
Bên cạnh những đổi mới mang tính đột phá, các nhà khoa học thế kỷ 21 cũng đã tạo ra không ít thất bại công nghệ, lý thuyết đáng ngờ và những bước đột phá bị thổi phồng quá mức (overhyped breakthroughs). Dưới đây là những cái tên đáng quên nhất.
Metaverse
Nếu bạn không biết metaverse là gì (không trách được, vì nó đã được quảng bá một cách thảm hại), thì đó là thuật ngữ mà Mark Zuckerberg và khoảng bốn người khác dùng để mô tả một loạt công nghệ kết nối lỏng lẻo như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), game thế giới mở, avatar kỹ thuật số và mã sở hữu độc quyền tác phẩm blockchain (NFT).
Nói cách khác, đó là internet 3.0.
Zuckerberg tưởng tượng ra một thế giới số hóa nửa vời, nơi chúng ta có thể làm việc và giao tiếp. Chúng ta sẽ có avatar tham gia các cuộc họp thay cho mình, nhưng vì lý do nào đó, những avatar này lại… không có chân. Bạn có thể mua một căn biệt thự làm bằng pixel thay vì gạch. Kính AR sẽ liên tục ném thông báo vào mắt bạn bằng cách chồng các nội dung trực tuyến lên thế giới thực. Còn với VR, bạn có thể làm bất cứ điều gì hoặc đi bất cứ đâu – miễn là sẵn sàng đeo một cỗ máy nặng trịch, khiến mặt đẫm mồ hôi.
Một số công nghệ này vẫn đang chật vật tồn tại, nhưng nhiều thứ đã chìm vào quên lãng hoặc hoàn toàn đình trệ.
Riêng bộ phận VR của Zuckerberg đã thua lỗ đến 58 tỷ USD kể từ năm 2020. Đừng mong đó chỉ là một cú sảy chân – một cuộc khảo sát với 624 chuyên gia công nghệ cho thấy gần một nửa tin rằng metaverse sẽ không đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả vào năm 2040.
Hyperloop
Dưới góc nhìn kỹ thuật, hyperloop là một phương thức vận chuyển táo bạo, có thể thay đổi thế giới – nếu ai đó thực sự làm cho nó hoạt động được. Ý tưởng là đặt con người và hàng hóa vào một ống thép, sau đó dùng từ trường đẩy họ qua môi trường chân không với tốc độ 1.000 km/h, hy vọng rằng nội tạng của họ không bị xáo trộn.
Elon Musk đã viết một tài liệu về ý tưởng này vào năm 2013, và kể từ đó, nhiều công ty khởi nghiệp cũng như đường chạy thử nghiệm đã mọc lên khắp nơi. Nhưng các nhà phê bình cho rằng Musk đã quá đơn giản hóa việc xây dựng và cơ sở hạ tầng cần thiết để biến hyperloop thành hiện thực.
Thậm chí, có người còn cáo buộc ông đề xuất hyperloop chỉ để làm trật bánh các dự án đường sắt cao tốc, từ đó giúp ích cho Tesla – công ty xe điện của ông.
Dù sự thật có thế nào, một công ty hyperloop của Hà Lan đã thử nghiệm đường ống đầu tiên vào mùa thu năm 2024. Tốc độ tối đa đạt được: 30 km/h.
Xét nghiệm máu đầu ngón tay… để phát hiện ung thư
Nghĩ lớn, thất bại nhanh – phương châm không chính thức của Thung lũng Silicon có thể hiệu quả khi bạn phát triển một nền tảng mạng xã hội mới hay một phần mềm fintech chạy trên blockchain. Nhưng khi Big Tech lấn sân sang lĩnh vực y tế, mạng sống con người bị đặt vào rủi ro.
Bài học cảnh báo lớn nhất đến từ Theranos – công ty tuyên bố đã phát minh ra một xét nghiệm máu có thể thay đổi thế giới. Được đặt tên là Edison, thiết bị cầm tay này được cho là có thể phát hiện hơn 200 loại bệnh, bao gồm ung thư, chỉ từ một giọt máu nhỏ lấy từ đầu ngón tay.
Nhưng thực tế? Hoàn toàn không làm được.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Theranos được định giá 9 tỷ USD. Người sáng lập, Elizabeth Holmes, từng được ca tụng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất lịch sử. Nhưng sau đó, các nhân viên tố giác đã xuất hiện, kéo theo các cuộc điều tra liên bang. Kết quả: Edison cho ra kết quả xét nghiệm không đáng tin cậy.
Một bệnh nhân bị thông báo dương tính với HIV dù thực tế không phải. Một người khác được báo tin sảy thai dù thực ra không hề. Hàng loạt chẩn đoán sai về ung thư và tiểu đường cũng bị phát hiện.
Đến cuối năm 2022, Holmes và cộng sự Ramesh Balwani nhận được “kết quả chẩn đoán” của chính mình: lần lượt 11 và 12 năm tù giam.
Súng in 3D
Khi những chiếc máy in 3D dùng trong gia đình lần đầu xuất hiện trên thị trường, ai cũng mơ về một tương lai như trong Star Trek – nơi có thể tạo ra một ly trà nóng chỉ bằng một nút bấm.
Nhưng chỉ khoảng năm phút sau khi cơn sốt in 3D tại nhà bắt đầu, có kẻ đã nghĩ ra cách tạo ra… một khẩu súng.
Và từ đó, viễn cảnh tương lai của nhân loại không còn giống Star Trek nữa – mà trông giống Kẻ Hủy Diệt hơn.
Nút “thích”
Chúng ta có thể tranh luận cả ngày về ưu và nhược điểm của mạng xã hội, cho đến khi cãi nhau đến mức ghét nhau – mà thực ra, đó cũng chính là lý do mạng xã hội tồn tại. Nhưng có một thứ có lẽ ai cũng đồng ý: nút “thích” hay nút like là một ý tưởng tệ hại.
Ngoài việc tạo ra một loại “tiền tệ xã hội” mới, khiến chúng ta nghiện điện thoại và khao khát sự công nhận từ người lạ, nó còn là cánh cửa để Big Tech thu thập dữ liệu về chúng ta.
Năm 2015, nhà tâm lý học Michal Kosinski phát hiện rằng chỉ cần dựa vào các lượt “thích” trên Facebook, một mô hình máy tính có thể dự đoán tính cách của một người còn chính xác hơn cả bạn bè và gia đình họ.
Có ai biết nút “không thích” ở đâu không?
Hạt vi nhựa
Bằng sáng chế về việc tạo ra hạt vi nhựa (microbeads) đã có từ những năm 1960, và đến đầu những năm 2000, các hạt nhựa nhỏ hơn 1mm này đã tràn ngập trong xà phòng, kem đánh răng và hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm khác – giúp răng trắng hơn, da mịn hơn.
Dĩ nhiên, chúng là một thảm họa môi trường.
Vì quá nhỏ để hệ thống xử lý nước thải lọc được, chúng chảy ra biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn trước khi các lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014. Nhiều khả năng chúng ta cũng đã nuốt phải chúng.
Những năm gần đây, vi nhựa đã được tìm thấy trong não, phổi, tinh hoàn và các cơ quan khác của con người. Dù sao thì, chúng cũng có thể đến từ lốp xe, vỏ cà phê viên nén, bao bì thực phẩm hoặc vô số nguồn khác.
Xe tự cân bằng Segway
Segway từng được kỳ vọng sẽ thay thế ô tô, giống như cách ô tô từng thay thế ngựa – một cuộc cách mạng giao thông mà các nhà đầu tư cho rằng sẽ còn lớn hơn cả internet. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy.
Công ty này đã đánh giá quá cao sự hứng thú của công chúng đối với loại phương tiện di chuyển cá nhân hai bánh, thậm chí chúng còn không được cấp phép lưu thông trên đường ở nhiều nơi. Ngày nay, một số khách du lịch lười đi bộ vẫn sử dụng Segway ở vài thành phố, nhưng phải thừa nhận rằng trông ai cũng hơi kỳ quặc khi đứng trên đó.
Không ai gặp bi kịch với Segway nhiều như doanh nhân người Anh Jimi Heselden, người mua lại Segway Inc. vào năm 2009. Một năm sau, ông qua đời sau khi vô tình lùi xe Segway xuống vách đá.
Kê đơn thuốc giảm đau opioid tràn lan
“Bạn chỉ hơi khó chịu một chút à? Đây, cầm cả lọ thuốc giảm đau siêu gây nghiện đi, khi nào dùng quá liều thì quay lại nhé.”
Chắc chắn không có bác sĩ nào nói y hệt như vậy, nhưng xét tình trạng lạm dụng thuốc opioid, có vẻ như nhiều người trong số họ đã làm điều tương tự.
Từ năm 1998 đến 2016, số đơn thuốc opioid ở Anh đã tăng 127%, theo The Lancet. Mỹ còn ghi nhận mức tăng mạnh hơn, với khoảng 17% dân số từng được kê ít nhất một đơn thuốc opioid.
Đây cũng là một vấn đề toàn cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 60 triệu người đang vật lộn với chứng nghiện opioid. Gần 80% số ca tử vong do ma túy trên thế giới có liên quan đến loại thuốc này.
Việc kê đơn quá mức không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng các chuyên gia y tế công cộng đều đồng ý rằng đó là một tác nhân lớn. Được thúc đẩy bởi các nhân viên kinh doanh từ các công ty dược phẩm lớn, các bác sĩ đã phát đơn thuốc giảm đau mạnh trong những năm đầu thế kỷ 21. Hệ quả? Một vết thương nhức nhối trong lịch sử y tế của nhân loại.
Nghệ thuật NFT
Giới siêu giàu có ổn không? Đây là câu hỏi được đặt ra vào năm 2021, khi các tác phẩm nghệ thuật NFT bắt đầu được bán với giá hàng triệu USD.
NFT (Non-fungible token) là tài sản kỹ thuật số độc nhất được lưu trữ trên blockchain. Với người ngoài cuộc, việc mua NFT trông chẳng khác nào bỏ số tiền mua Lamborghini để sở hữu một file JPEG.
Dự án NFT tai tiếng nhất chính là Bored Ape Yacht Club, từng đạt giá trị 4 tỷ USD vào năm 2022. Đến năm 2023, giá sàn đã giảm 88%. Giá giảm không có nghĩa là bây giờ là thời điểm tốt để đầu tư. Năm 2024, các nhà phân tích tuyên bố rằng 96% bộ sưu tập NFT trên thị trường về cơ bản đã “chết”.
Hộp vật phẩm (loot box) trong game
Theo một nghiên cứu của Harvard Business School, game thủ chi khoảng 15 tỷ USD mỗi năm cho loot box – các vật phẩm trong game giúp nhân vật có trang phục đẹp hơn hoặc vũ khí mạnh hơn. Nghe có vẻ vui đấy.
Nhưng đối với nhiều người chơi, hệ thống mua vật phẩm trong game đã phá hỏng trải nghiệm. Các nhà phê bình cho rằng nhiều trò chơi trên console và di động hiện nay được thiết kế để tối đa hóa doanh thu từ loot box, thay vì tạo ra một lối chơi hấp dẫn.
Muốn tiến xa trong game? Hãy tiếp tục nạp tiền.
Mô hình trả tiền để thắng này thường được so sánh với cờ bạc và có thể khuyến khích hành vi nghiện ngập ở các game thủ trẻ. Giá mà có thể xóa sổ nó luôn khỏi ngành game.
Google Glass
Thật buồn cười khi nhiều sản phẩm “thông minh” lại được thiết kế với lượng trí khôn tối thiểu. Google Glass có lẽ là ví dụ điển hình nhất – một thiết bị đeo trên đầu tồn tại vỏn vẹn hai năm trước khi bị khai tử.
Trông nó chẳng khác gì bước ra từ phim Star Trek. Thiết bị có một màn hình nhỏ xíu đặt cách mắt chỉ vài milimét, cho phép bạn truy cập nội dung trên internet mọi lúc mọi nơi.
Cuối cùng, bạn cũng có thể vừa đi dạo ngắm cảnh vừa đọc email mà không cần dùng tay. Hoặc lướt mạng xã hội khi đang thăm bà ngoại, liên tục cập nhật cho bà về những vụ ly hôn mới nhất của giới sao. Chắc chắn bà sẽ thích lắm.
Google Glass còn có một camera để ghi lại phản ứng của bà – và cả mọi thứ khác, mọi lúc mọi nơi. Nó khiến người ta rùng mình chẳng kém gì việc tạo cơ hội cho các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư tấn công Google không chút nương tay. Google dừng sản xuất vào năm 2015, nhưng gần đây hàng loạt nguyên mẫu mới – không kém phần đáng ngại – lại xuất hiện.
Nhãn thực phẩm “ảo tưởng lành mạnh”
Một nghịch lý kỳ lạ của thế kỷ 21: con người quan tâm đến sức khỏe hơn bao giờ hết, nhưng chế độ ăn uống của chúng ta lại chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn và không lành mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Ở Mỹ, thực phẩm siêu chế biến chiếm hơn một nửa lượng calo tiêu thụ. Trong khi đó, các nhãn thực phẩm lại ngập tràn những từ ngữ tiếp thị khiến sản phẩm có vẻ lành mạnh hơn thực tế.
Một hộp granola có thể được dán nhãn “hữu cơ”, nhưng vẫn chứa đủ lượng đường để làm bạn tăng đường huyết vùn vụt. Một bữa ăn sẵn “giàu protein” có thể vẫn đầy chất béo chuyển hóa. Còn một ổ bánh mì “ngũ cốc nguyên cám” nghe có vẻ tốt, nhưng nếu làm từ ngũ cốc tinh chế thì phần lớn chất xơ và dưỡng chất đã bị loại bỏ trong quá trình sản xuất.
Bạn cũng có thể thấy nhãn “không cholesterol” trên thực phẩm thuần chay – dù thực tế là tất cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật đều không có cholesterol.
Hiệu ứng này cũng hoạt động theo chiều ngược lại. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng thực phẩm biến đổi gen có tiềm năng lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng nhiều người tiêu dùng lại dè chừng chỉ vì nhãn dán. Trong khi đó, những sản phẩm gắn mác mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học lại được quảng bá như thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Ồ, nó “hoàn toàn tự nhiên” à? Tuyệt. Arsenic (thạch tín) cũng thế.
“Tư thế quyền lực”
Ngực ưỡn, ngả vai ra sau, hướng cằm lên cao. Lĩnh vực ngôn ngữ cơ thể – vốn thiếu vững chắc – đã được tiếp thêm sinh lực vào năm 2010 khi các nhà nghiên cứu từ Harvard và Columbia phát hiện ra rằng một số tư thế nhất định có thể khiến chúng ta cảm thấy mạnh mẽ và kiểm soát hơn.
Không chỉ vậy, những tư thế “mở rộng” đúng cách – chẳng hạn như hơi ngả người với hai tay đặt sau đầu – có thể giúp giảm hormone căng thẳng và tăng testosterone.
Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng. Các CEO đi đứng đầy vênh váo trong phòng họp, và mọi người bắt đầu thắc mắc tại sao các chính trị gia lại đứng thuyết trình như siêu anh hùng.
Năm năm sau, “tư thế quyền lực” đánh mất phần lớn hào quang khi các nhà nghiên cứu nhận ra rằng một số kết quả từ nghiên cứu ban đầu không đúng. Thực tế, toàn bộ lĩnh vực tâm lý học xã hội đang lung lay vì điều được gọi là “Khủng hoảng Tái lập Kết quả”.
Dù vậy, chắc chắn một cái bắt tay thật chắc vẫn có thể giúp lấy lại chút uy thế.
Mars One
Cần tuyển: 40 người gan dạ để xây dựng khu định cư đầu tiên của con người trên Sao Hỏa.
Năm 2011, doanh nhân người Hà Lan Bas Lansdorp đã có một giấc mơ đưa loài người lên Hành tinh Đỏ. Có một điều kiện: Mars One là chuyến đi một chiều, không có vé khứ hồi.
Điều này dường như không khiến mọi người chùn bước – cũng như việc Lansdorp có kế hoạch một phần tài trợ cho cái chết chậm rãi của họ bằng một chương trình truyền hình thực tế kiểu Big Brother.
Các nhà khoa học và kỹ sư hàng không vũ trụ cảm thấy kinh hãi, liệt kê hàng loạt vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thiết bị, hậu cần và sức khỏe phi hành gia. Nhưng cuối cùng, họ không cần phải lo lắng lâu. Mars One tuyên bố phá sản vào năm 2019.
Kỹ thuật can thiệp khí hậu
Cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng đến mức nhiều nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng phun aerosols vào tầng khí quyển trên cao để phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại không gian. Những người khác đề xuất phủ tấm che lên các sa mạc và sông băng. Lại có những kế hoạch can thiệp vào thời tiết hoặc điều chỉnh độ kiềm của đại dương.
Hầu hết các dự án kỹ thuật can thiệp khí hậu đều gây tranh cãi, với kết quả chưa chắc chắn và tác động phụ chưa rõ ràng. Nhưng, bạn biết đấy… không thử thì sao biết? Đàm phán khí hậu đang bế tắc, còn tiến trình khử carbon thì quá chậm chạp. Thôi thì cứ mơ mộng vậy, nhỉ?
Như nhà văn Mỹ Eli Kintisch từng nói: kỹ thuật can thiệp khí hậu là một ý tưởng tồi – nhưng đã đến lúc phải thử nó.