
Làm thế nào mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại rơi vào một cuộc chiến thương mại mà thực chất không bên nào mong muốn và phần còn lại của thế giới cũng không thể chịu đựng nổi? Sau buổi lễ “Ngày Giải phóng” ngày 2-4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại đó ông công bố mức thuế quan khác nhau đối với tất cả các đối tác thương mại của Washington, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục leo thang trả đũa lẫn nhau, đẩy thuế giữa hai nước lên mức cực kỳ cao. Đến ngày 11-4, thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đã đạt 145%, còn hàng Mỹ vào Trung Quốc là 125%. Trừ khi hai nước đạt được các ngoại lệ rộng rãi, kim ngạch thương mại song phương trị giá 700 tỷ USD mỗi năm có thể giảm tới 80% trong vòng hai năm tới. Thị trường phản ứng tiêu cực trước viễn cảnh chiến tranh thương mại, và nhiều nhà kinh tế, phân tích đã chật vật để lý giải mục tiêu thực sự của chính quyền Trump.
Cách tốt nhất để hiểu cuộc đối đầu hiện nay với Trung Quốc là coi nó là sản phẩm của những giả định sai lầm và những bước đi chệch hướng từ cả hai phía. Trong nội bộ Trump, các nhân vật quyền lực và các phe phái đã đánh giá sai khả năng chống chịu của nền kinh tế Trung Quốc và cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vội vàng ký thỏa thuận để tránh làn sóng bất mãn trong nước. Kết quả là, phe “diều hâu” về Trung Quốc ở Washington đã không lường trước được phản ứng cứng rắn từ Bắc Kinh trước các mức thuế của Trump.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự thiếu hụt về kỹ năng ngoại giao đã khiến nước này giỏi thể hiện thái độ thách thức hơn là định hình kết quả thực tế. Bắc Kinh đã thất bại trong việc giải quyết những lo ngại chính đáng ở Mỹ và nhiều nơi khác rằng một làn sóng xuất khẩu giá rẻ mới từ Trung Quốc sẽ gây ra một “cú sốc Trung Quốc” thứ hai, tiếp tục làm xói mòn nền công nghiệp của các nước khác. Những lời lẽ hiếu chiến — như tuyên bố hồi tháng 3 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington rằng Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu tới cùng” trong “chiến tranh thương mại hay bất kỳ cuộc chiến nào khác” — không những không thuyết phục được dư luận quốc tế mà còn hoàn toàn không truyền đạt được mong muốn lâu dài của giới lãnh đạo Trung Quốc là tránh đối đầu bên ngoài.
Hiện chính quyền Trump đang cố gắng cứu vãn tình thế hỗn loạn kinh tế toàn cầu — một tình huống mà có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã không chuẩn bị trước — bằng cách chuyển hướng từ việc “tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu” sang một cuộc tấn công trực diện hơn vào nền kinh tế Trung Quốc. Về phần mình, ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc không ảo tưởng rằng Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong một cuộc chiến mà Trump có thể thua.
NHỮNG GIẢ ĐỊNH SAI LẦM
Hiện nay có một quan điểm phổ biến trong giới “diều hâu” về Trung Quốc ở Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận thương mại để tránh những đau đớn kinh tế có thể gây bất ổn xã hội và đe dọa quyền lực độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phân tích này đúng một phần, nhưng cũng dẫn đến nhiều kết luận sai.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện yếu hơn bất kỳ thời điểm nào trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc không rơi vào “suy thoái nghiêm trọng, chứ đừng nói là khủng hoảng.” Tốc độ tăng trưởng đã giảm từ mức hai con số cách đây hai thập kỷ xuống mức cao một chữ số trong những năm 2010 và khoảng 5% hiện nay.
Top of Form
Bottom of Form
Nhưng việc tăng trưởng chậm lại không đồng nghĩa với việc Mỹ tự động có lợi thế. Các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng trung bình 1,7% năm ngoái, với Mỹ dẫn đầu ở mức 2,8%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang suy giảm. Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan dự báo tăng trưởng Mỹ sẽ âm trong nửa cuối năm 2025, trong khi Trung Quốc được dự báo duy trì mức tăng trưởng chính thức khoảng 4,6%.
Đầu tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick phát biểu trên NBC News rằng: “Donald Trump đang mang lại tăng trưởng cho nước Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ đặt cược vào suy thoái. Không có chuyện đó.” Những lời lẽ cường điệu như vậy, nếu tin vào, đã góp phần khiến chính quyền Trump đánh giá quá cao khả năng buộc Trung Quốc phải đàm phán thông qua thuế quan. Chiến lược này đã phản tác dụng, làm giảm đáng kể khả năng đàm phán trực tiếp trong đó Trung Quốc có thể sẵn sàng nhượng bộ lớn. Bắc Kinh đã thể hiện khả năng trả đũa mạnh mẽ và thái độ cởi mở trong đàm phán chiến thuật, nhưng không hề có ý định khuất phục.
Chính quyền Trump dường như tin rằng một thỏa thuận thương mại toàn diện có thể được đàm phán thông qua đối thoại cá nhân trực tiếp giữa Trump và Tập. Nhưng ông Tập không trực tiếp đàm phán; ông duy trì một sự xa cách kiểu “đế vương” (an imperial aloofness) chỉ phê chuẩn các thỏa thuận do những người khác soạn thảo, đứng trên những hoạt động điều hành thường ngày. Trong khi đó, Trump lại tìm kiếm vốn chính trị thông qua việc thu hút sự chú ý của truyền thông; mọi thành tích đều cần được gắn liền với tên tuổi ông một cách công khai. Ông tự coi mình là “nhà đàm phán trưởng,” trực tiếp thúc đẩy chương trình thuế quan.
Sự bất cân xứng trong phong cách lãnh đạo này tạo ra thách thức lớn cho nỗ lực ngoại giao. Khó có thể tưởng tượng Trump có thể kiềm chế để không biến cuộc đối đầu thành một trận đấu cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo lớn. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó lại hoàn toàn đi ngược với cách Trung Quốc nhìn nhận và có thể khiến Bắc Kinh rút lui hoàn toàn.
Bắc Kinh cho rằng một cuộc gặp giữa Tập và Trump khó có thể mang lại kết quả thực chất, và coi đó như một sự nhượng bộ cho Washington với nhiều rủi ro hơn là lợi ích. Ngay cả một hội nghị thượng đỉnh được dàn dựng kỹ lưỡng cũng có thể làm tổn hại hình ảnh của ông Tập và, theo đó, vị thế của Đảng. Các quan chức Trung Quốc vẫn nhớ rõ việc Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước được cho là “ấm áp và thành công” của ông tới Bắc Kinh năm 2017. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng không muốn liều lĩnh để xảy ra một sự cố lớn như khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Nhà Trắng hồi tháng Hai.
CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI CỦA TẬP CẬN BÌNH
Sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình nổi bật với hai trục chính (two throughlines): chống lại sự ép buộc từ nước ngoài và giành quyền kiểm soát trong các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ. Bản năng chính trị của ông được tôi luyện trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa những năm 1960–1970, khi gia đình ông thất thế và ông bị đưa đi lao động ở vùng nông thôn Thiểm Tây. Thông điệp cốt lõi của Tập—thể hiện qua khái niệm “chịu khổ” (chi-ku)—kêu gọi người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, chịu đựng gian khổ để phục vụ công cuộc phục hưng dân tộc. Việc ông liên tục nhắc đến “trăm năm sỉ nhục” trong lịch sử Trung Quốc không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng, mà chính là nền tảng cho tính chính danh của ông.
Các chính sách thương mại đối đầu của Trump, mặc dù nhằm mục đích làm suy yếu Trung Quốc, nhưng lại vô tình củng cố thêm câu chuyện chính trị của Tập. Mối đe dọa từ bên ngoài cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy việc tái cơ cấu kinh tế và biện minh cho chiến lược thúc đẩy tự cường. Đồng thời, nó giúp Tập đổ lỗi cho những sai lầm chính sách trước đây—đặc biệt là việc chính quyền ông có lúc đàn áp khu vực tư nhân. Sự chuyển hướng này thể hiện qua việc phục hồi vị thế cho những doanh nhân từng bị thất sủng, như tỷ phú Jack Ma, người từng “biến mất” khỏi công chúng sau khi chỉ trích hệ thống quản lý tài chính Trung Quốc vào năm 2020, nhưng thời gian gần đây đã được “tái xuất” chính trường.
Tập Cận Bình gần như nắm quyền tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Sự tập trung quyền lực này cho phép ông đưa ra những quyết định chính sách lớn mà không bị thách thức—và nếu cần, cũng có thể nhanh chóng đảo ngược các quyết định đó. Với quyền kiểm soát chặt chẽ thông tin, đặc biệt là về đối ngoại, bất kỳ cuộc đối đầu nào với chính quyền Trump cũng đều có thể được trình bày trong nước như là bằng chứng cho thấy Tập kiên cường chống lại sự bắt nạt từ nước ngoài.
Phản ứng của Trung Quốc trước các mức thuế quan của Mỹ không đơn thuần là để giữ thể diện, mà là sự triển khai một chiến lược đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu. Khác với nhiều đồng minh của Mỹ bị bất ngờ (caught off guard) bởi các chiêu bài của Trump, Bắc Kinh đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã “thử lửa” trong một cuộc chiến thương mại cường độ thấp, tích lũy kinh nghiệm quản lý cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc và học cách lách các biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington.
Để đối phó, Bắc Kinh đã thúc đẩy các quan chức địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển thị trường nước ngoài. Nhằm giảm thiểu tác động đến doanh nghiệp nhỏ và ngăn chặn thất nghiệp, họ đã tung ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ có chọn lọc. Tại kỳ họp Quốc hội Nhân dân Toàn quốc gần đây (tháng Ba), các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh việc thúc đẩy nhu cầu nội địa là chìa khóa cho tăng trưởng trong tương lai, đồng thời ban hành các chính sách mới nhằm kích thích tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Họ cũng đẩy mạnh việc quốc tế hóa hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính do Mỹ kiểm soát.
Đồng thời, Trung Quốc đã ban hành một loạt luật mới—từ Luật Chống Trừng phạt Nước ngoài, Luật Kiểm soát Xuất khẩu, đến các quy định chống gián điệp—tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp trả đũa và đặt các doanh nghiệp quốc tế vào thế khó xử: hoặc tuân thủ trừng phạt của Mỹ và vi phạm luật Trung Quốc, hoặc ngược lại.
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc tìm cách làm giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ khu vực. Họ đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Đối với Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả cuộc gặp tháng Ba với người đồng cấp Pháp Jean-Noël Barrot là “mang tính xây dựng,” và Trung Quốc – Pháp đang lên kế hoạch tổ chức ba cuộc đối thoại cấp cao trong năm nay.
Trước khi Mỹ công bố các mức thuế mới, các bộ trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nối lại đối thoại kinh tế sau 5 năm gián đoạn, nhất trí tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do toàn diện hơn, hợp tác cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, và mở rộng thành viên cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đầu tháng này, Tập cũng có chuyến thăm Đông Nam Á lần thứ hai trong chưa đầy hai năm, nhằm củng cố quan hệ với các nước láng giềng quan trọng khác.
Không thể phủ nhận rằng các mức thuế cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nhưng từ góc nhìn của Tập, nền kinh tế Trung Quốc hiện đã sẵn sàng hơn bao giờ hết để chịu đựng những tổn thất đó. So với cú sốc từ các đợt phong tỏa do COVID-19, một sự đổ vỡ thương mại với Mỹ là điều có thể chịu đựng được. Các đợt phong tỏa đã chứng minh mức độ mà Đảng Cộng sản có thể áp đặt gian khổ lên người dân mà không làm mất ổn định kiểm soát xã hội—ưu tiên tối cao của họ. Quan trọng hơn, tiêu chí đánh giá sự phục hưng quốc gia của Tập không phải là GDP, mà là sự phát triển khoa học và công nghệ. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump càng củng cố lập luận của Tập rằng Trung Quốc cần đổi mới tự chủ và tăng cường tự lực. Khác với nhiệm kỳ Trump đầu tiên, hiện tại, Trung Quốc nếu cần, đã sẵn sàng tách rời khỏi Mỹ (to decouple from the US).
KHÔNG CÓ CƯỢC CHẮC CHẮN
Bỏ qua các lo ngại lạm phát ngắn hạn, biến số lớn nhất đang tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay là việc liệu Mỹ còn có thể được tin cậy như một đối tác kinh tế ổn định, lâu dài hay không. Sự nghi ngờ này từ các đối tác truyền thống của Mỹ không qua mắt được Bắc Kinh, nơi các quan chức đã nhanh chóng tận dụng sự chuyển hướng của dư luận quốc tế khỏi việc Tập tập trung quyền lực và rời xa tầm nhìn “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình. Đầu tháng Tư, tờ Nhân dân Nhật báo đã mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài hãy “dùng sự chắc chắn ở Trung Quốc để phòng ngừa sự bất ổn ở Mỹ.”
Tuy nhiên, việc nghi ngờ sự ổn định của Mỹ không tự động biến Trung Quốc thành một sự thay thế đáng tin cậy hơn. Bắc Kinh vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế. Không có gì đảm bảo rằng chiến lược tự cường và đổi mới do nhà nước dẫn dắt của họ sẽ thành công đủ nhanh để ngăn Trung Quốc mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình. Khi các lực cản đối với tăng trưởng, cả trong và ngoài nước, ngày càng lớn, Bắc Kinh đối mặt với giới hạn ngân sách khắt khe: nhiều tiền hơn cho công nghệ đồng nghĩa với ít tiền hơn cho hộ gia đình.
VIÊN THUỐC ĐẮNG CỦA TRUMP
Những người sinh vào thập niên 1970 trở về sau đã hình dung về một tương lai không còn là sự đấu tranh gian khổ, mà là sự thịnh vượng bền vững. Và các thế hệ trẻ ngày nay có lý do chính đáng để lo lắng. Họ trưởng thành trong một Trung Quốc ngày càng giàu có và đầy cơ hội, và COVID-19 là cuộc khủng hoảng quốc gia lớn đầu tiên mà nhiều người trong số họ từng trải qua. Giờ đây, khi căng thẳng Mỹ – Trung đe dọa khả năng tiếp cận giáo dục toàn cầu và thăng tiến nghề nghiệp, cảm giác an toàn kinh tế của họ đang dần bị bào mòn.
Tại cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc hoạch định chính sách đều do giới tinh hoa chính trị lớn tuổi thống trị. Và tại cả hai quốc gia, thế hệ trẻ ngày càng nhận thức được rằng những người nắm quyền sẵn sàng thế chấp tương lai của họ. Về lâu dài, đối với Trung Quốc, lời hiệu triệu “ăn đắng nuốt cay” (the rallying cry of “eating bitterness”) có thể sẽ không còn truyền cảm hứng cho một xã hội đã lớn lên trong sự mong đợi ngọt ngào.
Cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Trump đối với Trung Quốc không nhất thiết phải chuyển thành chính sách gây áp lực tối đa. Chiến thuật cứng rắn chỉ càng củng cố nghi ngờ lâu nay của Bắc Kinh rằng Washington đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và cuối cùng là lật đổ Đảng Cộng sản. Chiến lược khôn ngoan hơn là đặt ra cho Bắc Kinh một thế tiến thoái lưỡng nan thay vì một tối hậu thư.
Thế lưỡng nan đó bắt đầu bằng việc thừa nhận một thực tế cấu trúc: Hoa Kỳ sẽ luôn thâm hụt thương mại với Trung Quốc vì người Mỹ không mong muốn giành lại các công việc sản xuất giá rẻ từ các nhà máy Trung Quốc. Thách thức mà Trump phải đối mặt là làm sao cơ cấu hóa sự thâm hụt đó một cách bền vững về chính trị—để tạo ra một sân chơi công bằng trong những ngành định hình tương lai, như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo rằng Trung Quốc tiếp tục tái đầu tư thặng dư thương mại vào tài sản bằng đô la Mỹ.
Để làm được điều này, Hoa Kỳ nên tiếp tục xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô và đầu vào công nghiệp, tạo ra thặng dư củng cố vị thế như một nhà cung cấp thượng nguồn trong chuỗi sản xuất toàn cầu và là đối tác quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp của Trung Quốc. Đồng thời, Washington nên chấp nhận một mức thâm hụt đáng kể ở lĩnh vực sản xuất quy mô nhỏ, giá rẻ. Mặc dù nhu cầu trong nước với các mặt hàng này vẫn cao, việc đưa lĩnh vực này trở lại Mỹ vừa không hấp dẫn về kinh tế, vừa không có nhiều ý nghĩa chính trị (politically empty).
Ngược lại, chính quyền Trump nên nỗ lực giữ cho hoạt động sản xuất chiến lược, công nghệ cao—như chất bán dẫn và robot công nghiệp—ở mức cân bằng, thông qua các mức thuế đối ứng theo công thức định sẵn. Với các mức thuế này, Washington có thể tạo ra động lực để Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách thương mại ròng, bằng cách áp dụng thuế cao hơn trong các lĩnh vực chiến lược ở giai đoạn đầu và giảm dần khi Trung Quốc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu và đầu vào công nghiệp từ Hoa Kỳ. Khuôn khổ này sẽ giúp cả hai bên có thể tuyên bố thắng lợi: Trump có thể nói rằng ông đã bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, trong khi Tập Cận Bình có thể lập luận rằng ông đã duy trì được nền tảng sản xuất của Trung Quốc và thậm chí còn đạt được một số nhượng bộ về thuế quan. Quan trọng hơn cả, điều này sẽ chuyển gánh nặng điều chỉnh sang cho Bắc Kinh, giúp Trung Quốc có không gian tái cân bằng nền kinh tế theo điều kiện của mình mà vẫn phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.
TẬN DỤNG THẶNG DƯ THƯƠNG MẠI
Để đảm bảo Bắc Kinh tiếp tục tái đầu tư thặng dư thương mại vào tài sản Mỹ và duy trì sự gắn bó với hệ thống đồng đô la—một điểm tựa thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Washington—một cơ hội thực tế là đảo ngược quá trình đa dạng hóa dự trữ đang diễn ra của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Kể từ năm 2016, PBOC đã cắt giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nắm giữ khoảng 40%, chuyển một phần dự trữ sang vàng. Chuyển hướng một phần trong số vàng được mua gần đây trở lại trái phiếu Mỹ có thể tạo ra khoảng 43 tỷ USD đầu tư mới vào Hoa Kỳ, hỗ trợ mong muốn của chính quyền Trump trong việc giữ lãi suất ở mức thấp và ổn định thị trường trái phiếu—những yếu tố then chốt để tái cấp vốn cho khoản nợ quốc gia 36 nghìn tỷ USD của Mỹ. Động thái này cũng sẽ phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh vẫn cam kết với hệ thống đồng đô la và làm dịu các suy đoán về một loại tiền tệ BRICS mới hay nỗ lực phi đô la hóa.
Tuy nhiên, nếu không có một chế độ thuế quan phối hợp với các đồng minh và đối tác của Mỹ, thì không chiến lược nào là hoàn hảo. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ không ngồi yên trong khi Washington đàm phán, nhất là với tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán trước đây. Chẳng hạn, phải mất hai năm mới hoàn tất Thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một mà Mỹ và Trung Quốc ký vào tháng 1 năm 2020, trong khi tuổi thọ trung bình của một doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc—trụ cột xuất khẩu của nước này—chỉ là 3,7 năm.
Ngay cả khi thuế quan được duy trì, nó cũng không thể ngăn cản sự mở rộng thương mại toàn cầu của Trung Quốc. Tình trạng dư thừa công suất trong nước và sự cạnh tranh khốc liệt đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc vươn ra nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận. Động lực này còn được củng cố bởi sự hỗ trợ của nhà nước thông qua ưu đãi tài chính, đơn giản hóa quy định, miễn giảm thuế và tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường và chuỗi cung ứng quốc tế.
Phạm vi của một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh—cũng như các nhượng bộ mà Trump có thể đòi hỏi từ Tập Cận Bình—rất có thể đã bị thu hẹp trong tháng vừa qua. Nếu muốn đạt được thỏa thuận, Trump có thể sẽ phải cùng người dân Trung Quốc “ăn đắng nuốt cay” và chấp nhận một số thỏa hiệp khó khăn. Nhưng với một chiến lược ngoại giao được điều chỉnh lại, ông vẫn có thể giành được một vài chiến thắng nhỏ—và tránh những tổn thất tiềm tàng to lớn mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt.
Tổng thống Donald Trump chụp ảnh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29 tháng 6 năm 2019. Ảnh: AP