Khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai, các mối lo ngại về một cuộc suy thoái chỉ là một tiếng thì thầm. Giờ đây, chúng đang dần trở thành tiếng gầm. Đó là một sự đảo chiều đáng kinh ngạc đối với Trump, người đã bước vào nhiệm kỳ với lời hứa mở ra một Kỷ nguyên Thịnh vượng mới.
“Có một thông điệp rất rõ ràng phát ra từ các thị trường. Nó đến từ cổ phiếu, trái phiếu, dầu mỏ, đồng đô la,” Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, cho biết. “Đột nhiên, người ta thực sự lo sợ về một cuộc suy thoái.”
Kể từ khi Trump công bố các mức thuế trừng phạt với các đối tác thương mại của Mỹ, các nhà kinh tế và chiến lược gia hàng đầu tại các ngân hàng lớn của Phố Wall đã bắt đầu hạ thấp dự báo tăng trưởng trong tương lai. Các nhà phân tích tại UBS cho biết họ dự đoán động thái này sẽ dẫn đến hai quý tăng trưởng âm – một thước đo phổ biến của suy thoái kinh tế.
Kinh tế trưởng Gregory Daco của EY Parthenon cho biết hiện ông coi “tình trạng đình lạm” – sự kết hợp độc hại giữa tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát cao – là kịch bản cơ bản, nhưng một “phản ứng tiêu cực đáng kể từ thị trường tài chính” có thể làm trầm trọng thêm các cú sốc và đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase cho biết khả năng xảy ra suy thoái trong vòng một năm tới tăng lên 60% nếu các mức thuế vẫn được giữ nguyên.
Dù thuế quan luôn là một phần trong kế hoạch, nhưng các rào cản thương mại mà Trump công bố hôm thứ Tư nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán, khiến các nhà phân tích kinh tế nhanh chóng nâng khả năng suy thoái.
Joe Lavorgna, kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities và là cựu cố vấn kinh tế của Trump, nói với các nhà đầu tư hôm thứ Năm rằng “vẫn còn quá sớm để biết liệu các động thái hôm qua có dẫn đến suy thoái hay không, vì cách tiếp cận kiểu giao dịch và đàm phán của Tổng thống Trump có thể dẫn đến các mức thuế thấp hơn so với những gì hiện đang được đề xuất.” Dù vậy, ông cho biết tác động của các mức thuế sẽ khiến lạm phát tăng vọt và sản lượng kinh tế giảm.
Nguy cơ giá cả tăng và kinh tế đi xuống càng rõ ràng hơn vào sáng thứ Sáu sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 34% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Thông tin này đã làm lu mờ một báo cáo việc làm hàng tháng tích cực của Mỹ. Các doanh nghiệp đã tạo thêm 228.000 việc làm trong tháng Ba – vượt kỳ vọng gần 90.000 – và tỷ lệ thất nghiệp gần như không đổi ở mức 4,2%.
Nhà Trắng đã ra tuyên bố nói rằng báo cáo việc làm cho thấy “khu vực tư nhân đang phục hồi mạnh mẽ” dưới thời Trump.
Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 2.000 điểm, tương đương khoảng 5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq – chỉ số tập trung vào công nghệ – đều giảm hơn 5%.
“Chúng ta vẫn nên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế có thể bắt đầu chịu áp lực giảm thêm,” Torsten Slok, kinh tế trưởng tại công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management, nói trong một buổi họp với khách hàng. “Chúng tôi cho rằng có khả năng đáng kể là chúng ta sẽ rơi vào suy thoái vào thời điểm hiện tại.”
Nhà Trắng vẫn giữ lập trường cứng rắn, khẳng định rằng các rào cản thương mại sẽ hỗ trợ nền kinh tế về lâu dài, dù gây ra một số khó khăn trong ngắn hạn. Trump nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng các mức thuế “đang diễn ra rất tốt” và tuyên bố “thị trường sẽ bùng nổ”.
Sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa, Trump đăng trên Truth Social rằng “CHÍNH SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI. ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM TUYỆT VỜI ĐỂ LÀM GIÀU, GIÀU HƠN BAO GIỜ HẾT!!!”
Phiên mở cửa ảm đạm của thị trường chứng khoán ngày thứ Sáu nối tiếp phiên giao dịch tồi tệ hôm thứ Năm, khi cổ phiếu Mỹ ghi nhận mức giảm trong một ngày tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Các nhà phân tích cảnh báo rằng mức thuế cơ bản 10% của Trump cùng với các mức thuế “đối ứng” nhằm vào hàng chục đối tác thương mại lớn có thể gây tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng. Đảng Cộng hòa đang chuẩn bị đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội. Đảng Dân chủ thì sẵn sàng tấn công.
“Đôi khi rất khó để giúp người dân hiểu hết mối liên hệ giữa các vấn đề,” Hạ nghị sĩ Nydia Velázquez từ bang New York, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Doanh nghiệp Nhỏ của Hạ viện, nói. Với thuế quan, “đó là vấn đề thực phẩm, quần áo, tiền thế chấp. Là lãi suất. Tất cả những điều đó sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.”
Nguy cơ suy thoái kinh tế có thể càng làm suy yếu vị thế của Trump trong mắt các cử tri, những người đã bắt đầu nghi ngờ chương trình nghị sự của ông. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố cùng ngày với thông báo áp thuế cho thấy chỉ 37% cử tri ủng hộ cách Trump điều hành nền kinh tế. Các khảo sát kinh tế được trích dẫn rộng rãi như chỉ số niềm tin của Conference Board và chỉ số tâm lý của Đại học Michigan đều ghi nhận sự sụt giảm giữa lúc lo ngại gia tăng về lạm phát trong tương lai và sự bất định trong chính sách.
Nếu tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiếp diễn và khiến chi tiêu tiêu dùng giảm – vốn chiếm hơn hai phần ba GDP – điều đó có thể khiến các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư và tinh giản lực lượng lao động.
El-Erian cho biết phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp mà ông trò chuyện kể từ khi Trump công bố các mức thuế cho rằng họ có thể phải cắt giảm chi phí do lo ngại doanh thu sụt giảm.
Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Trump trong việc đàm phán với các quốc gia mà chính quyền ông coi là hành xử không công bằng.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng “sự chảy máu” của thị trường chứng khoán có thể tiếp diễn nếu các chính phủ nước ngoài trả đũa hoặc nếu các dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế đang đứng trên nền tảng yếu khi các mức thuế bắt đầu có hiệu lực.
“Nếu chúng ta bị trả đũa — đặc biệt là trên quy mô lớn — từ các đối tác thương mại quan trọng trong những ngày tới, đó có thể là chất xúc tác khiến thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc,” Rebecca Patterson, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu chiến lược gia trưởng về đầu tư tại quỹ phòng hộ Bridgewater Associates, cho biết. “Càng thấy cuộc chiến thương mại kéo dài, càng thấy dữ liệu khẳng định một môi trường đình lạm, thì càng nhiều người sẽ chọn đứng ngoài cuộc.”
Khả năng suy thoái toàn cầu gia tăng sau chính sách thuếJ.P.Morgan đã nâng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ và toàn cầu lên 60%, trong bối cảnh các công ty môi giới đua nhau điều chỉnh mô hình dự báo do lo ngại các mức thuế mới sẽ làm suy giảm niềm tin kinh doanh và làm chậm tăng trưởng toàn cầu. Chính quyền Trump đã áp thuế lên hàng chục quốc gia vào đầu tuần này. Trung Quốc sau đó đã đáp trả vào ngày thứ Sáu bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang và gây xáo trộn các thị trường tài chính toàn cầu. J.P.Morgan cho biết họ hiện thấy khả năng nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào cuối năm là 60%, tăng từ mức 40% trước đó. “Các chính sách gây gián đoạn của Mỹ đã được công nhận là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng toàn cầu trong suốt năm qua,” công ty này cho biết trong một thông báo hôm thứ Năm, đồng thời nhận định chính sách thương mại của Mỹ đã trở nên kém thân thiện với doanh nghiệp hơn so với kỳ vọng. “Tác động… sẽ bị khuếch đại thông qua việc trả đũa thuế quan, sự sụt giảm trong niềm tin kinh doanh tại Mỹ và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.” S&P Global cũng đã nâng mức xác suất “chủ quan” của một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ lên mức từ 30% đến 35%, so với 25% vào tháng 3. Tuần trước, trước khi Trump công bố mức thuế ngày 2 tháng 4, Goldman Sachs cũng đã nâng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ lên 35% từ mức 20%, lưu ý rằng các yếu tố nền tảng kinh tế hiện không còn mạnh như những năm trước. HSBC hôm thứ Năm cho biết câu chuyện về suy thoái sẽ ngày càng được chú ý, nhưng lưu ý rằng một phần điều này đã được thị trường tính đến. “Thị trường cổ phiếu đã đánh giá khoảng 40% khả năng xảy ra suy thoái vào cuối năm,” các nhà phân tích của HSBC nói thêm. Các tổ chức nghiên cứu khác bao gồm Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có nguy cơ cao hơn rơi vào suy thoái trong năm nay nếu các mức thuế mới của Trump vẫn được giữ nguyên. Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong ngày thứ Sáu – phiên giảm thứ hai liên tiếp – sau tuyên bố áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Barclays và UBS cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào vùng suy giảm, trong khi các nhà phân tích khác dự báo mức tăng trưởng kinh tế dao động trong khoảng 0,1% đến 1%. Thị trường cổ phiếu Mỹ từng tăng mạnh vào tháng 11 sau khi Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ hai, do kỳ vọng vào các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ sau tuyên bố áp thuế của Trump vào tháng 1, ba tháng qua là quãng thời gian ảm đạm đối với các chỉ số chính của phố Wall, với chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 8% tính đến thời điểm này trong năm. Các công ty môi giới như Barclays, Goldman, RBC và Capital Economics đã đồng loạt hạ mục tiêu cuối năm cho thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi UBS hạ khuyến nghị từ “hấp dẫn” xuống “trung lập.” Capital Economics đã hạ mục tiêu cho chỉ số S&P 500 xuống 5.500 – thấp nhất trong số các công ty môi giới lớn – theo sát là RBC với mức dự báo 5.550. Hoàng Sơn (Theo Reuters) |
Hi vọng cắt giảm lãi suất
Dù thuế quan có thể làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế, một số nhà phân tích kỳ vọng điều này có thể tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm thêm lãi suất để kích thích hoạt động kinh tế.
J.P.Morgan cho biết cú sốc thuế quan có thể được “giảm nhẹ phần nào” nhờ kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới.
Goldman dự báo sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất trước cuối năm, so với kỳ vọng chỉ hai đợt trước khi Trump công bố thuế hồi đầu tuần.
Năm nay, Nomura và RBC lần lượt dự báo một và ba lần cắt giảm lãi suất, so với mức kỳ vọng là không có đợt nào trước đó. UBS cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ 75 đến 100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm 2025.
Citigroup giữ nguyên dự báo sẽ cắt giảm tổng cộng 125 điểm cơ bản bắt đầu từ tháng 5, trong khi J.P.Morgan vẫn giữ kỳ vọng hai đợt cắt giảm, mỗi đợt 25 điểm cơ bản. Theo dữ liệu do LSEG tổng hợp, nhà đầu tư kỳ vọng mức cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm 2025.
Đánh giá khả năng xảy ra suy thoái Mỹ
Công ty môi giới | Trước mức thuế mới của Trump | Sau mức thuế mới của Trump |
J.P.Morgan | 40% | 60% |
Goldman Sachs | 20% | 35% |
S&P Global | 25% | 30–35% |
HSBC | – | 40% |
Văn phòng của J.P.Morgan ở khu tài chính Canary Wharf, London, Anh. Ảnh: Reuters