
Tổng thống Donald Trump, “ông trùm” đàm phán, đã tuyên bố suốt vài tuần qua rằng ít nhất một thỏa thuận thương mại sắp được ký với một trong hàng chục nước đang đàm phán tích cực với Mỹ để tránh các mức thuế trừng phạt. Vậy thỏa thuận đó đang ở đâu?
Hôm Chủ nhật, trên chuyên cơ Air Force One, Trump nói “rất có thể” sẽ có thỏa thuận thương mại được công bố tuần này. Ông cũng nói vậy tuần trước. Và tuần trước nữa.
Cùng lúc, Trump tiếp tục hạ thấp kỳ vọng, cho rằng các nước khác — cả bạn lẫn thù — đã “móc túi” Mỹ suốt nhiều năm, và các thỏa thuận thương mại chỉ đến khi ông đồng ý các điều khoản có lợi cho người Mỹ. Theo Trump, quyền quyết định nằm trong tay ông, không phải họ.
“Chúng ta đang đàm phán với nhiều nước, nhưng cuối cùng tôi sẽ đặt ra các thỏa thuận của riêng tôi, vì tôi quyết định thỏa thuận, họ không quyết định,” ông nói với báo giới ngày Chủ Nhật. “Trong một số trường hợp chúng ta sẽ ký, nhưng không bắt buộc. Tôi sẽ đặt ra thỏa thuận, tôi sẽ đặt ra thuế.”
Lời hứa về một thỏa thuận khả thi — chính quyền cho biết Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc là những nước có khả năng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ trước — đã giúp phục hồi niềm tin trên thị trường tài chính và làm dấy lên hy vọng thế giới có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất của cuộc chiến thương mại.
Nhưng khi tuần này qua tuần khác mà chẳng thấy thỏa thuận đâu, chính quyền Trump có nguy cơ gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng, có thể nhanh chóng dẫn đến suy thoái tại Mỹ và toàn cầu. Cuộc chiến thương mại hung hăng của Mỹ đã khiến kinh tế nước này lùi bước. Báo cáo GDP quý trước — thước đo rộng nhất về nền kinh tế Mỹ — cho thấy lần suy giảm đầu tiên kể từ đầu 2022, vì nền kinh tế vốn khỏe mạnh bị kéo tụt bởi các doanh nghiệp mua tích trữ hàng hoá để né thuế.
Và đó chỉ là quý I — trước khi chính sách thương mại quyết liệt nhất có hiệu lực.
Quá trình chậm chạp trong việc đạt được bất kỳ thỏa hiệp thương mại nào không hứa hẹn điều tốt đẹp cho mục tiêu cuối cùng: hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc. Với thuế ít nhất 145% lên hàng Trung Quốc, và thuế trả đũa 125% từ Trung Quốc, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất gần như đình trệ.
Điều này có nghĩa Mỹ chỉ còn vài ngày trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng như thời đại dịch, dẫn đến giá cả tăng vọt và kệ hàng trống rỗng.
Không thấy thỏa thuận đâu
Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Time tháng trước rằng ông đã có 200 thỏa thuận thương mại, sau đó làm rõ là “sẽ sớm có”. Quan chức chính quyền cho biết họ đang đàm phán thương mại ở giai đoạn tiến triển với hơn một chục nước.
Dù chính quyền tuyên bố đang đàm phán sâu, thực tế ký được thỏa thuận thương mại mất nhiều thời gian—thường là nhiều năm. Chúng thường gồm các điều khoản vô cùng phức tạp, đi sâu vào chi tiết hàng hoá và rào cản phi thuế quan. Đồng thời, chúng gắn liền với các tính toán chính trị để bảo vệ nhóm lợi ích cử tri khác nhau.
Thay vào đó, bất kỳ “thỏa thuận” nào chính quyền Trump đạt được gần như chắc chắn chỉ là bản ghi nhớ (MOU). Bản ghi nhớ có thể dẫn đến giảm thuế tạm thời cho hàng một nước, nhưng trong dài hạn khó đem lại chiến thắng kinh tế đáng kể.
Nguyên nhân là Trump đã đặt ra hạn chót chặt chẽ: Mức thuế đối ứng có hiệu lực từ 7-4 và tạm hoãn 90 ngày kể từ 9-4 áp dụng với hàng chục nước. Thời hạn 90 ngày kết thúc vào ngày 8-7 — khi mức thuế trừng phạt lên đến 50% với hàng chục nước sẽ quay trở lại.
“Thời gian tạm hoãn 90 ngày, hiện đã qua khoảng 25%, cho thấy không còn nhiều thời gian cho các cuộc đàm phán thương mại thường mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để soạn ra một thỏa thuận,” Jacob Jensen, chuyên gia chính sách thương mại tại American Action Forum, nói. “Có sự khác biệt lớn nếu đây là thỏa thuận chính thức, văn bản ràng buộc thay vì cam kết miệng mua thêm hàng Mỹ. Thỏa thuận có ý nghĩa kinh tế dài hạn, còn lời hứa miệng có thể bị bỏ qua.”
Trump nói sẽ không gia hạn thuế lần hai — và thực ra có thể sớm tái áp dụng thuế với các nước không đạt đồng thuận, có thể chỉ trong vài tuần.
“Sẽ khó cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đàm phán tới 100 thỏa thuận riêng biệt trong 90 ngày, nghĩa là Trump phải sớm quyết định xem có tái áp thuế hay tiếp tục trì hoãn,” Jensen nói.
Và dù có đạt thỏa thuận với mọi nước, không đảm bảo Trump sẽ giữ nó. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu, ông góp phần ký Hiệp định USMCA với Canada và Mexico, để rồi nhiệm kỳ hai lại áp thuế 25% lên hàng Mexico – Canada rồi xoay như chong chóng. Và khi áp thuế lên gần như toàn bộ hàng nhập, ông cũng phá hủy hàng loạt hiệp định hiện có với đồng minh.
Trung Quốc là vấn đề lớn
Dù đạt thỏa thuận với bao nhiêu đối tác, quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc. Và dường như chẳng tiến triển chút nào.
Thuế cao kỷ lục lên hàng Trung Quốc đã gần như chặn đứng thương mại song phương, Trump nhiều lần nói vậy. Theo Flexport, số tàu hàng từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 60% trong tháng 4. JPMorgan ước tính hàng Trung Quốc vào Mỹ giảm tới 80% vào nửa cuối năm.
Người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị cho gián đoạn như thời dịch: hàng tồn kho trước thuế dần hết, giá tăng, khan hiếm và kệ trống.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nhiều lần nói thuế cao lên Trung Quốc là “không bền vững,” và Trump cũng cho biết mong giảm thuế. Nhưng phải giảm đáng kể—hơn một nửa—thì thương mại mới khôi phục, theo các chuyên gia. Dù vậy, thiệt hại kinh tế đã xảy ra rồi—và phải mất nhiều tuần đến nhiều tháng mới có thể làm đầy lại kệ hàng.
Dù cảnh báo ngày càng nghiêm trọng và hỗn loạn kinh tế, hai bên vẫn chẳng tiến gần thỏa thuận. Trung Quốc nhiều lần phủ nhận đang đàm phán, và đôi bên cương quyết đòi “nhượng bộ lớn” ngay từ đầu mới chịu thương lượng. Bessent nói có thể mất 2–3 năm để thương mại trở lại bình thường với Trung Quốc.
Tuy vậy, có dấu hiệu các vết nứt trên bức tường lớn ngăn cách giữa hai nước. Trung Quốc tuần trước nói đang “đánh giá” đề xuất của Mỹ để mở lại đàm phán—một sự thay đổi ngôn từ nhẹ có thể giúp mở cửa đàm phán. Và Trump tuần trước nhắc lại thuế nhập khẩu từ Trung Quốc rồi sẽ hạ.
“Đến một lúc nào đó, tôi sẽ hạ chúng vì nếu không thì chẳng thể làm ăn với họ,” ông nói trong cuộc phỏng vấn với “Meet the Press” của NBC, ghi hình hôm thứ Sáu. “Họ rất muốn làm ăn … kinh tế họ đang sụp đổ.”
Tổng thống Donald Trump trả lời báo chí trên chuyên cơ Không Lực Một hôm Chủ Nhật. Ảnh: Reuters