Chỉ còn chưa đầy hai tuần trước khi phiên tòa chống độc quyền quan trọng nhắm vào tập đoàn công nghệ Meta bắt đầu, mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Tổng thống Donald Trump và Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đang làm dấy lên lo ngại tại Washington rằng Nhà Trắng có thể sẽ ra lệnh dừng (pull the plug) toàn bộ vụ kiện.
Phiên tòa dự kiến khai mạc ngày 14-4 là kết quả của cuộc điều tra và tranh tụng kéo dài gần sáu năm. Vụ kiện được khởi xướng bởi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) trong nhiệm kỳ đầu của Trump và được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, có thể dẫn đến việc buộc Meta phải bán đi Instagram và WhatsApp – một động thái cực kỳ tốn kém và phức tạp, gần như sẽ làm tan rã công ty trị giá 1.300 tỷ USD này.
FTC hiếm khi từ bỏ một vụ kiện chống độc quyền đang diễn ra, bất kể ai đang nắm quyền tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, một loạt diễn biến trong tuần qua đang khiến giới quan sát ở Washington xôn xao về tương lai của vụ kiện – lo ngại rằng sự thân thiện mới giữa ngành công nghệ với Trump, đặc biệt là loạt động thái nhượng bộ nhanh chóng của Meta đối với đảng Cộng hòa trong vài tháng gần đây, có thể được đền đáp (pay dividends) bằng việc xóa bỏ mối đe dọa chia tách mạng xã hội khổng lồ này.
Vào thứ Tư, Zuckerberg bất ngờ có cuộc gặp riêng với Trump tại Phòng Bầu Dục, được cho là nhằm đề nghị một thỏa thuận dàn xếp vụ kiện.
Cùng ngày, Chủ tịch FTC Andrew Ferguson – người hiện phụ trách vụ việc – nói với báo giới tại một sự kiện rằng cơ quan này “sẵn sàng chiến đấu” với Meta. Khi được hỏi trực tiếp liệu ông có từ bỏ vụ kiện nếu nhận lệnh từ Trump hay không, ông nói sẽ “tuân theo các mệnh lệnh hợp pháp” – và từ chối bình luận thêm về giả định này.
Trump đã trao toàn quyền cho Ferguson trong việc quyết định các vấn đề của FTC bằng cách đột ngột sa thải hai ủy viên Dân chủ của ủy ban vào giữa tháng Ba – một hành động chưa từng có tiền lệ, tạo điều kiện để Ferguson và đồng nghiệp Cộng hòa duy nhất của ông đưa ra các quyết định mang tính đảng phái mà không gặp sự phản đối từ phía đảng Dân chủ.
Người phát ngôn của FTC đã không trả lời các câu hỏi liên quan đến khả năng Trump có thể ra lệnh cho Ferguson hủy vụ kiện chống Meta, hoặc liệu có bất kỳ trao đổi nào giữa Ferguson và Trump về vấn đề này hay không.
Doha Mekki, cựu quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp – từng phục vụ trong chính quyền Trump và sau đó là Biden – cho biết việc Zuckerberg gặp trực tiếp Trump “ngay trước thềm phiên tòa” là điều “đáng lo ngại.”
Khi được hỏi về cuộc gặp hôm thứ Tư, người phát ngôn của Meta Andy Stone cho biết Zuckerberg đang “tiếp tục các cuộc gặp với chính quyền về vai trò dẫn đầu công nghệ Mỹ.” Ông không trả lời câu hỏi liệu vụ kiện của FTC có được đề cập trong cuộc gặp hay không.
Một người phát ngôn Nhà Trắng cũng không phản hồi khi được hỏi liệu Trump có ý định gây áp lực để Ferguson dàn xếp vụ kiện, hoặc ông sẽ yêu cầu gì từ Meta để đổi lấy điều đó.
Theo các quy tắc cũ ở Washington, việc rút lui khỏi một vụ kiện như thế này thậm chí là không thể. FTC từ lâu đã hoạt động độc lập với Nhà Trắng. Nhưng khi Trump sa thải hai ủy viên Dân chủ của FTC tháng trước, ông đã dọn đường cho hai ủy viên Cộng hòa còn lại rút đơn kiện Meta hoặc đạt được một thỏa thuận nếu ông yêu cầu.
“Facebook chắc chắn muốn vụ kiện này biến mất một cách êm đẹp, nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có áp lực được tạo ra,” cựu Chủ tịch FTC Lina Khan cho biết.
Mối lo này cũng được chia sẻ bởi một đồng minh không ngờ – Steve Bannon, nhân vật cực hữu có ảnh hưởng từng là chiến lược gia trưởng của Trump trong nhiệm kỳ đầu.
“Việc Zuckerberg xuất hiện tại Phòng Bầu Dục lúc này không phải là tình cờ,” Bannon nói với báo giới hôm thứ Tư. Trong khi bày tỏ hy vọng Trump sẽ không nhượng bộ, ông nói tổng thống đang “chịu áp lực khủng khiếp từ các tài phiệt công nghệ lớn.”
“Đây là một cuộc chiến liên tục,” Bannon nói.
Như nhiều vấn đề liên quan đến Big Tech, vụ kiện Meta có thể gây chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa – trong khi nhiều người vẫn xem các tập đoàn công nghệ lớn là mục tiêu chính trị thuận tiện, họ cũng đang hào hứng với sự thân thiện mới từ các CEO như Zuckerberg.
Việc Meta gần đây thay đổi hoàn toàn lập trường về hàng loạt vấn đề từng gây xung đột với đảng Cộng hòa cho thấy công ty sẵn sàng điều chỉnh chính sách một cách mạnh mẽ để làm hài lòng tổng thống và đảng này.
Từng bị Trump và nhiều đảng viên Cộng hòa chỉ trích vì bị cho là thiên tả, trong vài tháng gần đây Zuckerberg đã xin lỗi vì gỡ bỏ các thông tin sai lệch về Covid-19, chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của công ty, quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của Trump và tổ chức tiệc chào mừng tổng thống tại lễ nhậm chức.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (R-Texas) và Dân biểu Jim Jordan (R-Ohio), cả hai đều là đồng minh của Trump, đã ca ngợi nỗ lực không ngừng của Meta trong việc chiều lòng đảng Cộng hòa. Và bản thân tổng thống cũng không giấu giếm (made little secret) mong muốn tạo dựng một hệ sinh thái truyền thông xã hội đề cao nội dung cánh hữu.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (R-Missouri) từ lâu đã kêu gọi chính phủ chia tách Meta và có vẻ vẫn kiên định với vụ kiện chống độc quyền. Hôm thứ Tư, ông đặt câu hỏi liệu Trump có “quyền chỉ đạo trực tiếp” để yêu cầu Ferguson dừng vụ kiện hay không.
“Ferguson nên đưa ra lời khuyên tốt nhất của mình và nói: ‘Thưa Tổng thống, tôi nghĩ chúng ta không nên làm vậy. Đây là pháp luật,’” Hawley phát biểu bên lề một hội nghị của Y Combinator.
“Những người này giờ tỏ ra thân thiện với ông chỉ vì họ muốn thứ gì đó,” Hawley nói thêm.
Nhưng Alvaro Bedoya – một trong hai ủy viên Dân chủ bị Trump sa thải tháng trước – cảnh báo rằng Ferguson rốt cuộc có thể bị dồn vào thế bí.
“Nếu ông ấy nhận được một chỉ thị từ những người mà ông ấy gọi là cấp trên tại Nhà Trắng rằng: ‘Chúng ta có mối quan hệ tốt với Mark, sao không đứng sang một bên với vụ này?’ – thì hoặc ông ấy nghe theo và giữ ghế, hoặc không và nhận email (sa thải) giống như tôi,” Bedoya nói.
CEO Meta Mark Zuckerberg dự lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump vào ngày 20-1 tại Washington. Ảnh: Shawn Thew