
“Các trường đại học là kênh điều dẫn, biến phát kiến khoa học thành ứng dụng thực tế và biến những người trẻ tài năng thành các nhà khởi nghiệp thay đổi thế giới…”
Vào mùa xuân năm 1943, Hans Bethe, một nhà vật lý lý thuyết và giáo sư tại Đại học Cornell, đã rời Ithaca, New York, đến một cơ sở bí mật của chính phủ ở Los Alamos, New Mexico. Tại đây, ông lãnh đạo bộ phận lý thuyết của Dự án Manhattan, dự án phát triển bom nguyên tử.
Bethe chỉ là một trong hàng chục học giả được tuyển chọn từ các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ để phục vụ trong thời chiến, vận dụng kiến thức chuyên môn của mình để giải quyết các thách thức quan trọng về an ninh quốc gia.
Khi chiến tranh kết thúc, Bethe trở lại Cornell, nơi ông góp phần biến trường đại học này thành trung tâm nghiên cứu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phát minh ra nhiều đổi mới – trong đó có synchrotron, một trong những máy gia tốc hạt đầu tiên trên thế giới. Phát minh này sau đó đã mở đường cho sự phát triển của hệ thống radar tiên tiến và chất bán dẫn.
Con đường sự nghiệp của Bethe là minh chứng cho mối quan hệ lâu dài và đôi bên cùng có lợi giữa các trường đại học Mỹ và chính phủ. Trước năm 1940, chính phủ liên bang Hoa Kỳ hỗ trợ rất ít cho nghiên cứu khoa học và chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế công cộng. Tuy nhiên, trong Thế chiến II, chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, và tiếp tục tăng cường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính phủ cấp ngân sách cho hàng loạt dự án nghiên cứu đa dạng, từ thí nghiệm vật lý cơ bản, phát triển vật liệu phục vụ bay siêu thanh đến việc sáng tạo thuật toán trí tuệ nhân tạo. Khoản tài trợ này thường là nguồn hỗ trợ ổn định duy nhất cho các dự án dài hạn, rủi ro cao mà khu vực tư nhân – do bị chi phối bởi lợi nhuận ngắn hạn – thường không muốn đầu tư.
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành cắt đứt mối liên kết giữa học giới và chính phủ bằng cách đóng băng hàng tỷ đô la tài trợ liên bang cho các viện nghiên cứu hàng đầu. Hành động này có thể ghi điểm chính trị với những người xem giới học thuật là “tháp ngà” (ivory tower) thiên tả, cách biệt với người dân bình thường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng về cách nước Mỹ đạt được vị thế vượt trội về quân sự và thương mại.
Các trường đại học nghiên cứu từ lâu đã là trụ cột của an ninh quốc gia thông qua nghiên cứu quốc phòng, đồng thời đào tạo lực lượng nhân tài cho cả chính phủ và ngành công nghiệp. Trên thực tế, việc cắt giảm tài trợ cho các trường này không phải là lập trường chính trị có nguyên tắc – mà là một cuộc tấn công từ bên trong vào chính an ninh quốc gia của Mỹ.
HỢP TÁC THÌ TỐT HƠN
Quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa các trường đại học và chính phủ liên bang phát triển trong Thế chiến II đã đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ giữa khoa học và nhà nước tại Hoa Kỳ. Trước chiến tranh, hầu hết nghiên cứu khoa học ở Mỹ được tài trợ bởi các quỹ từ thiện, quỹ đại học và đóng góp cá nhân.
Năm 1945, Vannevar Bush – người sáng lập Raytheon, từng là Phó hiệu trưởng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học của chính phủ – đã viết báo cáo có tên Khoa học: Biên giới bất tận. Tài trợ nghiên cứu liên bang đã tăng vọt từ 69 triệu USD năm 1940 lên 720 triệu USD năm 1944. Bush – người giám sát phần lớn quá trình huy động khoa học trong chiến tranh – lập luận rằng Mỹ không được dừng việc tăng đầu tư cho các trường đại học.
Trong báo cáo, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản đối với sự thịnh vượng và an ninh quốc gia. Vì chiến tranh hiện đại đòi hỏi “việc sử dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất”, ông viết, “các trường cao đẳng, đại học và viện nghiên cứu” sẽ phải “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp và chính phủ về kiến thức khoa học mới”, do đó “nghiên cứu cơ bản của họ nên được củng cố thông qua ngân sách công”.
Báo cáo này đã trở thành nền tảng cho việc duy trì và mở rộng tài trợ liên bang cho nghiên cứu đại học trong thời bình. Các tổ chức như MIT, Viện Công nghệ California (Caltech) và Đại học Stanford nhanh chóng nhận được các khoản tài trợ mới từ chính phủ và chuyển mình thành những trung tâm đổi mới khoa học – nhiều nơi có liên kết chặt chẽ với quốc phòng. Ví dụ, MIT đã thành lập Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Điện tử, được Bộ Quốc phòng tài trợ 1,5 triệu USD mỗi năm, để mở rộng nghiên cứu trong thời chiến về vi sóng, vật lý nguyên tử và vật lý trạng thái rắn sang các ứng dụng kỹ thuật.
Đến cuối thập niên 1940, tài trợ từ Bộ Quốc phòng và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử chiếm 85% ngân sách nghiên cứu của MIT. Mô hình này – trong đó các trường đại học nhận tài trợ liên bang cho nghiên cứu liên quan đến quốc phòng – nhanh chóng lan rộng, và đến năm 1949, các khoản tài trợ như vậy chiếm 96% tổng tài trợ công cho nghiên cứu khoa học vật lý tại các trường đại học.
Mô hình tài trợ này hiệu quả đến mức trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, Mỹ lập ra Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (ARPA) để tài trợ cho nghiên cứu khoa học rủi ro cao, tiềm năng lớn – phần lớn được tiến hành tại các trường đại học. Một dự án đầu tiên của ARPA, hợp tác với Stanford và UCLA, đã dẫn đến sự ra đời của ARPANET – tiền thân trực tiếp của Internet ngày nay. Đầu tư ban đầu của chính phủ vào công nghệ truyền thông an toàn đã cách mạng hóa cách cả thế giới trao đổi thông tin.
Về phần mình, các trường đại học đã biến tiền thuế của người dân Mỹ thành những sáng kiến giúp đất nước phát triển. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất tại Stanford, nơi các hợp đồng quốc phòng và tài trợ nghiên cứu từ chính phủ đã hỗ trợ tạo nên văn hóa đổi mới, góp phần hình thành Thung lũng Silicon. Những giảng viên như Frederick Terman – người mở rộng mạnh mẽ các khoa thống kê và kỹ thuật để thu hút thêm tài trợ từ Bộ Quốc phòng – đã khuyến khích sinh viên thương mại hóa nghiên cứu của mình, dẫn đến sự ra đời của các công ty như Hewlett-Packard và Fairchild Semiconductor – nền móng của cuộc cách mạng máy tính.
Trong khi nhiều quốc gia khác như Pháp và Vương quốc Anh vẫn tiếp tục dồn tài trợ nghiên cứu khoa học chủ yếu vào các phòng thí nghiệm chính phủ, Mỹ đã xây dựng một hệ thống nghiên cứu phi tập trung, lấy các trường đại học làm trung tâm. Hệ thống này không chỉ đẩy nhanh tiến bộ công nghệ mà còn giúp các sáng kiến quốc phòng thâm nhập vào khu vực thương mại tư nhân – tạo lợi thế cạnh tranh mà Liên Xô dù đầu tư mạnh vào giáo dục kỹ thuật vẫn khó theo kịp. Đến cuối thế kỷ 20, hệ thống nghiên cứu đại học được tài trợ liên bang đã trở thành xương sống cho vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.
MỐI QUAN HỆ LÂU DÀI
Sự hợp tác từng thúc đẩy các đột phá trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh tiếp tục đóng vai trò động lực cho đổi mới sau đó—và là trụ cột cho an ninh quốc gia của Mỹ. Nhưng từ đầu những năm 1990, các vấn đề đặt ra đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Những công nghệ phát triển nhanh như trí tuệ nhân tạo (AI), siêu vượt âm (hypersonics), hệ thống không gian và máy tính lượng tử đang tạo ra những thách thức mới đối với an ninh quốc gia, đồng thời cũng mở ra các giải pháp tiềm năng. Dù các công ty tư nhân như OpenAI và Google đang phổ biến những mô hình AI mới, thì các công nghệ cốt lõi vận hành chúng lại do các nhà nghiên cứu được đào tạo tại phòng thí nghiệm đại học phát triển—nơi được nuôi dưỡng bởi nhiều thập niên đầu tư công. Nếu không có sự đầu tư lớn của chính phủ Mỹ vào các trường đại học, sẽ chẳng có cuộc cách mạng AI nào để thương mại hóa cả.
Thật vậy, nghiên cứu học thuật hiếm khi nằm yên trong các phòng thí nghiệm đại học. Dòng chảy tri thức và chuyên môn từ giới học thuật sang ngành công nghiệp chính là yếu tố biến những phát kiến khoa học trừu tượng thành công nghệ có giá trị chiến lược và kinh tế. Nhiều trường đại học có các “văn phòng chuyển giao công nghệ” chuyên phụ trách cấp bằng sáng chế, cấp phép công nghệ mới và hỗ trợ khởi nghiệp. Thông qua các sáng kiến này, những khám phá tại các trường đại học được đưa vào khu vực thương mại và hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ về công nghệ tiên tiến. Ví dụ, các phương tiện tự lái ngày nay dựa vào hệ thống cảm biến LIDAR, vốn bắt nguồn từ nghiên cứu theo dõi tên lửa do chính phủ tài trợ tại MIT.
Sự di chuyển của ý tưởng còn song hành với sự di chuyển của con người. Các chương trình đào tạo sau đại học về kỹ thuật, vật lý ứng dụng và khoa học máy tính của Mỹ thuộc hàng uy tín nhất thế giới, thu hút nhân tài hàng đầu và đóng vai trò như những động cơ sáng tạo. Những chương trình này là nơi ươm mầm lực lượng lao động cho ngành quốc phòng, công nghệ cao và các cơ quan nghiên cứu của chính phủ. Ví dụ, Jensen Huang đến Mỹ để học kỹ thuật điện tại Đại học Bang Oregon, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Stanford. Một năm sau khi tốt nghiệp Stanford, ông sáng lập công ty bán dẫn Nvidia—góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng AI.
Sinh viên được đào tạo trong các phòng thí nghiệm do chính phủ hỗ trợ thường chuyển đổi linh hoạt giữa cơ sở học thuật, các phòng thí nghiệm quốc gia và khu vực tư nhân. Cuốn tiểu sử của Ashlee Vance về Elon Musk mô tả rõ “đường ống” từ đại học đến SpaceX: “Musk thường đích thân liên hệ với các khoa hàng không vũ trụ của những đại học hàng đầu để hỏi về các sinh viên có điểm thi cao nhất.” Việc tuyển chọn từ những khoa hàng không vũ trụ hàng đầu giúp SpaceX từ một công ty khởi nghiệp đầy rủi ro trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng hàng đầu thế giới, vào thời điểm Mỹ đang phụ thuộc vào hệ thống phóng của Nga—một rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, lợi thế mà hệ thống tài trợ nghiên cứu phi tập trung của Mỹ mang lại giờ đây không còn là điều chắc chắn. Các đối thủ đã nghiên cứu kỹ mô hình Mỹ và đang tích cực sao chép. Đặc biệt, Trung Quốc đang đổ vốn đầu tư nhà nước vào các trường đại học nhằm thu hẹp khoảng cách. Quân đội nước này hiện đang hợp tác với các viện kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc để thúc đẩy phát triển công nghệ lưỡng dụng, nhất là trong các lĩnh vực AI, hệ thống không gian và chiến tranh mạng. Nhưng có một lợi thế mà Trung Quốc không dễ sao chép: sự cởi mở của các trường đại học Mỹ. Các quốc gia khác có thể rót tiền vào phòng thí nghiệm, nhưng không thể “sản xuất” ra tự do học thuật và tính năng động kinh tế—hai yếu tố khiến hệ thống đại học Mỹ trở thành điểm đến của nhân tài toàn cầu.
SỰ NGỘ NHẬN NGUY HIỂM
Các động thái gần đây của chính quyền Trump đang làm cạn kiệt nguồn tài trợ cho các phòng thí nghiệm đại học bằng cách đóng băng các khoản tài trợ nghiên cứu từ Bộ Quốc phòng cho những cơ sở bị cho là không tuân thủ về mặt ý thức hệ—trên thực tế là nhắm thẳng vào chính các nền tảng nghiên cứu nuôi dưỡng đổi mới trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Làm suy yếu mối quan hệ đối tác nghiên cứu giữa đại học và quốc phòng là một tính toán sai lầm chiến lược với hậu quả lâu dài.
Các trường đại học là kênh điều dẫn, biến phát kiến khoa học thành ứng dụng thực tế và biến những người trẻ tài năng thành các nhà khởi nghiệp thay đổi thế giới, cũng như các chuyên gia bảo vệ an ninh quốc gia bằng sự đổi mới. Chính quyền Trump có thể lập luận rằng họ sẵn sàng tiếp tục tài trợ nếu các trường đại học tuân thủ về mặt ý thức hệ. Nhưng việc từ bỏ tính độc lập để đổi lấy nguồn tài trợ khoa học sẽ phá hoại chính sự nghiêm túc và tính cởi mở đã làm nên sức mạnh của hệ thống đại học Mỹ suốt nhiều thập kỷ.
Nếu chính phủ để sự bất đồng ý thức hệ làm gián đoạn liên minh với giới học thuật, nước Mỹ sẽ đánh mất lợi thế về đổi mới và năng lực cạnh tranh. Việc cắt giảm ngân sách Bộ Quốc phòng dành cho các trường đại học sẽ không ngăn được đổi mới quốc phòng, nhưng chắc chắn sẽ khiến nó diễn ra ở nơi khác. Một số tài năng sẽ chuyển sang khu vực tư nhân, nơi áp lực về lợi nhuận ngắn hạn thường ngăn cản đầu tư vào các dự án phù hợp với lợi ích an ninh dài hạn. Những tài năng và nguồn lực khác có thể chuyển sang các cơ sở nước ngoài đang háo hức tận dụng việc Mỹ rút lui. Khuyến khích những dịch chuyển đó vì lý do chính trị không phải là hành động có nguyên tắc—mà là tự sát chiến lược.
Đại học Columbia ở thành phố New York. Ảnh: Reuters