Thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu được dự báo sẽ đạt 4.800 tỷ USD – xấp xỉ quy mô nền kinh tế Đức – vào năm 2033, Liên Hợp Quốc cho biết, đồng thời cảnh báo gần một nửa công việc trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng.
Dù AI đang chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội lớn, công nghệ này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng hiện có, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cảnh báo trong một báo cáo.
Báo cáo đặc biệt lưu ý rằng “AI có thể ảnh hưởng đến 40% công việc trên toàn thế giới, mang lại lợi ích về năng suất nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về tự động hóa và mất việc làm.”
Trong khi các làn sóng công nghệ trước đây chủ yếu tác động đến lao động chân tay, UNCTAD nhấn mạnh rằng các lĩnh vực đòi hỏi nhiều tri thức sẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi AI.
Điều này có nghĩa là các nền kinh tế phát triển chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả, tuy nhiên UNCTAD cũng cho rằng các nền kinh tế này có điều kiện tốt hơn để tận dụng các lợi ích mà AI mang lại so với các nền kinh tế đang phát triển.
“Lợi ích từ tự động hóa dựa trên AI thường mang xu hướng thâm dụng vốn thay vì thâm dụng lao động, điều này có thể làm gia tăng bất bình đẳng và làm giảm lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp tại các nước đang phát triển,” UNCTAD cho biết.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo con người là trung tâm trong quá trình phát triển AI, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để “chuyển trọng tâm từ công nghệ sang con người, cho phép các quốc gia cùng nhau xây dựng một khuôn khổ AI toàn cầu.”
“Lịch sử đã cho thấy rằng mặc dù tiến bộ công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng bản thân nó không đảm bảo phân phối thu nhập công bằng hay thúc đẩy phát triển con người toàn diện,” bà cảnh báo trong báo cáo.
Năm 2023, các công nghệ tiên phong như internet, blockchain, 5G, in 3D và AI đã tạo nên một thị trường trị giá 2.500 tỷ USD, và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp sáu lần trong thập kỷ tới, đạt 16.400 tỷ USD, theo báo cáo.
Đến năm 2033, AI sẽ trở thành công nghệ dẫn đầu trong lĩnh vực này, với giá trị dự kiến đạt 4.800 tỷ USD.
Tuy nhiên, UNCTAD cảnh báo rằng quyền tiếp cận hạ tầng và chuyên môn AI vẫn tập trung chủ yếu ở một số ít quốc gia, với chỉ 100 công ty – chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc – hiện chiếm 40% tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp toàn cầu.
“Các quốc gia cần hành động ngay,” cơ quan này nhấn mạnh, khẳng định rằng “bằng cách đầu tư vào hạ tầng số, xây dựng năng lực và củng cố quản trị AI,” các nước có thể “khai thác tiềm năng của AI cho phát triển bền vững.”
“AI không chỉ là thay thế việc làm,” UNCTAD cho biết, nhấn mạnh rằng công nghệ này “cũng có thể tạo ra các ngành công nghiệp mới và trao quyền cho người lao động.”
“Đầu tư vào đào tạo lại, nâng cao kỹ năng và thích nghi lực lượng lao động là điều thiết yếu để đảm bảo AI mở rộng cơ hội việc làm thay vì triệt tiêu chúng.”
Cơ quan Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết để tất cả các quốc gia cùng tham gia vào các cuộc thảo luận về cách quản lý AI.
“AI đang định hình tương lai kinh tế của thế giới, thế nhưng 118 quốc gia – chủ yếu thuộc khu vực Nam Bán cầu – đang vắng mặt trong các cuộc thảo luận lớn về quản trị AI,” báo cáo nêu rõ. “Khi các quy định và khung đạo đức về AI đang hình thành, các quốc gia đang phát triển cần có tiếng nói để đảm bảo AI phục vụ cho tiến bộ toàn cầu, chứ không chỉ phục vụ lợi ích của một số ít.”
Một khách tham quan đi ngang qua biển hiệu ghi dòng chữ “Industrial AI in Action” trong ngày khai mạc Hội chợ Hannover. Ảnh: AFP