
Nhà sản xuất vệ tinh Axelspace có trụ sở tại Tokyo dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu sớm nhất vào tháng 6. Đây là cái tên mới nhất trong làn sóng startup vũ trụ trong nước tìm cách huy động vốn trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, giữa lúc giới đầu tư có quan điểm trái chiều về triển vọng của lĩnh vực này.
Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Axelspace được kỳ vọng sẽ được Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo phê duyệt trong tháng này, theo các nguồn tin. Nếu thành công, đây sẽ là công ty vũ trụ thứ năm của Nhật Bản niêm yết cổ phiếu trong vòng hai năm qua.
Ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân của Nhật Bản, được ước tính trị giá khoảng 4.000 tỷ yên (tương đương 27,8 tỷ USD), từ lâu do các tập đoàn công nghiệp nặng chiếm lĩnh. Trong số hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực này, phần lớn vẫn đang thua lỗ và chỉ một số ít đã niêm yết chứng khoán, với hiệu quả đầu tư không đồng đều.
Tuy vậy, một yếu tố đang tiếp sức cho các doanh nghiệp vũ trụ tư nhân là sự hậu thuẫn từ chính phủ Nhật Bản, trong bối cảnh nước này đang tiến hành cuộc tăng cường quốc phòng lớn nhất kể từ sau chiến tranh, trước sự trỗi dậy về công nghệ và quân sự của Trung Quốc. Axelspace và các ứng viên IPO khác đang đặt kỳ vọng vào sự hỗ trợ đó để thu hút nhà đầu tư.
Giá trị của Axelspace trong đợt IPO có thể tương đương với các công ty sản xuất vệ tinh radar như Synspective và iQPS, theo một nguồn tin. Hiện tại, Synspective được định giá khoảng 121 tỷ yên (hơn 780 triệu USD), còn iQPS ở mức 72,5 tỷ yên.
Axelspace từng cân nhắc niêm yết trước đây nhưng phải trì hoãn do các sự cố vệ tinh và phải chờ đợi phê duyệt trợ cấp từ chính phủ. Công ty có thể sẽ tiếp tục hoãn nếu cần, nguồn tin này cho biết thêm, đồng thời tiết lộ rằng SMBC Nikko Securities là đơn vị quản lý phát hành chính.
Được thành lập vào năm 2008 bởi nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ của Đại học Tokyo – ông Yuya Nakamura, Axelspace đã phóng năm vệ tinh quan sát Trái Đất bằng quang học và chế tạo một số vệ tinh nhỏ cho các khách hàng bên ngoài, bao gồm Weathernews. Công ty dự kiến sẽ phóng thêm bảy vệ tinh nữa trong năm tới để mở rộng mảng kinh doanh dữ liệu quan sát nội bộ.
Doanh nghiệp này đã nhận đầu tư từ tập đoàn thương mại Mitsui & Co và hãng hàng không ANA. Trong vòng gọi vốn Series D năm 2023, Axelspace đã huy động tổng cộng 14,3 tỷ yên, theo trang web của công ty.
Lựa chọn huy động vốn hạn chế
Sự trỗi dậy của các startup vũ trụ ở Nhật Bản “không phải là một cơn sốt nhất thời” mà là kết quả của hơn một thập kỷ chính phủ hỗ trợ thông qua các luật lệ và quỹ đầu tư cho ngành vũ trụ, theo ông Masayasu Ishida – CEO của tổ chức hội nghị thương mại vũ trụ Spacetide.
Trong hai năm qua, chính phủ Nhật đã dành ra 600 tỷ yên cho Quỹ Chiến lược Vũ trụ mới thành lập nhằm trợ cấp tên lửa, vệ tinh và các dự án tư nhân khác, với mục tiêu tăng gấp đôi quy mô ngành lên 8.000 tỷ yên vào đầu thập niên 2030.
Theo các nhà phân tích, số lượng IPO trong lĩnh vực vũ trụ tại Nhật Bản diễn ra khá sôi động so với Mỹ, nơi các đợt phát hành cổ phiếu mới diễn ra chậm chạp sau làn sóng niêm yết bắc cầu SPAC vào năm 2020–2021. (Niêm yết SPAC là hình thức niêm yết cổ phiếu thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt – Special Purpose Acquisition Company. Đây là một cách để các công ty lên sàn chứng khoán mà không cần trải qua quá trình IPO truyền thống.)
Trong bối cảnh thiếu lựa chọn huy động vốn tại Nhật, sự hỗ trợ của chính phủ là “rất hiệu quả” đối với các công ty khởi nghiệp vũ trụ còn non trẻ, theo ông Motoyuki Arai – CEO của Synspective. Việc niêm yết giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn tài chính, bao gồm phát hành trái phiếu và các đợt chào bán cổ phiếu bổ sung trong tương lai.
Việc lên sàn cũng có thể giúp thu hút nhân sự và mở rộng cơ hội hợp tác, theo ông Norihide Kanehara – trưởng nhóm dự án IPO tại Space BD, một startup thành lập cách đây tám năm và là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển thiết bị lớn nhất châu Á cho các lần phóng của SpaceX.
Dù sự hỗ trợ của chính phủ đã tiếp sức cho các startup vũ trụ gọi vốn, giới đầu tư đang ngày càng xem xét kỹ tiềm năng tăng trưởng của họ.
“Các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng nghiêm ngặt hơn trong việc đánh giá tính khả thi,” ông Susumu Miyahara – đối tác liên kết tại KPMG Consulting – nhận định, dẫn chứng các yêu cầu thẩm định kỹ lưỡng của khách hàng về khả năng tạo lợi nhuận của các startup vũ trụ.
Cổ phiếu của Synspective và iQPS đã tăng lần lượt khoảng 50% và 75% kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, Astroscale – công ty chuyên dịch vụ vệ tinh trên quỹ đạo – đã giảm khoảng 40% kể từ khi lên sàn, trong khi ispace mới chỉ phục hồi về mức giá khởi điểm gần đây, trước thềm nỗ lực hạ cánh lên Mặt Trăng lần hai vào tháng tới.
Rất ít công ty trong ngành đạt được doanh thu lớn hoặc có lộ trình rõ ràng để đạt lợi nhuận, theo ông Masahiro Honda – nhà phân tích cao cấp tại bộ phận vốn tư nhân của Daiwa Securities.
“Làn sóng IPO vũ trụ thứ hai tại Nhật có thể sẽ cần thêm thời gian để hình thành,” ông nói.
Logo của startup vệ tinh nhỏ Nhật Bản Axelspace tại văn phòng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters