
Apple vừa bị cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu phải mở hệ sinh thái khép kín của mình cho các đối thủ, đồng thời đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện theo quy định mới của khối này, trong đó nêu rõ việc không tuân thủ có thể dẫn đến điều tra và án phạt.
Động thái này của Ủy ban châu Âu diễn ra sau sáu tháng kể từ khi cơ quan này mở thủ tục gọi là “quy trình minh định” nhằm đảm bảo Apple tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), một nỗ lực nhằm kiềm chế quyền lực của các ông lớn công nghệ.
Yêu cầu đầu tiên của EU buộc Apple phải cho phép các nhà sản xuất điện thoại thông minh, tai nghe và thiết bị thực tế ảo khác truy cập vào công nghệ và hệ điều hành di động của hãng để các thiết bị này có thể kết nối liền mạch với iPhone và iPad.
Yêu cầu thứ hai của EU đưa ra quy trình và thời gian biểu cụ thể để Apple phản hồi các yêu cầu tương thích từ các nhà phát triển ứng dụng.
Apple đã chỉ trích lệnh của EU, cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại cho người dùng và giúp đỡ các đối thủ của hãng.
“Các quyết định ngày hôm nay trói buộc chúng tôi trong những thủ tục hành chính phức tạp, làm chậm khả năng đổi mới của Apple dành cho người dùng châu Âu và buộc chúng tôi phải cung cấp miễn phí các tính năng mới cho những công ty không phải tuân theo các quy tắc tương tự,” Apple cho biết qua email.
“Điều này không có lợi cho sản phẩm của chúng tôi cũng như người dùng tại châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban châu Âu để giúp họ hiểu rõ hơn về những lo ngại của chúng tôi vì lợi ích của người dùng,” Apple nói thêm.
Bà Teresa Ribera, Giám đốc chống độc quyền của EU, cho biết trong một tuyên bố: “Với các quyết định này, chúng tôi đơn thuần là thực thi pháp luật và mang lại sự minh bạch về quy định cho cả Apple lẫn các nhà phát triển.”
Apple có thể bị điều tra nếu các nhà quản lý phát hiện hãng không tuân thủ lệnh trên, với mức phạt có thể lên tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Những chiếc iPhone của Apple được trưng bày trong cửa hàng Apple đầu tiên tại Ấn Độ trong buổi giới thiệu với truyền thông. Ảnh: Reuters