
Những biểu đồ và điểm số xuất hiện, như thể chương trình The Price Is Right (Tìm Giá Đúng) đã đến Washington. Giải thưởng lớn là gì? Đó là một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Vào một ngày se lạnh bất thường tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Donald Trump đứng bên cạnh một bảng biểu khổng lồ, liệt kê các mức thuế quan mà ông sẽ áp đặt lên Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và những đối thủ xui xẻo khác.
Người chiến thắng?
Dĩ nhiên là Trump, bậc thầy của chủ nghĩa dân túy giả tạo (maestro of fake populism), trước sự chứng kiến của một đám đông gồm những người đàn ông đội mũ bảo hộ và mặc áo phản quang của công nhân xây dựng.
Người thua cuộc?
Tất cả những ai còn lại.
Lo ngại về một dòng tít xấu, Trump không muốn “ngày giải phóng” của mình trùng với Cá tháng Tư, nên ông đã đợi đến ngày 2 tháng 4 để bước vào thiên đường của riêng mình. Nhưng thực tế, đó là ngày giải phóng cho những mối hận thù kéo dài hàng thập kỷ của ông về việc nước Mỹ bị bóc lột, khi Trump giơ hai ngón tay đầy thách thức với cả thế giới.
“Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta đã bị cướp bóc, tàn phá, hãm hiếp và cướp đoạt bởi các quốc gia gần xa – cả bạn lẫn thù,” tổng thống tuyên bố trước phông nền là chín lá cờ Mỹ khổng lồ ở hàng cột Nhà Trắng. “Những kẻ gian lận nước ngoài đã tàn phá các nhà máy của chúng ta, những kẻ ăn bám ngoại quốc đã xé nát giấc mơ Mỹ từng tươi đẹp của chúng ta.”
Ông hướng ánh nhìn về phía các công nhân ngành thép, công nhân ô tô, nông dân và thợ thủ công có mặt trong đám đông – những lao động tay chân (blue-collar workers), lực lượng trung tâm trong sự trỗi dậy chính trị của Trump. Những thị trấn công nghiệp của họ ở Trung Tây và nhiều nơi khác đã bị suy tàn bởi các chính sách thương mại dưới thời Ronald Reagan và Bill Clinton, khiến hàng ngàn việc làm bị chuyển ra nước ngoài do chi phí lao động rẻ hơn.
Trump không thể tự thừa nhận rằng “ngày giải phóng” của ông chính là sự từ bỏ cuối cùng đối với Reagan – người vẫn được tôn sùng trong giới Cộng hòa. Nhưng ông đã đóng cọc nhọn xuyên qua trái tim của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994, gọi đây là “thỏa thuận thương mại tệ hại nhất từng có.”
Trong cuộc nổi dậy chống toàn cầu hóa năm 2016, những công nhân bị lãng quên đáng lẽ có thể bỏ phiếu cho chủ nghĩa dân túy cánh tả của Bernie Sanders, nhưng ông đã thua Hillary Clinton trong cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ.
Thay vào đó, nhiều người đã chọn Trump, tin vào những lời hứa rằng chỉ có ông mới có thể sửa chữa mọi thứ, chấm dứt cảnh tàn phá nước Mỹ và khôi phục những nhà máy từng sầm uất. Nhưng thực tế, ông chỉ mang lại một hóa đơn thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, cắt giảm thuế chủ yếu cho các tập đoàn và giới giàu có.
Nhiều công nhân sau đó đã quay lại với đảng Dân chủ, bầu cho Joe Biden vào năm 2020. Biden đã đầu tư vào ngành sản xuất – chẳng hạn với Đạo luật Khoa học và Chip, một dự luật lưỡng đảng trị giá 52 tỷ USD nhằm phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn.
Thế nhưng, đến năm 2024, con lắc lại xoay chiều một lần nữa.
Bằng cách nào đó, một tỷ phú Manhattan có tiền án hình sự lại một lần nữa thuyết phục được các công nhân áo xanh rằng ông đứng về phía họ. Ông tuyên bố có thể vung thuế quan (tức là các loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu), thứ mà ông gọi là “từ đẹp nhất trong tiếng Anh,” như thể một cây đũa thần (magic wand).
Nhưng thực tế, điều này sẽ dẫn đến giá cả cao hơn và tăng trưởng chậm lại. Thủ hiến Ontario, Doug Ford, gọi đây không phải là “ngày giải phóng” mà là “ngày kết liễu” (not liberation day but termination day) vì số lượng công việc bị mất đi. Trump chơi với thuế quan chẳng khác nào một đứa trẻ nghịch diêm (a child playing with matches).
Khi chuẩn bị ký sắc lệnh áp thuế đối với khoảng 60 quốc gia, Trump tuyên bố đây là lúc “trả đũa”: “Có đi có lại: nghĩa là họ làm với chúng ta thế nào, chúng ta làm với họ thế ấy. Rất đơn giản. Không thể đơn giản hơn được nữa. Đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, theo ý tôi. Đây là tuyên ngôn độc lập về kinh tế của chúng ta.”
Thật kỳ lạ khi nghe một nhà lãnh đạo của quốc gia giàu mạnh nhất thế giới nói những lời đó, khi ông đánh thuế cả những nước như Ethiopia, Haiti và Lesotho.
“Trong nhiều năm, những công dân Mỹ chăm chỉ đã buộc phải ngồi ngoài lề, trong khi các quốc gia khác trở nên giàu có và hùng mạnh – phần lớn là nhờ vào sự hy sinh của chúng ta. Nhưng giờ là lúc chúng ta phát triển … Hôm nay, chúng ta đứng lên vì người lao động Mỹ và cuối cùng đặt nước Mỹ lên trên hết,” Trump tuyên bố.
Ngay cả vậy, Trump vẫn khẳng định mình đã “nhẹ tay” vì không áp mức thuế “có đi có lại” hoàn toàn. Ông gọi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick lên sân khấu, yêu cầu mang bảng biểu đến và bắt đầu đọc điểm số như một chương trình trò chơi (gameshow):
“Trung Quốc, hàng đầu tiên. Trung Quốc, 67%. Đó là mức thuế mà họ đánh vào Mỹ, bao gồm cả thao túng tiền tệ và các rào cản thương mại. Nên chúng ta sẽ áp mức thuế có đi có lại, nhưng giảm giá, là 34%. Ý tôi là, họ đánh thuế chúng ta, chúng ta đánh thuế họ, nhưng chúng ta đánh thuế ít hơn. Thế thì ai có thể phàn nàn được chứ?
“Liên minh châu Âu, họ rất cứng rắn – rất, rất cứng rắn. Bạn nghĩ EU thân thiện ư? Họ lừa chúng ta. Thật đáng buồn, thật đáng xấu hổ. Ba mươi chín phần trăm. Chúng ta sẽ đánh thuế họ 20%, tức là chỉ bằng một nửa.”
Rồi ông tiếp tục: “Việt Nam: những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi, tôi thích họ. Vấn đề là họ đánh thuế chúng ta 90%. Chúng ta đánh thuế họ 46%.”
Đài Loan, Nhật Bản (“rất, rất cứng rắn, nhưng con người tuyệt vời”), Thụy Sĩ, Indonesia, Malaysia, Campuchia, và cuối cùng là Vương quốc Anh: “Mười phần trăm, và chúng ta cũng sẽ áp 10%, nên chúng ta sẽ làm điều tương tự.”
Sau khi đọc xong các con số, Trump lại bắt đầu lảm nhảm, như thể đang ở một buổi vận động tranh cử:
“Giá trứng đã giảm 59% rồi, và còn giảm nữa. Họ từng nói rằng Lễ Phục sinh này, đừng dùng trứng thật mà hãy dùng trứng nhựa. Tôi nói, chúng ta không làm vậy.”
Và: “Đó là một thuật ngữ cũ kỹ nhưng rất đẹp: hàng tạp hóa. Nó gợi lên hình ảnh một túi chứa nhiều thứ khác nhau. Giá hàng tạp hóa đã tăng vọt, và tôi đã vận động tranh cử dựa trên điều đó. Tôi đã nói rất nhiều về từ ‘hàng tạp hóa,’ và bây giờ chi phí năng lượng đã giảm. Giá hàng tạp hóa cũng giảm.”
Kết quả là gì? Một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nước Mỹ sắp phát hiện ra rằng thứ duy nhất nguy hiểm hơn một chính trị gia không tin vào gì cả chính là một chính trị gia tin vào điều ngu ngốc.
Thuế đối ứng: Việt Nam chịu mức thuế cao nhất-46%
Tổng thống Trump công bố các mức thuế mới trên diện rộng, bao gồm các biện pháp được gọi là “có đi có lại” đối với hàng chục quốc gia khác với mức rất cao. Việt Nam sẽ chịu mức thuế cao nhất là 46%, so với 37% với Thái Lan và 34% với Trung Quốc.
Mức thuế mới đối với một số quốc gia
Quốc gia | Thuế mới | Tỷ trọng nhập khẩu vào Mỹ | Cán cân thương mại |
Liên minh châu Âu | +20% | 18,5% | –241 tỷ USD |
Trung Quốc | +34% | 13,4% | –292 tỷ USD |
Nhật Bản | +24% | 4,5% | –69 tỷ USD |
Việt Nam | +46% | 4,2% | –123 tỷ USD |
Hàn Quốc | +26% | 4,0% | –66 tỷ USD |
Đài Loan | +32% | 3,6% | –74 tỷ USD |
Ấn Độ | +27% | 2,7% | –46 tỷ USD |
Thụy Sĩ | +32% | 1,9% | –39 tỷ USD |
Thái Lan | +37% | 1,9% | –46 tỷ USD |
Malaysia | +24% | 1,6% | –25 tỷ USD |
Nguồn: Nhà Trắng, Observatory of Economic Complexity
Ghi chú: Số liệu về cán cân thương mại và tỷ trọng nhập khẩu dựa trên dữ liệu thương mại năm 2024.
Chiều thứ Tư, tức sáng sớm thứ Năm giờ Việt Nam, Tổng thống Trump công bố các mức thuế mới trên diện rộng, trong đó áp dụng mức thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các đối tác thương mại, cùng với các biện pháp “có đi có lại” đối với hàng chục quốc gia, bao gồm một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Trong tuyên bố về mức thuế mới – phạm vi rộng nhất từ trước đến nay của ông – ông Trump cho rằng các mức thuế toàn cầu này sẽ giúp điều chỉnh lại những mối quan hệ bất công kéo dài hàng thập kỷ và ngăn chặn các quốc gia khác “bóc lột” nước Mỹ.
Ví dụ, Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế 34%, bao gồm cả khoản thuế nhập khẩu chung đã được áp dụng trước đó trong năm nay. Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị đánh thuế gần 50%.
“Nếu bạn muốn mức thuế bằng 0,” ông Trump tuyên bố bên ngoài Nhà Trắng vào thứ Tư, “thì hãy sản xuất sản phẩm của bạn ngay tại Mỹ.”
Đáng chú ý, Mexico và Canada không xuất hiện trong thông báo hôm thứ Tư, là hai nước mà Mỹ từ lâu đã có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ miễn trừ khỏi các biện pháp thương mại lần này, cho thấy chính sách của ông Trump đang ngày càng bao trùm và toàn diện hơn.
Nhiều sản phẩm từ hai quốc gia này đã bị ảnh hưởng bởi các mức thuế được công bố trước đó, bao gồm thuế đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài, sẽ có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Năm theo giờ miền Đông. Canada, chẳng hạn, là một nhà sản xuất lớn về ô tô và linh kiện ô tô xuất khẩu sang Mỹ. Tất cả các phương tiện hoàn thiện từ hai quốc gia này giờ đây sẽ phải chịu mức thuế 25%.
Trump tại Vườn Hồng Nhà Trắng. Ảnh: Reuters