
Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm thứ Hai đã đồng ý giảm sâu các mức thuế quan – mức cắt giảm lên đến đến 115 điểm phần trăm đối với thuế “đối ứng” – áp lên hàng hóa của nhau trong khoảng thời gian ban đầu là 90 ngày, đánh dấu một bước đột phá bất ngờ giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đầy tổn hại và thúc đẩy thị trường toàn cầu.
Thông báo này, được đưa ra trong một tuyên bố chung, sau một cuộc đàm phán thương mại marathon cuối tuần tại Geneva, Thụy Sĩ giữa các quan chức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó cả hai bên đều đánh giá đã đạt được “tiến triển đáng kể.”
Cả hai bên cùng nhận thấy “tầm quan trọng của một mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững, lâu dài và cùng có lợi,” theo tuyên bố.
Các nhà đầu tư toàn cầu đã tỏ ra phấn khởi trước sự tan băng trong cuộc chiến thương mại khởi nguồn từ các mức thuế khổng lồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã gây chấn động thị trường tài chính, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khơi lên nỗi lo suy thoái.
Hợp đồng tương lai chỉ số Dow tăng hơn 2%, hợp đồng tương lai S&P 500 tăng gần 3%, còn hợp đồng tương lai Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng hơn 3,5% trong phiên giao dịch buổi chiều tại châu Á. Các thị trường châu Á cũng tăng điểm, với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng hơn 3%.
Việc điều chỉnh thuế qua lại sẽ có hiệu lực từ ngày 14 tháng 5. Mức thuế 20% do Tổng thống Trump áp lên các sản phẩm liên quan đến fentanyl từ Trung Quốc vào tháng Hai và Ba vẫn sẽ giữ nguyên. Tuy nhiên, hai bên đã đồng ý cùng cắt giảm đến 115 điểm phần trăm đối với thuế “đối ứng” trong vòng 90 ngày.
Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ tạm thời giảm tổng mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống còn 10%, theo tuyên bố chung.
Cuộc chiến thương mại đã tác động đến cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ — thước đo rộng nhất về nền kinh tế — đã chứng kiến sự sụt giảm 0,3% trong quý đầu tiên kể từ đầu năm 2022, do các nhà nhập khẩu đổ xô đưa hàng về trước khi mức thuế cao có hiệu lực.
Về phía Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của nước này. Hoạt động sản xuất đã sụt giảm nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng Tư, khiến Bắc Kinh càng phải gấp rút tung ra các biện pháp kích thích kinh tế.
Hai bên cũng đồng ý thiết lập “một cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại,” dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, theo bản tuyên bố chung.
“Những cuộc thảo luận này có thể được tổ chức luân phiên tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, hoặc tại một nước thứ ba nếu hai bên đồng ý. Khi cần thiết, hai bên có thể tổ chức các cuộc tham vấn cấp chuyên viên về các vấn đề kinh tế và thương mại có liên quan,” tuyên bố cho biết thêm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai ở Geneva, ông Bessent nói: “Sự đồng thuận từ cả hai phái đoàn là không bên nào muốn tách rời. Và điều đã xảy ra với các mức thuế rất cao này… là tương đương với một lệnh cấm vận, điều mà cả hai bên đều không mong muốn. Chúng tôi muốn thương mại. Chúng tôi muốn thương mại cân bằng hơn. Và tôi nghĩ cả hai bên đều cam kết đạt được điều đó.”
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc gọi tuyên bố chung là “một bước đi quan trọng của cả hai bên nhằm giải quyết khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, tạo nền tảng và điều kiện để thu hẹp khoảng cách và tăng cường hợp tác hơn nữa.”
Bước đột phá lớn, dù mang tính tạm thời, là điều không ai ngờ tới. Chỉ mới tuần trước, ông Bessent còn tìm cách điều chỉnh kỳ vọng khi cho rằng mục tiêu của cuộc đàm phán lần này chỉ là “giảm căng thẳng,” chứ không phải một “thỏa thuận thương mại lớn,” trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gần như rơi vào bế tắc kể từ khi ông Trump áp dụng chính sách thuế quan.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer tham dự cuộc họp báo ngày 12-5-2025 sau các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters