ nợ nghiêm trọng sớm nhất là vào tháng 8.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết dự luật Thượng viện sẽ làm tăng thêm hơn 3 nghìn tỷ USD thâm hụt trong 10 năm tới. Việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 là nguyên nhân chính, nhưng những thay đổi khác cũng làm tăng chi phí.
Dự luật cũng cắt giảm các ưu đãi năng lượng sạch đã được thông qua trong IRA. Thượng viện đồng ý rút lại các khoản tín dụng cho năng lượng gió và mặt trời. Kế hoạch này sẽ chặn khoảng 522 tỷ USD đầu tư, phần lớn trong số đó nằm tại các bang Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska) và John Barrasso (Wyoming) bước vào Thượng viện sau phiên họp thâu đêm trước cuộc bỏ phiếu ngày thứ Ba về dự luật của Đảng Cộng hòa. Bà Murkowski gọi đây là “cuộc bỏ phiếu dằn vặt”. Ảnh: Getty Images
Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune (Nam Dakota) bước vào Thượng viện trong phiên bỏ phiếu thâu đêm ngày 1-7. Ảnh: Getty Images