Trong khi các bộ óc hàng đầu về trí tuệ nhân tạo đang chạy đua để khiến công nghệ này suy nghĩ giống con người hơn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Elon lại đặt ra câu hỏi ngược lại: AI sẽ thay đổi cách con người suy nghĩ như thế nào?
Câu trả lời đi kèm với một lời cảnh báo nghiêm trọng: Nhiều chuyên gia công nghệ lo ngại rằng AI sẽ khiến con người trở nên kém hơn ở những kỹ năng cốt lõi của nhân tính, như sự đồng cảm và tư duy sâu.
“Tôi lo ngại — ít nhất là hiện tại — rằng trong khi một nhóm thiểu số ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ các công cụ này, thì phần lớn mọi người sẽ tiếp tục từ bỏ quyền tự quyết, sự sáng tạo, khả năng ra quyết định và những kỹ năng sống còn khác vào tay các AI vẫn còn ở giai đoạn sơ khai này,” nhà tương lai học John Smart viết trong một bài luận cho báo cáo gần 300 trang của đại học Elon, có tựa đề “Tương lai của tính người (The Future of Being Human)”, được CNN tiếp cận độc quyền trước khi công bố vào thứ Tư.
Những lo ngại này xuất hiện trong bối cảnh cuộc đua thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI đang diễn ra mạnh mẽ, thu hút hàng tỷ USD đầu tư, cùng với đó là sự hoài nghi và ủng hộ từ các chính phủ trên toàn cầu. Các “ông lớn” công nghệ đang đặt cược tương lai doanh nghiệp của họ vào niềm tin rằng AI sẽ thay đổi mọi cách chúng ta làm việc, giao tiếp, tìm kiếm thông tin — và các công ty như Google, Microsoft, Meta đang chạy đua để xây dựng các “tác nhân AI” có thể thực hiện nhiệm vụ thay cho con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo trong báo cáo rằng những bước tiến này có thể khiến con người quá lệ thuộc vào AI trong tương lai.
Hiện tại, sự bùng nổ của AI đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn về cách con người thích nghi với làn sóng công nghệ mới này — bao gồm cả nguy cơ mất việc làm hoặc việc AI tạo ra thông tin sai lệch nguy hiểm. Báo cáo của Đại học Elon cũng đặt dấu hỏi nghi ngờ đối với lời hứa của các “gã khổng lồ” công nghệ rằng giá trị của AI nằm ở khả năng tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại để con người có thể tập trung hơn vào các nhiệm vụ sáng tạo, phức tạp.
Báo cáo hôm thứ Tư tiếp nối một nghiên cứu được Microsoft và Đại học Carnegie Mellon công bố đầu năm nay, cho thấy việc sử dụng công cụ AI tạo sinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy phản biện.
Thay đổi mang tính cách mạng và căn bản
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Elon đã khảo sát 301 nhà lãnh đạo công nghệ, nhà phân tích và học giả, bao gồm Vint Cerf — một trong những “cha đẻ của internet” và hiện là Phó chủ tịch Google; Jonathan Grudin — giáo sư Trường Thông tin Đại học Washington và cựu chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Microsoft; cựu Phó chủ tịch Viện Aspen Charlie Firestone; và nhà tương lai học Tracey Follows — CEO của Futuremade. Gần 200 người đã viết bài luận cho báo cáo.
Hơn 60% người được khảo sát cho rằng AI sẽ thay đổi khả năng của con người theo cách “sâu sắc và ý nghĩa” hoặc “căn bản và mang tính cách mạng” trong vòng 10 năm tới. Một nửa số người tham gia dự đoán rằng AI sẽ mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực như nhau đối với nhân loại, trong khi 23% cho rằng tác động sẽ chủ yếu tiêu cực. Chỉ 16% tin rằng thay đổi sẽ chủ yếu tích cực (số còn lại nói không biết hoặc dự đoán chỉ có thay đổi nhẹ).
Các chuyên gia cũng dự đoán AI sẽ gây ra những thay đổi “chủ yếu tiêu cực” đối với 12 phẩm chất con người từ nay đến năm 2035, bao gồm trí thông minh cảm xúc và xã hội, khả năng và sự sẵn sàng để tư duy sâu, sự đồng cảm, năng lực phán đoán đạo đức và sức khỏe tinh thần.
Khả năng của con người trong những lĩnh vực đó có thể suy giảm nếu ngày càng nhiều người dùng AI chỉ vì lý do tiện lợi để thực hiện các công việc như nghiên cứu hay xây dựng mối quan hệ — theo báo cáo. Và sự sụt giảm trong các kỹ năng cốt lõi đó có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, như “gia tăng phân cực, bất bình đẳng ngày càng rộng và sự suy giảm quyền tự quyết của con người,” nhóm nghiên cứu viết.
Các tác giả của báo cáo kỳ vọng chỉ ba lĩnh vực sẽ có thay đổi chủ yếu tích cực: sự tò mò và khả năng học hỏi, ra quyết định, và giải quyết vấn đề, tư duy đổi mới và sáng tạo. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng dù AI có thể thay thế một số việc làm của con người, nó cũng có thể tạo ra những công việc hoàn toàn mới mà hiện tại chưa tồn tại.
Sự tiến hóa của AI
Nhiều mối quan tâm được nêu trong báo cáo xoay quanh cách các nhà lãnh đạo công nghệ dự đoán con người sẽ tích hợp AI vào cuộc sống hàng ngày từ nay đến năm 2035.
Cerf cho rằng con người sẽ sớm phụ thuộc vào các “tác nhân AI” — những trợ lý kỹ thuật số có thể tự động làm mọi thứ từ ghi chú cuộc họp đến đặt bàn ăn, thương lượng hợp đồng kinh doanh phức tạp hoặc viết mã. Các công ty công nghệ đã bắt đầu tung ra các phiên bản thử nghiệm: Amazon tuyên bố trợ lý giọng nói Alexa mới có thể đặt hàng tạp hóa, còn Meta thì cho phép doanh nghiệp tạo các chatbot hỗ trợ khách hàng trên mạng xã hội.
Những công cụ đó có thể tiết kiệm thời gian và năng lượng cho các công việc hàng ngày, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu y học. Tuy nhiên, Cerf cũng lo ngại con người sẽ ngày càng phụ thuộc vào những hệ thống công nghệ dễ xảy ra lỗi hoặc đưa ra thông tin sai.
“Bạn cũng có thể lường trước được sự mong manh trong tất cả những thứ này. Ví dụ, chẳng có thứ gì hoạt động nếu không có điện, đúng không?” Cerf nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN. “Sự phụ thuộc nặng nề này rất tuyệt khi mọi thứ vận hành tốt, nhưng khi có trục trặc, hậu quả có thể rất nguy hiểm.”
Cerf nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ giúp phân biệt giữa con người và AI trên mạng, cũng như sự minh bạch về hiệu quả của các công cụ AI có mức tự động hóa cao. Ông kêu gọi các công ty xây dựng AI nên giữ lại “dấu vết kiểm toán” để có thể tra cứu khi nào và tại sao công cụ hoạt động sai.
Tracey Follows nói với CNN rằng cô kỳ vọng việc tương tác giữa con người và AI sẽ vượt ra khỏi các màn hình máy tính hay điện thoại, nơi hiện tại mọi người thường giao tiếp với chatbot. Thay vào đó, AI sẽ được tích hợp vào các thiết bị đeo, tòa nhà và nhà ở, nơi con người có thể đơn giản “nói chuyện” với AI.
Nhưng với khả năng truy cập dễ dàng như vậy, con người có thể bắt đầu “chuyển giao” sự đồng cảm cho các tác nhân AI.
“AI có thể đảm nhận các hành vi tử tế, hỗ trợ cảm xúc, chăm sóc người khác và gây quỹ từ thiện,” Follows viết trong bài luận. Cô cảnh báo rằng “con người có thể hình thành mối quan hệ tình cảm với các nhân vật AI và người ảnh hưởng ảo,” đặt ra “mối lo ngại rằng các mối quan hệ thực sự, có qua có lại sẽ bị bỏ quên vì những kết nối kỹ thuật số dễ kiểm soát và dễ đoán hơn.”
Con người hiện đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ với chatbot AI, với nhiều kết quả trái chiều. Một số người, chẳng hạn, đã tạo bản sao AI của người thân đã khuất để tìm kiếm sự an ủi, trong khi một số phụ huynh đã khởi kiện sau khi cho rằng con họ bị tổn thương bởi mối quan hệ với chatbot AI.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn thời gian để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực nhất của AI thông qua các biện pháp như quy định pháp lý, đào tạo kỹ năng số và đặt ưu tiên cho mối quan hệ giữa người với người.
Richard Reisman, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Đổi mới Hoa Kỳ, viết trong báo cáo rằng thập kỷ tới là thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định liệu AI sẽ “tăng cường hay làm suy yếu nhân loại.”
“Chúng ta hiện đang bị dẫn dắt theo hướng sai lầm bởi sức mạnh áp đảo của ‘tổ hợp công nghiệp công nghệ’, nhưng chúng ta vẫn còn cơ hội để sửa sai,” Reisman viết.
Khi con người ngày càng phụ thuộc vào các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), một số chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể gây tác động tiêu cực đến những kỹ năng như tư duy sâu và phán đoán đạo đức. Ảnh: Getty Images