Các công ty robot của Mỹ đang thúc đẩy một chiến lược robot quốc gia, bao gồm việc thành lập một cơ quan liên bang tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp này, trong bối cảnh Trung Quốc đang coi robot thông minh là ưu tiên quốc gia.
Đại diện của nhiều công ty – bao gồm Tesla, Boston Dynamics và Agility Robotics – đã gặp gỡ các nhà lập pháp tại Đồi Capitol tuần qua để giới thiệu sản phẩm và kêu gọi Mỹ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát triển thế hệ robot tiếp theo.
Jeff Cardenas, đồng sáng lập và CEO của startup robot hình người Apptronik tại Austin, Texas, nhắc nhở các nhà lập pháp rằng chính nhà sản xuất ô tô Mỹ General Motors là đơn vị đầu tiên triển khai robot công nghiệp tại một nhà máy lắp ráp ở New Jersey vào năm 1961. Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã để mất vị thế dẫn đầu vào tay Nhật Bản – quốc gia vẫn là cường quốc về robot công nghiệp, cùng với châu Âu.
Cuộc đua robot tiếp theo sẽ được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và là cơ hội mở cho bất kỳ ai, Cardenas nói trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc họp kín. “Tôi nghĩ Mỹ có cơ hội lớn để chiến thắng. Chúng ta đang dẫn đầu về AI và đang chế tạo một số robot tốt nhất thế giới. Nhưng nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế, chúng ta cần một chiến lược quốc gia.”
Hiệp hội Tự động hóa Nâng cao cho biết một chiến lược quốc gia sẽ giúp các công ty Mỹ mở rộng sản xuất và thúc đẩy việc ứng dụng robot như một “hiện thân vật lý (physical manifestation)” của AI. Hiệp hội này nhấn mạnh rằng Trung Quốc và một số quốc gia khác đã có sẵn kế hoạch cho lĩnh vực này.
Nếu không có sự lãnh đạo phù hợp, “Mỹ sẽ không chỉ thua trong cuộc đua robot mà còn cả cuộc đua AI,” hiệp hội cảnh báo.
Tổ chức này cũng đề xuất các ưu đãi thuế để thúc đẩy việc ứng dụng robot, cùng với các chương trình đào tạo được chính phủ tài trợ và nguồn quỹ dành cho nghiên cứu học thuật cũng như đổi mới thương mại. Theo hiệp hội, một cơ quan liên bang về robot là điều cần thiết, một phần vì “sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng” và “trình độ công nghệ ngày càng tinh vi.”
Trung Quốc đổ nguồn lực vào robot thông minh
Dân biểu Raja Krishnamoorthi, một nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Illinois, cho rằng Mỹ vẫn đang dẫn đầu nhưng các công ty Trung Quốc “rất giỏi” và nước này đang “đổ nguồn lực vào lĩnh vực này một cách rất nhanh chóng.”
“Vì vậy, chúng ta cần duy trì đổi mới và bảo tồn văn hóa khởi nghiệp của mình,” Krishnamoorthi nói.
Jonathan Chen, quản lý bộ phận Kỹ thuật Optimus của Tesla – đơn vị đang phát triển một robot hình người mà CEO Elon Musk hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa lên sao Hỏa – nhận định rằng năng lực sản xuất sẽ là yếu tố then chốt trong cuộc cạnh tranh quốc gia. “Bạn có thể tạo ra robot, nhưng câu hỏi là ai sẽ mở rộng quy mô sản xuất?” Chen nói.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp, với khoảng 1,8 triệu robot đang hoạt động vào năm 2023, theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) có trụ sở tại Đức.
Các nhà sản xuất robot công nghiệp của Nhật Bản và châu Âu vẫn thống trị thị trường toàn cầu, nhưng thị phần của các công ty Trung Quốc trong nước đã tăng lên 50%, theo IFR.
Việc theo dõi tiến độ của các công nghệ robot mới nổi, chẳng hạn như robot hình người hoặc robot có chân giống động vật, khó hơn do chúng chưa được thương mại hóa rộng rãi. Boston Dynamics – công ty tiên phong trong lĩnh vực robot tại Massachusetts, hiện thuộc sở hữu của hãng xe Hyundai Hàn Quốc – từng dựa vào các khoản tài trợ nghiên cứu quân sự của Mỹ trong nhiều thập kỷ để phát triển các mẫu robot linh hoạt có thể bò và đi bộ.
Giờ đây, Trung Quốc đặt mục tiêu tích hợp robot với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Nước này coi robot hình người là công nghệ tiên phong và đã phê duyệt một quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước hậu thuẫn trị giá 138 tỷ USD để tập trung vào robot, AI và các đổi mới tiên tiến khác.
Hồi đầu năm nay, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã trình diễn đội hình robot nhảy múa trong chương trình gala Tết Nguyên đán. Dàn robot hình người của Unitree – một đối thủ của Boston Dynamics – đã đồng loạt vẫy tay và xoay khăn lụa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc khi Trung Quốc đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực robot hình người để cạnh tranh với Mỹ.
Trong báo cáo công tác thường niên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước này sẽ ưu tiên kết hợp công nghệ số với thế mạnh sản xuất và thị trường, bao gồm phát triển robot thông minh cùng với xe điện kết nối.
Tại cả Mỹ và Trung Quốc, robot hình người – kết hợp trí tuệ nhân tạo với hình dáng giống con người – đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhưng một số chuyên gia trong ngành robot vẫn tỏ ra hoài nghi.
“Chúng tôi không thích robot hình người lắm, vì chúng khá ngớ ngẩn,” Bill Ray, nhà phân tích tại tập đoàn nghiên cứu thị trường Gartner của Anh, nhận xét. “Trông chúng rất ấn tượng, nhưng không thực tế.”
Thay vào đó, Ray quan tâm hơn đến các ứng dụng của “robot đa năng,” chẳng hạn như những cỗ máy có bánh xe có thể nhấc và vận chuyển hàng hóa nặng qua các sân bay, nhưng không hề giống con người. Ông cũng không cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc quốc gia nào giành vị trí dẫn đầu.
“Trong bối cảnh chính trị hiện nay, chúng ta khó có thể thấy các đội robot Trung Quốc làm việc trong nhà máy Mỹ, hay robot Mỹ hoạt động trong nhà máy Trung Quốc,” Ray nói. “Điều đó gần như là hiển nhiên.”
Trong khi đó, Cardenas, người sáng lập công ty Apptronik với robot Apollo – được hậu thuẫn bởi các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia và Google – cho rằng một chiến lược quốc gia tại Mỹ có thể giúp khuyến khích ứng dụng robot, đồng thời thúc đẩy giáo dục thế hệ kỹ sư và nhà khoa học robot tiếp theo.
“Robot hình người sẽ đóng một vai trò quan trọng, cả về mặt ứng dụng thực tế lẫn khả năng khơi gợi trí tưởng tượng của công chúng,” Cardenas nhận định.
Một robot của Tesla được trưng bày khi các công ty robot của Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, tại Đồi Capitol ở Washington ngày 26-3-2025. Ảnh AP