
Deepfake – những video trong đó khuôn mặt hoặc cơ thể của một người bị chỉnh sửa kỹ thuật số để bắt chước người khác – đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết: chúng giờ đây thậm chí đã có cả nhịp tim, khiến các công cụ phát hiện deepfake bị tụt lại phía sau một cách nguy hiểm.
Phát hiện này, được trình bày trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Frontiers in Imaging, có thể khiến nhiều công cụ phát hiện deepfake tiên tiến nhất – vốn dựa vào phân tích các mẫu tuần hoàn máu trên khuôn mặt – trở nên vô dụng, từ đó khiến các nội dung nguy hiểm ngày càng khó bị phát hiện.
Deepfake thường được tạo ra từ các “video điều khiển (driving videos)” – tức các đoạn phim thật mà trí tuệ nhân tạo thao túng để thay đổi đặc điểm hoặc toàn bộ danh tính của người trong video.
Không phải mọi mục đích sử dụng đều mang tính ác ý: các ứng dụng điện thoại thông minh cho phép bạn “già đi” hoặc biến thành mèo hoạt hình cũng sử dụng những kỹ thuật tương tự cho mục đích giải trí vô hại.
Tuy nhiên, ở mức tồi tệ nhất, deepfake có thể bị vũ khí hóa để tạo ra nội dung khiêu dâm không mong muốn, lan truyền thông tin sai lệch hoặc hãm hại những người vô tội.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng một công cụ phát hiện deepfake tiên tiến, dựa trên công nghệ hình ảnh y tế.
Cụ thể là phương pháp đo quang phổ từ xa, ước tính nhịp tim bằng cách phát hiện những thay đổi rất nhỏ trong cách ánh sáng truyền qua da – dựa trên cùng nguyên lý với thiết bị đo nồng độ oxy trong máu được sử dụng trong bệnh viện.
Công cụ này có độ chính xác ấn tượng: khi so sánh với kết quả từ máy đo điện tâm đồ, chênh lệch chỉ khoảng 2–3 nhịp mỗi phút.
Trước đây, người ta cho rằng deepfake không thể bắt chước được các tín hiệu vi mô này đủ tốt để qua mặt hệ thống phát hiện dùng phương pháp đo quang phổ từ xa. Nhưng giả định đó giờ đây không còn đúng.
“Nếu video điều khiển là từ một người thật, giờ thì nhịp tim của họ cũng có thể được chuyển sang video deepfake,” Giáo sư Peter Eisert, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ với BBC Science Focus. “Tôi cho rằng đó là số phận của mọi công cụ phát hiện deepfake – deepfake càng lúc càng tinh vi đến mức những công cụ hiệu quả hai năm trước nay hoàn toàn vô dụng.”
Khi nhóm nghiên cứu kiểm tra công cụ của họ với các video deepfake mới nhất, họ liên tục phát hiện nhịp tim cực kỳ chân thực, dù không hề được thêm vào một cách có chủ ý.
Vậy chúng ta đã hết hy vọng? Liệu sẽ không còn cách nào để tin vào các video trên mạng?
Chưa hẳn thế.
Nhóm của Eisert tin rằng các chiến lược phát hiện mới có thể giúp ích. Thay vì chỉ đo nhịp tim tổng thể, các công cụ tương lai có thể theo dõi dòng chảy chi tiết của máu trên khuôn mặt.
“Khi tim bạn đập, máu chảy qua các mạch máu và lan ra khuôn mặt,” Eisert nói. “Nó phân bố khắp khuôn mặt, và có một độ trễ rất nhỏ trong quá trình đó mà chúng ta có thể phát hiện trong video thật.”
Tuy nhiên, Eisert e ngại rằng các công cụ phát hiện sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc đua này. Thay vào đó, ông cho rằng “dấu vân tay kỹ thuật số” – bằng chứng mật mã cho thấy video chưa bị chỉnh sửa (tampered with) – sẽ là giải pháp bền vững hơn.
“Tôi lo rằng cuộc đua deepfake sẽ đến hồi kết không xa,” Eisert nói. “Cá nhân tôi cho rằng deepfake sẽ trở nên tinh vi đến mức không thể phát hiện được bằng cách thông thường, trừ khi ta tập trung vào các công nghệ xác thực rằng nội dung chưa bị can thiệp, thay vì cố xác định nó có phải là giả hay không.”
Một deepfake trong tương lai có thể cho thấy bạn đang làm hoặc nói điều gì đó bạn chưa bao giờ thực hiện, và phần lớn công chúng có thể tin đó là thật mà không nghi ngờ gì. Ảnh: Getty