
Các quan chức năng lượng Hoa Kỳ đang đánh giá lại rủi ro từ các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc vốn đóng vai trò then chốt trong hạ tầng năng lượng tái tạo, sau khi phát hiện các bộ biến tần không rõ chức năng bên trong một số thiết bị này.
Bộ biến tần (inverter), chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để kết nối các tấm pin mặt trời và tua-bin gió với lưới điện. Chúng cũng hiện diện trong pin lưu trữ, máy bơm nhiệt và bộ sạc xe điện.
Mặc dù các bộ biến tần được thiết kế để cho phép truy cập từ xa nhằm cập nhật và bảo trì, các công ty điện lực thường thiết lập tường lửa để ngăn chặn liên lạc trực tiếp trở lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo hai nguồn tin, các chuyên gia Hoa Kỳ – những người tháo rời thiết bị kết nối với lưới điện để kiểm tra vấn đề an ninh – đã phát hiện các thiết bị liên lạc không có trong tài liệu kỹ thuật bên trong một số bộ biến tần năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất.
Trong vòng 9 tháng qua, các thiết bị liên lạc không có trong catalogue sản phẩm, bao gồm cả thiết bị phát sóng vô tuyến, cũng đã được phát hiện trong một số loại pin từ nhiều nhà cung cấp Trung Quốc, theo một trong hai nguồn tin.
Các thành phần bất thường này tạo ra các kênh liên lạc bổ sung bí mật, có thể cho phép vượt qua tường lửa từ xa – điều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hai nguồn tin này cho biết.
Ông Mike Rogers, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), nhận định: “Chúng tôi biết rằng Trung Quốc tin vào giá trị chiến lược trong việc khiến một số thành phần trong hạ tầng cốt lõi của chúng tôi rơi vào nguy cơ bị phá hủy hoặc gián đoạn.” Ông nói thêm: “Tôi nghĩ Trung Quốc phần nào đang hy vọng rằng việc sử dụng rộng rãi các bộ biến tần sẽ hạn chế khả năng phương Tây xử lý vấn đề an ninh này.”
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói: “Chúng tôi phản đối việc lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, bóp méo và bôi nhọ các thành tựu hạ tầng của Trung Quốc.”
Theo các chuyên gia, việc lợi dụng các thiết bị liên lạc bí mật để vượt tường lửa, tắt bộ biến tần từ xa hoặc thay đổi cài đặt có thể gây mất ổn định lưới điện, phá hoại hạ tầng năng lượng và dẫn đến mất điện diện rộng.
“Điều này đồng nghĩa với việc có sẵn một cơ chế để phá hủy vật lý lưới điện,” một trong hai người cho biết. Hai nguồn tin từ chối tiết lộ tên các nhà sản xuất Trung Quốc có thiết bị chứa bộ liên lạc bí mật, cũng như số lượng thiết bị họ đã phát hiện.
Sự tồn tại của các thiết bị bất thường này chưa từng được công bố trước đó. Chính phủ Hoa Kỳ cũng chưa thừa nhận chính thức các phát hiện này.
Khi được hỏi, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) cho biết họ liên tục đánh giá các rủi ro liên quan đến công nghệ mới.
“Dù những chức năng này có thể không mang ý đồ xấu, nhưng điều tối quan trọng là những người mua cần hiểu rõ đầy đủ khả năng của sản phẩm họ nhận được,” một người phát ngôn của DOE nói.
CHUẨN BỊ LỆNH CẤM
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ–Trung leo thang, Mỹ và các nước khác đang xem xét lại vai trò của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng chiến lược do lo ngại về các lỗ hổng an ninh tiềm ẩn, theo hai cựu quan chức chính phủ.
“Các mối đe dọa từ Trung Quốc là có thật và ngày càng lớn. Dù là tấn công mạng vào viễn thông hay truy cập từ xa vào bộ biến tần năng lượng mặt trời và pin, Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để nhắm vào hạ tầng và linh kiện nhạy cảm của chúng ta,” Hạ nghị sĩ Mỹ August Pfluger, thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban An ninh Nội địa, nói với Reuters.
“Đã đến lúc chúng ta tăng cường nỗ lực để cho Trung Quốc thấy rằng việc gây tổn hại đến chúng ta sẽ không còn được chấp nhận.”
Hồi tháng 2, hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã giới thiệu Đạo luật Tách rời Sự Phụ thuộc Vào Pin từ Đối thủ Nước ngoài, cấm Bộ An ninh Nội địa mua pin từ một số thực thể Trung Quốc kể từ tháng 10 năm 2027 vì lo ngại an ninh quốc gia. Dự luật đã được chuyển đến Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện vào ngày 11-3, nhưng chưa được ban hành.
Dự luật nhằm ngăn chặn Bộ An ninh Nội địa mua pin từ sáu công ty Trung Quốc bao gồm: Công ty TNHH Công nghệ Contemporary Amperex (CATL), BYD, Envision Energy, EVE Energy, Hithium Energy Storage, và Gotion High-tech. Không công ty nào trong số này trả lời yêu cầu bình luận.
Các công ty điện lực Mỹ hiện đang chuẩn bị cho các lệnh cấm tương tự đối với các nhà sản xuất thiết bị biến tần (inverter) của Trung Quốc.
Một số công ty, bao gồm Florida Power & Light Company (FPL), đang nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng thiết bị biến tần Trung Quốc bằng cách tìm nguồn cung ứng từ các nơi khác, theo hai nguồn tin. FPL đã không trả lời yêu cầu bình luận.
NGUY CƠ HẬU QUẢ THẢM KHỐC
Huawei hiện là nhà cung cấp biến tần lớn nhất thế giới, chiếm 29% lượng xuất xưởng toàn cầu trong năm 2022, tiếp theo là các đối thủ Trung Quốc như Sungrow và Ginlong Solis, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie.
Tuy nhiên, nhà phát triển năng lượng mặt trời Đức 1Komma5 cho biết họ tránh sử dụng biến tần Huawei vì lo ngại vấn đề an ninh liên quan đến thương hiệu này.
“Cách đây 10 năm, nếu tắt biến tần Trung Quốc, lưới điện châu Âu cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng nay thì khác – khối lượng năng lượng từ các thiết bị này đã tăng đáng kể,” ông Philipp Schroeder, Giám đốc điều hành 1Komma5 nói.
“Sự thống trị của Trung Quốc ngày càng là một vấn đề lớn hơn, bởi công suất năng lượng tái tạo ở các nước phương Tây đang tăng, và nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng, kéo dài với Trung Quốc cũng ngày càng rõ rệt,” ông nói thêm.
Từ năm 2019, Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ của Huawei, cáo buộc công ty này có hành vi đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia – điều mà Huawei bác bỏ.
Theo các chuyên gia, luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty phải hợp tác với cơ quan tình báo nhà nước, tạo điều kiện cho chính phủ kiểm soát các thiết bị biến tần Trung Quốc kết nối với lưới điện nước ngoài.
Dù Huawei đã rút khỏi thị trường biến tần Mỹ từ năm 2019 – cùng năm thiết bị 5G của họ bị cấm – công ty này vẫn giữ vị thế nhà cung cấp lớn ở nhiều nơi khác.
Tại châu Âu, các chuyên gia cho rằng chỉ cần kiểm soát từ xa 3 đến 4 gigawatt năng lượng là đủ để gây gián đoạn lớn cho hệ thống điện.
Hội đồng Sản xuất Năng lượng Mặt trời châu Âu ước tính có hơn 200 gigawatt công suất điện mặt trời tại châu Âu đang sử dụng biến tần do Trung Quốc sản xuất – tương đương hơn 200 nhà máy điện hạt nhân. Tính đến cuối năm ngoái, châu Âu có 338 GW công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt, theo tổ chức SolarPower Europe. Điều này có nghĩa là công suất điện mặt trời sử dụng biến tần Trung Quốc chiếm đến 60%.
“Nếu bạn có thể điều khiển từ xa đủ số lượng biến tần năng lượng mặt trời tại hộ gia đình và thực hiện hành vi phá hoại cùng lúc, điều đó có thể gây hậu quả thảm khốc cho lưới điện trong một thời gian dài,” ông Uri Sadot, Giám đốc chương trình an ninh mạng tại hãng sản xuất biến tần Israel SolarEdge, cảnh báo.
HẠN CHẾ SỰ PHỤ THUỘC
Một số quốc gia như Lithuania và Estonia đã nhận ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng. Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Lithuania đã ban hành luật ngăn chặn quyền truy cập từ xa của Trung Quốc vào các hệ thống năng lượng mặt trời, gió và lưu trữ pin có công suất trên 100 kilowatt – đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng biến tần Trung Quốc.
Bộ trưởng Năng lượng Zygimantas Vaiciunas cho biết biện pháp này có thể sẽ mở rộng tới cả các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất nhỏ hơn.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia, ông Kaupo Rosin, cảnh báo rằng nếu không cấm công nghệ Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, như biến tần năng lượng mặt trời, thì đất nước ông có thể bị Trung Quốc “tống tiền” sau này.
Tại Anh, một cuộc rà soát về công nghệ năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong hệ thống năng lượng – sẽ kết thúc trong vài tháng tới – cũng đang xem xét các thiết bị biến tần, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Tháng 11 vừa qua, một cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nhà cung cấp biến tần – Sol-Ark (Mỹ) và Deye (Trung Quốc) – đã dẫn đến việc các thiết bị biến tần bị vô hiệu hóa từ Trung Quốc tại Mỹ và các nơi khác, cho thấy rủi ro từ sự can thiệp nước ngoài vào nguồn cung điện địa phương, khiến nhiều quan chức chính phủ lo ngại.
Reuters chưa thể xác định có bao nhiêu thiết bị biến tần bị tắt hoặc mức độ ảnh hưởng đến lưới điện. Bộ Năng lượng Mỹ từ chối bình luận về sự việc. Sol-Ark và Deye cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.
Ngành năng lượng đang tụt lại phía sau các lĩnh vực khác như viễn thông và bán dẫn, nơi đã có quy định ở châu Âu và Mỹ nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc.
Các nhà phân tích an ninh cho biết một phần lý do là bởi quyết định tăng cường bảo vệ hạ tầng năng lượng thường phụ thuộc vào quy mô hệ thống lắp đặt.
Những hệ thống điện mặt trời hoặc lưu trữ năng lượng tại hộ gia đình thường nhỏ hơn ngưỡng áp dụng các yêu cầu an ninh, dù hiện tại chúng đang đóng góp đáng kể vào sản lượng điện ở nhiều quốc gia phương Tây.
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt nhân Ngày Trái đất tại Northfield, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters