
Trung Quốc đã phóng lô vệ tinh thứ ba thuộc chòm sao siêu lớn Quốc Vọng (Guowang) vào hôm thứ Ba, tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc quỹ đạo thấp đầy tham vọng nhằm cạnh tranh với Starlink và các hệ thống toàn cầu khác.
Tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B, cùng với tầng trên có tên Viễn Chinh-2 (Yuanzheng-2), đã cất cánh lúc 4:10 chiều theo giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 28-4, tức 3:10 sáng thứ Hai giờ Việt Nam, từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Wenchang trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, xuyên qua lớp sương mù dày đặc tại bãi phóng.
Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải (SAST) thông báo vụ phóng thành công chỉ hơn hai tiếng sau khi tên lửa rời bệ phóng. SAST cho biết vụ phóng mang theo các vệ tinh thuộc “nhóm vệ tinh Internet quỹ đạo thấp 03”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết hoặc hình ảnh nào về các vệ tinh này.
Trong khi Lực lượng Không gian Hoa Kỳ chưa ghi nhận các vật thể liên quan đến vụ phóng tại thời điểm đưa tin, các thông báo về việc đóng không phận cho thấy các vệ tinh được đưa vào quỹ đạo gần cực. Lô vệ tinh đầu tiên của Quốc Vọng, cũng được phóng bằng Trường Chinh 5B cùng tầng trên YZ-2, gồm 10 vệ tinh.
Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST), giống như SAST, là một trong những cơ quan lớn thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) – nhà thầu chính về không gian của nhà nước Trung Quốc – là đơn vị chế tạo các vệ tinh.
CAST cho biết vào tháng 12 rằng họ đã phát triển cả nền tảng vệ tinh lớn lẫn nhỏ cho Quốc Vọng, nhưng không tiết lộ sự khác biệt chức năng giữa chúng. Với năng lực tải trọng và kích cỡ khoang chở hàng lớn của Trường Chinh 5B, nhiều khả năng các vệ tinh nhóm 03 thuộc loại kích cỡ lớn.
Vụ phóng lần thứ hai của chòm sao này vào tháng 2 sử dụng tên lửa nhỏ hơn Trường Chinh 8A, có thể đã mang theo chín vệ tinh loại nhỏ.
Nếu vụ phóng ngày thứ Ba cũng mang theo 10 vệ tinh, tổng số vệ tinh Quốc Vọng hiện đang trên quỹ đạo sẽ là 29, trong đó 19 chiếc đã được Lực lượng Không gian Hoa Kỳ theo dõi từ hai lần phóng trước.
Không giống các sứ mệnh trước đây, tầng đầu tiên của Trường Chinh 5B lần này không bay vào quỹ đạo, giúp tránh được tình trạng rơi trở lại Trái Đất mất kiểm soát. Điều này là do tầng trên YZ-2 đảm nhận việc đưa vệ tinh vào đúng quỹ đạo như kế hoạch.
Quốc Vọng được dự kiến sẽ gồm khoảng 13.000 vệ tinh, với mục tiêu cung cấp kết nối thông tin toàn cầu từ quỹ đạo thấp và được xem là phản ứng của Trung Quốc trước Starlink cùng các chòm sao tương tự.
Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell, người theo dõi các hoạt động không gian, sứ mệnh này là một trong bốn vụ phóng chòm sao siêu lớn diễn ra trong ngày thứ Ba – cho thấy cách các dự án này đang thay đổi cục diện ngành phóng vệ tinh.
SpaceX, Amazon thực hiện sứ mệnh cho các chòm sao vệ tinh
Trước đó, một tên lửa Falcon 9 mang theo 23 vệ tinh Internet băng rộng Starlink của công ty — trong đó có 13 vệ tinh có khả năng kết nối trực tiếp với điện thoại di động — đã cất cánh từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở Florida lúc 10:09 tối theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (09:09 sáng ngày thứ Hai giờ Việt Nam).
Khoảng tám phút sau khi rời bệ phóng, tầng một của Falcon 9 đã quay trở lại Trái Đất và hạ cánh thẳng đứng như kế hoạch. Nó đã đáp xuống tàu không người lái “Just Read the Instructions” của SpaceX, đang chờ sẵn trên Đại Tây Dương.
Theo mô tả sứ mệnh của SpaceX, đây là lần phóng và hạ cánh thứ 20 của tầng đẩy đặc biệt này. Trong đó, 13 lần là thực hiện các sứ mệnh Starlink.
Tầng trên của tên lửa cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. SpaceX thông báo trên X rằng 23 vệ tinh Starlink đã được triển khai vào quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) khoảng một giờ sau khi phóng.
Vụ phóng đêm Chủ nhật là chuyến bay Falcon 9 thứ 48 trong năm 2025 và là chuyến bay thứ 31 dành riêng cho việc xây dựng chòm sao vệ tinh siêu lớn Starlink. Mạng lưới này hiện có hơn 7.200 vệ tinh đang hoạt động và vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Cũng trong ngày thứ Hai (6g sáng thứ Ba giờ Việt Nam), Amazon đã phóng 27 vệ tinh đầu tiên thuộc chòm sao internet băng thông rộng Kuiper lên không gian từ Florida, khởi đầu cho việc triển khai mạng internet từ không gian, và sẽ cạnh tranh trực tiếp với Starlink của SpaceX.
Đây là những vệ tinh đầu tiên trong số 3.236 vệ tinh mà Amazon dự kiến đưa vào quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất cho Dự án Kuiper – một dự án trị giá 10 tỷ USD được công bố từ năm 2019 nhằm cung cấp internet băng thông rộng toàn cầu cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ – những đối tượng mà SpaceX đã nhắm tới từ lâu với hệ thống Starlink mạnh mẽ.
Tên lửa Trường Chinh 5B rời bệ phóng tại Wenchang trong điều kiện sương mù dày đặc vào ngày 28 tháng 4, mang theo nhóm vệ tinh Quốc Vọng thứ ba. Ảnh: Ourspace
Ảnh phơi sáng dài ghi lại khoảnh khắc phóng lần thứ 250 dành riêng cho Starlink của SpaceX, diễn ra tại Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, Florida. Ảnh: SpaceX