
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã giải thích cách tiếp cận cứng rắn về thuế quan với một loạt lập luận mâu thuẫn: Các quốc gia khác đang “trục lợi” từ nước Mỹ và cần phải chấm dứt điều đó; Hoa Kỳ đang chiến đấu trong một cuộc chiến ma túy với Canada, Mexico và Trung Quốc; Thuế quan sẽ giúp giảm khoản nợ quốc gia trị giá 36 nghìn tỷ USD. Hàng loạt thông điệp chắp vá như vậy đã được các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump sử dụng để biện minh cho việc khởi động các cuộc chiến thương mại khiến thị trường hoang mang.
Sự chắp vá trong thông điệp (hodgepodge of messages) này xuất hiện khi nền kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu căng thẳng trước các mức thuế cao mà ông Trump áp lên Canada, Mexico và Trung Quốc, đồng thời ông cũng chuẩn bị ban hành các mức thuế “có đi có lại” đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới vào ngày 2 tháng 4.
Các mức thuế này đã gieo rắc sự bất định và làm giảm đầu tư kinh doanh cũng như niềm tin tiêu dùng, trong khi khiến thị trường dao động hàng ngày. Chúng cũng có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách chờ xem chính xác ông Trump sẽ thực hiện biện pháp nào và tác động ra sao đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, thay vì cố gắng đưa ra chiến lược kinh tế rõ ràng hơn, ông Trump và các cố vấn dường như đang coi sự bất định trong cách tiếp cận của mình là một đặc điểm, chứ không phải là một sai sót (a feature, not a bug).
“Chắc chắn là, từ giờ đến ngày 2 tháng 4, sẽ có một số bất định,” ông Kevin Hassett, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết trên CNBC trong tuần này khi được hỏi các nhà đầu tư nên hiểu như thế nào về chương trình thương mại của ông Trump.
Khi được hỏi liệu có làm rõ thêm cho cộng đồng doanh nghiệp về cách tiếp cận tổng thể của mình hay không, ông Trump hầu như phớt lờ những lo ngại rằng các tập đoàn cần sự ổn định.
“Không, tôi nghĩ đó chỉ là điều họ nói,” ông nói với Maria Bartiromo, người dẫn chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News trong tháng này. “Nghe thì có vẻ hay. Nhưng trong nhiều năm qua, những người theo chủ nghĩa toàn cầu, những kẻ toàn cầu lớn đã trục lợi từ nước Mỹ. Họ đã lấy tiền khỏi nước Mỹ. Và tất cả những gì chúng ta đang làm là lấy lại một phần. Chúng ta sẽ đối xử công bằng với đất nước mình.”
Ông Trump cũng từ chối loại trừ khả năng xảy ra suy thoái – kịch bản mà các nhà kinh tế và nhà phân tích cảnh báo có thể sẽ trở nên hiện thực hơn trong bối cảnh bất định như vậy.
Sự bất định này đã lọt vào tầm ngắm của Cục Dự trữ Liên bang, khi cơ quan này vào thứ Tư đã giữ nguyên lãi suất và dự báo lạm phát cao hơn cùng tăng trưởng chậm lại cho nền kinh tế Mỹ.
“Bất định đang ở mức rất cao,” ông Jerome H. Powell, Chủ tịch Fed, cho biết.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch tuần này cũng cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu mà ông Trump khởi động sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu, làm chậm sản lượng của Mỹ, đồng thời làm tăng giá cả và trì hoãn việc Fed cắt giảm lãi suất.
“Việc tăng thuế sẽ khiến giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao, làm giảm tiền lương thực tế và tăng chi phí cho các doanh nghiệp, trong khi sự bất định gia tăng về chính sách sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư kinh doanh,” ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của Fitch, cho biết.
Phần lớn sự gia tăng bất định này xuất phát từ thực tế là ông Trump coi thuế quan như một công cụ đàm phán cho mọi vấn đề chính sách, thay vì là biện pháp để khắc phục các méo mó thương mại. Theo cách tiếp cận đó, ông muốn giữ sự khó lường để tối đa hóa đòn bẩy đàm phán.
“Không ích lợi gì khi chiến lược Trump nhiệm kỳ hai cho đến nay thiếu sự nhất quán và điều phối hiệu quả,” ông Navin Girishankar, Chủ tịch bộ phận an ninh kinh tế và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, viết trong một phân tích tuần này. “Sự biến động chính sách hiện đã lan sang các thị trường tài chính và, theo một số nhận định, cả nền kinh tế thực và các cộng đồng trên khắp đất nước.”
Bà Henrietta Treyz, Giám đốc chính sách kinh tế tại công ty đầu tư Veda Partners, cho biết các nhà lập pháp vẫn hy vọng rằng thuế quan chỉ là một chiêu bài đàm phán răn đe và thị trường sẽ ổn định trở lại khi cuối cùng có được “sự rõ ràng” về các mức thuế này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn do dự.
“Đang có quan điểm nổi lên tại Quốc hội rằng khi chúng ta qua ngày 1 tháng 4, sự rõ ràng sẽ xuất hiện và thị trường sẽ lắng dịu,” bà Treyz nói. “Nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại không đồng tình, họ cho rằng sự bất định là nguyên nhân khiến thị trường biến động trong ngắn hạn, và họ cũng coi các hệ quả kinh tế là vấn đề nghiêm trọng không kém, nếu không muốn nói là nghiêm trọng hơn.”
Mặc dù ông Trump đã cho thấy sự sẵn sàng trì hoãn hoặc nới lỏng các mức thuế như một phần trong chiến lược đàm phán của mình, nhưng không rõ phản ứng của thị trường có ảnh hưởng đến các quyết định của ông trong nhiệm kỳ hai hay không. Và khác với nhiệm kỳ đầu, các cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump dường như cũng không còn xu hướng kiềm chế bản năng của ông.
“Đây là những chính sách quan trọng nhất mà nước Mỹ từng có,” ông Howard Lutnick, Bộ trưởng Thương mại, nói với CBS News khi được hỏi trong tháng này liệu các mức thuế của ông Trump có giá trị hay không ngay cả khi chúng khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. “Rất giá trị.”
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người trong tuần này cũng từ chối loại trừ khả năng xảy ra suy thoái, đã tỏ ra lạc quan trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba rằng một số mức thuế sắp tới có thể được rút lại nếu các quốc gia khác hạ rào cản thương mại. Tuy nhiên, ông cũng không né tránh quan điểm rằng chủ nghĩa bảo hộ là chính sách đúng đắn.
“Tổng thống Trump đã xác định một số ngành công nghiệp then chốt – những ngành then chốt mà chúng ta đã để vuột mất,” ông Bessent nói trên Fox Business Network. “Ông ấy muốn đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ và chúng tôi đang áp các mức thuế này.”
Tình trạng bất định kéo dài dường như đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, làm đình trệ các hoạt động mua bán doanh nghiệp và làm chậm một số loại hình đầu tư kinh doanh.
Ông Lawrence H. Summers, người từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho biết ngay cả khi ông Trump cuối cùng rút lại các mức thuế của mình, chúng cũng đã gây ra những tổn hại.
“Đây là những bước đi vô cùng có vấn đề ngay cả khi bị đảo ngược,” ông Summers nói. “Chúng tạo ra một sự bất định lớn bao trùm nền kinh tế.”
Nền kinh tế Mỹ đã cho thấy những dấu hiệu căng thẳng khi Tổng thống Trump áp các mức thuế cao đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, đồng thời chuẩn bị thực hiện các mức thuế “đối ứng” đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Ảnh: The New York Times