
Các hãng dược đang vật lộn để vượt qua một ‘mối đe dọa sống còn’ đối với công nghệ từng được ca ngợi là đã đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19, khi chính quyền Trump và dự luận xã hội ở Mỹ dấy lên ngờ vực sâu sắc về tác dụng của vaccine mRNA, hay RNA thông tin. Điều đáng nói là cuộc trấn áp mRNA diễn ra khi công nghệ này đang được kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng y khoa mới trong việc phòng chống các đại dịch trong tương lai cũng như giúp điều trị các căn bệnh chết người khác bao gồm cả ung thư.
Ngày hôm sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, ông đã công bố một khoản đầu tư trị giá 500 tỷ USD từ khu vực tư nhân vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong một buổi lễ thông báo hoành tráng tại Phòng Roosevelt. Vị tổng thống mới chứng kiến tỷ phú công nghệ Larry Ellison trình bày một trong những mục tiêu đột phá nhất của sáng kiến này: sử dụng vaccine mRNA để cách mạng hóa điều trị ung thư.
Bằng cách khai thác AI để phân tích bộ gen khối u, Ellison giải thích, các nhà nghiên cứu có thể thiết kế nhanh chóng các loại vaccine cá nhân hóa, phù hợp với từng bệnh nhân ung thư. “Đây là lời hứa của AI và của tương lai,” ông nói.
Các lãnh đạo trong ngành công nghệ sinh học hết sức phấn khởi. Năm năm trước, chính Trump đã góp phần đưa công nghệ mRNA – còn gọi là RNA thông tin – ra ánh sáng nhờ nỗ lực thúc đẩy nhanh việc phát triển vaccine ngừa COVID-19. Và giờ đây, chỉ sau một ngày bước vào nhiệm kỳ hai, ông lại một lần nữa đưa công nghệ này lên sân khấu quốc gia.
“Rồi mọi thứ sụp đổ,” Deborah Day Barbara, đồng sáng lập Liên minh Các hãng dược mRNA (AMM), đại diện cho hơn 75 công ty và tổ chức học thuật đang phát triển công nghệ mRNA, chia sẻ.
Một người nổi tiếng phản đối vaccine — Robert F. Kennedy Jr., người từng công kích các mũi tiêm COVID-19 sử dụng mRNA — đã được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan y tế hàng đầu của nước Mỹ. Những người ủng hộ lâu năm cho khoa học tiêm chủng trong khu vực công cũng bị cho nghỉ việc. Hàng loạt khoản tài trợ nghiên cứu liên quan đến phòng ngừa HIV và ứng phó đại dịch — trong đó có nhiều dự án liên quan đến mRNA — đã bị hủy bỏ đột ngột. Nhiều chương trình khác liên quan đến vaccine mRNA cũng bị liệt kê vào danh sách, có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ bị chấm dứt trong tương lai gần.
Cùng lúc đó, các nhà lập pháp ở một số bang đang thúc đẩy lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng thuốc dựa trên mRNA để điều trị bệnh truyền nhiễm. Dù chưa có luật nào được ban hành, các động thái này đã làm rung chuyển ngành mRNA, gây ra bất ổn và có thể khiến bệnh nhân không tiếp cận được các phương pháp điều trị tiên tiến.
Tâm lý chống mRNA — cùng với những thay đổi sâu rộng trong chính sách tài trợ khoa học trên toàn nước Mỹ — đang dấy lên lo ngại rằng công nghệ từng được ca ngợi như động lực cho thế hệ vaccine và phương pháp điều trị mới có thể sớm bị đưa lên đoạn đầu đài.
Với Clay Alspach, giám đốc điều hành AMM và là đối tác chính tại công ty tư vấn y tế Leavitt Partners ở Washington DC, thông điệp rất rõ ràng: “Đây là một mối đe dọa sống còn,” ông nói.
Đến giữa tháng 3, AMM đã tổ chức các cuộc họp chiến lược thường xuyên. Các thành viên chia sẻ thông tin, so sánh ghi chú về các khoản tài trợ bị trì hoãn và cố gắng dự đoán những gì sắp xảy ra. Trong bối cảnh bất ổn, một số câu hỏi lớn hiện lên: Liệu cuộc trấn áp mRNA sẽ đi xa đến đâu? Phải chăng chỉ dừng lại ở vaccine COVID-19? Có lan sang tất cả các vaccine đang được phát triển cho cúm và các bệnh truyền nhiễm khác? Hay thậm chí là ảnh hưởng đến các liệu pháp thuốc mRNA đang được nghiên cứu cho ung thư, rối loạn tự miễn, bệnh di truyền hiếm và nhiều lĩnh vực khác?
Từ người hùng thành tội đồ
Năm năm trước, chính phủ Mỹ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ phát triển, sản xuất và triển khai vaccine mRNA — công cụ chính giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Các hãng dược đổ vốn vào và xây dựng hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng xoay quanh công nghệ mRNA. Công nghệ này được trao giải Nobel. Niềm tin của nhà đầu tư lên đến đỉnh cao.
Giờ đây, chỉ trong vài tháng, bầu không khí trong ngành đã trở nên u ám hơn — bị lạnh lùng bởi môi trường chính trị mới đầy thù địch.
Một nhà sản xuất gia công vaccine mRNA cho biết doanh thu của họ đã sụt giảm đáng kể khi các chương trình vaccine được nhà nước tài trợ bị rút vốn. Một lãnh đạo khác trong ngành công nghệ sinh học nói rằng công ty của ông đang cân nhắc chuyển các thử nghiệm lâm sàng cho vaccine kháng virus ra bên ngoài nước Mỹ, hoặc hủy bỏ hoàn toàn, chuyển sang lĩnh vực trị liệu ít biến động về mặt chính trị hơn.
Cả hai nhân vật đều yêu cầu giấu tên để tránh bị chú ý chính trị — nhưng trải nghiệm của họ phản ánh sự xáo trộn rộng khắp đang lan rộng trong ngành. Trong một khảo sát do AMM công bố tháng này, gần một nửa trong số 106 lãnh đạo cao cấp trong ngành dược và công nghệ sinh học cho biết họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi chính sách ở Mỹ trong năm nay — bao gồm thu hẹp dự án, cắt giảm ngân sách, trì hoãn đầu tư, hủy bỏ hợp tác, mất việc, đóng băng tuyển dụng và có kế hoạch chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Phần lớn tâm lý chống vaccine mRNA hiện nay bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và phản ứng chính trị – văn hóa sau đó. Những người chỉ trích dẫn ra tiến độ gấp rút và việc cấp phép khẩn cấp như bằng chứng cho thấy vaccine không an toàn. Lệnh tiêm chủng bắt buộc từ chính phủ, chủ doanh nghiệp và nhà trường càng khiến dư luận phẫn nộ. Thuyết âm mưu về việc thay đổi DNA và kiểm soát dân số lan tràn trên mạng xã hội, làm sâu sắc thêm sự mất lòng tin và tạo lực đẩy chính trị cho phong trào phản đối công nghệ mRNA.
Từng là mối nghi ngờ bên lề, giờ đây các luận điệu chống mRNA ngày càng xâm nhập vào tư duy chủ đạo, được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông thiên vị và các nhân vật chính trị, những người không xem vaccine là công cụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà là biểu tượng của sự can thiệp quá mức từ chính phủ. Trong số này nổi bật nhất là Kennedy, hiện là Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Mỹ, người từ lâu đã đặt nghi vấn về sự an toàn của vaccine trẻ em và xây dựng tên tuổi chính trị dựa trên sự phản kháng vaccine.
Vẫn có một số tiếng nói bảo thủ ủng hộ công nghệ mRNA — ví dụ, một báo cáo vào tháng 2 từ Viện Nghiên cứu Liên minh Bảo thủ Texas, một tổ chức chính sách công ở Austin, kêu gọi các nhà lập pháp công nhận tiềm năng rộng lớn của công nghệ này trong y học và nông nghiệp. Nhưng những quan điểm này phần lớn bị nhấn chìm bởi các luận điệu cực đoan hơn.
Ngay cả cụm từ ‘mRNA’ cũng đã trở thành một điểm nhấn chính trị; những hàm ý tiêu cực xung quanh nó giờ đây ảnh hưởng đến diễn ngôn khoa học và chính sách y tế vượt xa khỏi cuộc tranh luận về vaccine. “Sự hoang tưởng đó giờ đã gắn chặt vào từ mRNA,” Jeff Coller, nhà sinh học RNA tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, và là người tham gia một số công ty công nghệ sinh học nhỏ, nhận định.
Nhằm tái định hình lại câu chuyện, Coller và những người khác đang tiến hành chiến dịch truyền thông chiến lược, nhấn mạnh tiềm năng của mRNA không chỉ trong phòng chống bệnh truyền nhiễm mà còn trong điều trị nhiều bệnh mãn tính — chính là những căn bệnh mà sáng kiến “Làm nước Mỹ khỏe mạnh trở lại” của Kennedy đang nhắm tới. Chiến dịch nhằm phục hồi danh tiếng của mRNA bắt đầu từ đỉnh cao: bằng cách gợi lại di sản của Trump như một người ủng hộ đổi mới y tế.
Di sản đang bị đe dọa
Các lãnh đạo của Liên minh AMM đang chuẩn bị công bố một loạt bài xã luận nhằm khẳng định rằng vai trò lãnh đạo quyết đoán của ông Trump trong Chiến dịch Tốc độ Ánh sáng (Operation Warp Speed) năm 2020 — chương trình đã đưa vắc-xin COVID-19 ra đời trong thời gian kỷ lục — là khởi đầu cho một chương mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, và đã giúp Mỹ dẫn đầu làn sóng đổi mới dược phẩm thứ tư, sau thuốc vi phân tử, sinh phẩm, và liệu pháp tế bào và gen.
Định hình vấn đề như một cơ hội để ông Trump củng cố vị thế trong lịch sử y học, họ đang kêu gọi tổng thống tiếp tục xây dựng trên nền móng mà ông đã đặt ra. Đặc biệt, họ chỉ ra rằng việc ủng hộ các phương pháp điều trị ung thư dựa trên mRNA có thể giúp ông đạt được một mục tiêu chưa hoàn thành mà người tiền nhiệm Joe Biden từng đặt ra — “kết thúc ung thư như chúng ta từng biết.” Trump “có thể trở thành tổng thống có tầm nhìn thực sự về ung thư”, theo lời ông Jeff Coller, một tiếng nói học thuật dẫn đầu trong AMM.
Thông điệp này có thể gây được tiếng vang. Mặc dù ông Trump từng chỉ trích việc triển khai và các yêu cầu bắt buộc liên quan đến vắc-xin COVID-19 trong giai đoạn giữa hai nhiệm kỳ, các đồng minh cho biết ông vẫn tự hào về vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ này. “Tổng thống Trump tin rằng Chiến dịch Tốc độ Ánh sáng là một thành công vang dội, và vắc-xin mRNA COVID là thành tựu lớn của ông,” theo lời Robert Malone, một nhà khoa học tham gia vào các nghiên cứu nền tảng về mRNA và là một tiếng nói nổi bật trong giới chính sách y tế có xu hướng bảo thủ.
Tuy nhiên, dẫn đầu cuộc tấn công chống lại công nghệ mRNA lại là những người thuộc phong trào “tự do y tế” — trong đó nổi bật nhất là ông Kennedy. Họ cho rằng vắc-xin COVID-19 đã được thông qua mà không có đủ kiểm định dài hạn, cáo buộc rằng các quy trình an toàn đã bị lược bỏ vì tốc độ, và rằng các nguy cơ của nền tảng mRNA vẫn đang bị cố ý che giấu.
Tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ hồi đầu năm nay, Kennedy — người từng mô tả vắc-xin mRNA COVID là “loại vắc-xin chết người nhất từng được tạo ra” — vẫn tiếp tục khẳng định rằng vắc-xin này được khuyến nghị cho trẻ nhỏ “mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào,” bất chấp các bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng đã được công bố chứng minh điều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu y tế công cộng và khoa học vắc-xin nhấn mạnh rằng vắc-xin mRNA đã liên tục cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng do COVID-19, với dữ liệu phong phú từ cả các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và nghiên cứu thực tiễn. Tuy nhiên, khi lòng tin vào các thể chế và giới y học đang sụp đổ, một số người cho rằng việc rút lui khỏi mRNA là bước đi có trách nhiệm duy nhất — không phải vì khoa học sai lầm, mà vì sự mất lòng tin của công chúng đã quá sâu sắc.
“Nếu mRNA còn cơ hội để tạo tác động trong tương lai, thì cần có sự khôi phục lòng tin công chúng đối với nó,” theo ông David Mansdoerfer, một cố vấn chính trị tại Fort Worth, Texas, và từng là quan chức cấp cao tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) trong chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên. Vì lý do đó, ông và nhiều người liên kết với Kennedy ủng hộ việc các cơ quan liên bang rút giấy phép tất cả các vắc-xin COVID-19 từng được phê duyệt theo quy trình khẩn cấp — bao gồm cả các loại vắc-xin mRNA sau đó đã được phê duyệt đầy đủ. Mansdoerfer kêu gọi đánh giá lại các vắc-xin này theo quy trình chuẩn.
“Thương hiệu đã bị tổn hại”
Vấn đề với danh tiếng của mRNA không chỉ là một thử thách về truyền thông — mà là một rủi ro mang tính hệ thống. “Tôi lo rằng thương hiệu này đã bị tổn hại đối với hầu hết các ứng dụng,” bác sĩ huyết học–ung thư Vinay Prasad tại Đại học California, San Francisco, viết trong một bài đăng trên Substack hồi tháng Ba. Là một người chỉ trích mạnh mẽ các quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 dưới thời Biden, ông Prasad mới được bổ nhiệm vào tháng này làm trưởng bộ phận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) giám sát các loại vắc-xin và sinh phẩm khác.
Vấn đề thương hiệu của mRNA cũng không chỉ giới hạn tại Hoa Kỳ. Một phân tích dữ liệu từ mạng xã hội trên 44 quốc gia được công bố năm ngoái cho thấy “tình trạng cảm nhận tiêu cực lan rộng và sự thiếu niềm tin toàn cầu vào độ an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy của vắc-xin và liệu pháp mRNA.”
Và vấn đề cũng không chỉ nằm ở hai loại vắc-xin mRNA nổi bật nhất — một của công ty công nghệ sinh học Moderna tại Cambridge, Massachusetts, và một sản phẩm hợp tác giữa Pfizer ở New York và BioNTech ở Mainz, Đức — cả hai đều được phát triển với tốc độ kỷ lục vào cuối năm 2020 và đã được tiêm cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Những mối lo ngại mới đang xuất hiện với các loại vắc-xin thế hệ tiếp theo, bao gồm một loại của Arcturus Therapeutics tại San Diego, California.
Loại vắc-xin COVID-19 này, hiện đã được cấp phép ở Nhật Bản và châu Âu, được thiết kế để tự sao chép bên trong tế bào, cho phép dùng liều thấp hơn với ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, tại Nhật Bản — nơi loại vắc-xin này đã được lưu hành lâu nhất — thông tin sai lệch đã làm dấy lên nỗi sợ rằng các thành phần của vắc-xin có thể truyền từ người đã tiêm sang người khác, và một số luận điệu còn ví nó như “quả bom nguyên tử thứ ba.”
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là — không giống như ở Mỹ, nơi phản ứng ngược đã ảnh hưởng tới cả chính sách — các cơ quan chức năng hàng đầu ở Nhật Bản vẫn tiếp tục ủng hộ công nghệ này. Hồi đầu năm nay, chẳng hạn, chính phủ Nhật đã cấp phép thêm các cơ sở sản xuất trong nước để mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin tự nhân bản này — và ông Joseph Payne, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Arcturus, cho biết có sự ủng hộ tương tự từ các chính phủ khác trên thế giới.
Việc nước Mỹ đi ngược xu hướng đang làm dấy lên viễn cảnh đáng lo ngại đối với các nhà khoa học và doanh nhân — những người đã khởi xướng cuộc cách mạng mRNA từ các phòng thí nghiệm và công ty khởi nghiệp ở Mỹ: tương lai của công nghệ này có thể phát triển ở nơi khác. Hiện nay, khoảng hai phần ba số việc làm trong ngành mRNA đặt tại Mỹ, theo số liệu của AMM. Tuy nhiên, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, một phần đáng kể trong số này có thể bị mất hoặc chuyển ra nước ngoài. “Tôi nghĩ trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy công nghệ này rơi vào tay các đối thủ quốc tế,” theo ông Alex Wesselhoeft, giám đốc mảng liệu pháp RNA tại Viện Liệu pháp Gen và Tế bào của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Cambridge, Massachusetts.
Viết lại kịch bản
Nhằm giữ vững vị thế dẫn đầu toàn cầu, nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mRNA tại Hoa Kỳ đang cân nhắc lại cách trình bày các đổi mới của mình — bắt đầu bằng việc tránh sử dụng thuật ngữ “vắc-xin”, đặc biệt khi nói về các liệu pháp điều trị ung thư dựa trên mRNA. Mặc dù những liệu pháp này hoạt động giống như vắc-xin, bằng cách cung cấp chỉ dẫn di truyền để sản xuất protein giúp hệ miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư, nhưng mục đích chính là điều trị bệnh chứ không phải phòng ngừa — vì vậy ngành này đang chuyển sang sử dụng những thuật ngữ như “liệu pháp miễn dịch”.
Tháng trước, Moderna — không chỉ là một trong những hãng sản xuất vắc-xin COVID-19 hàng đầu thế giới mà còn là đơn vị đi đầu trong liệu pháp ung thư cá nhân hóa — đã cập nhật danh mục sản phẩm trên trang web của mình, thay thế cụm từ “vắc-xin và liệu pháp điều trị ung thư” bằng nhãn gọi trung lập hơn là “ung bướu học”.
Các công ty khác có danh mục sản phẩm mRNA đa dạng cũng đang điều chỉnh thông điệp, tập trung vào tiềm năng cung cấp protein điều trị bên trong cơ thể hoặc các thành phần để chỉnh sửa gene nhằm tái lập trình tế bào, đồng thời hạn chế đề cập tới vắc-xin khi có thể. Ví dụ, Arcturus đang phát triển hai liệu pháp mRNA cho các bệnh di truyền hiếm, với dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới. Theo ông Payne, “Chúng tôi sẽ tập trung truyền thông nhiều hơn vào các chương trình điều trị, vì những chương trình đó không phải đối mặt với rào cản thị trường như mảng vắc-xin của chúng tôi.”
“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ nỗ lực phát triển vắc-xin,” ông nói. Minh chứng là: đầu năm nay, Arcturus đã hoàn tất tuyển người tham gia cho một thử nghiệm gồm 200 người, do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, nhằm đánh giá một ứng viên vắc-xin mRNA tự nhân đôi để phòng ngừa nhiễm cúm H5N1, với kết quả dự kiến vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chưa rõ liệu sự hỗ trợ đó có được kéo dài sau nghiên cứu hiện tại hay không.
Không chỉ riêng với Arcturus mà cả ngành công nghệ mRNA cũng đang đối mặt với những bất định về triển vọng tài chính dài hạn, quy trình phê duyệt và mức độ sẵn sàng hỗ trợ của chính phủ đối với một nền tảng mà trước đây họ từng tích cực ủng hộ. Việc ngành công nghệ sinh học nói chung vẫn đang chật vật với giai đoạn suy giảm nguồn vốn kéo dài — thị trường vốn ảm đạm, nhà đầu tư dè dặt và làn sóng sa thải lan rộng — càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.
Bỏ qua yếu tố chính trị, việc gọi vốn cho một công ty mRNA giai đoạn đầu để đưa các liệu pháp tiềm năng vượt qua thử nghiệm lâm sàng cũng đã là một thử thách lớn, theo ghi nhận của Ipsita Smolinski, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn chính sách y tế Capitol Street tại Washington DC. “Ngoài kia thực sự rất khốc liệt,” bà nói.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành vẫn tin rằng triển vọng dài hạn cho công nghệ mRNA vẫn rất mạnh mẽ — nhất là khi các ứng dụng trong ung thư và các lĩnh vực khác bắt đầu cho thấy kết quả tích cực.
“Đây rõ ràng là giai đoạn khó khăn,” nhà khoa học vắc-xin Philip Dormitzer cho biết — ông là người góp phần phát triển vắc-xin COVID-19 bằng mRNA tại Pfizer và hiện đang làm việc tại Canada, nơi ông tư vấn cho các nhà sản xuất vắc-xin. “Tôi không đánh giá thấp những tổn hại thực sự đã xảy ra — chúng là rất lớn.” Nhưng giữa chiến dịch phản công phối hợp của ngành dược nhằm chống lại thông tin sai lệch và các mối đe dọa chính sách, cùng với đà đổi mới mRNA vẫn được duy trì trên toàn cầu, ông kỳ vọng khoa học và y tế công cộng sẽ giành chiến thắng.
Tầm nhìn dài hạn chính là yếu tố then chốt, ông Payne nói. “Chính trị và chính sách có thể thay đổi, nhưng khoa học sẽ luôn tồn tại vững chắc,” ông nói.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Washington DC. Ảnh: AFP