Tổng thống Donald Trump đã hứa áp thuế, và thời điểm đó chỉ còn một ngày nữa. Cụ thể, chính sách thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi công bố, Nhà Trắng tuyên bố vào hôm thứ Ba.
Mặc dù nhiều chi tiết vẫn chưa được tiết lộ, có lẽ ngay cả với chính Trump, nhưng thông báo về chính sách thương mại “Ngày Giải Phóng” của chính quyền ông được dự đoán là động thái áp thuế mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của vị tổng thống bị ám ảnh với thuế quan nhất trong lịch sử hiện đại.
Trump đã họp với nhóm thương mại của mình, và các mức thuế mà ông công bố trong buổi lễ tại Vườn Hồng vào 4 giờ chiều thứ Tư theo giờ miền Đông (tức 4:00 sáng thứ Năm giờ Việt Nam) sẽ có hiệu lực “ngay lập tức,” Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ như một giải pháp chung cho hầu hết mọi vấn đề. Và ông đã thực hiện lời hứa của mình – đến mức khiến các nhà đầu tư, các nhà kinh tế, các CEO và một bộ phận ngày càng lớn trong dân chúng lo ngại rằng thuế nhập khẩu có thể gây hại nhiều hơn lợi.
Tuy nhiên, những chính sách thuế quan mà Trump đã đe dọa có thể chưa là gì so với những hậu quả sắp tới.
Tối thứ Hai, Trump nói với các phóng viên rằng ông đã “chốt” một kế hoạch (“settled” on a plan) áp thuế mới quy mô lớn, dự kiến công bố vào giữa tuần, khiến một số quan chức Nhà Trắng bất ngờ. Nếu Trump thực sự đã “chốt” lại, đã đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế, thì thông tin đó vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong nội bộ chính quyền.
Vẫn chưa rõ liệu Trump có áp mức thuế riêng lẻ đối với tất cả đối tác thương mại của Mỹ, hay chỉ áp thuế lên một số quốc gia, hay áp dụng một mức thuế chung – có thể lên tới 20% – đối với tất cả hàng nhập khẩu. Các cố vấn của Trump công khai ủng hộ chính sách thuế quan của ông, nhưng đằng sau hậu trường, họ có quan điểm khác nhau về cách thực hiện và phạm vi áp dụng.
Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nếu Trump áp thuế chung 20% và các quốc gia khác đáp trả toàn diện đối với hàng hóa Mỹ, đó sẽ là “kịch bản tồi tệ nhất” đối với nền kinh tế Mỹ.
Một cuộc “xóa sổ” kinh tế
Một mô phỏng từ Moody’s cho thấy nếu căng thẳng thương mại leo thang như vậy, Mỹ có thể mất 5,5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7% và GDP giảm 1,7% từ đỉnh đến đáy.
“Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đó sẽ là một cú xóa sổ đối với nền kinh tế (a wipeout for the economy),” Zandi nói, đồng thời cho rằng Trump có thể sẽ công bố một chính sách thuế quan ít cực đoan hơn để tránh hậu quả nặng nề.
Dù cuối cùng Trump công bố mức thuế ra sao, tất cả các phương án đều có thể trở thành dấu mốc lịch sử.
“Chúng ta chưa từng chứng kiến điều gì tương tự. Đây là một động thái chưa có tiền lệ và mang tính cực đoan,” Erica York, Phó Chủ tịch chính sách thuế liên bang tại Tax Foundation – một tổ chức tư vấn có xu hướng bảo thủ, nhận xét.
Trong khi các tổng thống trước đây từng áp thuế lên thép, lốp xe, ô tô điện hoặc một số mặt hàng khác, York cho rằng những biện pháp đó “không thể so sánh” với những gì Trump chuẩn bị công bố vào thứ Tư.
Có nhiều khả năng khác nhau về cách thông báo “Ngày Giải Phóng” của Trump sẽ diễn ra. Một phương án được đề xuất là áp thuế đối ứng trước tiên đối với “Dirty 15” – tức 15% các quốc gia gây ra thâm hụt thương mại lớn nhất cho Mỹ. Đề xuất này, do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đưa ra, có thể làm leo thang đáng kể cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, nhiều chi tiết quan trọng của thông báo vẫn chưa rõ ràng, bao gồm mức thuế cụ thể sẽ áp dụng là bao nhiêu và đối với những mặt hàng nào.
Thuế quan đối với toàn bộ 3.300 tỷ USD hàng nhập khẩu?
Trump đã gạt bỏ ý tưởng áp thuế đối với nhóm “Dirty 15” và thay vào đó ủng hộ một kế hoạch rộng lớn hơn nhiều.
“Chúng ta sẽ bắt đầu với tất cả các quốc gia, vậy hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra,” Trump nói hôm Chủ Nhật. “Tôi chưa từng nghe tin đồn nào về 15 quốc gia hay 10 hoặc 15 gì cả.”
Điều đó cho thấy thuế quan “Ngày Giải Phóng” của Trump không mang tính đối ứng mà sẽ mang tính phổ quát, như lời hứa tranh cử (khiến giới kinh tế lo lắng) về việc áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia.
Nói cách khác, mức thuế này sẽ áp dụng lên khoảng 3,3 nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu, theo dữ liệu thương mại năm 2024.
Điều này khác xa so với những gì Trump từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong suốt bốn năm đầu tiên ở Nhà Trắng, Trump đã áp thuế lên khoảng 380 tỷ USD hàng nhập khẩu, theo Tax Foundation.
‘Chưa từng thấy một cuộc chiến thương mại nào như thế này kể từ thời McKinley’
Lần áp thuế này có quy mô lớn hơn gần 10 lần so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, gợi nhớ đến chính sách bảo hộ của Tổng thống William McKinley, người đã tăng thuế nhập khẩu lên khoảng 50% vào những năm 1890.
Hơn nữa, thuế quan mới của Trump được áp dụng bổ sung thêm vào chính sách thương mại quyết liệt mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ này.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, Trump đã tăng thuế đối với Trung Quốc thêm 20%, áp thuế 25% có giới hạn đối với Canada và Mexico, và tăng thuế đối với thép và nhôm lên 25%
Các mức thuế trong nhiệm kỳ hai của Trump đã ảnh hưởng đến hơn 1 nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu, tức hơn gấp đôi con số trong toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên, theo Tax Foundation. Nếu các miễn trừ thuế đối với Canada và Mexico hết hiệu lực trong những ngày tới, con số này có thể tăng lên 1,4 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, Trump dường như không bị lung lay bởi những lo ngại ngày càng gia tăng từ cả Phố Chính (Main Street, ý nói nền kinh tế nói chung) lẫn Phố Wall (Wall Street) về chiến lược thuế quan của mình.
Niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm, lo ngại về thất nghiệp gia tăng, và kỳ vọng lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
“Người dân có xu hướng kỳ vọng giá cả sẽ tăng vì chúng ta chưa từng chứng kiến một cuộc chiến thương mại nào như thế này kể từ thời McKinley,” Art Hogan, chiến lược gia trưởng của B. Riley Wealth Management, nhận định.
Lo ngại suy thoái và đình lạm
Trước thềm “Ngày Giải Phóng,” thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc mạnh khi nhà đầu tư cố gắng giải mã kế hoạch thương mại của Trump.
“Sự không chắc chắn về thuế quan đã bóp nghẹt thị trường một cách bất ngờ,” Anthony Saglimbene, chiến lược gia trưởng tại Ameriprise, viết trong một báo cáo hôm thứ Hai.
Phố Wall ngày càng lo lắng rằng kế hoạch thương mại của Trump sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, có thể chấm dứt giai đoạn tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ năm 2020 sau cú sụp đổ do đại dịch Covid-19.
“Tổng thống Donald Trump có muốn một cuộc suy thoái không? Nếu tiếp tục theo đuổi chính sách thuế quan hỗn loạn này, ông ấy sẽ có được điều đó,” Ed Yardeni, Chủ tịch công ty chiến lược đầu tư Yardeni Research, viết trong một báo cáo hôm thứ Hai. “Thật đáng xấu hổ khi Trump lại sẵn sàng dùng búa tạ phá hoại nền kinh tế.”
Yardeni đã nâng khả năng xảy ra kịch bản đình lạm (lạm phát cao kèm suy thoái nhẹ) lên 45%, tăng từ 35% trước đó.
Mặc dù Trump đã tuyên truyền mạnh mẽ về thuế quan trong chiến dịch tranh cử, nhưng các nhà đầu tư và kinh tế học dường như vẫn bị bất ngờ trước mức độ nghiêm túc của ông trong việc thực hiện chúng. Nhiều người trước đây từng coi các tuyên bố của Trump về thuế quan chỉ là một chiến thuật đàm phán (negotiating tactic) hoặc lời hăm dọa suông.
Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng Goldman Sachs phải điều chỉnh lại dự báo thuế quan của mình. Ngân hàng này hiện cho rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ trong vòng 12 tháng tới là 35%, tăng từ 20% trước đó.
Nhà Trắng đã bác bỏ những lo ngại về sự xáo trộn thị trường và kinh tế trong ngắn hạn, lập luận rằng những nỗ lực của Trump sẽ mang lại lợi ích lâu dài.
“Tổng thống sẽ công bố một kế hoạch thuế quan nhằm xóa bỏ các hành vi thương mại không công bằng đã làm tổn hại đến đất nước chúng ta suốt nhiều thập kỷ. Ông ấy đang làm điều này vì lợi ích tốt nhất của người lao động Mỹ,” Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên hôm thứ Hai.
Dĩ nhiên, Trump cũng từng áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, và khi đó, nền kinh tế Mỹ không rơi vào đình lạm hay suy thoái (mặc dù nó đã suy yếu khi đại dịch xảy ra).
Nhưng thế giới hiện nay rất khác. Lạm phát đang cao hơn nhiều, lãi suất cũng vậy. Các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều nhạy cảm hơn với những thay đổi về giá cả.
Và lần này, những gì Trump đang làm còn quyết liệt hơn nhiều.
“Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, có thể người dân bình thường không cảm nhận được tác động của thuế quan trong cuộc sống hàng ngày,” York, Giám đốc điều hành tại Tax Foundation, nhận xét. “Nhưng những gì đang diễn ra bây giờ lớn đến mức không thể không nhận ra.”
Một đại lý xe Toyota ở El Monte, California. Giá xe sẽ tăng mạnh do chính sách thuế của Trump. Ảnh: AP
Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu
Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng khi thuế quan leo thang đe dọa kìm hãm tăng trưởng, làm tái bùng phát lạm phát và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao, theo Goldman Sachs. Ngân hàng Phố Wall này đã cảnh báo khách hàng vào tối Chủ nhật rằng họ hiện đánh giá khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 35%, tăng từ mức 20% trước đó. Mặc dù Goldman Sachs vẫn kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái, một số nhà dự báo khác cho rằng khả năng này là 50/50. Đây là mức xác suất suy thoái cao nhất của Goldman kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hai năm trước. Yếu tố thúc đẩy lần này là cú sốc từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Goldman Sachs quy trách nhiệm cho “sự suy giảm mạnh mẽ gần đây trong niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng với những tuyên bố từ các quan chức Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận suy yếu kinh tế ngắn hạn để theo đuổi các chính sách này,” các nhà kinh tế của ngân hàng viết trong báo cáo. Niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm trong những tháng gần đây. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, công bố hôm thứ Sáu, cho thấy tỷ lệ người Mỹ dự đoán thất nghiệp gia tăng cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, trong khi kỳ vọng lạm phát chạm mức cao nhất trong 32 năm. Goldman Sachs hiện dự báo lạm phát cơ bản sẽ ở mức 3,5% vào cuối năm, tăng so với mức dự báo trước đó là 3%. Lạm phát cơ bản đã tăng lên 2,8% vào tháng Hai, theo thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thường sử dụng. Trong khi đó, J.P. Morgan Research đã nâng xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu vào năm 2025 lên 40%, tăng từ mức 30% vào đầu năm. “Chúng tôi hiện thấy rủi ro suy thoái toàn cầu cao hơn đáng kể. Việc chính quyền Mỹ thay đổi cách áp dụng chính sách thuế quan và tác động tiềm tàng đến tâm lý thị trường đã góp phần làm gia tăng rủi ro này,” Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại J.P. Morgan, cho biết. Sự suy giảm tăng trưởng ở Mỹ có thể lan rộng ra phần còn lại của thế giới. Phân tích của J.P. Morgan Research chỉ ra rằng mức độ tác động thông thường của một cú sốc GDP Mỹ đối với kinh tế toàn cầu là xấp xỉ 1:1. “Một cuộc suy thoái do Mỹ dẫn dắt có thể gây ra tác động phi tuyến tính, ảnh hưởng mạnh đến điều kiện tài chính và làm suy yếu tăng trưởng của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu (EMU). Trong khi điều này có thể khiến Mỹ mất đi lợi thế tăng trưởng vượt trội, thì một cuộc suy thoái toàn cầu không phải là lý do để kỳ vọng vào sự dịch chuyển tích cực trong tăng trưởng,” Kasman kết luận. Ngoài ra, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng đang xấu đi, giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng 3, theo một khảo sát gần đây của Đại học Michigan. “Mối liên kết giữa niềm tin tiêu dùng và chi tiêu khá yếu trong giai đoạn tăng trưởng này, và chúng tôi không kỳ vọng chi tiêu sẽ sụt giảm chỉ do tâm lý, trừ khi thu nhập thực tế bị thu hẹp. Ở đây, rủi ro ngắn hạn chính là nguy cơ lạm phát làm giảm sức mua,” Kasman lưu ý. (Theo CNN, https://www.jpmorgan.com)
|